
Sáng chủ nhật, ngủ nướng tới hơn 7 giờ dậy. Chuông điện thoại reo. Ngó màn hình, Minh phấn khởi: - Văn Tuấn Anh, lâu quá, ông bạn vàng!... Đang ở đâu? Chờ em ra Đà Lạt điểm tâm, trò chuyện… Ka Liên khỏe, đến xưởng từ sớm. "Lang Bian coffée" hoạt động tốt. Thanh-kiu, chờ nhé!
1. Sáng chủ nhật, ngủ nướng tới hơn 7 giờ dậy. Chuông điện thoại reo. Ngó màn hình, Minh phấn khởi: - Văn Tuấn Anh, lâu quá, ông bạn vàng!... Đang ở đâu? Chờ em ra Đà Lạt điểm tâm, trò chuyện… Ka Liên khỏe, đến xưởng từ sớm. “Lang Bian coffée” hoạt động tốt. Thanh-kiu, chờ nhé!
Vội vàng quơ áo khoác, Minh thầm trách gần năm nay lu bu công việc không í ới cố nhân và chợt nghĩ mấy năm trước không lên Đà Lạt, không gặp Văn Tuấn Anh thì cuộc đời mình sẽ ra sao? Bâng khuâng, anh lan man cùng ký ức…
Âm điệu cồng chiêng rộn ràng, ánh lửa bập bùng và men rượu cần ngọt lịm dẫn dụ khiến tâm trí Minh bồng bềnh cảm giác đang trôi trong đêm hồng hoang dưới chân núi Lang Bian. Tính ngồi xem và nhấm nháp rượu cần nhưng Văn Tuấn Anh khích lệ: Ủ rũ như bố già vậy! Chú vào cuộc đi, chơi hết mình vào! Vừa nói, anh bạn vừa đẩy Minh vào hàng người đang hào hứng nắm tay nhau nhún nhảy theo tiết tấu nhạc sôi động. Sau những bước miễn cưỡng, ngượng ngập với vòng xoang quanh đống lửa hồng reo phần phật, sự phấn khích tăng lên anh mạnh dạn nắm chặt bàn tay mềm mại của sơn nữ trong buổi giao lưu giữa nhóm du khách và đội cồng chiêng bản địa. Y phục thổ cẩm ôm sát tấm thân mềm mại tôn những đường cong căng đầy sức thanh xuân, bờ vai trần và cánh tay thon thả sâm sẫm màu cà phê, thiếu nữ uyển chuyển theo bước dân vũ vui nhộn. Nàng tươi cười, líu ríu với các bạn gái bằng tiếng Kơ Ho, không hiểu nhưng Minh nghĩ các cô rất hưng phấn. Gương mặt trái xoan ửng hồng, mái tóc dài xõa miên man tựa suối đại ngàn, đôi mắt thăm thẳm lấp lánh ánh lửa hút hồn Minh vốn khoảng một giờ trước còn rầu rĩ. Anh đắm đuối khiến sơn nữ có phần e thẹn… “Tiếng sét ái tình” vận vào mối tình của Minh và Ka Liên quả linh ứng. Rời vòng người, Minh bồn chồn, xao động lạ thường. Tâm trí, ánh mắt không ngừng hướng về sơn nữ, anh lại gần trò chuyện làm quen Ka Liên. Từ sự thiện cảm vừa chớm nở, trong tuần lưu lại Đà Lạt hai người thêm đôi lần gặp gỡ và trở thành thân thiết, đồng cảm. Xuôi ngược lên xuống thăm hỏi và mấy tháng sau, Minh đã được nàng “bắt” làm chồng. Anh rời Sài Gòn lên rừng mua rẫy lập trang trại cà phê, sản xuất sản phẩm “Lang Bian coffée” đang là thương hiệu nổi tiếng được thị trường ưa chuộng.
2. Tốt nghiệp đại học Xây dựng, đầu quân cho doanh nghiệp nhà nước ba năm, Minh nghỉ việc, lập Công ty xây dựng riêng. Có mối quan hệ, chú trọng chất lượng công trình nên doanh nghiệp nhận nhiều hợp đồng không chỉ ở Sài Gòn mà còn vươn sang các tỉnh miền Đông Nam bộ. Cứ ngỡ sẽ thuận buồm xuôi gió, thì gặp Thuận là bạn đồng môn cũng đang mở công ty kinh doanh bất động sản. Trong cuộc nhậu lúy túy với mấy bạn thời đại học nữa, Thuận thao thao nêu ý tưởng: Không có chuyện “mèo nhỏ bắt chuột lớn”. Phải liên kết để nâng tầm quy mô doanh nghiệp, thu hút nhân tài vật lực, mở rộng phạm vi hoạt động… Chúng mình là đồng môn, đang làm ông chủ công ty, tuổi trẻ khởi nghiệp không thể khởi điểm từ một doanh nghiệp phọt phẹt. Thuận còn hài hước: Học kinh tế chính trị, ai chẳng thuộc câu bất hủ của Mác - Ănggen “vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Nghe hay hay, Minh tâm đắc và đồng ý phải liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ vài tháng, với tài lèo lái của Thuận, Công ty CP kiến trúc - xây dựng - bất động sản AB ra đời do Thuận làm Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Minh làm Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Hai năm đầu, với tài giao dịch, xoay xở của Ban Giám đốc, Công ty hoạt động khá hiệu quả. Nhất là lĩnh vực bất động sản do Thuận đảm nhiệm bởi chịu “bôi trơn” các mối quan hệ nên liên tục trúng quả đậm. Mảng xây dựng của Minh cũng không đến nỗi song vẫn “lép vế” so với lợi nhuận Giám đốc mang về. Cán bộ, người lao động trong Công ty suốt ngày chỉ xuýt xoa ca tụng Giám đốc Hai Thuận tài giỏi. Vị thế Minh dần chìm, nhất là thời gian Thuận trực tiếp giao dịch, nhận công trình xây dựng ở các tỉnh lân cận. Thay vì tính đúng, tính đủ trên nguyên tắc phải có lãi nhưng do nặng chăm sóc quan chức địa phương và nhằm “thả con săn sắt, bắt con cá rô” để mưu lợi trong việc móc ngoặc tìm các dự án đất đai béo bở nên Thuận thường chỉ đạo đấu thầu với giá thấp, hoặc khi quyết toán đã khai khống nhiều mục để rút tiền “ngoại giao”. Bản tính trung thực, đôi lần Minh nói gần nói xa phản ứng cách làm ấy, Thuận gạt phắt đi: Chú cứ để anh. Thời buổi này thiếu “nhất quan hệ, nhì tiền tệ” thì có mà húp cháo!
Giữa lúc mối liên kết giữa hai người lỏng lẻo và thiếu khăng khít, ở công ty lại xì xào ý kiến chê trách Minh kém năng lực chuyên môn, khả năng tổ chức và quản lý thi công công trình kém. Điều làm anh sốc nhất là Hà, em gái Giám đốc, Thuận thường đẩy đưa sẽ chắp mối thu vén người đẹp cho Minh nên đã gieo trong anh niềm hy vọng Hà sẽ là người yêu lý tưởng. Giờ đây ở cương vị phụ trách Văn phòng, Hà chợt hờ hững, tránh gặp anh bao nhiêu thì xoay ra thân mật, vồn vã bấy nhiêu với một thành viên Hội đồng quản trị khá “cánh hẩu”, luôn cặp kè Hai Thuận như hình với bóng.
Không thức lâu đã nhận ra đêm dài, Minh ngộ ý đồ thâm sâu của Thuận. Khi công ty đang xu hướng ăn nên làm ra theo sự đắc ý của một nhóm người, họ muốn “vắt chanh bỏ vỏ”, toan hất anh ra khỏi cuộc chơi. Thuận đang kéo bè cánh, tung tin hạ uy tín nhằm cô lập, làm anh nao núng phải sớm rời khỏi liên doanh này. Ngỡ ngàng vì lòng người đổi trắng thay đen, Minh cáo ốm và như kẻ bị truy đuổi, chạy lên nghỉ ngơi ở Đà Lạt.
3. Hai ngày ở Đà Lạt, Minh dường như ít khi rời ban công căn phòng khách sạn nằm trên lưng đồi nhìn xuống quang cảnh hồ Xuân Hương mơ màng đắm chìm trong làn sương mù mỗi ban mai. Thằng em trai rối rít: Hoa Mai Anh Đào nở đẹp không anh. Gửi qua Zalo cho em mấy tấm ảnh. Cuối Đông, thành phố hối hả, nhộn nhịp chuẩn bị cho Festival Hoa, khách du lịch nườm nượp tụ tập bên hồ Xuân Hương ngắm Mai anh đào bừng rực rỡ tựa những vầng mây hồng soi bóng gương hồ xanh thẳm. Anh thở dài, ngao ngán với thằng em: Hoa bao giờ chẳng đẹp… nhưng… người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Chán cho anh quá, này có ông Văn Tuấn Anh lập Làng du lịch Cù Lần trên đó. Nếu mất số, em nhắn tin. Tìm ông ấy, uống rượu giải sầu.
Cảm ơn chú em đã nhắc tới người bạn vong niên, lớn hơn gần 20 tuổi, có thời là “trùm” bất động sản uy tín ở Sài Gòn. Giữa “thành phố buồn nằm nghe khói tỏa” gặp người quen thì còn gì hạnh ngộ bằng. Một thời gần Văn Tuấn Anh, Minh có thiện cảm với con người đa tài này.
 |
Ông chủ Làng Cù Lần Văn Tuấn Anh |
Văn Tuấn Anh quê Hội An, Quảng Nam. Gia cảnh khó khăn, tuổi thơ lưu lạc vào Sài Gòn mưu sinh. Khi trở thành doanh nhân, tuy kiệm lời nhưng lúc ngà ngà say thường vỗ vai bạn bè tâm sự: Khởi nghiệp của “moa” (tôi - tiếng Pháp) là nhiều năm làm phụ hồ, theo nghề sửa đồng hồ, rồi phụ bán hàng điện lạnh… Gom góp lưng vốn kha khá gặp buổi thị trường bất động sản sôi động, bạn bè rủ rê kinh doanh đất đai thấy hấp dẫn, dễ “bẻ lái” cuộc đời nên OK. Vạn sự khởi đầu nan, làm mấy vụ đều trúng đậm. Ham quá, không chỉ đầu tư địa ốc ở Sài Gòn, miền Tây mà còn mò ra cả vịnh biển Nha Trang. Tuy dân làm ăn, mình cũng rất mê âm nhạc. Thời thơ ấu vất vả, hàn vi vậy mà đầu óc lúc nào cũng ngân nga âm hưởng mấy câu hò của “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấm đã say”. Rủng rỉnh tiền bạc, đã theo mấy khóa đào tạo của nhạc viện. Còn yêu tranh thì khỏi nói, có lần chở hàng điện lạnh đi giao cho khách ngang qua một Galery. Dừng bước ngó vào thấy bức tranh phong cảnh nông thôn miền Trung khiến sững sờ, ngẩn ngơ như được trở về với ký vãng niên thiếu, với quê hương xa ngái có người mẹ già tần tảo… Đêm thao thức với cảnh đồng lúa, rặng dừa, ngọn khói lam chiều vương vấn xóm nghèo trong tranh… Hôm sau dẫu giao hàng không ngang qua đường đó, vẫn như bị ma ám dẫn lòng vòng lại đến cửa hàng tranh. Biết không, ngày cưới vợ, gom được ít tiền mừng, vội đến Galery, đứng trân trân ngắm mãi rồi mới ấp úng hỏi giá tranh. Cô chủ hiệu ngó mình như gặp người ngoài hành tinh bởi có gã ăn vận xuềnh xoành, dáng vẻ lam lũ lại hỏi mua tranh, thật lạ. Nghe giá mà rụng rời, không kể số tiền trong túi, phải mất 5 tháng làm công nữa mới mua nổi bức họa. Không biết có phải trời phật xui khiến không, “moa” khe khẽ hỏi có thể cho trả tiền dần từng tháng đến khi trả đủ mới mang tranh về được không? Lại bất ngờ nữa, tranh là hàng dành cho giới thượng lưu coi tiền như vỏ hến chứ đâu dành cho túi tiền lép xẹp của gã này? Nghèo mà sao gã yêu hội họa đến vậy! Với ánh mắt trân trọng và cảm thông, chủ hiệu mỉm cười đồng ý. Tớ muốn nhảy cẫng lên sướng không kém khi thiếu nữ hiền dịu, cha mẹ gốc Kiên Giang sống giữa xóm lao động nghèo ở ngoại ô Sài Gòn mà mình thương trộm nhớ thầm nhận lời yêu và thành bà xã.
4. Gõ Google, Minh cập nhật một số thông tin: Làng Cù Lần do Văn Tuấn Anh khởi nghiệp năm 2012, nằm ở khu vực hồ Đăng Kia - Suối Vàng, thuộc huyện Lạc Dương. Làng được lập trên cơ sở doanh nghiệp tự tích lũy quỹ đất, lập dự án xây dựng mô hình khu du lịch gắn kết giữa yếu tố sinh thái và văn hóa bản địa. Chủ nhân Làng đăng ký quản lý, bảo vệ hàng chục hecta rừng nguyên sinh bao quanh, nơi đây còn hiện hữu những quần thể thông hai lá dẹt gốc tích từ thời khủng long ngự trị. Người Kơ Ho trong vùng nhớ mãi những ngày đầu vào buôn tìm hiểu phong tục, tập quán xa xưa của đồng bào, cái ông dân Sài Gòn tóc lòa xòa chấm vai, nói cười rổn rảng ngó lãng tử, chịu chơi… Không biết đầu tư thật hay chỉ mua đất làm dự án và chờ thời để sang nhượng như những kẻ lắm tiền khác nhưng ông chủ trẻ này gần gũi đồng bào, uống rượu cần mềm môi thì ôm đàn hát như lên đồng và mê rừng lắm. Có lần cả tuần lang thang, lặn lội khảo sát rừng, luôn tay vẽ vời vào sổ. Gặp được mạch nước, con suối róc rách nó phấn khởi như bắt được vàng; ngẩn ngơ vài ngày nếu lâm tặc lén hạ đôi cây trong khu rừng được giao… Giờ mới phục nó vì yêu rừng, yêu thiên nhiên nên quản không ít gian khó để xây dựng Làng thành điểm du lịch sinh thái - văn hóa hấp dẫn. Đồng bào thích nhất là từ thu hút nhân lực làm du lịch và giữ rừng, Làng đã tạo công ăn việc làm cho mấy chục con em trong buôn… Thông tin trên báo chí cho hay: Làng Cù Lần là một trong rất ít khu du lịch ở Việt Nam xây dựng được triết lý Văn hóa - Kinh doanh. Ở đây yếu tố Môi trường Rừng và Văn hóa Rừng song hành, bổ trợ, thúc đẩy nhau cùng tồn tại và phát triển. Làng từng được Singapore trao bằng chứng nhận về Du lịch Xanh, thân thiện với môi trường và những đóng góp cho cộng đồng bản địa. Chủ nhân Làng mê sưu tập tranh, đã sở hữu khoảng 180 tác phẩm góp mặt từ danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm đến các họa sĩ có nhiều tranh được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ như Lê Thiết Cương, Nguyễn Trung, Nguyễn Lâm, Lê Ngọc Linh… Là tâm điểm của giới sưu tập tranh trong và ngoài nước, Cù Lần còn tạo sức hút đông du khách tìm đến thưởng ngoạn bộ sưu tập trên 60 bức tượng gỗ Tây Nguyên ngộ nghĩnh, sinh động và độc đáo… Theo đam mê của chủ nhân, Làng phục dựng sinh động nhằm tái hiện những nét đặc trưng văn hóa sinh hoạt truyền thống bản địa như Chợ Chồm Hổm, Xóm Kơ Ho, Nhà sàn dân tộc, sân lễ hội dành cho sinh hoạt cồng chiêng, múa xoang…
Nhà hàng Thủy Tạ bên hồ Xuân Hương. Vẫn diện đồ jean, mũ da rộng vành ngó bộ Văn Tuấn Anh là nhà folklore (dân tộc học). Mấy năm mới gặp lại, hai người vồn vã chuyện gần xa. Lắng nghe lý do Minh lên Đà Lạt, Văn Tuấn Anh khua tay:
- Hãy phớt Ăng-lê những chuyện bực mình lại Sài Gòn. - Nụ cười bừng sáng khuôn mặt toát lên sự cương nghị, phong trần của người đàn ông xấp xỉ ngũ tuần, chủ Làng hất ngược vành mũ, ánh mắt đen tròn xoe lấp lánh thông minh và khoáng đạt, vỗ vai Minh, giọng trầm ấm, chân thành - Lên “Thành phố Mộng mơ” cứ thả hồn mơ mộng đi. Nỗi buồn của chú không là cái đinh gì so với sự vất vả mà anh đã trải, chưa kể những thủ đoạn xảo quyệt, lừa lọc trên thương trường mà mình gặp và từng nếm quả đắng không ít vụ. Tất cả còn ở phía trước. “Moa” tin nghị lực tuổi trẻ sẽ giúp “toa” (bạn) vượt qua, đủ bản lĩnh làm lại từ đầu. Bây giờ vào Làng Cù Lần! Cách đây gần hai mươi cây số chứ không gần… mà ở tít trong rừng cơ đấy.
Theo bạn vong niên đến Làng Cù Lần, Minh cảm nhận quả là một khu du lịch sinh thái giàu bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên song tiện nghi cũng không kém phần hiện đại, lịch sự. Sau mấy tiếng du khảo, ngồi trên chòi gỗ lợp tranh uống rượu, Văn Tuấn Anh say sưa tâm sự: Cuối năm 2016, Làng Cù Lần sẽ tổ chức sinh nhật lần thứ 5. Sẽ khai trương nhiều chương trình hấp dẫn như: Phòng trưng bày gốm cổ có niên đại từ thế kỷ 7 đến 18, 19 gắn liền với đời sống Tây Nguyên; Tủ sách Cù Lần phục vụ miễn phí cho khách nghỉ dưỡng, có nhiều sách, tài liệu về Tây Nguyên, Đà Lạt trong quá trình phát triển; Chợ trời Cù Lần trưng bày và bán hàng nông sản, hoa, các mặt hàng thổ cẩm của đồng bào; Khu nhà sàn cách điệu “Xóm Thượng Cù Lần” - ở trọ giữa rừng xanh dành cho nhóm khách từ 5 người trở lên; khai trương không gian âm nhạc “Cù Lần hát” và tổ chức các show ca nhạc hàng tuần do Làng kết hợp với các nhạc sĩ và nghệ sĩ trong nước; Triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Lê Ngọc Linh, bộ tranh sơn dầu Lê Thanh Tùng với chủ đề “Việt Nam quê hương tôi”…
Doanh nhân hay nghệ sĩ? Phương diện nào cũng tuyệt! Đi từ ngạc nhiên này sang ngỡ ngàng khác, Minh trầm trồ: - Ông anh quả lãng mạn! Tò mò chút, sao đặt tên Cù Lần cho Làng?
Văn Tuấn Anh nheo mắt mỉm cười, chậm rãi buông lời: - Vào những năm đầu thế kỷ 20, có chàng trai đồng bằng lên núi, vào rừng với ước mơ nhặt đá xây dựng một thiên đường giữa rừng để tặng người yêu. Có lẽ với ước mơ và cách làm khác người rất khờ khạo, hiền lành như chú Cù Lần nơi thâm sơn cùng cốc ấy đã khiến người đời gọi chàng là Thằng Cù Lần. Nghe tin, cô gái đã bỏ phố lặn lội lên núi vào rừng. Choáng ngợp với vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên, núi rừng hoang dã, cảm động trước tình yêu chân thành, nàng quyết ở lại cùng Thằng Cù Lần xây ngôi nhà nhỏ bên bờ suối vắng giữa những đồi xanh, giữa rừng hoa dại như người tình hằng mơ ước. Từ đó, người đời đặt tên là Làng Cù Lần… Huyền thoại và cũng rất hiện thực khi gần thế kỷ sau, một điểm du lịch đậm chất Làng - Bon (buôn) ra đời trên chính vùng rừng núi hoang sơ xưa của Thằng Cù Lần.
Sực bừng tỉnh khỏi câu chuyện cổ tích, giọng Văn Tuấn Anh rành rọt:
- Chú ạ, rời Sài Gòn đô hội lên sống với núi rừng bao la, với thiên nhiên trong lành, đã giúp tâm hồn anh thanh lọc những khát vọng tầm thường mà một thời mình từng khao khát nhưng giờ đây mới ngộ ra đó không phải là mục đích sống. Kinh doanh bất động sản không xấu nhưng khi gặp phi vụ bị bạn bè phản trắc, anh chợt nhận ra đã đến lúc “rửa tay, gác kiếm”. Lên Đà Lạt, thấy làm du lịch có vẻ hợp với tạng văn nghệ, ưa sáng tạo của mình và rất hấp dẫn cho nên cuộc đời rẽ sang lối khác. Thiên nhiên là người thầy vĩ đại đã giác ngộ, đã hướng mình vươn tới và giục giã phải làm những điều tốt đẹp, có ích. Giờ khát vọng lớn nhất là xây dựng Làng Cù Lần trở thành một điểm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng ngày thêm giàu bản sắc văn hóa truyền thống; nơi cho người này niềm vui cho người kia sức khỏe; nơi mọi người trải nghiệm để yêu quý và trân trọng thiên nhiên hơn.
Lặng suy tư, rồi Văn Tuấn Anh hồ hởi - Một điều qúy nữa mà núi rừng, giai điệu cồng chiêng sơn nguyên ban tặng là đã khơi dậy trong thằng anh nguồn cảm hứng sáng tác âm nhạc. Có nhiều tác phẩm dạt dào cảm xúc, hát sướng lắm. Lên cao nguyên còn gặp mấy tri kỷ, trong đó có nhạc sĩ Đình Nghĩ - Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Lâm Đồng. Ông anh phiêu lắm. Đến Làng, nhạc sĩ say rừng, say không gian văn hóa cội nguồn nên thi hứng ùa vào tác phẩm “Bồng bềnh trắng bông trời”. Nhạc phẩm có những ca từ đắt:... Này xuân ô kìa!/ Bồng bềnh trắng bông trời/ Dịu nở nụ cười tháng ba/ Linh lan em tan nhòa đêm/ Môi mềm khác/ Thả vào đê mê, đi tìm nhau/ Để chiều lóng ngóng, lóng ngóng với bóng/ Chạm hoàng hôn đường xuân tím rọi/ Em bừng soi/ Cõi hiền linh thiêng, viên tình yên/ Để chiều quấn quýt, quấn quýt mắt phố/ Chạm hoàng hôn vườn xuân sấp ngửa/ Em nhìn thấy cội hồng/ “Này xuân ô kìa!/ Bồng bềnh trắng bông trời”... Nhạc sĩ tinh tế khi phát triển chất liệu âm nhạc dân gian của người Kơ Ho, Chil… thành thể loại pop và rock mới, hát lên mê hoặc lòng người. Tác phẩm công diễn, Ban Dân tộc Đài THVN vào làm phim về Làng sử dụng ca khúc và VTV1 đã phát…
Minh xuýt xoa: - Nhạc sĩ quá thấu hiểu, chia sẻ nỗi lòng, khát vọng của anh và của Làng. Để chiều lóng ngóng, lóng ngóng với bóng/ Chạm hoàng hôn đường xuân tím rọi… - Chân dung anh quả “bồng bềnh trắng bông trời”. Có thể hiểu bóng là bóng núi, cũng có thể bóng tương lai, bóng niềm vui, niềm hy vọng đang về như đường xuân tím gọi. Cảm xúc rất thật bởi trước người đẹp hay trước hạnh phúc, con người ta không lóng ngóng mới lạ. Bữa nào cho em ra mắt ông Đình Nghĩ nhé!... Mà trong thư viện của Làng, em đọc bút tích nhạc sĩ Nguyễn Bách bình luận khá sắc sảo về nhạc của anh: Khác với nhiều giai điệu trầm tư luyến nuối khá phổ biến viết về Đà Lạt từ thập niên 40 trở lại đây, Văn Tuấn Anh, chàng “Cù Lần” lãng tử luôn thích những thử nghiệm mới. Đã dùng ngôn ngữ âm nhạc pha giữa pop và kinh điển để tạo vẻ hiện đại mà kỳ ảo, giản đơn nhưng tinh tế của một thành phố cao nguyên… Nào nâng ly, nhạc sĩ Cù Lần!
Chủ Làng cụng ly, mỉm cười hiền hậu và khẽ khàng như nói với bản thân:
- Tạm gọi thành công bước đầu. Cũng mừng là Festival Hoa 2015, hai nhạc phẩm “Rừng gọi” và “Chuyện tình hoa Pơ-ra-nhăng” của mình được đưa vào chương trình khai mạc và bế mạc. Nhân dịp này, nhạc sĩ Nguyễn Bách tuyển tác phẩm “Rừng gọi” và “Nhà anh trên đỉnh cheo leo” cho chương trình biểu diễn Piano Sings 2015 với chủ đề “Phím đàn hoa”. Thôi không dài dòng, hát tặng thằng em bài “Làng Cù Lần” nghe chơi.
Ôm cây đàn guitar, Văn Tuấn Anh chậm rãi rải những hợp âm nghe thoảng tiếng suối chảy, thông reo… Giọng hát mượt mà ngân lên thổn thức:
Làng tôi khuất trong rừng già
Làng tôi treo trên núi cao
Làng tôi trôi trong mây chiều tà
Quê hương thằng Cù Lần
Thế gian đặt tên
Về nghe suối qua thềm nhà
Rừng đêm ru êm giấc mơ
Về chia cho nhau hơi lửa
Men cay tình ngọt ngào
Nồng nàn đêm thâu
Nơi người xa để mong quay về
Nơi người qua thương thương chẳng vì đâu…
Mái tóc dài xoăn bồng bềnh lúc rũ xuống cần đàn, lúc ngẩng lên ngây ngất phiêu linh, Văn Tuấn Anh thả hồn thăng hoa… Minh nghe như vọng về thanh âm vó câu sải trên thảo nguyên, tiết tấu cồng chiêng khi trầm hùng, khi rộn ràng diễn tấu Lễ cúng Yang, Lễ đón mừng lúa mới…
Hát xong, thấy Minh gõ nhịp lên bàn, nhắm mắt mơ màng, lắc lư theo lời hát, Văn Tuấn Anh hỏi: - Được không?
- Anh đã hóa thân thành đồng bào Kơ Ho rồi. Dân ngoại đạo song nghe tiết tấu, lời ca thấy Tây Nguyên lắm!
- Hà, hà! - Văn Tuấn Anh gật gù - Ừ đêm nay, anh em mình vào buôn giao lưu văn nghệ cồng chiêng, đã đến lần nào chưa, nếu chưa thì đáng tiếc!
5. Cà phê Tùng trên khu Hòa Bình. Sau một hồi im lặng, suy tư, Minh khe khẽ hát với giọng thao thiết, dặt dìu:
… Nơi bình yên bên nhau cùng thời gian
Chốn để đến những cánh chim ngược gió
Nơi ngựa hoang quên đường xa
Dừng bước chân đời phiêu lãng.
Ngừng lời, Minh bộc bạch: - Lời kết bản nhạc “Làng Cù Lần” như vận vào cuộc đời em vậy. “Chốn để đến những cánh chim ngược gió/ Nơi ngựa hoang quên đường xa”… Anh ạ, giữa lúc chán nản với nhân tình thế thái, em là cánh chim ngược gió và duyên số may mắn sao lên Đà Lạt gặp lại anh, rồi Ka Liên trong đêm cồng chiêng. Số phận đã mỉm cười khi Ka Liên giang tay đón nhận tình yêu của em. Em về Sài Gòn đoạn tuyệt với Giám đốc Thuận, với Hà một thời trong mộng, quyết chí lên cao nguyên lập nghiệp. Ka Liên thôi dạy học cùng em trở thành nông dân trồng cà phê chính hiệu. Trên đỉnh cao hơn 1.500 m này, em đã tìm cho mình một căn nhà hạnh phúc ở buôn Bneur C, nơi “dừng bước chân đời phiêu lãng”…
- Vậy, trang trại của hai vợ chồng có được mấy hecta?- Văn Tuấn Anh ân cần hỏi.
- Em mua 10 ha rẫy, trồng hết cà phê Arabica, chủ yếu giống Môka. Quan trọng đã mở rộng liên kết với bà con theo mô hình tổ hợp tác được khoảng gần 40 hecta nữa. Bọn em thành lập một tổ kỹ thuật 5 người hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng, tạo tán tỉa cành, chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật, thời vụ. Mình ứng trước vật tư, tiền bạc cho bà con. Đến vụ thu hoạch cà phê luôn mua với giá cao hơn thị trường nên đồng bào ưng lắm! Bên cạnh đó, xưởng chế biến cà phê được đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, do Ka Liên quản lý. Hiện chưa hoạt động hết công suất vì thiếu nguyên liệu nên năm vừa qua chỉ xuất ra thị trường 15 tấn. Cung chưa đáp ứng cầu song mô hình “Lang Bian coffée” sẽ đứng vững trên thương trường, em đang liên hệ chào hàng để xuất khẩu sang châu Âu. Điều mừng nhất là bọn em đã tạo công ăn việc làm ổn định cho một số lao động Kơ Ho ở thị trấn Lạc Dương tuy thu nhập chưa cao, chỉ trên 5 triệu đồng người/tháng.
- Yes! Mừng cho “toa”! - Văn Tuấn Anh giơ tay, hai người đập mạnh tay vào nhau. Như nhà hiền triết, chủ Làng nhẩn nha: - Thế mới là cuộc sống! Chú biết không, Ấn Độ cổ đại có câu châm ngôn chí lý, đại ý: Người thiện có thể gặp ác nhưng khi cái thiện trổ hoa thì người đó sẽ gặp phúc. Kẻ ác có thể gặp may nhưng khi cái ác trổ hoa thì kẻ ác sẽ gặp họa. Cuộc đời vốn công bằng… Đừng tham việc quá, bữa nào chở Ka Liên trở lại thăm Cù Lần. Có nhà văn hóa đang mộng cùng anh xây dựng một Trung tâm nghiên cứu Tây Nguyên ở Làng Cù Lần đấy!
Đà Lạt ngày cuối năm giá lạnh căm căm. Trong quán cà phê, hai người đàn ông kề sát nhau - một trung niên và một ngoài ba mươi với gương mặt tỏa ấm tình người, say sưa tâm sự về những dự tính cho hiện tại và tương lai. Ngoài phố, nắng vàng tơ lao xao hối hả vẫy gọi mùa Xuân về!
Noel 2017
Truyện ký: NGUYỄN THANH ÐẠM