
Thi ca đã là tố chất ngấm vào máu thịt, tiềm thức của cư dân Thăng Long, Kinh Bắc, Xứ Đông, Xứ Đoài… hội tụ về Lâm Hà. Sự lãng mạn, bay bổng với thi ca trở thành động lực tinh thần lớn lao giúp họ vượt qua một thời khó khăn, gian lao, chinh phục thiên nhiên, nuôi ước vọng tốt lành…
Thi ca đã là tố chất ngấm vào máu thịt, tiềm thức của cư dân Thăng Long, Kinh Bắc, Xứ Đông, Xứ Đoài… hội tụ về Lâm Hà. Sự lãng mạn, bay bổng với thi ca trở thành động lực tinh thần lớn lao giúp họ vượt qua một thời khó khăn, gian lao, chinh phục thiên nhiên, nuôi ước vọng tốt lành…
Lâm Hà là vùng đất đa văn hóa bởi sự hội tụ của hầu hết các cư dân, dân tộc anh em trong cả nước. Với xuất phát điểm là vùng kinh tế mới của Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng, dòng chảy văn hóa và phong cách sống của cư dân trong huyện ảnh hưởng rõ nét ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Văn hóa, phong tục và tập quán truyền thống tốt đẹp được tích tụ từ ngàn đời của cư dân châu thổ sông Hồng - một trong những chiếc nôi văn hóa đặc sắc của người Việt theo bước chân người đi mở đất, xây dựng quê hương mới đã tạo nên sức sống mãnh liệt, giàu hứa hẹn về tương lai tươi sáng của miền quê trù phú, năng động.
 |
Thiếu nữ và hoa. Ảnh: Thanh Toàn |
Điều đáng ghi nhận, người dân trên vùng quê mới rất say thơ, Lâm Hà có nhiều câu lạc bộ thơ từ xã đến huyện và hoạt động rất đều tay, hiệu quả. Tôi có dịp được nhà thơ Phan Hữu Giản - một trong những thế hệ lãnh đạo ban đầu thời đi “mở cõi”, từng là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của Lâm Hà cho đọc gần trăm bài thơ của mấy chục nhà thơ chuyên nghiệp và ngẫu hứng cảm tác của những người gắn bó với công cuộc dựng xây, sinh sống và trưởng thành trên cao nguyên… Thơ còn nhiều điều cần bàn thế nhưng “thơ là tiếng nói của con tim, là hình ảnh sinh động của hiện thực cuộc sống, là niềm tin, khát vọng của con người”… do vậy, những bài thơ tôi đọc đã thể hiện tính tư tưởng cao; sâu sắc, chân thành “tình đất, tình đời” đa diện ở Lâm Hà.
Là tấm gương phản chiếu hiện thực khách quan, ý Đảng lòng dân quyết tâm xây dựng vùng quê mới trù phú, xinh tươi là chủ đề được nhiều người tâm đắc. Nhân kỷ niệm 30 năm xã Tân Hà thành lập, ông Phùng Văn Thu - hội viên CLB Thơ Tân Hà mộc mạc, chân thành: “Ngẫm từ khi ấy đến nay/ Lòng dân ý Đảng chung tay để cùng/ Cùng lo, cùng nghĩ, cùng làm./ Cùng đong một đấu, cùng tràn một chung/ Cùng nhau xẻ núi san rừng/ Biến nơi ấy lập thành vùng dân cư”. Còn với Nguyễn Gia Tình:“Đảng với dân chung một niềm tin/ Mang chí lớn của người đi mở đất/ Thái, Mạ, K’Ho, Nùng, Kinh gọi anh là Bất/ Là Bí thư, là trưởng bản, già làng” (Hương thơm bên mộ anh nằm). Với quyết tâm ấy nên đã bồi đắp quyết tâm của người cộng sản “Đảng kính yêu đỏ thắm ngọn cờ/ Từ bốn đảng viên, nay thành Đảng bộ/ Đói, rách băng qua, đè lên giông tố/ Sắt son thề: một dạ vì dân” (Nguyễn Gia Tình. Vùng đất này)… Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm - Câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã trở thành hiện thực sinh động trên cao nguyên đất đỏ “Lúa vàng, cà trắng, dâu xanh/ Đồi trên, suối dưới, như tranh họa đồ/ Ngô chất gác, lúa chen bồ/ Bao năm vất vả cơ đồ là đây” (Ý Đảng lòng dân); “Đến nay khác hẳn xưa rồi/ Điện, đường, trường, trạm cuộc đời đổi thay/ Đói nghèo xóa giảm từ đây/ Cà phê thay áo rừng cây bạt ngàn/ Dưới sình lúa trải ươm vàng/ Dâu xanh, trà biếc, kén vàng đầy nong…” (Nguyễn Thị Lan. Tình người hương đất). Với Trần Thị Hiền Hòa qua bài “Niềm tin” đã cảm tác: “Cao nguyên thân mến yêu ơi/ Biết bao nói hết thành lời bấy lâu/ Ngày đầu vất vả bể dâu/ Mà nay đổi mới in sâu trong lòng/ Dòng dõi con cháu Lạc Hồng/ Hồn thiêng gìn giữ thành đồng núi sông/ Công ơn Bác tựa biển Đông/ Bình minh Đảng tựa mây hồng bấy nay”… Nhịp đập này cũng làm nên vần thơ của Ngô Văn Trữ: “Bao biến đổi trải ngoài hai thập kỷ/ Vững niềm tin đi theo Đảng quang vinh/ Rộn bài ca vang khúc nhạc thanh bình/ Xây đời mới vẹn nghĩa tình Kinh - Thượng!/ Hoa tỏa ngát thơm lừng khắp bốn hướng/ Lâm Hà ơi! Quê mới mến yêu ơi/ Sóng triều dâng cuồn cuộn vượt trùng khơi/ Đường hạnh phúc tương lai đang bước tới” (Quê mới Lâm Hà). Đó cũng là cảm nhận của Trần Đình Phùng: “Đây vùng quê mới Lâm Hà/ Xưa kia nắng bụi, mưa sa ngập lầy/ Cái nghèo cái khó hãm vây/ Nhà tranh vách ván tháng ngày lo âu/ Từ khi có Đảng dẫn đầu/ Cà phê, bãi mía, nương dâu trải dài” (Lâm Hà đổi mới).
Những ngày đầu mở đất vô vàn gian khó đối với thị dân cũng như nông dân đồng bằng Bắc bộ được tái hiện:“Lên ngàn vỡ đất khai hoang/ Măng tre chấm muối, cơm vàng ngô xay/ Tắm mưa, gội nắng dạn dày/ Xá chi muỗi, vắt, mới hay can tràng”…Vất vả, gian lao để rồi đón nhận thành quả“Ơn trời mưa nắng thuận chiều/ Thơ tung cánh phượng mái lều hết nghiêng” (Nguyễn Xuân Bái. Đi tìm ngày mai). Cũng ở tác giả này đã thể hiện khí phách của anh bộ đội Cụ Hồ qua những hình ảnh, hình tượng thơ chân thực “Lật từng luống đất! Sinh sôi/ Đã nghe giọt giọt mồ hôi mặn dần/ Mai này đất bật mầm xuân/ Nghe trong thớ đất thì thầm niềm vui/ Bồng bềnh tóc trắng mây trôi/ Thơ anh lính cựu một thời ngân nga”… Phần lớn cư dân Lâm Hà vốn xuất thân từ châu thổ sông Hồng nên có nết hay lam hay làm, biết tính toán làm ăn. Và đây là chân dung của những cán bộ - nhà nông trên vùng quê mới: “Cán bộ về nhà như lão nông/ Nhìn đời thấy rộng quá mênh mông/ Đâu còn cái buổi thời xưa ấy?/ Vui với điền viên cũng nhọc lòng” (Trần Văn Mỳ. Tự thán).
Nhà thơ Nguyễn Đăng Chấn - hội viên Hội VHNT Lâm Đồng trong bài “Người đi tìm đất” đã phác họa “Đất chật người đông/ Theo Đảng dẫn đường/ Người Thạch Thất ra đi tìm đất/ Ba mươi tư hộ đầu tiên/ Ngày ấy, bây giờ…”. Ly hương mà sao nét lãng mạn, hào khí vẫn thăng hoa: “Tàu xuyên Việt qua dọc dài đất nước/ Mỗi sân ga một khung trời kỷ niệm/ Sớm ngắm bình minh trên mặt biển/ Chiều ngắm hoàng hôn trên đỉnh Trường Sơn”. Khí phách ấy đã lý giải hình ảnh: “Mảnh đất khai hoang năm xưa - Bãi Cháy - Lán Tranh/ Nay đã thành vùng quê trù phú…/ Lũ trẻ bây giờ, đã là những chủ nhân ông giàu có…/ Còn nhớ chuyện xưa/ Ông cha cùng ra đi trên một chuyến tàu”. Chưa hết, đến vùng quê mới nhưng lòng vẫn chưa hẳn đã định cư mà vẫn còn đó những đắn đo, trăn trở để rồi đi đến quyết tâm bám trụ, xây đời… Đó là tâm trạng rất thực và tâm tư này được Nguyễn Văn Khánh tự sự: “Quanh ta cái khó muôn vàn/ Biết là ăn ở có an được nào. Đêm nằm suy nghĩ thấp cao,/ Có dân có Đảng lẽ nào riêng ta/ Ngẫm rồi quyết định cất nhà/ Làm ăn một dạo xem là làm sao./ Xắn tay cuốc đất dọn rào,/ Xây nhà dựng cửa xiết bao công trình./ Cơ ngơi ngày một đẹp xinh,/ Nhà trên vườn dưới có sình có ao./ Viên môn đông liễu, tây đào/ Hương hoa nhập hộ đón chào gió xuân” (Vào quê mới). Chân dung người đi mở đất được Nguyễn Duy Phác khắc họa cụ thể: “Những ngày vỡ đất/ Tôi đến Tân Hà, anh đến Tân Văn/ Thuở ban đầu khẩn khai lập nghiệp/ Anh thời đỉa đói bám theo/ Còn tôi vắt gầy bấu nách/ Sình lầy anh cỏ dại ngang lưng/ Núi đồi tôi cỏ tranh đầu ngút/…Khó khăn chồng chất khó khăn/ Tưởng chừng tôi, anh khó vượt/ Nhưng khí Điện Biên máu trộn bùn non/ Thế “xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”/ Thôi thúc tôi, anh bám trụ” (Tôi và anh)… Đến cao nguyên ở lại và gắn bó, giàu trách nhiệm với Lâm Hà, với thế hệ trẻ “Rời giảng đường/ Cô giáo dưới xuôi lên miền cao dạy chữ/ Đem tuổi thanh xuân hiến tặng cho đời/ Cô dành cho các em nhỏ vùng cao con chữ, tình người/ Thắp sáng niềm tin để ngày mai buôn làng đổi mới/ Già làng đón cô với bao niềm mong đợi/ Đàn em thơ khát chữ vụng về/ Cô dạy các em từng nét chữ, nết người/ Chắp cánh cho các em tới những ước mơ cao đẹp” (Kim Môn. Cô giáo vùng cao). Cũng với mạch cảm xúc dạt dào ấy, người thầy giáo năm xưa có dịp về thăm lại trường xưa, chốn cũ thật quá bất ngờ trước sự đổi thay: “Ba mươi năm trước, giờ thăm lại/ Trường cũ đâu rồi? Ai đã xây?/ Trường mới khang trang, trò ríu rít/…” (Nguyễn Như Ngọc. Trường xưa thầy cũ). Đó là thời hết lòng, chung sức “Gặp nhau khi ấy thời xuân trẻ/ Vượt mọi khó khăn nhiệt huyết đầy/ Chung tay xây dựng từ sơ khởi/ Dưới mái trường yêu một mái nhà” (Không đề). “Tôi đến nơi này từ những ngày xưa/ Bãi cháy Lán Tranh có tên từ ấy/ Những chồi non những mầm xanh thức dậy/ Và tình yêu tôi thắp lửa tim mình”. (Nơi ấy Tân Hà). Và cũng khởi nguồn từ tình yêu nên Nguyễn Hữu Phương đã có câu thi vị “Tây Nguyên hai màu mưa nắng/ Phố nhỏ lưng trời sương giăng/ Rượu cần suối đêm ướp lạnh/ Ước trao một thoáng môi mềm/ Ta đi giữa trời cao nguyên/ Mênh mông muôn vì sao nhỏ/ Lòng ta vầng trăng soi tỏ/ Sáng cùng trời đất quê hương” (Tình Tây Nguyên). Trải qua những tháng ngày gian khó, hồn đất - tình người đã hòa quyện với nhau, có yêu và say quê hương thứ hai lắm lắm thì mới viết nên câu thơ “Đã lắng vào tôi tiếng đàn Tơ rưng/ Đã thấm vào tôi tiếng chiêng tiếng trống/ Trâu kéo gỗ, tiếng mõ khua chiều động/ Nai hoẵng tác bên đồi - đêm rộng đến mênh mông/ Tôi đã ở Sình Cỏ, Sình Công/ Con suối nồng nàn nhảy tung bọt trắng/ Có em gái lên nương gùi trĩu nặng/ Em là của rừng nên ánh mắt rất xanh” mà Đào Văn Lượng thể hiện thật sống động trong bài “Nỗi nhớ màu xanh”. “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên) - Tình yêu quê hương và trách nhiệm với Tổ quốc của những công dân trẻ Lâm Hà được Nguyễn Thị Thanh Loan bộc bạch: “Anh cùng em cắp sách tới trường/ Đơn sơ lớp học thoảng hơi sương/ Em còn nhớ chăng, hồi ấy nhỉ/ Ta vẫn yêu thầm những nhớ thương…/ Anh được lên đường đi đảo xa/ Tạm biệt cao nguyên với Tân Hà/ Chia tay trường cũ cùng em nhé/ Vững bước xuống tàu tới Trường Sa”(Cao nguyên - Trường Sa).
Khắc họa gian lao một thời, về công lao những người đi mở đất và những hình ảnh ấy đã trở thành ký ức đẹp, thân thương của những người con Hà Nội, Hà Tây… điều này được Đinh Quang Vĩnh viết thật cảm động: “Hàng cau mùa này sai trĩu quả/ Giàn trầu xanh lá đã sang đông/ Nhớ ngày xưa mẹ thầm ao ước/ Vài trái cau, mươi lá trầu không/ Ngày mẹ còn, cau rất ít quả/ Giàn trầu tàn tạ tiếc vô cùng/… Nhìn hàng cau trĩu quả Người ơi/ Nỗi nhớ trào dâng thương mẹ tôi/ Thầm ước mẹ còn con đỡ tủi/ Linh thiêng chốn Phật kính dâng Người” (Nhớ mẹ). Trong bài “Về với quê”, ông Nguyễn Anh Đức:“Những ngày đầu kinh tế thật khó khăn/ Bố phát nương - mẹ gom vào đốt rẫy/ Lúa gieo trên nương theo mùa mưa bật dậy/ Hạt gạo trắng ngần ướt đẫm mồ hôi/ Đào hố cà phê trồng mãi đỉnh đồi/ Tạo điều kiện nuôi chúng mình ăn học…/ Xa quê mới anh nằm đêm phát khóc/ Nhớ Tân Hà Bãi Cháy khoảng trời riêng/ Vùng kinh tế Lâm Đồng nơi đó “Đất thiêng”/ Người Hà Nội xây đời theo đất gọi”.
Vui trước sự đổi thay tốt đẹp của quê hương song cũng không giấu được nỗi niềm tự hào về tình đất, tình người cứ trào dâng, lãng mạn:“Gian lao trải mấy thập niên/ Rừng hoang bãi cháy thành miền phồn hoa/ Đồi nương bát ngát dâu trà/ Đường vào phố mới chen nhà ngói xây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Hái chè bắt bướm đội mây chiều tà.” (Mai Xuân Cảnh. Chào Tân Hà). Linh mục Nguyễn Hưng Lợi cảm nhận: “Xuân về bên suối Đạ Dâng/ Mà nghe nước réo bên gềnh đá xanh/ Mong manh mây núi lượn quanh/ Rừng cây sương đọng thông xanh rì rào/ Nắng lên xuân đến khi nao/ Rẫy nương đồi núi xôn xao đất trời” (Xuân về bên suối Đạ Dâng). Cảm xúc này cũng là thi tứ của nhiều người: “Một vùng đất dốc đồi cao/ Qua cầu sóng lúa xôn xao đôi bờ/ Khói lam, từng dải giăng mờ/ Đạ Dâng uốn khúc đôi bờ dâu xanh” (Lê Xuân Liễu. Đến Lâm Hà).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã ban hành với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách, lối sống tốt đẹp là một chủ trương đúng đắn, khách quan và khoa học. Tin rằng, tâm hồn yêu thơ và phong trào sáng tác thơ của các câu lạc bộ, của người dân Lâm Hà sẽ ngày càng lan rộng, thấm vào cuộc sống và thêm tôn vinh nét đẹp của miền quê này, sẽ là minh chứng sinh động cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng.
NGUYỄN THANH