Ngôn từ vốn đã chứa đựng nghệ thuật

08:10, 09/10/2014

Cầm trên tay cuốn sách "Nghệ thuật của ngôn từ" của nhà lý luận phê bình văn học - PGS.TS. Phạm Quang Trung vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tôi không khỏi cảm phục về sức làm việc của thầy. Chỉ trong vỏn vẹn 20 năm, từ 1994 đến nay, thầy đã viết nên 18 cuốn sách, mà cuốn nào cũng mang sức nặng học thuật, đòi hỏi sự dày công chắt lọc ngôn từ, chính xác và khoa học.

(Đọc sách “Nghệ thuật của ngôn từ” của PGS.TS. Phạm Quang Trung)
 
Cầm trên tay cuốn sách “Nghệ thuật của ngôn từ” của nhà lý luận phê bình văn học - PGS.TS. Phạm Quang Trung vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tôi không khỏi cảm phục về sức làm việc của thầy. Chỉ trong vỏn vẹn 20 năm, từ 1994 đến nay, thầy đã viết nên 18 cuốn sách, mà cuốn nào cũng mang sức nặng học thuật, đòi hỏi sự dày công chắt lọc ngôn từ, chính xác và khoa học.
 
Bìa sách Nghệ thuật của ngôn từ
Bìa sách Nghệ thuật của ngôn từ
Có thể kể: Học giả với thi nhân (khảo cứu - 1994), Văn chương với Lê Quý Đôn (khảo cứu 1994), Tiếp cận giá trị văn chương (lý luận phê bình - 1995), Lý luận trước chân trời mở (1998), Cảm xúc văn chương và vấn đề dạy văn ở trường phổ thông (khảo cứu - 1998), Lặng lẽ giữa trang văn (lý luận, phê bình - 1998), Thơ trong con mắt người xưa (khảo cứu - 1999), Thổ cẩm dệt bằng thơ (phê bình - 1999), Sống với văn chương cùng thời (lý luận, phê bình - 2000), Thức cùng trang viết (lý luận, phê bình - 2003), Đến từ con chữ (2007), Ai tri âm đó (2009), Hồn cây sắc núi (2010), Nhắp chuột cùng mạng văn chương (phê bình - 2011)... Với “Nghệ thuật của ngôn từ” là tập hợp 54 tiểu luận, phê bình, tham luận đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng được thầy viết trong suốt 3 năm qua. Nói với tôi, thầy khiêm nhường: “Ngôn từ vốn đã chứa đựng nghệ thuật”, nhưng điều cốt lõi quan trọng (mà thầy không nói ra) là người vận dụng nó như thế nào cho hiệu quả mà thôi. Thầy vẫn luôn khiêm nhường đến vậy, nhưng khi lần dở những trang sách, người đọc có thể cảm nhận được sức lao động cật lực bền bỉ để tạo nên những trang văn đầy ắp suy tư. Nhà thơ để có được một chữ phải mất cả tấn “quặng” ngôn từ, thì để có cuốn sách dày 500 trang, nhà lý luận phê bình Phạm Quang Trung đã phải đọc hàng chục ngàn trang sách, khảo cứu, thẩm định đánh giá, mất rất nhiều tháng ngày lao lực. Tất cả với mong muốn phát hiện, cổ suý những giá trị mới vừa nảy sinh trong đời sống văn chương, phân tích đánh giá những tác phẩm mới, những cây bút mới..., từ đó, định hướng sáng tạo, thúc đẩy dòng chảy của đời sống văn chương đi về phía trước. 
 
Có thể nói, lý luận phê bình như một chất xúc tác, một bài lý luận phê bình xác đáng sẽ như một “cú hích” thúc đẩy sự sáng tạo văn chương. Vì thế, những khái niệm mới, những xu hướng mới của văn chương được thầy lý luận chặt chẽ, giải thích cặn kẽ, nhận định thẳng thắn, trung thực với tinh thần đầy trách nhiệm. Có thể kể các tiểu luận: Suy nghĩ thêm về mối quan hệ giữa văn chương dân gian và văn chương thành văn; Thực chất của tiếp nhận văn chương; Con người Việt Nam là trung tâm của mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá thời nay; Nên tránh tuyệt đối hoá vai trò của người đọc trong đời sống văn chương; Phản tiếp nhận như là sản phẩm của thời hiện đại... 
 
Đọc văn phê bình của thầy, người đọc cảm thấy nhẹ lòng. Cũng là nhận xét, đánh giá, bình phẩm, nhưng không hề mang tính áp đặt; dù trong đó những quan điểm cá nhân được thầy tỏ bày, phong cách, cá tính được thể hiện đậm nét. Những nhà văn, nhà thơ trên văn đàn được thầy nhìn nhận xác đáng, đưa họ về đúng với vị trí họ đang đứng với tinh thần đóng góp mong muốn cho một nền văn chương đầy sáng tạo: Tuyển tập thơ của một dòng họ (dòng họ Vương, làng Đông Bích, xã Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An); Nghiệp văn chương: Cha và con; Để hiểu thêm thơ Nguyễn Hoa; Không gian và hành trình thơ Mai Văn Phấn; Nhà thơ - Tiến sĩ Trần Lâm Bình; Cách thức xử lý tài liệu lịch sử đặc sắc của tiểu thuyết gia Hoàng Yến; Văn chương với chính trị dưới ngòi bút đặc sắc của Hoàng Yến; Đọc và ngẫm những trang ký về nghề của Hoàng Văn Bổn; Từ tiểu thuyết Cơn giông nghĩ về nghiệp văn của Lê Văn Thảo; Bộ sách quý của nhà văn Lan Khai; Đọc văn phê bình của Nguyễn Huy Thông; Đối thoại cùng Inrasara... Đáng quý nhất là ở mảng sáng tác văn học dân tộc thiểu số, thầy đã dành nhiều trang viết với mong muốn khích lệ ngày càng nhiều tác giả, tác phẩm hay phục vụ công chúng: Một nền văn học giàu hương sắc (tr 38 - 50); Thơ hiện đại dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên (tr 51 - 63); Đi tìm nữ thần mặt trời (Văn chương với Mã A Lềnh) (tr 236 - 241); Rồi thế giới cũng biết (viết về vai trò sáng tạo văn học nghệ thuật của các nghệ sĩ người dân tộc thiểu số: Kim Nhớ, Hơ Vê, Pờ Sảo Mìn)... 
 
Gấp cuốn sách lại, ta như có thêm vốn kiến thức và phương pháp để cảm nhận cái đẹp và giá trị đúng đắn của một tác phẩm văn chương đích thực. Tuy nhiên, ngôn ngữ bác học, vốn kiến thức uyên thâm của thầy, cộng thêm những thuật ngữ sẽ là “khó” đọc, khó tiếp nhận với công chúng bình dân; nhưng cũng khó có thể đòi hỏi một tác phẩm học thuật lại phải được diễn đạt bằng ngôn từ thô mộc, giản dị. 
 
Ở tuổi 63, “Nghệ thuật của ngôn từ” như một sự chín muồi trong phương pháp làm việc, trách nhiệm thẩm định văn chương của một nhà làm lý luận phê bình. Không dừng lại ở đó, GS.TS. Phạm Quang Trung luôn nuôi dưỡng những dự định, ấp ủ những ý tưởng sáng tạo, bao bản thảo dở vẫn đang đợi thầy hoàn thiện. Sẽ còn những cuốn sách giá trị đang chờ độc giả ở phía trước. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc tuyển tập tiểu luận, phê bình văn chương “Nghệ thuật của ngôn từ” của nhà lý luận phê bình - PGS.TS. Phạm Quang Trung.
 
QUỲNH UYỂN