
Lúc ấy, khoảng 9 giờ sáng, trong ngôi nhà dài của già K'Men có một người đàn ông khoảng 40 tuổi là người Kinh, một phụ nữ chắc chỉ 25 tuổi, hoặc hơn một tý. Người phụ nữ ăn mặc theo lối phụ nữ Mạ, váy áo thổ cẩm. Cả hai tự giới thiệu là cán bộ phòng văn hóa huyện có nhiệm vụ về buôn Đạ Sa, nơi cư trú của gần 200 nóc nhà người Mạ.
Lúc ấy, khoảng 9 giờ sáng, trong ngôi nhà dài của già K’Men có một người đàn ông khoảng 40 tuổi là người Kinh, một phụ nữ chắc chỉ 25 tuổi, hoặc hơn một tý. Người phụ nữ ăn mặc theo lối phụ nữ Mạ, váy áo thổ cẩm. Cả hai tự giới thiệu là cán bộ phòng văn hóa huyện có nhiệm vụ về buôn Đạ Sa, nơi cư trú của gần 200 nóc nhà người Mạ. Họ nói có nhiệm vụ thu mua một số bộ chiêng quý để trưng bày tại nhà bảo tàng của huyện. Người đàn ông nói giọng ngọt như mật ong rừng đầu mùa:
- Tổ chức di sản của Liên hiệp quốc đã có quyết định công nhận “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản văn hóa của thế giới. Đây là vinh dự cho đồng bào các dân tộc ở năm tỉnh Tây Nguyên, trong đó có người K’Ho, người Mạ ở Lâm Đồng ta. Vinh dự này phải để cho tất cả 54 dân tộc anh em trong nước ta và thế giới cùng biết, cùng thưởng thức. Cho nên trên cử chúng con về đây để mua lại một số bộ chiêng để trưng bày tại huyện nhằm giới thiệu với khách nước ngoài. Họ được chiêm ngưỡng, nghiên cứu cồng chiêng của người Mạ ta, họ sẽ đầu tư giúp người Mạ giàu lên. Con tự giới thiệu, con là Trần Quàng, chuyên viên của phòng văn hóa huyện ta đây, và Ka Liên, cũng là người Mạ ta, ở buôn bên đây ạ, cũng là chuyên viên của phòng văn hóa.
Già K’Men gật gật cái đầu, nhìn cô gái già tự hỏi, nó bôi gì vào người mà mùi thơm không giống hương hoa rừng Tây Nguyên như những đứa con gái người Mạ ta vẫn dùng cây lá rừng với nước suối Đạ Bin.
 |
Minh họa: Phan Nhân |
Sau khi cạn ly rượu mà anh chuyên viên kia nói là rượu ngoại, những hai triệu đồng một chai, già nói:
- Ta hỏi cán bộ đây, đầu tư là gì à?
- Thưa già, đầu tư là người nước ngoài đem thật nhiều tiền, gạo, trâu bò đến cho buôn làng ta, không phải mua bán gì. Vậy là buôn ta có hai cái lợi: Bán chiêng có tiền, lại được người ta cho thêm tiền.
Trần Quàng còn nói nhiều nữa. Vừa nói, anh ta vừa liên tục rót rượu mời già K’Men. Lần đầu tiên trong đời mình, đã qua 68 mùa rẫy, già mới được uống thứ rượu này. Ấy dà, ngon thật. Lại… cái món nhậu kia, thịt chó nướng, già không lạ, nhưng hôm nay nó ngon hơn rất nhiều so với những người Kinh bán thịt chó ở xã này. Tuổi 68 nhưng chân tay già săn chắc, bắp thịt cuồn cuộn, vồng ngực nở nang. Mắt sáng. Già uống rượu không biết say. Nhưng uống xong, già lại bị cái con ma ngủ kéo cặp mắt của già lại. Cướp thờ cơ, Trần Quàng nói ngay:
- Vậy bộ chiêng của già, già định giá bao nhiêu? Con trả tiền ngay, không thiếu một đồng.
Già K’Men nói, cả bộ 6 cái, ta mua bằng 8 con trâu to đấy. Trần Quàng nói, 8 con bằng 16 triệu già ạ. Già để cho Nhà nước đi mà. Như vậy là già có thành tích với huyện. Nhà nước sẽ ghi công già, sẽ mời nước ngoài cho già thêm tiền nữa à. Chiêng của già sẽ là vật Quốc bảo chứ không phải của gia bảo nữa. Quý lắm mà. Già K’Men hỏi Quốc bảo, gia bảo là gì cán bộ à?
- Dạ, gia bảo là vật quý báu của riêng một gia đình già thôi. Quốc bảo là vật quý báu của cả nước ta, nên có giá trị lắm mà.
Già K’Men nói, đã là vật quý báu của quốc gia thì phải thêm tiền cho ta nữa đi. Phải hơn 16 triệu à. Trần Quàng định nói thì cô gái có tên Ka Liên nói:
- Già K’Men ơi, già phải thấy đây là vinh dự cho cả nhà già, cho cả buôn làng người Mạ, lẽ ra già phải biếu không cho Nhà nước, nhưng chúng cháu đại diện cơ quan Nhà nước không để cho nhân dân thiệt thòi đâu.
Già K’Men vờ như không thấy Trần Quàng lấy ngón tay ra hiệu gì đó cho Ka Liên. Già K’Men nghĩ Yàng ơi, nó là con gái người Mạ ta mà nói tiếng Kinh như cái đứa nói trên tivi thế nhỉ? Mà sao… cái da nó trắng như da của trái trứng gà luộc thế kia chứ. Người Mạ ta ai cũng da đỏ mà. Nghĩ thế, nhưng già không nói ra, mà già vẫn khăng khăng đòi thêm 10 triệu. Trần Quàng giở bài cuối cùng:
- Chiêng của già không đẹp và không có giá trị bằng chiêng của người Ê đê, Ba na đâu…
- Sao vậy chứ, cán bộ à? Không giá trị sao cái Liên hiệp quốc lại xếp loại di sản. Rồi như cán bộ nói chiêng của ta sẽ là Quốc bảo đấy chứ!
Quàng lúng túng một lát nhưng cố lấy bình tĩnh:
- Vòng bạc mà già đeo trên cổ kia có giá hơn vòng bạc trẻ em đeo chứ. Vòng trẻ em cũng quý nhưng nhỏ thì ít tiền hơn. Vả lại, chiêng của người Ba na, Ê đê… có vú, chiêng của già không có vú nên giá rẻ hơn chứ.
Sau một hồi thuyết phục, già K’Men chấp nhận lấy thêm 5 triệu nữa. Hai cán bộ văn hóa huyện ra khỏi nhà, già K’Men tìm chỗ giấu gói tiền, đóng chặt cửa rồi nhanh chân chạy đường tắt đến nhà anh Hùng, trưởng công an xã. Khi ông mặt trời sắp lặn sau rặng núi Con Ó ở phía Tây, con trai, con dâu, của già từ rẫy về. K’Me, con trai út của già K’Men không thấy bộ chiêng hàng ngày treo ở giữa nhà liền hỏi bạp (bố), già K’Men nói:
- Bán cho Nhà nước lấy tiền thôi à.
Con trai già giật mình, anh đi họp đoàn ở buôn, rồi lên xã, anh được phổ biến về di sản quý báu cồng chiêng Tây Nguyên. Tóm lại là phải giữ gìn, không được bán đi, vậy mà bố mình lại bán. Mà bán cho Nhà nước là ai đi mua chứ? Hỏi bạp, bạp nói là hai cái người ở phòng văn hóa huyện ta đây lên mua cho Nhà nước đấy. Người Nhà nước là ta tin rồi à.
- Bạp bán bộ chiêng ấy bao nhiêu tiền chứ?
- Hai mươi cái triệu đấy.
- Hả, sao lại chỉ hai mươi triệu?
- Thì… ta bán rẻ cho Nhà nước, Nhà nước sẽ nói với cái người nước ngoài đầu tư tiền, gạo cho cả buôn ta đấy.
K’Me hoảng hốt vì giá quá rẻ. 20 triệu, thời giá bây giờ không mua nổi 5 con trâu tốt. Phải tìm Ka Mun, nó là trưởng ban văn hóa xã, hỏi nó cho rõ ngọn nguồn con suối mới được.
… Ka Mun mỉm cười khi nghe K’Me kể lại. Cô cho biết trưa nay có gặp già K’Men ở nhà anh Hùng rồi. Gần đây trên có thông báo là buôn Đạ Sa của mình đã có 6 người bán chiêng cho mấy người tự xưng là người của phòng văn hóa đến mua. Hiện nay ở một số buôn làng người Mạ, người K’Ho có việc bà con ta bán chiêng cho những người buôn đồ cổ đem bán cho người nước ngoài. Đám người đi lùng tìm mua chiêng lấy danh nghĩa là cán bộ bảo tàng, cán bộ văn hóa, do vậy cán bộ, nhân dân các buôn làng người Mạ, người K’Ho… phải nâng cao cảnh giác, không để mất đi vật báu của dân tộc mình. Đám người mua chiêng cứ nhằm vào lúc mọi người trong buôn đi làm rẫy, ở nhà chỉ có trẻ em và người già, họ dụ dỗ, mua chuộc bằng rượu thịt ngon, vải vóc, quần áo, sữa đường, mỳ tôm… để mua với giá rẻ mạt. Phải hoan nghênh già K’Men đã cho chúng tôi biết. Mặc dù hai đứa ấy đã bị công an bắt ở đầu buôn vào hai giờ chiều nay, nhưng phải tổ chức họp buôn ngay tối nay. Đêm ấy, buổi họp được tổ chức tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Đại diện phòng văn hóa và đội an ninh văn hóa của công an huyện đã có ý kiến đại ý như sau:
- Người đàn bà tên là Ka Liên đi cùng người đàn ông tên là Trần Quàng không phải là người Mạ, người K’Ho ở Lâm Đồng ta đâu bà con cô bác ạ. Họ là những người chuyên nghề săn lùng đồ cổ bán ra nước ngoài. Cồng chiêng của người Tây Nguyên ta đã được thế giới ghi nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Chúng ta phải tự hào và phải giữ gìn bằng được cho thế hệ mai sau.
Già K’Men nghe hai cán bộ nói càng thấy cái đầu sáng thêm. Mấy cái nhà trong buôn ta cùng uống nước con suối Đạ Bin, mà lại không biết được nó quý lắm, để rồi lại bỏ nó đi. Cái đầu chúng nó tối để cái chân đi sai đường rồi. Còn ta phải trả tiền cho nó để lấy lại bộ chiêng của ta thôi. Chiêng của ta đánh lên, nó có tiếng ngân vang lâu lắm mà. Bốn mươi mùa rẫy trước, bố ta nói bộ chiêng này bố mua bằng sáu con trâu, nó có cả vàng bên trong nên tiếng ngân rất lâu… Ầy dà, tưởng là lừa được ta đấy à? Kia kìa, cán bộ lại đang nói đấy.
- Một người đàn ông, một người đàn bà đã đem chiêng của người Mạ ta bán ra nước ngoài, nay bị công an ta bắt rồi. Bọn nó khai ra, đã mua ba bộ chiêng của ba gia đình người Mạ ở buôn Đạ Sa này, và bốn bộ của bốn gia đình ở buôn Đạmri thuộc xã ta đây. Số chiêng này sẽ trả lại cho các gia đình. Số tiền bán chiêng nộp vào ngân sách nhà nước. Nhân đây, cấp trên gửi lời khen già K’Men đã cảnh giác, kịp thời thông báo cho anh Hùng để giữ lại các bộ chiêng quý. Đề nghị dân trong buôn ta hoan nghênh già.
Yàng ơi, trông hai đứa cũng giống người đàng mình mà nó lại lừa ta với mấy người nữa trong buôn à! Lúc ra về, nó còn để lại cho ta ba chai rượu ngoại nữa đấy. Tưởng là cái bụng nó tốt, vậy mà bụng nó xấu thôi à. Lại cái con gái tự xưng là người Mạ ở buôn huyện bên. Ầy dà, gần 70 mùa rẫy ta sống, con gái người Mạ ta có ai trắng da như nó, tóc đen như nó chứ. Yàng ơi, nó đẹp mà nó đi với kẻ xấu à?
… Cuộc họp tan, già K’Men lững thững ra suối, trong bụng già như có hàng loạt hồi chiêng ngân. Trăng mười lăm tròn như cái đĩa vàng ai ném xuống suối kia. Có lẽ đến hơn 10 giờ đêm rồi. Tiếng gì như tiếng chiêng ấy nhỉ? À, ta nhớ ra rồi, sắp đến tết mừng cơm mới, có hội đâm trâu nên đám con gái, con trai trong buôn đang tập chiêng ở nhà thằng K’Minh, bí thư xã đoàn này đấy. Phải rồi, cán bộ đã nói: Người nước ngoài còn muốn lấy báu vật của ta, sao ta lại không biết giữ của chính ta chứ? Chiêng, nó là cái gì đấy mà? À... à ta nhớ ra rồi, cán bộ nói cồng chiêng là giá trị văn hóa dân tộc, không để mất văn hóa, mất văn hóa là mất hết, ầy dà, thế mà bây giờ cái mắt ta mới sáng ra… Ờ ờ, văn hóa, văn hóa. À, mà còn nữa chớ - còn cái mà cán bộ công an, cán bộ văn hóa nói hiện nay đang bị chảy máu đồ cổ, chảy máu đồ cổ là mất đi chiêng quý, ché quý đấy, ta với buôn làng phải giữ nó thôi.
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG