Tết ở nhà ngoại

08:01, 18/01/2018

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 này, tôi bước sang tuổi 19. Số lần ăn tết ở nhà ông bà nội ít hơn ở nhà ông bà ngoại, bởi vì… Quê nội, ngoại tôi đều ở ngoài Bắc, ông bà ngoại tôi đi xây dựng kinh tế mới ở Lâm Đồng theo chính sách phân bố dân cư của Nhà nước vào năm 1984.

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 này, tôi bước sang tuổi 19. Số lần ăn tết ở nhà ông bà nội ít hơn ở nhà ông bà ngoại, bởi vì…
 
Quê nội, ngoại tôi đều ở ngoài Bắc, ông bà ngoại tôi đi xây dựng kinh tế mới ở Lâm Đồng theo chính sách phân bố dân cư của Nhà nước vào năm 1984. Ông bà ngoại tôi sinh 5 người con, 4 gái đầu rồi mới đến cậu út. Mẹ tôi là con cả. Còn bố tôi cũng quê ngoài Bắc, nhân dịp ghé vào Đà Lạt thăm người nhà, gặp mẹ tôi đang ở đó (mẹ tôi là bạn với mấy người nhà của bố tôi).
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Duyên trời như đã định, bố mẹ tôi xây dựng gia đình và ở luôn Đà Lạt. Ba chị em tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Quê nội, với chúng tôi quả là xa lạ, bởi, tôi nhớ rõ, chị em tôi được bố cho về Bắc có 4 lần, ba lần vào Tết Nguyên đán, một lần vào dịp hè lúc tôi 10 tuổi, em út tôi một tuổi. Còn ba lần trước, chị em tôi còn nhỏ nên không có khái niệm gì về Tết Nguyên đán.
 
Tết Mậu Tuất này là cái tết thứ 15 gia đình tôi về ăn tết ở nhà bà ngoại. Từ Đà Lạt đi xe khách 150 cây số là đến.
 
Cứ 28 Tết là bà ngoại ra ngõ ngóng khi mà mẹ tôi điện xuống là 28 Tết con cháu sẽ về. Nhưng tết này, mẹ cho biết sẽ gửi chúng tôi cho nhà xe từ 25 tháng chạp. Bố, mẹ chắc phải 3 giờ chiều ngày 30 mới về bằng xe máy, do bố còn phải trực cơ quan.
 
11giờ 30 trưa ngày 25, xe đậu ngay trước cổng nhà, ba chị em ùa vào. Bà chạy ra ôm chặt ba chị em rồi hỏi bố mẹ đâu? Tôi hỏi lại, vậy mẹ cháu không điện cho bà hay sao? Ừ!
 
- Là mẹ cháu muốn ông bà bất ngờ đấy. Mọi năm cứ 28 hoặc 29 mới về, bà nhỉ?
 
Ba chị em líu ríu theo chân bà vào nhà. Tôi hỏi ông ngoại đi đâu, bà nói, ông sang câu lạc bộ thơ, họp bàn tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” vào ngày rằm tháng Giêng. Tối ông mới về. Rồi bà giục 3 chị em rửa tay chân để ăn cơm. Đói rồi đấy. Em gái út tôi 8 tuổi khoe kỳ 1 vừa rồi được học sinh giỏi. Cậu em trai thứ 2 ít nói, bà hỏi nó học ra sao, nó chỉ cười, tôi thưa với bà nó cũng học sinh giỏi kỳ 1 bà ạ. Cháu đây, sinh viên năm thứ 2 Đại học Đà Lạt, vẫn đạt kết quả tốt. Bà mừng lắm, nhưng rồi bà im lặng một lát, sau đó bà cho biết, dì Hai điện báo năm nay không về được. Cậu út Năm cũng phải chiều 30 mới về. Riêng vợ chồng dì Tư năm nay là hai tết liền không về được. Họ về quê nội ở Cần Thơ. Dì Ba cũng phải chiều 30 mới về. Nét buồn hiện lên khuôn mặt bà. Tôi động viên bà:
 
- Bây giờ điện thoại thông minh, vi tính thông minh có sẵn, cứ mở ra sẽ thấy mặt con, cháu, bà đừng buồn bà nhé.
 
Bà gật đầu xác nhận nhưng vẫn thêm một câu, nhưng ngày tết quây quần tất cả vẫn hơn chứ.
 
Vợ chồng con cái dì Hai ở Nha Trang, dì Ba ở Vũng Tàu, dì Tư, cậu Năm ở thành phố Hồ Chí Minh. Cả năm mới về thăm bố mẹ ở Lâm Đồng ba ngày tết, có năm chỉ về được ngày 29, 30 rồi phải đi về quê chồng, ăn tết; không năm nào trọn vẹn với bố mẹ mà phải chia ra nội, ngoại mỗi bên vài ngày. Chỉ có gia đình tôi, trừ những năm về Bắc ăn tết quê nội, còn thì ở quê ngoại được trọn vẹn mấy ngày tết. Riêng chị em tôi thì ở cả 3 tháng hè. Chị em tôi thích về nhà ngoại lắm. Vườn nhà ngoại rộng những 10.000 m2, đủ các loại cây ăn trái. Sáng dậy, hàng chục loài chim đua nhau hát làm huyên náo cả một vùng không gian Tây Nguyên. Bà ngoại vẫn kể, tết ở ngoài Bắc rét lắm, hôm nào có mưa phùn càng rét, càng buồn, không ra đường được (Tôi đã kiểm chứng điều này năm tôi 10 tuổi, cả gia đình về ăn tết quê nội - năm ấy - 2009, rét thật). Còn ở Lâm Đồng này, tết ở các địa phương đều mát mẻ, tha hồ đi chơi thỏa thích. Nhớ lại những cái tết trước ở nhà ngoại, vui nhất là chiều 30, các em con dì, con cậu tôi về đông đủ, bà ngoại luôn nhắc các dì, các dượng tôi và tôi phải canh chừng lũ trẻ. Chúng thích trèo cây, la cà ngoài vườn.
 
Cơm bữa trưa 30 xong, chả đứa nào ngủ trưa, xúm quanh bà xem bà gói bánh chưng. Chỉ một mình bà đãi gạo, ngâm gạo từ tối hôm trước, sáng hôm sau vớt lên cho khô ráo. Bà ngoại thật khéo tay, chỉ có một mình bà gói bánh, rồi mổ gà, đồ xôi… Bà vẫn nói:
 
- Ông ngoại các cháu sướng lắm, chỉ ăn với học, rồi làm trong cơ quan nhà nước cho đến lúc nghỉ hưu. Cả đời không biết mổ con gà, không biết gói bánh, đồ xôi hoặc thái thịt, vào bếp. Tóm lại, chỉ một mình bà làm.
 
Nói đến đây, mẹ, các dì tôi, rồi cả cậu tôi đều nháy mắt với nhau cười mỉm, bởi chả ai biết làm như bà, họ cũng như ông ngoại mà thôi.
 
Ấy nhưng bà coi đó là niềm vui. Chả thế mà mấy ngày tết, ông ngoại chỉ có nhiệm vụ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Còn thì sửa soạn cỗ bàn, bánh trái, một mình bà lo hết. Bà không bắt con gái, con rể, con trai, con dâu động tay vào. Ăn xong, rửa bát, bà cũng giành lấy làm luôn. Ông có góp ý thì bà nói:
 
- Quanh năm, các con cháu về có mấy ngày, cho chúng nó chơi thoải mái. Ngày chúng chưa lấy chồng, chị em nó vẫn cơm nước, rửa bát, quét nhà đấy chứ. Tôi còn sức mà.
 
Ông lại im. Gói bánh từ 12 giờ 30 đến 4 giờ chiều thì xong, một mình bà lại kê bếp bắc nồi luộc bánh. Các cháu lại quây quần bên bà, mấy đứa con các dì, con cậu Năm tranh nhau ngồi vào lòng bà, cãi nhau chí chóe:
 
- Bà của em chứ!
 
- Không, bà của chị cơ mà.
 
Bà lại dỗ thật khéo để mỗi đứa được luân phiên ngồi lòng bà. Cậu Năm bật ti vi xem đá bóng, các dì cùng mẹ tôi sang thăm các nhà hàng xóm, ông ngoại lại đi đến câu lạc bộ thơ… Còn lại chị em chúng tôi, tất cả 11 đứa, tôi là lớn nhất, bé nhất là con cậu út - thằng cu Ben mới 3 tuổi.
 
Ngồi bên nồi bánh chưng, bà kể lại cái thời còn bao cấp, cũng lại chỉ mình bà xếp hàng mua thịt, đậu xanh, gạo nếp bằng tem phiếu, phải đi sớm xếp hàng mới mong được mua sớm. Ngày ấy, lương thực, thực phẩm quý hiếm, không được lựa chọn, người bán hàng đưa miếng thịt ngon hay không ngon, gạo nếp trắng hay không cũng lấy nhanh mà về. Cái gì cũng phân phối, từ tý bột ngọt cho đến nửa chai nước mắm. Nghèo mà vui. Bây giờ thì không lo gì, chợ quá nhiều đậu, gạo, thịt, chỉ lo và buồn con cháu không về đủ.
 
… Bữa ăn lại càng vui. Vui nhất ông ngoại vì cả 4 chàng rể đều uống rượu vào hàng cao tửu. Có lần, 4 chàng rể ra hiệu với nhau làm cho ông ngoại say rượu rồi khiêng ông vào giường của bà. Tất nhiên, bà lại trải chiếu xuống nền gạch hoa ở cách ông 4 phòng, bà không chịu nổi tiếng ngáy của ông từ 12 năm nay. Cứ rượu vào, hay ban ngày đọc sách, đọc báo nhiều rồi làm thơ là ông lại ngáy to khi ngủ. Có điều lạ là, cả mẹ tôi rồi các dì cũng uống được rượu bia, trong khi đó cậu Năm không hề uống giọt nào. Bà ngoại nói, cậu giống bà, không uống được. Tết Mậu Tuất này, vợ chồng dì Hai, dì Tư và con cái không về được. Họ phải về quê nội. Bà buồn lắm. Tôi an ủi bà:
 
- Ông bà còn có bố mẹ cháu này, các cháu này, rồi vợ chồng, con cái dì Ba, cậu Năm. Bà mong cháu nội của bà thế nào, người ta cũng mong thế. Nhiều gia đình ở Đà Lạt, và ngay ở cùng xóm với bà ngoại chỉ có 2 người con, mà chả ai về thì sao?
 
Bà mắng yêu, cha mẹ cô chứ, cũng biết động viên bà. Mày khéo nịnh giống… giống ông ngoại vậy.
 
Chị em tôi gần gũi ông bà ngoại nhiều hơn so với bên nội, vì nội ở xa, nên chị em tôi, các con của các cậu, các dì sinh ra đều một tay bà ngoại chăm sóc kể từ lúc lọt lòng. Lúc bà chưa nghỉ hưu, bà xin nghỉ phép năm. Khi bà nghỉ hưu, bà tự phân chia thời gian đến chăm sóc các cháu ngoại, cháu nội. Có lần, cách đây hơn ba năm, dì Tư và vợ cậu Năm sinh em bé, cách nhau 7 ngày, đều sinh ở nhà bà ngoại, bà vui lắm, dù vất vả nhưng đã nghỉ hưu nên bà thoải mái chăm hai đứa trẻ. Ngày mà ba chị em tôi lần lượt được sinh ra, mẹ tôi kể lại rằng bà cũng chỉ trông được hơn một tháng. Bà ngoại biết hát ru, không biết kể chuyện cổ tích. Trong lời ru của bà có nói đến tình nghĩa cha, con, anh em, ông bà với cháu. Nếu phải nói với các cháu, bà chỉ nói những lời mà bà đã từng nói với mẹ tôi và các em của mẹ tôi:
 
- Hãy sống thân thiện con ạ. Ai quý mình, mình nhận, ai ghét mình, mình thương họ. Kỵ nhất cái việc bịa chuyện hại người ta. Không nói thành có, rồi thấy người ta hơn mình thì ganh ghét, thấy người nghèo thì khinh rẻ… Những người có tính như vậy sẽ chuốc hậu họa mà thôi.
 
* * *
 
Bốn giờ chiều 29 Tết Mậu Tuất, gói bánh xong là bà lại lúi cúi bắc nồi, nhóm bếp luộc bánh chưng. Chị em tôi lại quây quần bên bà.
 
Có tiếng còi ô tô, nhìn ra thì là vợ chồng dì Ba, cậu Năm cùng các con đã về. Bà ngoại chạy vội ra, cu Ben nhà cậu Năm lao vào lòng bà, năm nay nó tròn 4 tuổi. Bố mẹ tôi cũng dừng xe máy trước cổng sau đó 5 phút.
 
Bữa cơm tối 30 thật vui. Nhà ông bà ngoại rộng lắm, ngoài phòng khách chứa được 4 mâm cỗ, còn 5 phòng ngủ, mỗi mâm mười người. Ngoài con cháu còn có thêm anh trai, chị dâu, em gái, em rể của ông bà ngoại (mà tôi cũng gọi ông bà), rồi 3 người bạn đi thanh niên xung phong với ông ở Trường Sơn giai đoạn 1968 - 1972. Tôi thấy bà là người vui nhất, tất bật nhất: bà xẻ thịt nhỏ cho các em tôi, một tay bế cu Ben nhà cậu Năm, một tay dùng thìa đút cơm cho nó, miệng luôn giới thiệu những món ăn do bà chế biến và giục mọi người ăn uống thật no say.
 
Phải công nhận bà ngoại nấu ăn ngon, khoản này thì chỉ bố tôi là theo kịp bà, chứ mẹ tôi thì kém cái khoản bếp núc.
 
Ăn xong, chị em tôi, các em của dì Ba, cậu Năm xúm quanh bà ngoại bên nồi bánh chưng. Cu Ben cứ tranh ngồi lòng bà với thằng em út 3 tuổi của dì Ba. Bà lại ngọt ngào dỗ dành:
 
- Nào, cả hai cùng ngồi lòng bà. Bánh sắp chín rồi, bà cho mỗi anh em một cặp bánh vuông nhỏ nhé. Chúng nó khoanh tay dạ nhưng chưa đến 9 giờ tối đã lăn ra ngủ. Bà đặt 2 đứa vào giường của bà.
 
Mấy ngày tết qua đi nhanh chóng, nhưng chị em chúng tôi cũng được bố chở xe máy đi thăm một số hồ nước, đình chùa, nhà thờ, thác nước, thăm các gia đình bạn của ông bà ngoại, của mẹ tôi, của các dì và cậu Năm. Ở đâu, chúng tôi cũng được đón tiếp nhiệt tình, như người nhà của họ đi xa lâu ngày nay mới trở về. Đặc biệt chúng tôi đến dự buổi sinh hoạt của câu lạc bộ thơ ở địa phương, mà ông ngoại là chủ nhiệm và kiêm dẫn chương trình trong đêm 30 Tết, đến 23 giờ mới về đến nhà.
 
Sắp phải xa ông bà ngoại một thời gian. Trong bữa cơm, ông an ủi con cháu bằng một câu: Con người ta được cái nọ, mất cái kia, có mấy người mà con cái đề huề ở gần bố mẹ được, bởi làm gì có cái chuyện ở cái huyện xa xôi có các cơ quan quan trọng đóng quân theo ước muốn của mọi người?
 
Trưa ngày 4 Tết, xe khách đến tận cổng bà ngoại. Vợ chồng dì Ba, cậu Năm lên xe về thành phố Hồ Chí Minh, vợ chồng dì Ba sẽ xuống ngang đường để về Vũng Tàu. Còn gia đình tôi lên Đà Lạt. Tiễn chúng tôi ra cổng, chị em tôi lưu luyến cầm tay bà. Cu Ben đòi ở với nội, ứ về thành phố, bà dỗ thế nào nó cũng bám chặt lấy bà, nhưng xe cứ phải nổ máy để đi. Nó làm cho bà chảy nước mắt. Tôi nhìn ông ngoại, ông không nói câu nào, nhưng hình như mắt ông có ngấn nước. Bố mẹ tôi, cậu Năm to mồm nhất: Hè này, chúng con lại cho các cháu về, đây lên Đà Lạt, xuống thành phố gần thôi mà. Nói xong, bố tôi cùng chú lơ xe khiêng cái xe máy của bố lên xe khách. Bố mẹ ngồi với chị em tôi. Tôi nhoài người ra cửa xe vẫy tay, xe chạy xa mà tôi vẫn thấy ông bà ngoại đứng ở cổng cho đến lúc chiếc xe rẽ vào khúc cua để lên hướng Đà Lạt…
 
Nắng tỏa xuống trần gian một màu vàng như lúa chín. Hai bên Quốc lộ 20, những cánh rừng, những đồi chè, đồi cà phê xanh mướt lướt qua mắt chúng tôi. Xuân về rồi, xuân cho lòng người trẻ lại, cho xanh tươi cây trái. Tôi tự hứa với lòng mình, sau này có nghề nghiệp, sẽ bố trí thời gian về thăm ngoại nhiều hơn. Tôi chạnh lòng nhớ mãi câu bà ngoại nói trong bữa cơm chia tay trưa ngày mùng 4 Tết:
 
- Có nhà rộng để con cháu về tụ họp đông vui, nhưng rồi mỗi đứa lại mỗi nơi, chỉ còn lại hai vợ chồng già.
 
Tôi vốn mau miệng: Thế bà không nhớ câu thơ của ông “Bố mẹ là bến sông để cháu con neo đỗ” hả bà? Con cháu dù đi đâu xa cũng vẫn nhớ về ông bà, cha mẹ, bà nhỉ. Bà cười mà nước mắt cứ rơi…
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG