Sống dậy một thời tuổi trẻ

08:02, 01/02/2018

Cách đây 50 năm, có một người con đã ngã xuống trên chiến trường miền Đông Nam bộ, một trái tim ngừng đập, mang theo mối tình son sắt kéo dài 8 năm với người bạn học cùng tuổi từ thời niên thiếu. Những dòng nhật ký, những lá thư, bài thơ anh viết cho người con gái mình yêu thương đã thúc giục một thế hệ dám sống, chiến đấu, hy sinh, yêu thương và đợi chờ.

Cách đây 50 năm, có một người con đã ngã xuống trên chiến trường miền Đông Nam bộ, một trái tim ngừng đập, mang theo mối tình son sắt kéo dài 8 năm với người bạn học cùng tuổi từ thời niên thiếu. Những dòng nhật ký, những lá thư, bài thơ anh viết cho người con gái mình yêu thương đã thúc giục một thế hệ dám sống, chiến đấu, hy sinh, yêu thương và đợi chờ.
 
Sách “Nhật ký và thơ của liệt sĩ Nguyễn Quốc Thái”. Ảnh: Q.U
Sách “Nhật ký và thơ của liệt sĩ Nguyễn Quốc Thái”. Ảnh: Q.U
Anh Nguyễn Quốc Thái (1944) quê ở Hà Đông, là con trai một trong gia đình trung nông, với sức học của mình khi hết lớp 10/10 anh có thể thi vào các trường đại học ở Hà Nội để được sống, học tập bên cạnh người yêu, nhưng cuối năm 1962 anh chọn đi bộ đội. Vì anh “Không thể ích kỷ, chỉ biết sống cho mình. Anh chỉ mong chúng mình yêu nhau thì đừng lo sợ. Anh rất tin tình yêu của em nên trong những ngày Tổ quốc đang cần đến sự hy sinh của mình. Anh yêu em tha thiết, nhưng chúng mình cứ phải xa nhau, chưa biết đến bao giờ” - (Nk 20/6/1965).
 
Những ngày đầu vào quân ngũ, luyện rèn gian khổ, hành quân trên vùng đất Phú Thọ là những ngày nhớ quê, nhớ người yêu. Những trang nhật ký thấm đẫm tình yêu thương, niềm tin ngày chiến thắng để trở về với người yêu, có biết bao câu chuyện kể cho người yêu nghe về kết nạp đoàn, hành quân, diễn tập, chiến đấu trên vùng đồi núi Phú Thọ. “Máy bay địch vẫn theo sát bọn anh. Tuy chúng đã bị đơn vị anh hạ 3 chiếc, nhưng ngày nào chúng cũng lởn vởn trên đầu như những con đỉa cố bám lấy chân người chờ hút máu” - (Nk 26/7/1965). Có lúc cháy lên lòng căm thù “Em có nhớ không? Nhà máy Super phốt phát mà hôm anh và em ngồi chơi ấy, hôm nay anh nghe tin nó đã bị san phẳng vì bom đạn Mỹ, một cái gì rực cháy trong lòng anh. Đau thương và căm thù trộn lẫn với nhau kết thành giọt nước mắt nóng bỏng chảy vào tim” - (Nk 12/9/1965). Những trận đánh oai hùng đi vào thơ như trang nhật ký “Pháo hiệu xung phong/ đỏ rực chân trời từ các ngả/Đồi đất trụi bật dậy ngàn cây lá/Chạy băng lên như bão chuyển rừng/Mặc đạn ran trời, mặc nặng trĩu lưng/Vẫn lao lên chiếm chiến hào số một/Đạn xối xả bắn vào lô cốt” - (Nk ngày 23 /1/1964). Những lúc nghỉ ngơi, anh lại làm thơ, những vần thơ giản dị, viết nên từ rung cảm của người ra trận, thấm đẫm tinh thần lạc quan cách mạng với niềm tin tất thắng. “Ta yêu quý mỏ than trời đất/Yêu công trường, nhà máy, ruộng đồng.../Nên ta quyết không cho giặc đến/Làm bẩn mây trời/Bẩn núi sông” - (Tay súng sẵn sàng); hay “Đôi chân đi khắp nẻo đường/Vẫn thèm một bước chân về tổ ấm/Trưa nay đánh xong một trận/ Anh nghỉ chân giữa một đồi sim/Tiếng súng im rồi, chỉ có tiếng chim/Rừng sim hoa đua nhau nở/Anh tưởng đứng trong sân ga rực rỡ/Vang bên tai văng vẳng tiếng còi tàu” - (Nghe tiếng còi tàu - nhật ký ngày 23/1/1964). 
 
Chiến tranh khiến những người yêu nhau phải chia ly, xa nhau không biết đến bao giờ, trong nhật ký là đầy ắp nỗi nhớ, niềm tin yêu, đợi chờ, tinh thần lạc quan, niềm tin ngày chiến thắng. Cuộc chiến ngày càng ác liệt, 3 năm hoàn thành nghĩa vụ, không trở về như đã hẹn, mùa xuân năm 1966 anh đã cùng đồng đội “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam những ngày cả nước đang đón tết. Cũng đúng vào đêm giao thừa đón Xuân Bính Ngọ trong tiết trời lạnh cắt da, đoàn quân vẫn trên đường ra trận: “Anh đón giao thừa không bánh chưng/Cũng không pháo đỏ nổ tưng bừng/Chỉ có mưa rơi và gió lạnh/Cùng “con cóc” nặng bấu trên lưng” - (Nk 9/2/1966). Ra đi mà không kịp gặp người yêu, vì Trường Đại học Y - Dược của cô sơ tán lên Bắc Giang. “Anh dừng chân tại đây để mai lại lên đường. Bây giờ mỗi nơi anh đi qua lại hình ảnh dấy lên lòng căm thù. Những nhịp cầu đổ xuống sông, những khúc đê vỡ, những đoạn ray bị bóc... Tất cả gieo vào lòng anh một mối căm hờn. Nhân dân ở đây bị giặc quấy nhiễu nhiều, đời sống rất chật vật, nhưng nhân dân vẫn sẵn sàng nhường nhà ở, rau cỏ cho bộ đội. Ở một nơi, khi các anh lên đường, có một anh mù đón ở đầu ngõ thổi sáo tiễn đưa, hát nhiều bài chúc bộ đội lên đường chiến thắng. Dọc đường đi, anh gặp rất nhiều nữ thanh niên xung phong. Các chị làm việc vất vả nhưng rất vui và thương bộ đội. Có chị gánh giúp đồ đạc cho các anh 5 - 6 cây số, có chị suốt ngày giúp đỡ nấu cơm... Những việc anh thấy trên đường đi càng khiến anh quyết tâm làm nhiệm vụ. Anh luôn nhớ em nhưng càng nhớ càng quyết tâm” - (Nk 17/1/1966). Trên con đường ra trận đầy gian khổ, núi cao, rừng rậm, ba lô trĩu nặng, đoàn quân vẫn tiến về phía trước. Tình yêu chân thành của cô bạn học thời niên thiếu, tình cảm của nhân dân là động lực cổ vũ người lính tiến lên phía trước vượt qua tất cả, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. “Em hãy tin rằng có ngày chúng mình gặp nhau. Tình yêu của em sẽ cho anh sức mạnh vượt qua mọi nguy nan để chiến thắng trở về”. 
 
 Sau hơn 1 tháng hành quân đi bộ, đơn vị của anh đã đến bên bờ Bắc sông Hiền Lương, sau đó sẽ “bước vào đất địch”: “Giờ phút này đối với anh vô cùng thiêng liêng. Ra đi anh mong em đừng buồn. Hãy vững tin là tình yêu của em sẽ giúp anh vượt qua nguy hiểm để chiến thắng tất cả” - (Nk 8/2/1966). Đầu năm 1967, anh đã đặt chân lên chiến trường Đông Nam bộ, địa điểm đóng quân cũng thường xuyên di chuyển, những lời tâm sự với người yêu được viết vào nhật ký theo từng bước hành quân. “Ôi chao, ở trong này núi rừng cao vút, đường đi đèo lại nối đèo, mùa mưa mà hành quân thì lầy lội không tả được. Nhưng em biết không, quân giải phóng thì bất chấp hết. Chiều đến ở một khu rừng nào đó, những căn nhà bạt cá nhân được dựng lên san sát, bếp Hoàng Cầm đỏ rực mặc thây những con “đầm già” è è bay trên trời dòm ngó” - (Nk 16/11/1967). 
 
Mùa xuân năm 1968, anh bị thương nặng trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân, phải điều trị ở bệnh viện dã chiến. Thế rồi địch tập kích phản công vào bệnh viện, phần lớn thương binh, y bác sĩ, y tá đã hy sinh. Những phút giây cuối cùng bài thơ “Lời trăn trối” cũng là những dòng chữ kết thúc trang nhật ký, kết thúc một tâm hồn: “Đây những lời của một người sắp chết/Gửi về em cô gái anh yêu thương/ Giờ quanh anh cỏ cây đều mỏi mệt/ Mây chiều tan bóng tối tỏa muôn phương/ Em thân yêu hôm nay trời lạnh quá/ Sương đêm trườn trên những lá dừa xanh...”.“Ôi còn đâu những đêm trăng êm ả/Anh dắt em đi bóng ngả trên đường quê/Đâu những ngày xuân nắng dãi tràn trề/Hai đứa bên nhau say mê tình tự/Tất cả chỉ còn là quá khứ/Tan đi rồi, tan cả chữ yêu thương/Hôm nay em cắp sách đến trường/Có thấy hồn anh vẩn vơ bên lớp học/Nếu có thấy thì em ơi đừng khóc/Vì dẫu chết rồi anh vẫn yêu em/Dù đạn thù xé nát con tim/Anh vẫn giữ cho em mối tình chung thủy/Anh vẫn gửi qua gió đêm thủ thỉ/ Lời thiết tha “Yêu em nhất đời anh...”. Chiến tranh đã cướp đi những điều quý giá nhất, cướp đi sự sống “Cuộc sống ơi sao quá mong manh/Ngàn vàng giờ đây không bằng giây phút sống”, cướp đi tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc, cướp đi cả những điều bình thường, giản dị nhất “Anh muốn nói cùng em những điều ước mộng/ Rằng anh sẽ cưới em về/Dựng ngôi nhà dưới một lũy tre/Năm tháng bên nhau cuốc cày đùm bọc/Em sẽ không còn bao giờ phải khóc/Không có quân thù, không đạn bắn vào tim/Chỉ có hoa xuân, chỉ có tiếng chim/Chỉ có vườn rau chúng mình cuốc xới/Chỉ có lứa đôi yêu nhau rồi cưới/ Không có chia ly, không có khăn tang/ Chỉ có ngày xuân hoa thắm nắng vàng/Là màu xanh như mắt em trong vắt”... Anh nằm lại chiến trường miền Đông ở tuổi 24, để lại những dòng thơ là khát vọng hòa bình, mong muốn giản dị “Chỉ có lứa đôi yêu nhau rồi cưới/Không có khăn tang không có chia ly”. Và anh đã nằm lại chiến trường miền Đông 50 năm qua, để lại những vần thơ, để lại mối tình chung thủy sắt son và những khát khao hòa bình khiến người đọc ứa nước mắt.Nếu không có chiến tranh, mất mát, đau thương có lẽ anh đã trở thành một nhà thơ tên tuổi. Sẽ không có khổ đau, đợi chờ... 
 
***
 
Chúng tôi tìm gặp “người con gái - cô sinh viên dược khoa” tuổi đôi mươi có đôi mắt trong, có tâm hồn đẹp mà liệt sĩ Nguyễn Quốc Thái yêu tha thiết, đã đi vào từng trang nhật ký của ông. Bà đã ở vào tuổi 74, bà là dược sĩ - nhà văn Hà Thị Thanh Thủy - nguyên là Trưởng trạm Kiểm nghiệm Dược phẩm Lâm Đồng và là người thành lập hệ thống nhà thuốc tây Nhân Hòa nổi tiếng tại Đà Lạt từ nhiều thập kỷ qua bởi sự uy tín, trách nhiệm, lấy việc cứu người làm mục đích kinh doanh. Kể tiếp câu chuyện với chúng tôi về tuổi trẻ của mình, về mối tình đẹp với người không trở về, giọng nói không giấu nổi nghẹn ngào: Sau nhiều năm dài chờ đợi, yêu thương, khi nghe tin người yêu hy sinh, trái tim bà như có ai đó nắm lấy bóp nghẹt, rồi rung lên từng đợt, bà quỵ ngã. Những ngày sau đó chỉ là tiếng nấc nghẹn và nước mắt. Thế rồi, tình cảm chân thành của một người đàn ông cùng xóm, cùng lớn lên, cùng là bạn của hai người mong muốn được bù đắp cho bà những mất mát. Sự vun đắp của bạn bè, người thân khiến bà không thể chối từ. Sau 2 năm liệt sĩ Nguyễn Quốc Thái hy sinh bà đã đi lấy chồng, sống trong tình yêu thương bao dung độ lượng của người chồng, trái tim hóa đá dần hồi sinh. Bà vẫn luôn yêu thương quý trọng hai người đàn ông của đời mình, một người bà đặt vào một nơi sâu thẳm thiêng liêng, một người là bờ vai vững chãi đồng hành cùng bà trải qua những tháng ngày gian khó của cuộc sống; mỗi người bà yêu theo cách riêng... 
 
Đất nước thống nhất, bà cùng chồng chuyển công tác vào Đà Lạt, mỗi lần về thăm quê ngoại, bà vẫn qua nhà thăm mẹ của liệt sĩ Nguyễn Quốc Thái - Mẹ VNAH Đào Thị Kim và nhận từ tay cụ cuốn nhật ký nhỏ chỉ bằng bàn tay. Nét chữ thân thuộc, vết thương trong tim lại cuộn lên. Từng dòng từng chữ, ngày tháng năm; những bài thơ ông viết, những lá thư chan chứa yêu thương và lời hẹn ước là kỷ vật thiêng liêng bà luôn nâng niu, gìn giữ. Bà đọc đến thuộc làu, nhớ từng câu từng chữ như nhớ những năm tháng tuổi trẻ đẹp đẽ nhất cuộc đời, đã trao gửi tình yêu cho một người dám sống, dám chiến đấu, hy sinh. 
 
Cảm ơn dược sĩ Hà Thị Thanh Thủy đã cho xuất bản tuyển tập “Nhật ký và thơ của liệt sĩ Nguyễn Quốc Thái” để kỷ vật riêng của bà, tình yêu đẹp của bà với một con người, một số phận, một tình yêu trong chiến tranh trở thành kỷ vật lịch sử của một thời, cho người đọc được biết về những xúc cảm, suy nghĩ của thế hệ cha ông đứng trước vận mệnh lịch sử của dân tộc. Qua nhật ký và thơ của liệt sĩ Nguyễn Quốc Thái đã cho người đọc hiểu cặn kẽ thế hệ đi trước đã sống, đã yêu, đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân như thế nào? những bi hùng, ám ảnh, mất mát do chiến tranh, để yêu hơn hòa bình, sống có ích hơn cho đất nước cho cuộc đời. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc. 
 
Bà Hà Thị Thanh Thủy - người con gái trong cuốn nhật ký, cũng là người cho in tập nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quốc Thái bên cạnh những kỷ vật của người yêu theo bà suốt hơn 50 năm qua.
 
QUỲNH UYỂN