Đọc sách ngày xuân

09:02, 22/02/2018

Có rất nhiều tài liệu, sách, truyện viết về triều đại nhà Trần và các nhân vật lịch sử của triều Trần. Một triều đại cực thịnh trong lịch sử đất nước ta, đã để lại niềm tự hào lớn lao cho muôn đời con cháu sau này. Ngày nay, chúng ta có thể đếm được khoảng gần 30 nhân vật của đời nhà Trần được đặt tên đường phố, trường học hoặc các công trình công cộng..

Có rất nhiều tài liệu, sách, truyện viết về triều đại nhà Trần và các nhân vật lịch sử của triều Trần. Một triều đại cực thịnh trong lịch sử đất nước ta, đã để lại niềm tự hào lớn lao cho muôn đời con cháu sau này. Ngày nay, chúng ta có thể đếm được khoảng gần 30 nhân vật của đời nhà Trần được đặt tên đường phố, trường học hoặc các công trình công cộng... hình như là nhiều nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến của đất nước. Điều đó nói lên rằng thực sự đã có một thời cực thịnh, một thời mà đất nước có rất nhiều người tài, rất nhiều người trung chính một lòng một dạ vì dân vì nước. Là con cháu sau gần nghìn năm càng đọc, càng nghiền ngẫm về tổ tiên mình càng thêm  niềm tự hào dân tộc. Những ngày cuối năm bầu trời cao rộng, không gian dịu mát, rũ hết những bận rộn, tâm hồn thanh thản, ngồi bên thềm dưới những cánh hoa đào mới nở đọc lại một lần nữa bộ sách “Bão táp triều Trần” của Hoàng Quốc Hải càng thấy thú vị vì tính trung thực với lịch sử và càng thấm cái thâm thúy của người xưa. Tác giả đã nêu lên nhiều vấn đề hình như chưa bao giờ hết tính thời sự đối với Tổ quốc và với những người mang trọng trách với dân với nước.
 
Bộ sách “Bão táp triều Trần” của Hoàng Quốc Hải. Ảnh: Internet
Bộ sách “Bão táp triều Trần” của Hoàng Quốc Hải. Ảnh: Internet
Triều đại nhà Trần bắt đầu sự nghiệp từ năm 1.225 bằng sự kiện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh để trở thành vị vua Trần đầu tiên, vua Trần Thái Tôn, và kết thúc vào năm 1.400 bởi vua Trần Thiếu Đế. Tất cả trị vì 175 năm với 12 đời vua. Ở thời kỳ cường thịnh, các vua Trần đã có công lớn 3 lần thắng quân Nguyên - Mông. Đế quốc Nguyên - Mông vào thời ấy trải dài từ bờ Hắc Hải cho tới Thái Bình Dương, là đế quốc hùng mạnh và hung hãn nhất trong lịch sử thế giới, đã đánh chiếm gần hết châu Á và quá nửa châu Âu. Vó ngựa Nguyên - Mông tràn đến đâu là thành trì sụp đổ đến đó, không có nước nào là địch thủ xứng tầm, ngay cả những nước lớn như Nga, Trung Hoa cũng bị khuất phục và chịu ách đô hộ. Nhưng khi kéo quân xuống Đại Việt thì cả 3 lần đều bị quân dân nhà Trần đánh cho tơi bời manh giáp, đến nỗi quan quân nhà Nguyên tháo chạy về đến thành Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) mà vẫn còn ngực đập chân run! Chẳng những mạnh về quân sự, chính trị, nhà Trần còn phát triển mạnh mẽ sự nghiệp đào tạo nhân tài cũng như xây dựng kinh tế, trong đó việc thực hiện chính sách ngụ nông ư binh đã đem lại thành công lớn trong chiến lược kinh tế - quốc phòng. Tác giả Hoàng Quốc Hải dành nhiều trang sách ca ngợi sự thâm thúy của những nhân vật huyền thoại trong lịch sử.
 
Nói về Trần Thủ Độ, người thiết kế nên sự nghiệp nhà Trần, tác giả khai thác nhiều về thái độ của ông đối với kẻ sĩ, và tinh thần cầu thị đối với người tài, một người quyền uy trùm lên cả triều đình nhưng ông luôn biết giữ lễ với kẻ sĩ. Trần Thủ Độ đã nhiều lần lên núi mời thầy về kinh thành để dạy cho ông về phép trị quốc. Hoàng tiên sinh là một bậc trí giả đã đôi lần dâng sớ hạch tội bọn dối vua, hại dân và cả kế sách chấn hưng đất nước nhưng nhà vua không nghe, các đời vua cuối triều Lý hèn yếu, sa đọa ham chơi, trụy lạc. Ông bỏ lên núi dựng lều đọc sách, trồng thuốc, vui thú cùng thiên nhiên lánh xa xã hội đầy rẫy những thối nát bất công, Hoàng tiên sinh sống với triết lý “Tri túc tâm thường lạc - Vô cầu tự phẩm cao” có nghĩa là “Biết đủ thì tâm lúc nào cũng vui, không cầu cạnh thì tự có phẩm giá cao”. Để thuyết phục Hoàng tiên sinh, Trần Thủ Độ đã tự nói về mình “... Tự thấy bất tài kém đức mà ngồi trên thiên hạ có khác nào ngồi trên tổ kiến lửa... Mà nếu tiên sinh không chê kẻ này là hèn kém, bỉ lậu thì xin tiên sinh xuống núi giúp đời, trị nước, chỉ bảo cho lũ chúng tôi thấy đường sáng, bỏ đường tối”. Ông tự nhận ra rằng mình “Xuất thân từ nghề chài lưới, sông nước, quen ăn sóng nói gió thô cằn. Học hành ít. Vốn liếng chữ nghĩa không đủ để đọc được bài văn khấn. Nay lại nghiễm nhiên giữ chức quan đầu triều...” ông chỉ giỏi cầm quân đánh dẹp, “còn mưu lược trị nước, sai khiến thiên hạ, thu phục kẻ sĩ, ông lại rất lơ mơ giống như một kẻ mù lòa nghênh ngang đi giữa chợ”. Trong lịch sử từ cổ chí kim, người nắm trong tay quyền sinh sát tối thượng, có thể hô mưa gọi gió mà biết nhìn ra cái dở, cái nhược của chính mình và dám bày tỏ thật lòng với người khác thì quả là xưa nay hiếm! Chẳng những vậy có lúc ngồi đàm đạo với nhau ông đã nhờ vị tiên sinh chỉ ra cái bất thiện của mình, sau khi đắn đo và cảm nhận được vị quan đầu triều thật lòng muốn nghe. Tiên sinh đã chỉ ra rằng quan ông có tới 7 điều bất thiện như là: “Nhỡn quan hẹp; tri thức hẹp; thiếu lòng bao dung; không thực bụng tin người; nặng bè đảng, nhẹ hợp quần; chưa hết lòng thương dân, nhiều vùng đã qui phục nhưng triều đình vẫn để dân đói khổ, lưu tán...”. Nghĩ ra, nếu một người bình thường thôi mà nghe người khác chỉ ra những cái nhược chết người như bị chạm nọc vậy thì có lẽ cũng không thở nổi huống hồ đó lại là một người tạo dựng nên cơ nghiệp của một triều đại cực mạnh, một con người đầy quyền uy. Một thách thức dễ bị mất đầu như chơi! Quả vậy! Mặt quan ông đi từ tái sang sạm đen, mồ hôi vã ra như người bị trúng độc! Nhưng không hề sợ sệt và rất tỉnh táo Tiên sinh buông một câu nhẹ tênh: “Thưa quan ông, liệu tôi có quá lời chăng?”. Câu hỏi đã làm cho Trần Thủ Độ chợt tỉnh sụp xuống thi lễ và cho rằng mình như vừa uống một liều tróc độc nên không tránh khỏi cơ thể mệt mỏi “Tôi toát hết cả mồ hôi, lạnh buốt cả xương sống sau mỗi điều tiên sinh nói” quan ông thật thà thú nhận đây là lần đầu tiên nhờ có Tiên sinh chỉ cho mới thấy rõ những điều bất thiện của mình “Tôi quyết đổi lỗi chứ không đổi dạ thờ tiên sinh”. Điều đáng suy ngẫm ở đây là người đời sau cần học  ở người xưa về bản lĩnh tự thắng mình, nhiều người có thể thắng hàng trăm, hàng ngàn kẻ địch, nhưng rất hiếm người thắng được chính mình! Xem ra một con người xuất thân từ nghề chài lưới mà chẳng những đã xuất chúng trên con đường lập quốc lại còn thâm sâu về triết lý: “Người nêu được ưu điểm của mình là bạn mình, nhưng người chỉ ra được nhược điểm của mình mới chính là thầy mình”. Hoàng tiên sinh với tư cách một kẻ sĩ tiêu biểu cho tinh thần “phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, người không tham phú, cầu vinh, không run sợ trước uy quyền để nói lời nịnh nọt đãi bôi, ông đã đột thẳng vào tâm can của một vị quan đầu triều. Về phía Trần Thủ Độ, tuy bị soi thấu những nhược điểm chí tử của mình nhưng ông đã chiến thắng được lòng kiêu hãnh để giữ lễ và thật sự cầu thị. Là người có công sáng lập nên triều Trần, là người nắm quyền điều hành thực sự khi vua Trần mới lên 8 tuổi, là người đánh đông dẹp bắc, trừ loạn, xây dựng nền móng vững mạnh cho triều Trần giai đoạn đầu và góp công lớn trong công cuộc đánh thắng quân Mông Nguyên lần thứ nhất với câu nói nổi tiếng trong lịch sử. Đó là khi vó ngựa Nguyên Mông rầm rập tràn xuống biên giới nước ta, nhiều người đã có tư tưởng đầu hàng và có kẻ đã trốn theo giặc, có người run sợ không nói nên lời chỉ chấm tay vào nước sông viết lên mạn thuyền 2 chữ “Nhập Tống” để khuyên vua. Nhưng Trần Thủ Độ không hề e sợ bọn xâm lược phương Bắc, mặc dù dưới gầm trời thuở ấy chưa một thế lực nào có thể ngăn cản được đội quân bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Hãn. Trước mặt vua, ông đã khẳng khái tâu: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”. Đọc, suy ngẫm và nhận ra rằng Trần Thủ Độ không chỉ quên phần mình để xây dựng nghiệp Trần. Kể cả ông chấp nhận cho cá nhân mình cái việc mà ông rất e ngại đó là ngòi bút của nghìn đời sau còn lên án việc ông sát hại hàng trăm những tôn thất nhà Lý trong kế hoạch làm cỏ của mình. Mà ông còn gắn sự nghiệp nhà Trần với sự nghiệp bảo vệ đất nước của dân tộc ta đánh đuổi quân xâm lăng. Bởi vậy mà người thầy ông tôn thờ đã có lần nhận xét ông vừa gian hùng vừa rất anh hùng! Nói về kế sách trị nước, ông hỏi cao kiến của vị Tiên sinh nhưng như ra đề cho thầy giải. Đó là làm sao đưa hình luật ra cho hợp lý mà từ người trí đến kẻ ngu đều chấp nhận được. Và ông tâm đắc với câu trả lời của Tiên sinh “... Việc tối kỵ là chỉ san định những điều có lợi riêng cho các người cầm quyền, mà thiệt hại cho dân chúng, thì đấy sẽ là đầu mối của sự loạn!”. Dùng câu chuyện tầm sư học đạo của Trần Thủ Độ, tác giả đã nêu bật cái hay, cái thâm thúy của người xưa. Sách cũng ca ngợi nhiều về bà Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ của Trần Thủ Độ một người đàn bà đảm đang quán xuyến công việc trong cung đình giúp chồng và giúp nhà vua từ lúc khởi đầu sự nghiệp cho đến lúc chiến tranh với quân Mông - Thác. Bà có công lớn trong việc chỉ huy cất giấu lương thực, di dời cung cấm trong chiến dịch vườn không nhà trống khi giặc tràn vào kinh đô. Và bà chủ động tiếp tế lương thực, khí giới khi quân đội phản công đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Bà cũng rất thâm thúy khi phê phán sự kệch cỡm của các quan lại trong triều. Một lần nọ những người hầu bẩm cho bà biết những tiếng la hét om sòm ngoài kia là của lính dọn đường cho kiệu của quan Thái úy đi dạo. Bà đã lắc đầu buông một câu quở trách “đi dạo mát mà cũng tiền hô, hậu hét, thật ngông nghênh quá thể!”.
 
Quan Thừa chỉ của triều Trần,  đã từng làm quan dưới triều Lý, nói về thời trước đó, ông nói: “Những năm cuối triều Lý Huệ Tôn, tình cảnh xã hội ta lúc ấy thật là thảm hại... Từ triều đình tới xóm ấp không còn một trật tự kỷ cương nào hết... Bộ máy quan liêu của nhà nước phải nói đó là những bầy quỉ dữ. Hơn cả quỉ dữ. Bởi chúng chỉ lo hút máu dân lành và hút lẫn máu của nhau. Chúng lừa trên, chẹt dưới, bạo hành, với các mưu mô thủ đoạn mập mờ chấp chới như một lũ ma trơi...”. Dân chúng thì phải oằn mình dưới sự nhũng nhiễu của bọn quan lại tham lam, tàn ác và của lũ trí trá, trộm cướp... “thật là một thời đại dã man chưa từng thấy”. Nghe quan thừa chỉ nói, Trần Thái tôn bùi ngùi “Ta tin những điều ông nói... Thật tình ta không hình dung nổi. Ngay cả trong mơ, cũng không vẽ ra được một bộ mặt xã hội ghê rợn đến thế. Cho nên, ta nghĩ những người có trọng trách trong bộ máy quốc gia, nếu không nghĩ đến dân mà chỉ nghĩ đến thân, trước sau gì rồi cũng sụp đổ”. 
 
Một người khác không thuộc họ Trần, nhưng rất được nhà Trần kính trọng và là người đi vào sử vàng của dân tộc bởi trí tuệ và lòng trung trinh của ông đó là thầy giáo Chu Văn An. Học trò của ông có nhiều, gồm cả vua, các hoàng tử và nhiều quan lại trong triều đình. Ở buổi nhà Trần thoái trào, ông đau buồn vì sự suy vi đạo đức từ vua Trần Dụ Tông cho đến nhiều quan lại đã đưa bá tánh đến lầm than. Ông dâng sớ đòi trảm 7 tên gian thần đại ác nhưng vua không nghe, ông bỏ về quê ở ẩn. Người đồng cảm với ông cũng là một danh nhân đời Trần đó là Trần Nguyên Đán đã mang rượu tìm đến lều cỏ, hai con người trung chính đã luận bàn nhiều ý kiến cao minh. Hai ông cho rằng việc hưng thịnh của các triều đại từ Đinh, Lê, Lý, Trần thì mỗi thời mỗi khác, không thời nào giống thời nào, “nhưng đến sự suy vong thì giống nhau quá... Nghĩa là bắt đầu từ chỗ không ưa lời nói thẳng, ghét người hiền, bỏ người tài, khinh dân, nghi ngờ kẻ sĩ, trọng dụng kẻ nịnh hót, bất tài, vô đạo. Rồi tiến thẳng vào con đường mạt lộ... rồi: sụp đổ!”. Một lần quay trở về kinh thăm thượng hoàng Trần Nghệ Tông, Chu Văn An muốn thông qua thượng hoàng để răn vua con đương kim Trần Dụ Tông hãy dạy cho đám quan lại biết lo cho sự thái bình, an lạc của bá tánh để giữ nước và gìn giữ sự bền vững của triều đại hơn là lo cho việc vinh thân phì gia: “Tâu bệ hạ, một khi các quan lại trong bộ máy triều đình chỉ biết tranh đoạt của cải của nhà nước, vơ vét tiền của của dân để làm giàu, thì lòng dân ly tán, thế nước từ đó suy yếu”. Là một quốc sĩ lỗi lạc, luôn nặng lòng với xã tắc, Chu Văn An muốn trút cả nỗi lòng mình như một dự báo gửi đến thượng hoàng Nghệ Tông về sự tồn vong của triều đại, ông nói: “Nước có đạo thì qui tụ được kẻ sĩ, nước vô đạo thì kẻ sĩ tản mác, ẩn lánh. Khi kẻ sĩ đã tản mác, ẩn lánh thì bên cạnh nhà vua chỉ thuần một lũ sâu mọt”. Mà không phải chỉ một Chu Văn An  trăn trở, nhiều năm trước đó vị vua đời thứ 3 cùa triều Trần, vua Trần Nhân Tông một vị vua anh minh và nhân từ đã từng lo lắng cảnh báo: “Bộ máy cai trị dùng được nhiều người tài đức từ nơi triều chính tới các phủ, lộ, châu, quận và cả hương ấp nữa, thì nước không mạnh là điều xưa nay chưa từng thấy. Trái lại những kẻ bất tài, vô hạnh, tham bẩn ngự trị nơi triều chính và lẩn khuất khắp mọi nơi, thì nước không suy yếu rồi sụp đổ cũng là việc xưa nay chưa từng thấy”. Sau khi nhường ngôi, vua Nhân Tông lên núi Yên Tử tu tập, người đời gọi ông là Phật Hoàng, nhưng trong một chuyến trở lại kinh thành, tình cờ xem được cuốn sổ lương của triều đình, ông đã tức giận quẳng cuốn sổ ra sân và thét lên: “Đất nước bé bằng bàn tay mà nhiều quan đến thế thì làm sao dân sống nổi!”. Lòng nhân từ của ông đã làm cho ông nổi giận trước những vô cảm của vua quan đời sau đối với dân với nước!
 
Tiếp nối truyền thống về bản lĩnh, mưu lược và trên dưới một lòng của triều Trần trong những năm chống quân Nguyên - Mông xâm lược - một đội quân nắm trong tay gần cả thế giới, bằng chiến lược đi từ cầm cự, lui binh rồi chọn thời cơ phản công để giành thắng lợi như chẻ tre của Hưng Đạo Đại Vương đã trở thành cách đánh của Việt Nam, truyền lại cho con cháu muôn đời sau… 
 
Cho hay, từ ngàn xưa đến nay vẫn vậy, nhân dân công bằng, những gì tốt đẹp sẽ được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng và những gì nhân dân không hưởng ứng có thể là điều chưa tốt đẹp, xem đó như một thước đo để tư duy và làm tốt hơn chăng!
 
Đất nước sang xuân 2018
 
HOÀNG NGUYÊN