Hương Thảo

09:01, 04/01/2018

Phải đến lần thứ ba, sự có mặt của ông mới làm Thảo chú ý. Ông đến, lặng lẽ ngồi vào một góc khuất nhưng lại có tầm nhìn rất rõ lên cái sân khấu nhỏ. Ở góc ấy, bên chiếc sô pha êm ái là chiếc kệ, trên có đặt một chậu Hương thảo tỏa hương nhẹ nhàng, tinh khiết. 

Phải đến lần thứ ba, sự có mặt của ông mới làm Thảo chú ý. Ông đến, lặng lẽ ngồi vào một góc khuất nhưng lại có tầm nhìn rất rõ lên cái sân khấu nhỏ. Ở góc ấy, bên chiếc sô pha êm ái là chiếc kệ, trên có đặt một chậu Hương thảo tỏa hương nhẹ nhàng, tinh khiết. Gọi một li đen nóng, ông ngồi trầm ngâm, mái tóc bạc rủ xuống, đắm chìm trong những giai điệu mượt mà. Việc một người khách lạ đến Hương Thảo, phòng trà ca nhạc nằm dưới bóng thông cổ thụ cuối con dốc nhỏ thường xuyên mờ trong sương, chỉ đón khách quen, cũng là sự bất thường, gây chú ý.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Chào chú, chú đến Đà Lạt du lịch hay đi công chuyện ạ! - Sau bài hát cuối, Thảo đến gần bắt chuyện cùng ông khách.
 
À, tôi về thăm một người bạn. - Như chợt tỉnh vì bị dứt ra khỏi dòng suy tưởng, ông khách trả lời mà mắt vẫn như nhìn vào chốn thinh không.
 
Cái cách ông dùng từ “về” khiến Thảo thấy có gì là lạ, cuốn hút. Cô tò mò:
 
Vậy bạn chú đâu mà con thấy chú chỉ đi một mình?
 
Người ta đã đi xa lắm rồi, lỗi tại tôi, về muộn quá…
 
Ôi, con xin lỗi, con đã làm chú buồn…
 
Đến cuối tuần, thì đã thành lệ. Khi ông đến quán, thường là lúc bắt đầu phần biểu diễn của Thảo. Nếu có ông, Thảo hay hát ca khúc “Mùa thu cho em” của Ngô Thụy Miên. Khi ông bảo, ông có một kỷ niệm sâu sắc về ca khúc này, Thảo chợt thấy rung động. Đây cũng là ca khúc sinh thời mẹ cô vô cùng yêu thích. Ngay từ hồi còn nhỏ, Thảo đã quen với những ca từ đằm sâu qua giai điệu có sức thu hút lòng người này. Có lần, khi đã vào tuổi đôi tám, lòng đã có chút rung động với những tình cảm khác giới đầu đời, Thảo hỏi mẹ:
 
Bộ mẹ có kỷ niệm gì về bài hát này hả mẹ?
 
Chuyện lâu lắm rồi con à…
 
Ngắm dáng người nghiêng nghiêng với ánh mắt nhìn hút ra ngoài rừng thông đang chìm trong sương qua khung cửa sổ, Thảo không dám gặng tiếp vì sợ chạm vào một tâm sự sâu lắng mà mẹ không muốn sẻ chia. Cũng chính vì thế mà khác với lúc còn nhỏ, cô không hỏi bà về ba và cũng không hỏi vì sao bà không lấy ai, dù có rất nhiều người bày tỏ tình yêu. Khi vị khách lạ xuất hiện ở phòng trà, có lúc, vừa hát, Thảo vừa quan sát và chợt thấy ánh nhìn của ông có nét gì đó tương đồng với ánh mắt của mẹ cô trong buổi chiều mù sương ấy. Phát hiện ấy làm rộn lên trong cô một cảm giác lạ lùng. Cảm giác ấy không ngờ đã đưa đến một bí mật liên quan đến cuộc đời cô…
 
Một lần, khi ông trở thành khách quen mỗi bận tới Đà Lạt và chú cháu đã thân nhau, ông đã kể cô nghe về kỷ niệm gắn với bài hát, cái kỷ niệm khiến ông coi thành phố cao nguyên này như quê hương thứ hai, như một chốn đi về…
 
Những ngày tháng ba năm 1975, Tây Nguyên và cả miền Nam Việt Nam rung chuyển trong diễn biến bão táp của chiến tranh. Quân Giải phóng đánh chiếm Buôn Ma Thuột, Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho Quân lực VNCH rút khỏi Tây Nguyên. Rồi một ngày đầu tháng tư, quân Giải phóng tiến vào tiếp quản Đà Lạt. Trong đoàn quân ấy, có một chàng trai Hà Nội. Ra đi từ làng hoa Ngọc Hà, suốt mấy năm chinh chiến toàn ở vùng rừng núi, bom đạn tơi bời, chàng trai luôn mơ tới ngày trở lại phố phường, về với làng hoa giữa lòng Hà Nội, nơi có căn phòng nhỏ mà anh hay cùng bạn bè đắm chìm trong tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy quay đĩa cổ lỗ, nghe tiếng mưa xuân rắc nhẹ lên những luống hoa ngoài cửa sổ. Không ngờ cái ngày về phố lại đến sớm, nhưng là ở một thành phố tít tắp miền Nam, cách xa Hà Nội, xa làng hoa của anh hơn ngàn cây số. Trí, chàng lính trẻ người Hà Nội cùng đơn vị được giao nhiệm vụ làm công tác quân quản, lo giữ an ninh trật tự, ổn định cuộc sống người dân đô thị mới giải phóng. Tất cả đều lạ lẫm, từ cảnh vật đến con người. Nhất là những thiếu nữ tha thướt trong các tà áo dài, măng tô khoác nhẹ trên vai. Chỉ có một điều không lạ đối với Trí, đó là hoa. Ngắm nhìn những luống dơn, cúc… nhòa trong sương chiều, Trí như thấy lại làng hoa của mình những ngày xuân mưa bụi bay. Anh gần như không cưỡng nổi mong muốn bước vào những vườn hoa ven đường, ngồi xuống bên những luống hoa để ngắm nhìn, hít hà hương hoa, hương đất, những điều mà có những đêm nằm trong chiến hào anh nhớ đến cồn cào. Trong một buổi chiều như vậy, anh đã gặp người con gái ấy. 
 
Chào anh giải phóng!
 
Đang mải ngắm luống cúc khoe sắc bên đường, một giọng con gái nhè nhẹ, thanh thanh cất lên làm Trí hơi giật mình.
 
Vâng, chào chị, à…
 
Ủa, bộ em già lắm sao? - Một câu trách khéo, kèm theo nụ cười tươi tắn, cởi mở khiến chàng trai Hà Nội bạo dạn hẳn lên.
 
Không, chỉ là tôi nhớ lời thủ trưởng dặn, đối với phụ nữ phải lịch sự. 
 
Vậy thì anh đang không làm đúng lời thủ trưởng rồi nha. Anh chắc chắn lớn tuổi hơn em, lại gọi em là chị, có khác nào biểu em già…
 
Cô gái cũng đáo để không kém khiến Trí chỉ còn biết cười xòa, tếu táo:
 
Vâng thì tôi xin lỗi… em.
 
Lại còn tôi nữa, anh lớn hơn thì phải xưng anh chớ bộ.
 
Vậy là họ chính thức quen nhau. Nói chính thức là bởi sau này khi đã thân nhau, Hà mới tiết lộ cô đã để ý anh từ mấy hôm trước, vào những buổi chiều anh ngắm hoa trước nhà cô. Cái dáng thư sinh giấu trong bộ quân phục Tô Châu hơi rộng cùng gương mặt thông minh dưới mái tóc lượn sóng lộ ra dưới vành mũ tai bèo của chàng lính trẻ đã làm xao xuyến tâm hồn cô nữ sinh Đà Lạt vốn mộng mơ với những ca khúc của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, những tiểu thuyết của Quỳnh Giao, Nguyễn Thị Hoàng… Tự nhiên, trong cô gái chưa một lần yêu ấy nảy sinh những suy nghĩ vẩn vơ về một mối tình lãng mạn.
 
Từ sau hôm ấy, Trí trở thành khách quen của mẹ con Hà. Ông ngoại của Hà vốn là người làng hoa Ngọc Hà. Ông là một trong những người đầu tiên đến Đà Lạt vào đầu thập niên bốn mươi của thế kỷ trước, góp phần gầy dựng làng hoa đầu tiên của thành phố cao nguyên này, làng hoa Hà Đông. Tên cô cháu ngoại cũng là do ông đặt, để nhớ về làng quê nơi từ đó ông ra đi cùng củ hoa dơn làm giống. Khi biết Trí cũng là người làng Ngọc Hà, cứ mỗi lần anh đến chơi là hai mẹ con Hà lại bắt anh kể về làng hoa mà họ chỉ được biết đến qua lời kể của ông ngoại, với  con đường lát gạch đỏ viền những vườn lay ơn, cẩm chướng, thược dược….
 
Về phần mình, cứ lúc nào có thể là Trí lại chạy đến ngôi nhà nhỏ, nằm ven ấp Hà Đông, nơi anh có thể tha hồ đọc những tác phẩm của Tự lực văn đoàn, những Thằng Khờ, Docte Zivago… Những cuốn sách mà anh mới chỉ nghe tiếng thời còn là sinh viên ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Và nhạc. Lần đầu tiên Trí được nghe những giai điệu của Trịnh Công Sơn, những bản tình ca Pháp qua giọng ca Khánh Ly phát ra từ chiếc máy Akai băng cối, với dàn loa thùng trầm ấm. Và nhất là Hà, cô gái mà ngay từ lần gặp đầu tiên anh đã bị cuốn hút bởi vẻ duyên dáng với đôi mắt một mí to, rợp dưới hàng mi cong thỉnh thoảng lại ánh lên nét tinh nghịch. Cũng trong một chiều sương mù dâng nhẹ trên vạt rừng thông phía dưới ô cửa sổ phòng khách nhà Hà, lần đầu tiên Trí được nghe bản nhạc “Mùa thu cho em” của Ngô Thụy Miên.
 
Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
mang ái ân mang tình yêu tới…
em có nghe, nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé…
 
Ca từ và giai điệu bài hát mượt mà, hơi sương lành lạnh từ rừng thông xui đôi bạn trẻ mỗi lúc một gần nhau rồi Hà nằm trong vòng tay của Trí tự lúc nào …
 
Hai tâm hồn đồng điệu, những chia sẻ nỗi nhớ về một làng hoa đất Hà Thành được sự toa rập của đất trời Đà Lạt, không gian lý tưởng cho những đôi lứa yêu nhau làm cho hai người trẻ quấn quýt không rời. Mải chìm trong yêu đương và bất cẩn như những đôi lứa đang yêu nhau một cách say đắm, đôi bạn trẻ không để ý đến những cặp mắt đang dõi theo, ủng hộ, vun đắp có mà ganh gét, đố kỵ cũng có. Và điều gì đến đã phải đến. Trong một buổi tổng kiểm tra quân tư trang, việc thường kỳ với những người lính mới vào tiếp quản thành phố, nơi bị coi là đầy những “viên đạn bọc đường”, trung đội trưởng phát hiện ra trong ba lô của Trí cuốn “Vòng tay học trò”. Không những thế, trong cuốn nhật ký của anh, còn có tấm hình của Hà với dòng chữ con gái: Tặng anh yêu thương để nhớ mãi những phút giây mình bên nhau! Kí tên Em gái Đà Lạt.
 
Vậy là đã rõ. Những phần tử “diều hâu” buộc tội Trí tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy, thêm tội quan hệ tình cảm với con gái vùng mới giải phóng. Chỉ một trong hai tội ấy đã đủ để chàng lính trẻ bị kỷ luật thật nặng, thậm chí bị tước quân tịch. Chuyện được đưa lên Ban chỉ huy đại đội. May cho Trí, đại đội trưởng của anh vốn là một ông giáo cấp III. Ông hiểu và tìm cách gỡ cho người lính trẻ mà ông có phần yêu mến. Vừa lúc đó, có yêu cầu bổ sung quân cho một đơn vị làm nhiệm vụ chốt giữ các đảo xa, ông liền đưa Trí vào danh sách. Trước ngày rời Đà Lạt, Trí được mấy cậu lính Hà Nội tạo điều kiện vượt rào đến với Hà. Trong những giờ phút quý báu đó, họ đã trao nhau tất cả những gì đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân. Trước lúc chia tay, Trí trao cho Hà sợi dây chuyền mỏng manh, vật kỷ niệm mẹ anh đưa trước lúc vào Nam chiến đấu, như một kỷ vật làm tin…
 
- Thế chú còn nhớ sợi dây chuyền đó không ạ? - Thảo thảng thốt.
 
- Làm sao quên được con. Nó như tấm bùa hộ mệnh giúp chú tránh mũi tên hòn đạn, là vật kỷ niệm chú trao người yêu đầu đời…
 
- Có phải đây không chú? - Thảo run run đưa sợi dây chuyền được chế tác tinh xảo cho ông Trí. Như có một luồng điện thật nhanh chạy qua làm ông thoáng sững sờ rồi thì thào:
 
- Làm sao con có nó?
 
- Thì là của mẹ con mà chú ơi…
 
Dường như có một mối giao cảm nào đó khiến Hương Thảo có ý nghĩ ông Trí nhất định là người có liên hệ nào đó với cuộc đời cô. Kể từ khi ông năng đến phòng trà, cô luôn mang theo sợi dây chuyền mà mẹ cô trao cho trước lúc qua đời với lời dặn: Đây là kỷ vật của ba con. Về phần mình, ông Trí cũng mường tượng ngay từ lần gặp đầu tiên, ông đã cảm thấy ở Thảo những nét thân quen của mẹ cô gần bốn mươi năm trước.
 
Ngay chiều đó, Thảo đưa ông Trí ra thăm mộ bà Hà, dưới một gốc thông cổ thụ trên vạt đồi mà hai người từng đi dạo, trao nhau những nụ hôn đầu tiên. Ông ngồi lặng bên mộ người yêu, hồi tưởng những kỷ niệm đẹp đẽ, những gian truân của cuộc đời người lính làm nhiệm vụ đặc biệt mà vì nó, suốt mấy chục năm qua ông không thể về lại vùng đất này…
 
Ít lâu sau lúc ba con nhận nhau, ông Trí đưa Thảo về thăm Hà Nội, về làng Ngọc Hà, dù bây giờ làng đã khác xưa, chẳng còn vết tích gì của một làng hoa khi xưa. Như để lưu giữ một kỷ niệm về làng hoa xưa, ông mua một mảnh đất ven Hồ Tây, dựng căn nhà nhỏ, trồng ít luống hoa. Ông bảo, ông đang cố giữ gìn giống cúc đại đóa, giống cúc quý của Hà Nội xưa. Và nếu Thảo muốn, cô có thể ra đây, mở phòng trà ca nhạc… chỉ như là một thú chơi. Ơn trời, sau bao nhiêu năm vất vả, ông có điều kiện để hai cha con sống theo ý muốn...
 
Trước khi về lại Đà Lạt, Thảo hứa sẽ suy nghĩ và quyết định sớm. Khoảng nửa tháng sau, ông Trí nhận được thư của Thảo:
 
Đà Lạt, 18/12/2012!
 
Ba thương yêu!
 
Chắc Ba thấy lạ vì sao con lại viết thư, trong khi chỉ cần bấm máy là ba con mình có thể chuyện trò thoải mái. Thật lòng, con sợ phải nói trực tiếp với Ba.
 
Ba ơi, dù con vô cùng yêu Ba (với con, Ba giờ gần như là người thân duy nhất) nhưng con vẫn xin phép Ba cho con ở lại Đà Lạt. Hà Nội là quê nội, quê ngoại của con, con rất hạnh phúc và tự hào khi biết điều đó. Hà Nội có Ba. Nhưng Đà Lạt là nơi con được sinh ra. Nơi Mẹ con đã chờ đợi Ba cho đến lúc từ giã thế gian, phù hộ cho Ba con mình gặp nhau.
 
Ở đây còn có phần mộ của Mẹ con. Cũng chỉ ở đây, với thông reo, sương mù với đất trời cao nguyên, với bạn bè… con mới hát được. Và xem ra có chút định mệnh gì đó Ba ơi. Tên của con là Hương Thảo, loài cỏ thơm mà Ba yêu quý. Mà hình như khóm Hương Thảo con mang ra Hà Nội cho Ba không tỏa hương như ở Đà Lạt…
 
Lâu lâu con sẽ ra Hà Nội thăm Ba. Ba con mình sẽ đi thăm những nơi chốn ghi kỷ niệm thời trai trẻ của Ba, những chỗ mà Ba chưa kịp đưa Mẹ con đi. Rồi chắc Ba cũng sẽ năng vô đây, vì ở đây còn có phần mộ Mẹ con phải không Ba…”.
 
Đà Lạt - Hà Nội 2017
 
Truyện ngắn: TẠ VIỆT ANH