
Nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ Bảo tàng Lâm Ðồng đã dày công nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa. Ðến nay nơi này đang lưu giữ và trưng bày gần 16.000 hiện vật. Trong đó có khoảng 11.000 hiện vật gốc có giá trị về lịch sử và văn hóa của các dân tộc trên mảnh đất Nam Tây Nguyên.
![]() |
Bà Đoàn Bích Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, người đã có gần 30 năm gắn bó với công việc ở Bảo tàng và cũng có mặt trong hầu hết những đợt đi kiếm tìm hiện vật nói: “Bảo tàng Lâm Đồng là một trong những bảo tàng tổng hợp địa phương được giới chuyên môn đánh giá rất cao bởi có lượng hiện vật sưu tầm rất lớn và đa dạng. Nhiều năm qua, có những vùng đất mà nhiều người chưa đặt chân đến nhưng đã có dấu chân cán bộ bảo tàng. Sáng cùng bà con lên rẫy, tối về quây quần bên bếp lửa, bên ché rượu cần những câu chuyện văn hóa được kể. Đêm khuya lơ, khuya lắc, những người cán bộ bảo tàng vẫn miệt mài ghi chép”. Trong dòng ký ức dạt dào những kỷ niệm của Phó Giám đốc Bảo tàng còn in đậm chuyến đi tìm về những ngôi đền thờ thần tộc của người Churu ở khu vực Massara, vùng Loan, huyện Đức Trọng. Đó là vào những năm 1990, cả vùng đất còn hoang sơ mà cái xe jeep “cà tàng” của Bảo tàng khó có thể di chuyển được. Cả vùng Loan ngày ấy còn chìm đắm trong nghèo khó và những hủ tục lạc hậu. Vậy nhưng không cản nổi bước chân người cán bộ bảo tàng. “Mỗi lần vào với bà con, chúng tôi lại đùm gói cá khô, rau mua từ ngoài chợ xã vào bởi bà con mình nghèo mà. Cứ lần này đến lần khác mang theo tấm lòng chân thành muốn sưu tầm và gìn giữ những gì thuộc về truyền thống và văn hóa đi vào thôn, buôn, dần dần cảm giác dè chừng người xa lạ của bà con cũng được xóa bỏ. Bà con giã muối ớt rừng để “cán bộ ăn ớt này cho khỏi đau bụng, khỏi bị sốt rét rừng”. Người dân địa phương dẫn cán bộ Bảo tàng vào khu có các ngôi đền cổ phải đi tắt qua các rừng dầu nắng cháy đầu. Bà con thương chặt cho mỗi người một nhành cây để che đầu cho đỡ nắng. Cứ mải miết đi theo câu nói “gần tới rồi, ba cây xà gạc nữa thôi” của bà con mà khi tới nơi thì ai cũng đói và mệt đến lả người. Đường xa, nắng cháy, tới nơi thì nắm xôi bà con gói sẵn trong lá dầu cứng ngắc lại nhưng vẫn phải ăn để có sức hoàn thành công việc. Công việc kéo dài nên nhiều đêm liền cán bộ Bảo tàng phải nằm lại giữa rừng sâu để mang về dữ liệu đầy đủ nhất”.
![]() |
Nhiều thế hệ cán bộ bảo tàng đã bới từng nắm đất, nghỉ giữa rừng sâu để tìm được nhiều hiện vật, dữ liệu nhất. (Ảnh do Bảo tàng cung cấp) |
Nhiều thế hệ tiếp nối nhau với những chuyến công tác miệt mài để đem về cho Bảo tàng một nguồn di sản vô giá. Anh Lê Phi Long - Phó phòng Sưu tầm Kiểm kê bảo quản ở Bảo tàng Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng là địa bàn phát hiện được nhiều đàn đá nhất là khu vực huyện Di Linh. Cũng bởi vì thế mà Bảo tàng Lâm Đồng hiện đang sở hữu lượng đàn đá đồ sộ với 6 bộ sưu tập, 105 thanh. Nói tới đàn đá, Phó phòng Sưu tầm Kiểm kê bảo quản vẫn nhắc nhớ tới câu chuyện tìm bộ đàn đá Hòa Nam (do phát hiện được ở xã Hòa Nam huyện Di Linh) với 46 thanh thất lạc hai nửa. Cán bộ Bảo tàng đã mò mẫm gần hai năm trời để tìm về bộ đàn đá nguyên vẹn. Năm 2003, một số người nông dân ở Hòa Nam, huyện Di Linh trong khi đào hố cà phê đã vô tình phát hiện các thanh đá được chôn giấu ở độ sâu khoảng 1,5 m. Do không hiểu rõ giá trị của những thanh đá này nên đã cho một vài người bạn ở Bảo Lộc và Vũng Tàu để làm nền chuồng gà và hòn non bộ. Sau khi biết tin, cán bộ bảo tàng đã lần mò theo câu chuyện tìm đến phường B’Lao thành phố Bảo Lộc tìm lần lượt được 31 thanh và tiếp tục xuôi về miệt Vũng Tàu tìm kiếm được các thanh còn lại để hoàn thiện bộ đàn đá nguyên vẹn. “Chuyện đi về vùng sâu vùng xa, chuyện đào đất, bới đá tìm kiếm hiện vật... là những chuyện thường xuyên của cán bộ Bảo tàng” - anh Lê Phi Long nói.