
Hiếm có một nghệ sĩ tuổi 90 vẫn lao động miệt mài như lão họa sĩ Đặng Ngọc Trân. Ông dành thời gian cho việc vẽ, dịch sách từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.
Hiếm có một nghệ sĩ tuổi 90 vẫn lao động miệt mài như lão họa sĩ Đặng Ngọc Trân. Ông dành thời gian cho việc vẽ, dịch sách từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.
 |
Họa sĩ Đặng Ngọc Trân đang vẽ tranh. Ảnh: T.N.T |
Họa sĩ Đặng Ngọc Trân sinh năm 1928, ngay chính tại nhà từ đường họ Đặng ở làng Long Uyển, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên. Khi còn nhỏ, Đặng Ngọc Trân theo học trường làng, sau đó chuyển về Chí Thạnh - một vùng rừng núi rậm rạp. Từ bé, Đặng Ngọc Trân đã được học tiếng Việt, tiếng Pháp và cả chữ Hán Nôm nữa. Lúc gia đình dời về Chí Thạnh, ông tiếp tục học hết bậc tiểu học theo chương trình Pháp - Việt. Do chiến tranh không thể tiếp tục học cao hơn, nên bị gián đoạn một thời gian cho đến tháng 9 năm 1946, Trường Trung học Lương Văn Chánh được thành lập, ông được theo học trường này và đã tốt nghiệp cuối cấp ở đây. Sau khi tốt nghiệp một thời gian, ông được bổ nhiệm Liên hiệu trưởng An Thạch, An Cư...
Những năm học ở trường Lương Văn Chánh, ông và bạn bè đồng môn còn được trực tiếp nghe họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Văn Giáo đến nói chuyện và giới thiệu tranh mấy lần. Kiến thức hội họa ngày càng tích lũy dần là nhờ những chuyến điền dã, đi thực tế để vẽ tranh ở các địa phương. Về sau, ông đứng lớp ở Long Hà, Long Thăng thuộc xã Xuân Long, rồi sang Phú Xuân xã Xuân Phước - nơi gia đình ông đang ở.
Mặc dù Hiệp định Gienève 1954 được ký kết, nhưng chiến tranh vẫn lan rộng trên khắp đất nước. Ông Đặng Ngọc Trân không khỏi nếm mùi đắng cay của thời cuộc. Sau Tết Mậu Thân (1968), ông làm thêm nghề họa viên kiến trúc để kiếm sống, nuôi vợ, nuôi con. Cuộc sống khó khăn, nhưng vợ ông vẫn cứ “quen dạ đẻ” như ông từng tâm sự. Bà cho ông đến 6 người con cả trai lẫn gái. Khó khăn càng thêm chồng chất. Vợ ông lại hay bị xuất huyết nên bác sĩ khuyên nên tìm đến nơi có khí hậu mát mẻ để sinh sống. Vậy là vợ chồng ông quyết định bán nhà ở Quy Nhơn để lên Đà Lạt thuê nhà để ở.
Năm 1973, ông xin vào làm chân họa viên ở Trung tâm Nghiên cứu sắc tộc Đà Lạt và dạy học ở trường Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân để có thêm thu nhập. Gia cảnh “như chiếc xe tuột dốc không thắng”, vậy là ông và vợ chiến đấu không mệt mỏi để có cuộc sống ổn định. Ky cóp, dành dụm được ít tiền, vợ chồng ông Đặng Ngọc Trân đã mua một ngôi nhà nhỏ cấp bốn ở ngoại ô thành phố Đà Lạt để ở. Đó là căn nhà trên đường Nguyễn Công Trứ bây giờ sau nhiều lần cải tạo.
Công việc hằng ngày cứ trôi qua, họa sĩ Đặng Ngọc Trân rời trường Bùi Thị Xuân sang Nguyễn Du, rồi trụ lại ở trường Nguyễn Trãi. Ngoài việc dạy môn vẽ, ông còn nhận thêm việc dạy tiếng Anh cho lũ trẻ. Khi có đầy đủ giáo viên, ông chuyển sang làm công tác thư viện. Một thời gian sau, ông được điều chuyển về trường sư phạm Lâm Đồng. Tại đây, ông đứng lớp dạy môn hội họa, rồi làm công tác giáo vụ, nghiên cứu phương pháp giảng dạy mỹ thuật trong nhà trường. Năm 1989, ông nghỉ hưu theo dạng mất sức. Và niềm đam mê hội họa lại bùng cháy trong ông. Ông tiếp tục nghiên cứu, viết sách, dịch sách và sáng tác nghệ thuật.
Con đường đời của người nghệ sĩ quá ư vất vả, gian truân. Nếu không có niềm yêu thích say đắm khát khao thì ông đã gục ngã. Nghệ thuật giúp cho ông đứng dậy dù có nghèo khó, giúp cho ông giữ được nhân cách của một con người. Tiền bạc có thể không nhiều, nhưng lòng ông lại thanh thản. Ông bắt đầu một cuộc hành trình mới. Ông vẽ tranh và mở một phòng tranh ở Dalat Place Hotel với hy vọng mong manh sẽ bán được tranh. Ông về thành phố Hồ Chí Minh học thêm tranh sơn mài, vì lúc bấy giờ loại tranh này đang được ưa chuộng.
Đang khó khăn, bỗng dưng nhận được điện thoại của vợ từ Đà Lạt gọi về bán 7 bức tranh cho người nước ngoài và vẽ thêm tranh để bổ sung vào. Ông bảo đó là “buồn ngủ gặp nệm... hoa”. Vậy là có tiền, ông tiếp tục treo tranh ở Khu Du lịch Minh Tâm, Khu biệt thự Trần Hưng Đạo, Khách sạn Mimosa và bán tranh luôn tại nhà. Khách nước ngoài đến Đà Lạt ngày càng nhiều và tranh của ông cũng được khách mua với số tiền lên cả mấy ngàn đô la Mỹ.
Bắt đầu từ giáo trình hội họa ở nhà trường do ông nghiên cứu, ông chuyển thành sách in. “Cấu trúc hội họa” của ông đã ra đời như vậy đó. Cuốn sách đã được một số trường đón nhận làm giáo án giảng dạy mỹ thuật cho học sinh, sinh viên. Tập sách “Cấu trúc hội họa” in năm 2000, thì năm sau giành được giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông mừng lắm.
“Thừa thắng xông lên”, năm 2004, ông tập hợp các tranh vẽ bằng bút bi, cộng thêm một số bài viết lý luận về hình họa, ông xuất bản thành tập sách “Tranh bút bi”. Đây là một ấn phẩm giới thiệu một số tác phẩm của ông, cũng là cách phổ biến kiến thức sư phạm về hội họa mà ông tâm huyết cả cuộc đời. Và bắt đầu từ đây, người ta gọi ông là “họa sĩ bút bi”, “ông già bút bi”. Tranh bút bi của ông được khách trong và ngoài nước đón nhận vì lối vẽ cẩn mẫn, chi tiết nhưng phóng khoáng.
Năm 2005, ông tiếp tục xuất bản ấn phẩm “Tranh hoa” nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt. Cuốn sách càng khẳng định vị trí của ông trong việc vẽ về các loài hoa ở Đà Lạt mà ông rất đỗi yêu quý. Ông vẽ với một tấm lòng ngưỡng mộ, tri ân một vùng đất mà ông gắn bó gần hơn đời người. Vùng đất của cỏ cây hoa lá, của tình yêu sâu lắng. Ông vẽ không phải để vẽ kiếm sống mà tạ ơn đất trời, con người nơi đây. Hoa như người. Người như hoa cứ sống mãi trong từng nét chấm phá trên đầu ngọn bút của ông.
Người xem từng biết đến những bức tranh bằng bút bi do ông vẽ về hoa, nay lại chiêm ngưỡng những bức tranh hoa được ông thể hiện bằng những chất liệu khác nhau trên những phông toan khổ lớn. Những tác phẩm hội họa vẽ về hoa được họa sĩ Đặng Ngọc Trân sáng tác trong một thời gian dài đã mang đến một sự biểu cảm thật tinh tế, phóng khoáng mà rung cảm thật sự. Người xem có thể tìm thấy được sự lung linh, huyền ảo trong từng nét vẽ; có thể nhận ra sức sáng tạo của ông. Hàng trăm loài hoa có khi không biết tên vẫn hiện lên trên từng nét chấm phá điêu luyện của ông...
Là người kiên trì với phong cách hiện thực, điều dễ nhận thấy trong tranh của họa sĩ Đặng Ngọc Trân không chỉ ở sự điêu luyện trong đường nét đến màu sắc mà ở đó còn toát lên được chủ ý của tác giả trong việc áp dụng một cách vững vàng những thủ pháp hội họa như tương phản, so sánh, tối sáng; tạo nên sức biểu cảm: độ nhẵn hay xù xì... khiến tác phẩm càng trở nên có hồn.
Cách ông đưa thiên nhiên vào tác phẩm, không phải là sự sao chép vụng về, ngô nghê mà bằng sự rung cảm thực sự từ trái tim của người nghệ sĩ. Nó bao hàm đầy đủ những yếu tố tạo hình. Những hình ảnh sống động đưa người xem đến một cảm giác như chính mình trực tiếp sờ được, nắm bắt được, tận mắt nhìn thấy; như một nhà phê bình đã nói “Thật hơn cả sự thật” hay “đẹp hơn cả thiên nhiên”.
Theo mốc thời gian, ông có những cuộc triển lãm tranh cá nhân.
Năm ông 70 tuổi (1998), triển lãm tranh ở Khách sạn Hoàng Hậu trên đường Hồ Tùng Mậu, Đà Lạt. Năm 75 tuổi (2003), triển lãm tranh bút bi ở Trung tâm triển lãm khu Hòa Bình, Đà Lạt. Năm 80 tuổi (2008), cũng tại nơi này, ông tổ chức triển lãm 80 tác phẩm sơn dầu về hoa và được đón nhận nhiệt liệt. Bước sang tuổi 85 (2013), ông mang tranh về Tuy Hòa (Phú Yên) tổ chức triển lãm và đã gây được nhiều cảm xúc của công chúng và cả những em thiếu nhi cấp tiểu học. Khách mến mộ tranh của ông, một phần ở các thành phố lớn trong nước. Người mua tranh, phần lớn là khách nước ngoài như thương nhân, khách du lịch và một số học giả. Có người đề nghị ông triển lãm ở Paris, có người nói tranh của ông có thể trưng bày ở Moskva. Mặc dù tuổi cao, nhà thường khóa cửa, nhưng thỉnh thoảng cũng có những người mến mộ gõ cửa thăm nơi ông sinh sống và làm việc. Tôi thường bắt gặp các cán bộ, nhân viên lãnh sự quán, họa sĩ, nhà văn, nhà báo, một số học giả đang nghiên cứu văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, hoặc trên đường công tác cũng tranh thủ đến thăm ông và phòng tranh của ông.
Ngày 25 tháng 12 năm 2009, ông lại ra mắt người xem bằng loạt tranh, mà ông đặt tên là “Hiện thực liên tưởng” (Realistic Association). Cuộc triển lãm này là sự bứt phá ngoạn mục từ những ý tưởng quen thuộc về hội họa truyền thống, ông tìm đến một cảm nhận mới trong hội họa. Điều thú vị, lần này, có thêm người bạn đời yêu quý của ông là bà Phan Thị Thu Hà cùng tham gia triển lãm.
Những người trong giới mỹ thuật đánh giá họa sĩ Đặng Ngọc Trân là “một nhà điêu khắc có tư duy trừu tượng đầy tính biểu cảm và ẩn dụ. Những bức tượng của ông hàm súc những ý tưởng triết học sâu xa, tính thẩm mỹ hiện đại”; là “một người có trí tuệ uyên bác, một sự lao động cần cù say mê hết mực”; đó là “tâm hồn của người Việt, rất thuần khiết và nhã nhặn tinh tế”.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu là thành viên của Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao về bút pháp và tư duy của họa sĩ Đặng Ngọc Trân trong một số tác phẩm mà ông thể hiện. Ở đó người xem thích thú với sự tỉ mỉ, chỉnh chu của người nghệ sĩ đam mê sáng tạo mà thế hệ của ông mới có được.
Điều mà tôi luôn yêu kính ở ông là sự làm việc không ngưng nghỉ, lao động nhiệt thành và sáng tạo không ngừng. Ông không còn thời gian cho những công việc vô bổ hội hè đình đám nhậu nhẹt. Thời gian của ông quý hơn vàng. Mỗi phút đi qua là sự miệt mài cần mẫn. Ở ông, nụ cười luôn thường trực trên môi. Ông vui vẻ, xởi lởi và tận tình với bạn bè, với người yêu nghệ thuật, trân quý nghệ thuật. Tuổi già không làm cho ông dừng bước. Ông tiếp tục đi, tiếp tục vẽ, tiếp tục cống hiến cho nền nghệ thuật Việt Nam đương đại, cho thành phố hoa mà ông đã dành trọn cuộc đời mình để tận hiến. Cho đến tận hôm nay, lão họa sĩ Đặng Ngọc Trân vẫn minh mẫn, tập thể dục hằng ngày, ung dung làm việc, học tập, sáng tạo và khám phá nghệ thuật như chưa hề có sự can thiệp nào của “quy luật thời gian”, và cứ thế kho tàng tác phẩm của ông lớn dần, lớn mãi...
TRẦN NGỌC TRÁC