
Lâm Đồng, một tỉnh đa dân tộc, đa văn hóa và tín ngưỡng đa thần; xưa nay, văn hóa truyền thống đã trở thành bản sắc rất riêng hết sức độc đáo, tạo nên vóc dáng riêng về văn hóa trong cộng đồng 43 dân tộc anh em sống đan xen, thuận hòa trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
Lâm Đồng, một tỉnh đa dân tộc, đa văn hóa và tín ngưỡng đa thần; xưa nay, văn hóa truyền thống đã trở thành bản sắc rất riêng hết sức độc đáo, tạo nên vóc dáng riêng về văn hóa trong cộng đồng 43 dân tộc anh em sống đan xen, thuận hòa trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay, vai trò của văn hóa và việc nỗ lực gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở Lâm Đồng đã và đang góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời mở ra những cơ hội mới trong những năm tới.
 |
Nốt nhạc xuân. Ảnh: Đan Thanh |
Nói đến văn hóa của các dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên - nói chung, bên cạnh “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO chính thức công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 25/11/2005, còn có Văn hóa vật chất của các DTTS gốc Tây Nguyên ở Lâm Đồng. Điều này được thể hiện rõ nét nhất ở 3 lĩnh vực: Đó là những ngôi nhà dài được xem là những “vật thiêng” mà bao nhiêu thế hệ đồng bào dân tộc gìn giữ, bảo tồn; là các nghề thủ công như: đan, lát, dệt thổ cẩm (nhiều nhất ở Bảo Lộc, Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông), làm cung nỏ (xã Tà Nung, Đà Lạt), làm rượu cần (tất cả các huyện, thành phố đều có), làm nhẫn bạc (xã Tu Tra, Đơn Dương)... và cồng chiêng là loại nhạc cụ truyền thống gắn bó với đời sống tinh thần luôn hiện hữu trong mọi sắc thái vui, buồn, sướng, khổ, hạnh phúc... trên dải đất Nam Tây Nguyên huyền thoại bao đời nay.
Ngoài tồn tại, gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống, hiện nay trong vùng đồng bào các DTTS đã và đang tồn tại, phát triển nhiều làng nghề truyền thống như: Làng nghề truyền thống làm nhẫn bạc của tộc người Churu ở xã Tutra (huyện Đơn Dương); Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm thôn Bnơr C (xã Lát, huyện Lạc Dương); các Làng nghề dệt thổ cẩm: thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà); thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc); Buôn Go (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên); Làng nghề làm rượu cần Bon LangBian (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương...). Đặc biệt, hiện nay theo “Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến năm 2020”, Lâm Đồng đã khôi phục, phát triển 33 làng nghề; đồng thời, tập trung đầu tư phát triển 12 làng nghề gắn với du lịch. Đây là chiến lược phát triển văn hóa nhằm tạo động lực để phát triển kinh tế du lịch - lợi thế cạnh tranh rất thuận lợi của tỉnh Lâm Đồng.
Về khía cạnh văn hóa tinh thần, hàng năm, các lễ hội văn hóa, hoạt động văn hóa của các dân tộc trong tỉnh gắn với đời sống lao động, canh tác nông nghiệp diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo cộng đồng cư dân, nhất là đồng bào các DTTS tham gia như: Lễ Nhô wèr (Uống kiêng cữ - cúng ruộng vào tháng 9-10 hàng năm) của người Kơ Ho Srê (ở các xã: Bảo Thuận, Đinh Lạc, Gung Ré, Liên Đầm huyện Di Linh), lễ Pơthi (lễ bỏ mả của người Churu ở Pró, Lạc Xuân, Ka Đô, huyện Đơn Dương)... Đây thực sự là hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và giao lưu văn hóa các dân tộc cho dù theo các tôn giáo khác nhau.
Khi nói đến Đà Lạt thì chắc không ai không biết đến thành phố du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh trong đó có các thắng cảnh, di tích lịch sử quốc gia, mỗi thăm thu hút từ 5 - 7 triệu du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và nghỉ dưỡng. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, Festival Hoa - Đà Lạt đã trở thành “Thương hiệu” để quảng bá, giới thiệu cảnh quan, con người, nghề trồng hoa nổi tiếng của Đà Lạt - Lâm Đồng đến với bạn bè quốc tế. Cùng với đó, Lễ hội Văn hóa Trà được tổ chức nhằm tôn vinh nghề trồng, sản xuất, chế biến trà, tơ tằm nổi tiếng của xứ sở B’Lao - Bảo Lộc - thành phố trẻ có nhiều tiềm năng trong phát triển ngành công nghiệp của Lâm Đồng.
Tuy nhiên, do sự biến động về cư trú và áp lực tất yếu của quá trình hiện đại hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa truyền thống của các tộc người bản địa. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản về cơ chế, chính sách, một trong những khó khăn cơ bản trong công tác bảo tồn di sản văn hóa là tình trạng mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa tộc người như: nghề thủ công, nhà truyền thống, ngữ văn dân gian, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian,... Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do biến đổi kinh tế - xã hội, tín ngưỡng mới du nhập... còn có nguyên nhân chủ quan do nhận thức của các tầng lớp cư dân bản địa về các giá trị di sản văn hóa chuyển biến không đồng đều, chưa sâu sắc.
Để phát triển, bảo tồn các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, nhất là văn hóa của các DTTS không bị mai một; đồng thời làm đa dạng thêm về sắc thái văn hóa giữa các bộ phận dân cư, giữa các dân tộc,… Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 9/6/2014 đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tinh thần của Nghị quyết chú trọng đề cập và nhấn mạnh đến thành tố “con người Việt Nam” trong chiến lược phát triển văn hóa. Thấm nhuần tinh thần nhân văn của Nghị quyết về văn hóa đã tạo điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các vùng miền, các dân tộc. Từ đó xây dựng một nền văn hóa đa dạng, phong phú giàu bản sắc, tạo cầu nối cố kết cộng đồng, tăng cường khối đại đoàn kết, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển.
THÚY VÂN