
"Xuân đã về phải không anh... vì sao anh vẫn chưa về. Cánh mai vàng nở trên tay, đếm từng ngày, đợi tháng. Lá xanh thắm đã bao lần nảy lộc. Anh về đây trong nỗi nhớ thao thức đợi chờ" - Ðó là những lời hát ngân lên khi đất trời vào xuân, quê hương đất nước đã thanh bình, vẫn còn đó những người con nằm lại nơi chiến trường từ 50 mùa xuân trước.
“Xuân đã về phải không anh... vì sao anh vẫn chưa về. Cánh mai vàng nở trên tay, đếm từng ngày, đợi tháng. Lá xanh thắm đã bao lần nảy lộc. Anh về đây trong nỗi nhớ thao thức đợi chờ” - Ðó là những lời hát ngân lên khi đất trời vào xuân, quê hương đất nước đã thanh bình, vẫn còn đó những người con nằm lại nơi chiến trường từ 50 mùa xuân trước.
 |
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam. Ảnh: Q.U |
Tròn nửa thế kỷ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã qua đi, rất nhiều người con từ mùa xuân ấy không trở về. Với ý tưởng những bông mai vàng mùa Xuân 1968 đã góp phần làm nên cả vườn mai rực rỡ mùa Xuân đại thắng 1975, nhạc sĩ Trần Khánh Nam (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) vừa cho ra đời ca khúc “Đồng đội ơi, Anh có nhớ mùa Xuân”. Bài hát được ấp ủ ngay từ sau ngày đất nước thống nhất, như một bản anh hùng ca non sông, những lời ca vút lên chạm đến trái tim người nghe, thổn thức: “Đường Trường Sơn anh đến, ở lại bên thác xanh, phần mộ anh đã bao năm dài rực nắng. Cùng mùa xuân chiến công, rộn ràng bao khúc ca”... Rất nhiều nhạc sĩ lấy mùa xuân làm nguồn cảm hứng sáng tạo, nhạc sĩ Trần Khánh Nam cũng không ngoại lệ, nhưng mùa xuân đi vào giai điệu của Trần Khánh Nam làm cho người nghe rung lên lòng biết ơn, niềm tự hào, cảm xúc dâng trào khi nhớ về các anh hùng liệt sĩ, những người con đã ngã xuống khi tuổi còn xuân, mang lại hòa bình, độc lập thống nhất, để non nước có những mùa xuân thanh bình, tươi đẹp.
Với mạch cảm xúc về mùa xuân tri ân, nhạc sĩ Trần Khánh Nam đã có nhiều ca khúc viết về các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ rồi âm thầm nở hoa: Hoa mai trắng, Hoa đất trắng; ca khúc Hoa sóng ngàn năm viết về những chiến sĩ quả cảm trên những con tàu không số, hy sinh hòa vào lòng biển sâu, tạo nên hoa sóng ngàn năm, nở trên mặt biển ầm ào đến muôn đời. Còn bài hát Đồng dao mùa xuân như thầm thì kể một câu chuyện về những người con anh hùng, nhẹ nhàng mà sâu lắng: “Có một người lính, đi vào núi xanh, những ngày khói lửa/ Một ngày hòa bình, anh không về nữa/ Có một người lính, chưa một lần yêu, nhìn xuân đang đến mà mong ngày về/ Để rồi một chiều, một lần bom nổ, khói đen rừng chiều, anh thành ngọn lửa, bạn bè mang theo, tình yêu đồng đội, đất nước dang tay, ôm anh vào lòng, để mãi ngàn năm, đất nước nở hoa”. Chiến tranh qua đi, nỗi đau thì ở lại, mẹ vẫn chờ con, vợ vẫn trông chồng, người yêu vẫn đợi... Nói đến đau thương mất mát, nhưng nhạc của Trần Khánh Nam không ủy mị, bi sầu mà như những khúc tráng ca làm sống dậy niềm tự hào về một dân tộc anh hùng đã sản sinh ra lớp lớp những người con anh hùng, sẵn sàng hy sinh cho những mùa xuân trọn vẹn của đất nước, trào dâng trong người nghe lòng biết ơn với các thế hệ cha anh đi trước.
 |
Những khúc ca mang mùa xuân tri ân. Ảnh: Q.U |
Sinh ra và lớn lên ở Huế, như một nhân chứng sống của lịch sử được chứng kiến đầy đủ cuộc chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc, khi trưởng thành nhạc sĩ Nguyễn Khánh Nam rời quê hương vào Di Linh lập nghiệp, cũng là những ngày đất nước vừa hòa bình, thống nhất. Làm công việc đo đạc bản đồ, quy hoạch định hình nên một vùng đất mới, được đi khắp mảnh đất còn hoang sơ khiến anh càng thêm yêu miền đất cao nguyên.
Với vốn âm nhạc được học ở Nhạc viện Huế cùng tình yêu màu xanh của núi rừng, hòa cùng niềm vui chiến thắng, đất nước thanh bình thôi thúc anh nảy lên những giai điệu. Nhiều bài hát của anh ra đời từ khi tuổi mới đôi mươi thấm đẫm tình đất, tình người, tình yêu quê hương đất nước, niềm hứng khởi. Những nốt nhạc của Trần Khánh Nam như tiếng reo lên trong niềm vui phơi phới giữa mùa xuân tươi đẹp, niềm tin yêu cuộc sống, cùng sự phát triển đi lên của đất nước: “Hôm qua em còn là một màu xanh của lúa. Hôm nay em đã là một hồ nước mênh mông. Dẫu em không mang đến cho đời hạt thóc như xưa, nhưng hôm nay em mang đến cho đời ngàn hạt nước long lanh, tưới mát cà phê với chè, tưới mát vườn cây trái ngọt” (Gọi tên em hồ Đa K’lou Kia)...
Trong “gia tài” gần 100 ca khúc của mình, nhạc sĩ Khánh Nam đã “thử sức” ở nhiều đề tài khác nhau như viết cho trẻ thơ, cho tuổi hồn nhiên, cho quê hương Di Linh, nơi gắn bó với anh phần lớn cuộc đời mình; viết về Đà Lạt “Đà Lạt em có biết” gửi gắm niềm tin yêu, ước mơ mỗi con đường mang tên một loài hoa; viết về tình yêu đôi lứa, viết về cố đô Huế, sông Hương, núi Ngự - nơi anh sinh ra và lớn lên...
Tất cả các ca khúc anh viết ra đều được đưa đến công chúng, trong đó nhiều bài hát để lại dấu ấn sâu đậm. Bên cạnh việc say mê sáng tác, hơn 20 năm qua nhạc sĩ Trần Khánh Nam đã dành tâm huyết cho việc dạy nhạc, định hướng giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Với anh, âm nhạc luôn có khả năng cảm hóa, bồi đắp tâm hồn, hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Dưới sự dìu dắt tận tâm của người thầy nghệ sĩ, các thế hệ học trò của anh nhiều người đã trở thành giáo viên dạy nhạc trong các trường phổ thông, nhiều em đoạt giải cao trong các cuộc thi âm nhạc khi lớn lên đã đi theo con đường ca hát, là hạt nhân văn nghệ quần chúng của địa phương và thành danh trên các sân khấu ca nhạc lớn.
Nếu ví nhạc là hồn cốt làm nên một nhạc phẩm thì ca từ như thịt - da đắp vào làm cho tác phẩm âm nhạc đẹp và tròn đầy. Với ca từ giản dị, mộc mạc được viết nên từ niềm rung cảm thật của người nghệ sĩ, các nhạc phẩm của Trần Khánh Nam dễ thuộc. Mỗi tác phẩm sẽ cao hơn, tác phẩm sẽ tròn trịa hơn, để mỗi lần nhắc đến nhạc sĩ Trần Khánh Nam, công chúng nhớ ngay đến những mùa xuân tri ân.
QUỲNH UYỂN