
Khi nói đến Đà Lạt, người ta thường nghĩ ngay đến các tụ điểm du lịch. Nào là Suối Vàng, Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, Dinh Bảo Đại, Đồi Cù, hồ Xuân Hương vv... Thế nhưng, trong tâm tưởng tôi còn có "một nửa yêu thương" của cao nguyên tuyệt đẹp này. Đó là những nhà nông sớm tối cặm cụi ở các vườn đồi đã góp phần rất lớn, làm nên diện mạo vùng đất sương mù.
Khi nói đến Đà Lạt, người ta thường nghĩ ngay đến các tụ điểm du lịch. Nào là Suối Vàng, Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, Dinh Bảo Đại, Đồi Cù, hồ Xuân Hương vv... Thế nhưng, trong tâm tưởng tôi còn có "một nửa yêu thương" của cao nguyên tuyệt đẹp này. Đó là những nhà nông sớm tối cặm cụi ở các vườn đồi đã góp phần rất lớn, làm nên diện mạo vùng đất sương mù.
Họ là những nông dân cần cù chuyên trồng laghim, một sản vật mà thiên nhiên ưu đãi gọi là "laghim Đà Lạt". Những chuyến hàng dài trôi về các thành phố lớn, nhỏ; thậm chí là ra nước ngoài cũng từ bàn tay người lao động vùng này làm nên. Bóng dáng của họ in lên chất lượng hàng hóa, là mồ hôi nước mắt, và sức dẻo dai cật lực của vùng dốc núi bùn đỏ, mưa nắng hai mùa. Nhìn một người nông dân gánh laghim xuống dốc hoặc lên dốc, thì ta biết ngay sự vất vả dường nào. Những địa danh hào phóng như Vạn Thành, Thái Phiên, Trại Mát, Đa Thành, Đa Thọ, Cầu Đất, Trại Hầm, Đa Thiện, Lạc Dương vv... chính là cái nôi đẻ ra sản vật rau cỏ quý giá, cung cấp cho thị trường cả nước và xuất khẩu. Họ là những người trồng hoa ở các làng hoa, cũng những chân đồi mưa nắng ấy, làm ra thứ hàng hóa mong manh nhưng đắt giá vô cùng. Đà Lạt thiếu "một nửa yêu thương" này là thiếu tất cả. Có thể phong họ là những nghệ nhân làm đẹp cho thế gian!
Những vườn đồi thoai thoải bát úp này, đòi hỏi người nông dân phải có "cái chí khí hậu", mới vượt qua cái lạnh cắt da khi đông về. Họ bước trườn lên núi đồi thong dong sương trắng, không phải "sức trâu" mới cày được, mà phải có cái sức khiêm nhu của người tự tại. Cuộc sống chậm nơi đây ảnh hưởng mộc mạc đến tâm hồn họ. Người ta nói người Đà Lạt trọng tình trọng nghĩa, chính là nói đến cuộc sống nông dân ven thành phố này. Họ là ai? Là những lưu dân thập phương về trú xứ Đà Lạt. Nghe giọng nói pha lẫn nhiều âm sắc đa thanh, ta hiểu ngay chất giọng trộn lẫn của làng Hoa Nghệ Tĩnh, Hà Đông, Hà Nội, Huế, Quảng, Sài Gòn vv... Đặc biệt, người bản địa cũng góp phần gìn giữ nét đẹp miền sơn nguyên. Họ có thứ sản vật riêng làm nên đặc sản cho Đà Lạt. Văn hóa của họ đã trở thành "những người bạn" đầy bản sắc.
Thật vậy, chất nông dân thuần phác đã làm nên chất yêu thương gắn kết Đà Lạt lại với nhau thành một khối, không thể tách rời. Ai yêu những phong cảnh thơ mộng Đà Lạt, không thể không nhớ đến một miền quê trù phú, nhưng còn đầy vất vả nắng mưa...
NGUYỄN THÁNH NGÃ