
(LĐ online) - Sáng 10/10/2014, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng.
(LĐ online) - Sáng 10/10/2014, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Tham dự hội thảo có đồng chí Đoàn Thanh Toàn - Phó Cục trưởng Cục biểu diễn nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL), đồng chí Nguyễn Thanh Đạm - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng, lãnh đạo các học viện âm nhạc, nhà hát, đoàn ca múa nhạc của một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, tập thể lãnh đạo diễn viên Đoàn ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng, đại diện trung tâm văn hoá, phòng văn hoá các huyện, thành trong tỉnh.
 |
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Đạm nhấn mạnh về vai trò, vị trí của nền ca múa nhạc truyền thống dân tộc trong lòng mỗi người Việt và trong dòng chảy nghệ thuật biểu diễn đương đại; trong đó vốn âm nhạc cổ truyền mà chúng ta đang có là kết tinh đáng tự hào của những sáng tạo nghệ thuật vô giá mà cha ông để lại. Nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc chính là trách nhiệm để khơi thêm mạch sống cho những giá trị âm nhạc truyền thống, đa dạng giàu bản sắc trong hơi thở nghệ thuật hiện đại.
Với chủ đề về “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng”, đã có 8 tham luận được trình bày tại hội thảo với các nội dung: Âm nhạc dân tộc Việt Nam trong đời sống hiện đại (TS. Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế), Nâng cao yếu tố bản sắc văn hoá dân tộc bản địa trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng (Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng VHNT, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ), Những hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ du lịch của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng - Khánh Hoà (Nguyễn Thuý Châu - Phó Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng), Một số kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức hoạt động biểu diễn của Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh - Bình Thuận (NSND Minh Mẫn - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh), Vai trò, vị trí của nghệ thuật truyền thống dân tộc bản địa trong chương trình nghệ thuật biểu diễn (NSƯT Ysan Alio - Trưởng Đoàn ca múa nhạc Đam San - Đắk Lắk), Vai trò của truyền thông trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc bản địa (Nguyễn Thanh Nhân - Giám đốc Đài PT-TH Lâm Đồng), Tuổi trẻ Lâm Đồng với âm nhạc truyền thống (Trần Thị Chúc Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng)... Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi cũng làm sáng tỏ các vấn đề: thực trạng nhạc nhép, hát nhép, vấn đề trẻ đẹp hoá và tài năng hoá lực lượng biểu diễn, nâng cao chất lượng chương trình biểu diễn, xã hội hoá tạo nguồn thu nâng cao đời sống của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên...
Được thành lập từ năm 1979, đến nay 35 năm phát triển và trưởng thành, tập thể lãnh đạo diễn viên Đoàn ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng không ngừng nỗ lực phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hoá, nghệ thuật cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cùng với sự chuyển biến mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời đứng trước chủ trương xã hội hoá hoạt động văn hoá, nghệ thuật đã đặt ra vai trò, trách nhiệm của Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng ở đâu trong chuỗi giá trị đang từng ngày tiếp biến. Từ thực trạng biểu diễn nghệ thuật của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng, tiếp thu những kinh nghiệm, những ý kiến quý báu từ Hội thảo, trong thời gian tới ngành văn hoá - thể thao - du lịch Lâm Đồng sẽ tiếp tục nghiên cứu về thực trạng, giải pháp, lập đề án phát triển Đoàn ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng; trong đó, những vấn đề sẽ tiếp tục được quan tâm: xây dựng lực lượng, đào tạo đội ngũ diễn viên, tạo cơ chế chính sách, quy định chế độ lương bổng phù hợp, nâng cao chất lượng chương trình biểu diễn dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc bản địa, kết hợp hài hoà giữa dân tộc và hiện đại, từ đó phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
QUỲNH UYỂN