Nghề làm đồ trang sức bằng bạc của người Churu

08:10, 02/10/2014

Nghề làm đồ trang sức bằng bạc của người Churu là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, nó gắn liền với nhu cầu, thị hiếu về đồ trang sức của đồng bào. Bởi đối với họ, những trang sức bằng bạc là vật không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong đời sống tâm linh (ma chay, lễ hội).

Nghề làm đồ trang sức bằng bạc của người Churu là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, nó gắn liền với nhu cầu, thị hiếu về đồ trang sức của đồng bào. Bởi đối với họ, những trang sức bằng bạc là vật không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong đời sống tâm linh (ma chay, lễ hội).
 
Một số khuôn đúc nhẫn và vòng trong nghề làm đồ trang sức bằng bạc của người Churu - Lâm Đồng
Một số khuôn đúc nhẫn và vòng trong nghề làm đồ trang sức bằng bạc của người Churu - Lâm Đồng
 
Nghề làm đồ trang sức bằng bạc của người Churu thường được thực hiện vào những lúc nông nhàn, mang tính mùa vụ (chủ yếu là vào mùa khô vì lúc này thuận tiện cho việc làm, phơi các khuôn đúc) và theo nhu cầu của dân làng. Công việc đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ nên chỉ tập trung chủ yếu vào một số nghệ nhân.
 
Nguyên liệu trong nghề làm đồ trang sức bằng bạc của người Churu chủ yếu lấy từ tự nhiên và được lựa chọn theo kinh nghiệm của các nghệ nhân. Nguyên liệu gồm có: bạc, sáp, đất và phân trâu bò.
 
Công cụ và vật dụng của nghề làm trang sức bằng bạc bao gồm các loại sau: nồi nấu bạc (go sơ tu priã), cân để bạc, kẹp bằng sắt, ống hơ sáp (to sư tu rơ lin), cây nhúng sáp (gai-long ru-rơ-lin), dụng cụ se sáp, dụng cụ tạo mặt nhẫn, dụng cụ tạo hoa văn, dao cắt sáp, ống thổi bạc (tob-luh-priã), bếp lò có gắn ống thụt. Nhiên liệu dùng để nấu bạc, thường dùng là một loại củi gỗ của một loại cây rừng đặc biệt có tên là yuh- kơ siu với đặc điểm than chắc, lâu tàn cho nhiệt cao khi đốt.
 
Quy trình chế tác đồ trang sức bằng bạc của người Churu khá tỉ mỉ và rất công phu. Tùy vào từng loại trang sức và sự trang trí cầu kỳ hay đơn giản mà thời gian, kỹ thuật trang trí cũng có sự khác nhau. Nhưng tất cả đều phải trải qua các bước tuần tự như sau: nấu sáp để lấy sáp tạo mẫu sản phẩm, tạo mẫu đồ trang sức bằng sáp và khuôn đúc, nấu bạc, đổ bạc vào khuôn, làm nguội và cuối cùng là tu chỉnh sản phẩm. Trong đó, khâu tạo mẫu đồ trang sức và khuôn đúc là quan trọng hơn cả vì tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân. Đây cũng là khâu quyết định sự tinh tế và sắc sảo của sản phẩm. Đặc biệt là các loại trang sức trang trí hoa văn cầu kỳ như nhẫn mắt sâu, nhẫn vặn thừng có mặt hình hoa... Các sản phẩm của nghề bạc chủ yếu là các đồ trang sức với các loại nhẫn: nhẫn mắt sâu, nhẫn vặn thừng có mặt và không có mặt, nhẫn trơn thường không trang trí, vòng cổ, vòng tay và các loại hạt chuỗi (có ba loại: hạt tròn, hạt nhiều cạnh và hạt có khía). Những sản phẩm này chủ yếu mang tính tự cung tự cấp trong cộng đồng và trao đổi với bà con dân tộc ở những vùng lân cận.
 
Nghề làm đồ trang sức bằng bạc của người Churu là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời với nhiều kỹ năng, kỹ thuật rất độc đáo và khá tinh xảo. Nó có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Churu, nhưng hiện nay đang trong tình trạng bị mai một và nguy cơ bị thất truyền. Những nghệ nhân còn giữ nghề không nhiều và phần lớn đã cao tuổi. Vì vậy, cần sớm có những chính sách thích hợp để khuyến khích các nghệ nhân cũng như việc phục hồi nghề làm đồ trang sức bằng bạc trên cơ sở vừa giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, vừa thích ứng với nhu cầu thị hiếu của người dân trong thời hiện đại.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ