Ghi ta giữa… lưng chừng

09:02, 19/02/2018

Cùng với các nhạc cụ truyền thống (cồng, chiêng, sáo, khèn…), đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạc Dương đã biết tiếp thu nền văn hóa mới, đó chính là đàn ghi ta... 

Cùng với các nhạc cụ truyền thống (cồng, chiêng, sáo, khèn…), đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Lạc Dương đã biết tiếp thu nền văn hóa mới, đó chính là đàn ghi ta. Giờ đây, ghi ta không chỉ hiện hữu trong đời sống của họ như một nhạc cụ độc tấu, hòa tấu hiện đại mà bà con ở đây còn hòa vào các ban nhạc mang âm hưởng dân tộc. Và, một thế hệ trẻ ở núi rừng đã biết làm mới âm nhạc, quyện hòa cùng núi rừng, tạo nên vẻ độc đáo riêng, đậm chất Nam Tây Nguyên.
 
Những tay ghi ta ở LangBiang đang hòa quyện văn hóa truyền thống với hiện đại. Ảnh: Ðức Tú
Những tay ghi ta ở LangBiang đang hòa quyện văn hóa truyền thống với hiện đại. Ảnh: Ðức Tú

Cruygang Duy Thêm (SN 1985, tổ dân phố Bon Dơng 2, thị trấn Lạc Dương) là một nông dân rất đam mê âm nhạc. Sau một ngày làm việc nặng nhọc, anh thường ngồi bên cây đàn ghi ta để nghêu ngao những khúc ca, những tình khúc du mục giữa lưng chừng LangBiang - nơi mây quyện núi, gió lùa sương. Duy Thêm không được đào tạo bài bản để thành một nhạc công, anh chơi ghi ta được từ sự đam mê, mày mò, tìm hiểu và “học lỏm”. Lúc mới 18 tuổi, chàng trai căng đầy nhựa sống Duy Thêm như con trâu mộng của núi rừng Lạc Dương mới biết tới ghi ta. Đàn ghi ta đã thổi vào anh một tâm hồn nghệ sĩ thực thụ, một sự đam mê cháy bỏng. Nhưng rồi cuộc sống như một con thuyền không bến, Duy Thêm phải rời xa chốn lưng chừng, nơi có câu chuyện tình đầy chất thơ của núi giữa chàng K’Lang và nàng H’Biang để sang quốc đảo Malaysia xuất khẩu lao động. May mắn thay, sang nước bạn anh lại được gặp đồng hương, một người đồng hương phiêu diêu trong tiếng ghi ta nơi xứ người, chính người đó đã “tay phím nắn nót cung đàn” cho anh. Bẵng đi một thời gian, Duy Thêm về quê hương xứ sở, tôi luyện thêm để giờ đây anh chính là một nhạc công thực thụ chơi được trống, đàn organ, đặc biệt là một ghi ta bass điệu nghệ trong ban nhạc của các điểm giao lưu cồng chiêng.  
 
Anh Kra Jăn Meng Nôl, cán bộ văn hóa của thị trấn Lạc Dương cung cấp một con số: Uớc chừng 30% thanh niên ở thị trấn nhỏ này biết chơi ghi ta, đó là chơi khá, đệm cho người ta hát thấy “ngọt”, còn chơi các điệu cơ bản, nói chung mới vào “nghề” thì nhiều lắm, đa số à. Cồng, chiêng, sáo, khèn… và ghi ta kết hợp với nhau tạo nên một âm hưởng núi rừng mang nét độc đáo của LangBiang, không lẫn vào đâu được. Minh chứng rõ ràng nhất đó chính là những tràng pháo tay tán thưởng của du khách trong nước lẫn quốc tế.  Một số tay ghi ta lão luyện ở đây như K’Jăn Druyn, K’Jăn Huynh, K’Jăn KLin đã tô điểm thêm nét văn hóa truyền thống, giao thoa với hiện đại.  
 
Sự chia cắt về địa lý, không làm cho những tay ghi ta và những ban nhạc ở Lạc Dương phải chịu bó mình trong một địa hạt. Duy Thêm bảo: “Cái khó của các nhạc công ở đây là phải chơi được nhạc hiện đại và nhạc truyền thống của đồng bào DTTS, điều này không phải nhạc công nào cũng làm được”. Thông thường những đám cưới hay lễ hội lớn nhỏ ở vùng Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng ngoài nghi lễ chung mang đậm nét truyền thống của người dân bản địa thì phần giao lưu văn nghệ là điều không thể bỏ qua. Cuộc sống được nâng cao, phương tiện nghe nhìn phổ biến, văn hóa ngoại lai du nhập làm cho con người ở đây tiếp cận được với nhiều loại hình văn hóa. Trong đó, đáng kể nhất là âm nhạc, chính âm nhạc là cầu nối giữa các dân tộc anh em, các quốc gia… 
 
Cuộc đời nhạc công, nhất là những tay ghi ta giữa lưng chừng LangBiang và các thành viên khác trong ban nhạc ở đây gắn liền với các bản làng, gắn với những núi rừng, với sông suối. Sống với nhau một cách hòa thuận, hát cho nhau nghe những bản tình ca đậm đà bản sắc dân tộc, ca ngợi quê hương đất nước là niềm vui không kim tiền nào có thể đổi được. Những nghệ sỹ miệt núi rừng khoe một niềm vui mà không dễ gì đời nhạc công nào cũng có cơ hội, đó chính là vinh dự khi được “mời” đi chơi nhạc chứ không phải là “kêu” sang để đánh. Duy Thêm giải thích từ “mời” một cách khá trừu tượng, ngỡ như những tay ghi ta và ban nhạc đặc biệt này là một đấng linh thiêng của núi rừng, một sợi dây liên kết. Ròng rã với những nốt nhạc, nhiều khi có những “show” diễn anh em không nỡ nào lấy tiền của gia chủ khi phải vượt cả một chặng đường sá xa xôi, bụi tung mù, lầy lội có thừa. 
 
Đêm LangBiang. Duy Thêm gọi điện thoại: “Đêm nay sẽ có phần giao lưu cồng chiêng, có cả những tay ghi ta đặc biệt của núi rừng, đậm chất”. Quyết định vào ngay! Một đêm lễ hội của đồng bào DTTS được tái hiện để mọi người từ mọi chốn thưởng thức nghệ thuật. Điều đặc biệt hơn, một số giai điệu cồng, chiêng, khèn, sáo, đàn T’rưng được chơi cùng với ghi ta. Một không khí mới, hòa quyện giữa văn hóa truyền thống với hiện đại, giữa những âm thanh vang như sấm rền với tiếng “luýt” luyến láy của ghi ta. Khi đó, mọi người tay trong tay nhảy múa theo những làn điệu độc đáo của núi rừng Nam Tây Nguyên, chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh, một du khách đến từ miền Tây sông nước có mặt trong lễ hội tâm sự: Đây là lần đầu tiên tôi đến với Đà Lạt và được vào vùng đất LangBiang để nghe cồng, chiêng, khèn, sáo… Điểm đặc biệt hơn là đồng bào DTTS ở đây đã biết kết hợp với đàn ghi ta, một nét độc đáo không dễ gì ở đâu cũng có được. Ngay vùng đất tôi sống, người chơi ghi ta chung quy chỉ những làn điệu cải lương hay tân nhạc. Có thể đây là một điều mới mẻ thu hút du khách. Ngoài ra, nó còn thể hiện sự hòa nhập mà không hòa tan của đồng bào DTTS nơi đây. 
 
ÐỨC TÚ