Gặp lại "thiên thần" (truyện ngắn)

04:10, 08/10/2014

Có một sinh viên Hà Nội làm thơ với bút danh rất lạ - "Cỏ đêm", tôi mới quen trong những ngày ở Hà Nội dự một hội nghị. Cô ghi địa chỉ trên bao thuốc lá tôi đang hút và dặn dò bằng giọng Hà Nội trong trẻo: "Ngách C, ngõ số…., phố thợ…". 

Đó là lần đầu tiên tôi từ miền Nam được ra thăm Hà Nội; Hà Nội năm 1992 còn nhỏ bé, cũ kỹ, ra khỏi khu trung tâm là lò gạch, ruộng, ao và những căn nhà thâm thấp, mái ngói đen xì trên những bức tường tổ ong. Đường sá ở những nơi này bụi mịt mù với những chiếc xe cải tiến thô kệch do các bác tài đội nón cối chạy bạt mạng, nhả khói đen thui. Hà Nội bừa bộn, trộn lẫn kiến trúc Tây - ta và chưa có dáng dấp của đô thị hiện đại. Bù vào đó, những mặt hồ phẳng lặng, những bức tường rêu phong và mái cong cổ kính làm tôi mê mẩn.
 
Có một sinh viên Hà Nội làm thơ với bút danh rất lạ - “Cỏ đêm”, tôi mới quen trong những ngày ở Hà Nội dự một hội nghị. Cô ghi địa chỉ trên bao thuốc lá tôi đang hút và dặn dò bằng giọng Hà Nội trong trẻo: “Ngách C, ngõ số…., phố thợ…”. 
 
Ngày mai về lại Sài Gòn, chiều nay tôi đến chào “Cỏ đêm”. Theo địa chỉ nàng cho, tôi đi mãi vào một con hẻm có vô số nhánh rẽ và không còn định được phương hướng. Tôi hỏi vài người về một cô thi sĩ trẻ có thơ đăng báo với bút danh “Cỏ đêm”; họ cười khùng khục bảo: “Phải có tên bố mẹ nhà nó, chí ít là tên thật của nó. Cứ nói cỏ đêm với cỏ ngày thì bố ai biết được!”. Ròng rã hơn một giờ đi loanh quanh trong những con hẻm nhỏ xíu như vậy, tôi ngại ngùng khi nhiều cặp mắt nhìn mình nhễ nhại mồ hôi nửa như dò xét, nửa như thương hại. Một chị phụ nữ ngồi trong cửa sổ cho con bú nói chõ ra: “Không khéo gặp thứ “giời ơi” rồi, lại là người miền Nam ra có khổ thân không chứ! Thế có mất tiền bạc gì không?”.
 
 Minh họa: H.T
Minh họa: H.T
 
Tôi nóng rần trên mặt vì ngượng, phân bua lia lịa “Không! Không! Cô ấy là sinh viên, chúng tôi là bạn…”. Tôi lí nhí cảm ơn xong rảo thật nhanh, trong bụng đã nghĩ đến việc “rút quân”. Tôi đi đại xuống một lối nhỏ, cố thoát khỏi những cặp mắt xoi mói, những lời bình luận khó nghe đang bủa vây quanh mình. Thật bất ngờ con hẻm rộng dần ra và bên trái một hàng rào sắt kéo dài đến 15-20 mét. Tôi nhìn qua hàng rào và không tin vào mắt mình khi thấy “cỏ đêm”! Lúc này mặt trời sắp lặn, nàng mặc đồ bộ màu hồng nhạt, quần xắn đến đầu gối đang hì hục cuốc đất. Bên cạnh nàng là đứa bé gái chừng 8 tuổi và một thằng cu độ 4-5 tuổi. Tôi bước vào gọi to “cỏ đêm”, nàng quay lại sững người rồi cũng reo lên: “Anh tìm nhà em có khó không! Vào đi anh…”. Căn nhà xây cấp 4 đã cũ nằm giữa một khu vườn rộng cả ngàn mét vuông có tường, rào bao quanh. Tôi khen: “Nhà em đất rộng nhất làng!”. Nàng cười: “Ông bà để lại cho bố em đấy!”. Khi vào đến phòng khách, “cỏ đêm” chỉ vào nồi cơm điện đang xì hơi trên nắp và rá gạo vo sẵn để gần đó la toáng lên: “Nước sôi rồi, anh đổ gạo vào giúp em với. Em phải tắm cho hai đứa này!”. Tôi vui vẻ làm theo “chỉ đạo” của nàng, sau đó còn ra giếng múc nước phụ nàng tắm cho hai đứa em. Lát sau bố mẹ nàng về, cả hai đều là bộ đội. Nàng nói với mẹ: “Con tắm cho em rồi, nấu cơm rồi, mẹ luộc rau dọn cơm giúp con nhé, con đi chơi với anh bạn ở Sài Gòn ra!”…
 
Đêm ấy trăng rất đẹp, nàng mặc áo đầm trắng, đi đôi giày cũng trắng, dẫn tôi ra cánh đồng gần nhà nàng. Chúng tôi lọt giữa mênh mông hoa đủ sắc màu. Nàng lôi tay tôi theo nàng trên những lối đi giữa hai luống hoa còn sũng nước. Xa xa là ánh sáng của phố phường Hà Nội, còn ở đây chỉ có trăng, sự tĩnh lặng, và một thiên thần trắng vô tư trong trẻo giữa một biển hoa. Nàng kể rằng rất thích ra đây ngắm hoa vào mỗi tối, nhưng đứa em gái 8 tuổi của nàng theo chị một lần rồi “chạy” luôn vì sợ ma. “May là hôm nay anh không sợ ma!” - Tôi cười, đùa lại: “Anh sắp 30 tuổi rồi, sợ ma làm sao lấy được vợ!”… Chúng tôi lang thang mãi trong vườn hoa vắng vẻ, đến lúc ruột gan cồn cào mới sực nhớ chưa ăn tối. Từ vườn hoa mờ ảo dưới trăng, chúng tôi lần ra đường lớn. Phố sá sáng rực ánh đèn, xe cộ ầm ầm ngược xuôi, bụi bặm đến ngợp thở. Hai đứa ngồi chung một xích lô, tôi ép qua một bên và không dám thở mạnh khi ngồi bên “thiên thần trắng”. Tôi đưa nàng ra Hồ Tây, ăn tối trên một con tàu chòng chành sáng rực ánh điện. Mặt nàng trắng hồng, đôi mắt to và đẹp, cánh tay trần trắng muốt. Trên cái cổ thon dài, nàng đeo một chuỗi hạt trai và vô tư khoe: “Em mượn của mẹ, mẹ hứa khi nào lấy chồng sẽ cho luôn!”. Dưới trăng mờ trông nàng huyền ảo, còn ánh đèn rực rỡ làm nàng thật quý phái. Tôi đùa một câu: “Trông như tiểu thư thế này đố ai biết mới lúc chiều “cỏ đêm” còn cuốc đất, tắm em, nấu cơm nhỉ?”. Nàng lại hồn nhiên: “Em chưa bao giờ vào ăn chỗ sang trọng thế này đâu nhé! Anh đúng là trai Sài Gòn không biết tiết kiệm!”.
 
Lỡ mai anh rớt máy bay thì tiết kiệm để làm gì?
 
Nói gở, phạt ăn hết con tôm chiên bột!
 
Đường về, hai đứa nắm tay đi bộ. Đêm ấy Hà Nội cho tôi bao la hạnh phúc!
 
Khi về đến Sài Gòn, tôi cuống quýt tìm lại mảnh bao thuốc lá có ghi địa chỉ nhà nàng, nó bay theo gió Hà Nội mất rồi! Tôi lại có những chuyến công tác Hà Nội. Tôi đi taxi, xích lô, xe thồ và cả cuốc bộ để tìm lại nhà nàng. Tôi đi hết đêm này sang đêm khác, hết chuyến công tác này sang chuyến công tác khác, nhưng chẳng bao giờ tìm được ngõ phố xưa giữa một Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Tôi cũng chưa biết tên thật của nàng, chưa biết địa chỉ trường ĐH nàng đang học. Tôi tiếc mảnh vỏ bao thuốc lá đã mất hơn một tờ vé số trúng độc đắc!
 
Tôi nhớ nàng suốt nhiều năm, tôi viết những truyện ngắn có những nhân vật mang tên giống bút hiệu “cỏ đêm” của nàng với hy vọng nàng nhận ra tín hiệu và liên lạc. Tôi muốn đăng tìm người lạc trên truyền hình Hà Nội, nghĩ thấy sợ như thế quá to chuyện, lại thôi!
 
15 năm sau, không hiểu run rủi thế nào, một người bạn cho tôi số ĐTDĐ của nàng. Tôi đang ở Hà Nội và nghẹt thở khi nghe tiếng chuông đổ dài. Hình như nàng đã rất mừng khi nhận ra tôi. Nàng cho tên và địa chỉ một quán cà phê. Tôi nhảy lên chiếc taxi vừa trờ tới…
 
Quán mang tên Tây và khá sang trọng. Tôi chọn một bàn bên ngoài, ngước lên là thấy những dây hoa tường vi rủ xuống!
 
Một chiếc Toyota Camry sáng choang màu bạc dừng lại. Người phụ nữ bước ra từ vô lăng đeo kiếng Gucci đen, tóc nhuộm vàng uốn dợn sóng, mặc váy màu sậm, áo thun cá sấu Lacoster màu huyết dụ và đồng hồ Jaeques Lemans, nhún nhảy trên đôi guốc cao gót hàng hiệu Giordano. Tôi không thể nào dám tin đây lại là nàng - cô sinh viên làm thơ - “thiên thần” vô tư của tôi ngày nào. Không còn trắng hồng như xưa nên nàng phải dùng thêm quá nhiều son phấn để che làn da sạm và các vết nhăn. Mười đầu móng tay vẽ hoa văn màu nho tím không làm sang hơn cho đôi cánh tay bắt đầu khô ráp, nổi gân. Nàng bẹo má tôi một cách táo bạo và nhận xét: “Béo hơn một tí nhưng không khác xưa nhiều. Em có già lắm không anh?”. Tôi trả lời “Không, trông em sang lắm!”, mà không dám nhìn vào mắt nàng. Nàng móc ra một gói Dunhill trắng, rít vài hơi phà khói mù mịt rồi hất hàm hỏi trống không: “Lấy vợ rồi chứ gì? Cho con đi du học chưa? Có cần em lo cho không?”. Nàng quay ra xe mang vào một laptop, đặt lên bàn và mở nhạc khá lớn. Nàng xoay màn hình về phía tôi: “Đây là căn hộ cao cấp của em. Lúc em mua có 120 ngàn (đô la)”; bây giờ lên gấp đôi rồi đấy! Cái thằng nhìn em say đắm này là Peter- đại diện của X bank. Nhưng em thích thằng này hơn, anh mà nhìn nó nhảy chachacha thì mê. Nhưng nó đen đúng hiệu châu Phi nên đi đâu với nó cũng bị thiên hạ nhìn, em ngại lắm. Ông bảnh bao này là sếp em đấy, có vợ bên Tây rồi, nhưng sang đây gặp em cứ xoắn tít…”.
 
Tôi ù tai, hoa cả mắt, vì nhạc dập từ quán cà phê, nhạc laptop của nàng và những hình ảnh đang bị ép xem. “Singapore này, Thái Lan này, Italia này… em đi cả. Anh thấy em mặc đồ tắm có đẹp không? Này mà sao trông anh có vẻ mệt mỏi thế?”. “Ừ, công việc của anh đi nhiều!...”. “Thế anh có muốn một sự đảm bảo cho tương lai không?” (nàng tắt ngay những hình ảnh và màn hình laptop nổi lên đủ loại quảng cáo về bảo hiểm). Tiếng nàng vẫn oang oang: “Loại này dành cho con anh, đóng đủ 18 năm là công ty đảm bảo luôn tương lai cho cháu, cháu muốn du học Mỹ hay châu Âu đều được. Loại này là bảo hiểm tài sản, anh đi nhiều có gặp tai nạn tàu, xe thì tài sản vẫn còn nguyên. Hãng của em hay lắm, uy tín hơn 200 năm ở châu Âu đấy! Anh có thẻ tín dụng hay tài khoản gì đó không, em mở ngay cho anh một bảo hiểm… Đây, điền vào đây, nhấp chuột là thông tin đã vào máy chủ ở tận Luân Đôn, tha hồ an toàn…”.
 
Bây giờ tôi thật sự choáng váng, ngợp thở. Tôi cố lái câu chuyện sang kỷ niệm ngày xưa của hai đứa; tôi hỏi về bố mẹ và các đứa em của nàng. Nhưng nàng vẫn như một diễn giả xuất thần, không còn biết đến gì ngoài những vấn đề “rất quan trọng và rất nhân bản” của dịch vụ bảo hiểm. Đến nước này tôi đành thú thật: “Bao nhiêu năm nay anh rất mong gặp lại em, vườn hoa ngày xưa của chúng mình…”. Nàng tròn xoe mắt kinh ngạc rồi hớn hở: “Anh quan tâm đúng hướng rồi đấy, người Sài Gòn ra mua nhiều lắm. Có cô bạn ký gởi hai nền biệt thự đây, view rất oách… đấy, anh cứ xem sơ đồ trên máy trước, em dẫn anh ra tận nơi. Khu ấy bây giờ là đất vàng đấy. Tháng trước có 4 nghìn (đô la), giờ đã là 6 nghìn hai một mét vuông rồi đấy. Anh đầu tư một nền, qua tết lời tiền tỷ. Em chẳng cần tiền cò, cứ mua bán xong anh cho em một cái “eo vi” (túi xách Louis Vuitton) cỡ 3 nghìn là được”… Nàng nói mà dường như không cần thở. Tôi không còn phản ứng gì được nữa. Nàng tra tấn tôi ròng rã gần 2 giờ liền, toàn chuyện làm ăn, bảo hiểm, cuối cùng đưa ra một đề nghị: “Anh vào Sài Gòn làm cộng tác viên cho em nhé. Cứ mỗi hợp đồng bảo hiểm, em trích cho anh 10%. Nhà báo như các anh dễ thuyết phục các doanh nghiệp lắm, chả mấy chốc mà giàu!...”. Tôi hỏi nàng một câu cuối cùng: “Em lập gia đình chưa?”, nàng ngúng nguẩy: “Ối! Anh vẫn còn tư duy theo thời bao cấp. Lúc này mở cửa, hội nhập rồi, sống cho Tây một tí đi ông anh!”…
 
ĐTDĐ của nàng đổ chuông, nàng xổ một tràng tiếng Anh rồi dứt khoát đứng lên: “Nếu chờ được, một tiếng nữa em đến đón anh đi ăn tối. Pizza và cocktail ở chỗ này hay lắm!…”.
 
Nàng lên xe, phóng đi. Còn một mình, tôi thẫn thờ đi bộ về khách sạn, trong lòng trống trải, hụt hẫng. 15 năm qua, tôi vẫn mơ mãi một “thiên thần” huyền ảo giữa vườn hoa Nhật Tân sáng ánh trăng rằm. Nàng là phần quan trọng nhất của Hà Nội, để chỉ lần đầu đã chiếm trọn tôi. Nàng dẫn tôi vào những con phố êm đềm, những tháng ngày du dương với hoài niệm về Hà Nội.  Giờ đây nhìn những cây đào bó gốc được bày bán xôn xao trên vỉa hè, tôi thở dài tiếc nuối trên phố Hà Nội ồn ào toàn chuyện làm ăn! Giá mà tôi đã không gặp lại nàng! Thôi thì tặng em mấy câu thơ làm tốc hành trên chuyến bay trở vào Nam:
 
“Gặp em - lần đầu cùng Hà Nội
Nhớ em - nhiều hơn nước Hồ Gươm
Tìm em - vạn dặm, trăm đêm, nghìn góc phố
Mất em - nửa ly cà phê hội nhập uống cùng văn hóa “Yes”, “No”!
Hà Nội nghìn tuổi vẫn trẻ
Hồ Gươm sáu trăm năm vẫn mới chuyện “trả gươm”
Vườn Nhật Tân trăng sáng đâu rồi?
Để em - Hà Nội, quên mình là người Tràng An!”.
 
Truyện ngắn: LẠI VĂN LONG