
Võ Trần Phú vốn là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tôi với anh đã có một thời gian khá dài hơn 20 năm làm việc tại Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng. Anh là nhà báo, nhà nhiếp ảnh, quay phim, đạo diễn của đài. Thỉnh thoảng, tôi cũng có dịp đọc những bài viết của anh đăng trên Báo Lâm Đồng, tờ Người Làm báo (Hội Nhà báo Lâm Đồng), Tạp chí Langbian...
(Nhân đọc cuốn sách “Chuyến tàu cuối năm” của tác giả Võ Trần Phú)
Võ Trần Phú vốn là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tôi với anh đã có một thời gian khá dài hơn 20 năm làm việc tại Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng. Anh là nhà báo, nhà nhiếp ảnh, quay phim, đạo diễn của đài. Thỉnh thoảng, tôi cũng có dịp đọc những bài viết của anh đăng trên Báo Lâm Đồng, tờ Người Làm báo (Hội Nhà báo Lâm Đồng), Tạp chí Langbian... nhưng không nghĩ, anh lại có một tập sách dày dặn tập hợp những bút ký, truyện ngắn, ghi chép về những con người, những sự kiện mà trong suốt cuộc đời làm báo của anh đã từng tiếp cận, gặp gỡ, cảm nhận. Tất cả đã được “biên tập” để “trở thành” tác phẩm văn chương.
 |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Trần Phú chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Cầm trên tay bản thảo “Chuyến tàu cuối năm” anh gửi cho Nhà Xuất bản Hội Nhà văn để xin giấy phép (ấn hành tháng 12 năm 2017), tôi đã chăm chú đọc từng bài anh viết. Ở đó, người đọc càng hiểu hơn sự dấn thân của anh khi dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho cuộc kháng chiến. Là một người con của Đà Lạt, lại được lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, nên anh hiểu những việc làm của mình khi cùng những người bạn sinh viên, học sinh xuống đường biểu tình, đòi dân chủ, dân sinh. Để rồi, bị cảnh sát chế độ Sài Gòn truy lùng gắt gao, anh “nhảy núi” và về công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Đức, cơ quan đóng ở buôn Con Zàng, Bà Trộ bên bờ sông Đồng Nai (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà ngày nay). Hơn 6 năm ròng rã lăn lộn với chiến trường đầy gian khổ, nhưng tự hào, anh được cấp trên tin tưởng cử cho đi học lớp phóng viên quay phim chiến trường của trường điện ảnh trực thuộc Xưởng phim Giải phóng đóng trên đất bạn Campuchia. Cuối năm 1973, sau khi tốt nghiệp, anh về nhận công tác ở Ban Tuyên huấn Khu 6 và trực tiếp đi theo bộ đội tham gia các chiến dịch giải phóng Tánh Linh - Hoài Đức, Ma Lâm - Thiện Giáo ở tỉnh Bình Thuận... Sau tháng 4 năm 1975, anh trở về Đà Lạt - thành phố thân yêu của mình sau bao nhiêu năm cách biệt. Anh tiếp tục công việc nhiếp ảnh, quay phim ở Ty Văn hóa - Thông tin, ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh... góp phần làm nên những thước phim, những hình ảnh có giá trị về một vùng đất, con người mà anh đã từng sinh ra, lớn lên và gắn bó.
Tác phẩm “Chuyến tàu cuối năm” đánh thức người đọc bằng những câu chuyện kể sinh động, gần gũi của những con người vào sinh ra tử trong những năm tháng chiến tranh; những kỷ niệm không bao giờ quên của những lần lội suối, băng rừng, đói cơm, thiếu muối... nhưng lòng dạ vẫn kiên trung, không lùi bước; những câu chuyện tình cảm của một thời lãng mạn cách mạng và không dám vượt qua ranh giới hạn của tình yêu nam nữ.
Nhà thơ Phạm Vũ, nguyên Ủy viên biên tập Tòa soạn Báo Lâm Đồng (1977 - 1982), nguyên Chi hội trưởng Chi hội Văn học Lâm Đồng khi đọc tác phẩm “Chuyến tàu cuối năm” của tác giả Võ Trần Phú, đã có nhận xét: “Anh viết rất sinh động và chân thật về những kỷ niệm trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, viết về đồng đội, về gia đình, về bạn bè và đặc biệt là những kỷ niệm của riêng anh rất đáng nhớ. Hơn một nửa trong tập sách này là truyện tình cảm, chưa hẳn là tình yêu lứa đôi. Song thấp thoáng đâu đó là tình cảm thuở học trò, tình yêu thoáng qua với một cô gái trong vùng địch; tình yêu, nỗi nhớ, về những cô gái thanh niên xung phong, tình yêu thời gặp lại... Trên tất cả là tình yêu con người, tình yêu đồng chí, đồng đội!
Phần còn lại của tập truyện là những kỷ niệm với gia đình, với các chú, với các anh, các chị trong căn cứ thời chiến tranh. Truyện của anh vui có nhiều hơn buồn, gian khổ có nhiều hơn hạnh phúc... Song tất cả đều lấp lánh niềm tự hào và vô cùng trân trọng những kỷ niệm mà anh đã được sống, được trải nghiệm... mãi mãi còn lưu giữ. Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có tài, anh rất giỏi chọn khoảnh khắc, chọn góc độ, ánh sáng... để ghi lại hình ảnh thời điểm đó, cảnh vật đó và con người đó. Chính xác về thời gian và không gian, tháng năm không thể phai mờ và nhầm lẫn.
Bệnh nghề nghiệp đã quá khắc sâu trong anh, nên khi viết truyện anh vẫn bị cách nhìn của nhà nhiếp ảnh chi phối. Anh mới chụp được câu chuyện, chụp được con người, chụp được khung cảnh… chứ chưa chụp được tình cảm, suy nghĩ, tình yêu thương sâu lắng trong lòng nhân vật. Nói như vậy, yêu cầu là như vậy, song thật tình chuyện kể của anh đã làm tôi rất xúc động. Bởi tính chân thật không hư cấu, không màu mè, không quá nhiều văn chương, chữ nghĩa đã làm rung động lòng ta”.
Khi gấp lại cuốn sách, trong tôi vẫn hiện lên hình ảnh những địa danh lạ mà quen như “buôn Đa Me (N’Thôl Hạ)”, đường 21, buôn Bà Trộ; đồn Trại Mát, ấp Tự Tạo, đường Hoàng Hoa Thôn, Suối Cát, Lạc Tánh; Lò Gò, Tiêng Liêng, R’Lum, buôn Phi-tô, Hòn Bù, sân bay Cam Ly, đồi Đất Đỏ, sông Đạ Quýt, Phước Long, Đạ Tẻh, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp, buôn Bà Lú, đồn Bằng Lăng, Ka Đô, Quảng Hiệp, Tu Tra, cây số 6 thành phố Đà Lạt, chiến khu Suối Tía (vùng hồ Tuyền Lâm); những con người mà anh từng gặp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng nghiệp - đạo diễn Trần Mỹ Hà, Tiểu đoàn trưởng đặc công Nguyễn Đức Phúc... Và xúc động biết dường nào, khi anh quyết định dành tặng tác phẩm văn chương đầu tay này dâng lên hương hồn của người mẹ yêu quý của mình: Bà Trần Thị Thêm - Mẹ Việt Nam Anh hùng đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc, chồng con và đồng đội.
Ngày xuân đọc sách của anh, càng hiểu hơn những gì anh đã trải qua, những gì mà thế hệ của cha anh đã dâng hiến cho quê hương đất nước.
TRẦN NGỌC TRÁC