
"Bẵng đi gần 30 năm vắng bóng, năm 2013, cồng chiêng ở Đạ M'ri mới lại có dịp vang ngân như xưa nay vốn vậy"...
“Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành. Đánh cho ma quỷ mãi nghe đến quên làm hại người” (trích Trường ca Đam San).
“Bẵng đi gần 30 năm vắng bóng, năm 2013, cồng chiêng ở Đạ M’ri mới lại có dịp vang ngân như xưa nay vốn vậy” - ông Hồ Minh Hoài Bảo, cán bộ Văn phòng xã Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai), thông tin. Tôi đã men theo thông tin đó, tìm về mảnh đất Đạ M’ri, để được nghe cồng chiêng tấu trong không gian mộc (không sàn diễn, không ánh đèn sân khấu, không tăng âm...) và ngay lập tức bị cồng chiêng nơi đây thuyết phục. Một cảm giác linh thiêng trỗi dậy, choáng ngợp trong tôi. “Trước kia, vì nhiều lý do, khách quan có, chủ quan có, nên cồng chiêng Đạ M’ri bị tản mát và thất lạc gần hết. Nay, sau rất nhiều nỗ lực, cồng chiêng Đạ M’ri mới dần quay trở lại” - ông Hồ Minh Hoài Bảo ghé tai tôi nói nhỏ.
Tôi lặng quan sát đôi bàn tay thô kệch, gân guốc của già K’Nẻo (70 tuổi) - nghệ nhân cồng chiêng, đang cần mẫn hướng dẫn 10 người trẻ dân tộc Châu Mạ trong Đội cồng chiêng Đạ M’ri bẻ nắn từng âm thanh cồng chiêng sao cho chuẩn, cho đúng điệu, mà lòng chợt rộn lên những niềm vui. Bởi, qua bàn tay già, tôi thấy sự sống cồng chiêng đang dần hồi sinh, sau chuỗi dài thời gian bị mai một, cả trên thực tế lẫn trong tiềm thức. Già K’Nẻo có vóc người cũ kỹ như bước ra từ cổ tích, vẫn say sưa cùng những thanh âm đại ngàn. Thấy tôi tỏ ra chăm chú, già K’Nẻo ngừng tay, chia sẻ: Một thời, đôi tai của người Châu Mạ đã quên hẳn tiếng chiêng ngân. Có chăng, tiếng chiêng chỉ còn trong ký ức người già. Bộ chiêng sáu (6 chiếc), linh hồn sống của cả cộng đồng Châu Mạ, nằm im ỉm trong nhà bà Ka Hờ và nhà bà Ka Hết. Ka Hờ và Ka Hết là chị em ruột. Theo phong tục Châu Mạ, sau khi cha mẹ qua đời, của cải trong gia đình được chia đều cho các con. Theo đó, bà Ka Hờ sở hữu 3 chiếc và bà Ka Hết sở hữu 3 chiếc. Năm 2013, khi thành lập Đội cồng chiêng Đạ M’ri, bộ chiêng 6 chiếc mới được tập hợp và hiện nay đang phục vụ cho việc tập luyện.
 |
Tấu chiêng ở Đạ M’ri |
Theo nghệ nhân cồng chiêng K’Nẻo, âm nhạc cồng chiêng là nơi tiết tấu và giai điệu gặp nhau. Mỗi nhạc công chỉ chơi một nốt và một mô hình tiết tấu, kết hợp lại thành bè, thành giai điệu. Cồng chiêng bảo lưu hình thức diễn xướng cộng đồng, hợp tấu bằng cách nghe nhau, tức phải có tâm linh cộng đồng ứng vào. Cồng chiêng hoàn toàn xa lạ với việc cá nhân hóa, cá thể hóa người biểu diễn. “Khả năng âm nhạc này được phát triển một cách tự nhiên và phổ biến trong cộng đồng thông qua những mùa lễ hội, cũng là những đợt trình tấu cồng chiêng thâu đêm suốt sáng” - già K’Nẻo nói. Trong lễ hội, cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh với Yàng, giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng. “Thời xưa, bộ chiêng quý (tiếng hay) thường pha thêm bạc, vàng, đồng đen; nếu lâu đời, có giá trị quy đổi từ 1 - 2 con voi hoặc bằng 40 con trâu. Người chủ nhiều cồng chiêng không chỉ là người nhiều của cải, mà còn là người có sức mạnh do thần chiêng phù trợ và dòng họ, bon nào có nhiều cồng chiêng sẽ được các dòng họ khác, bon khác nể trọng, nghe theo. Già làng ở bon ấy có thể được tôn lên làm già làng cho cả một vùng” - già K’Nẻo nói thêm.
Cũng theo nghệ nhân cồng chiêng K’Nẻo, người Châu Mạ phân biệt rạch ròi giữa bộ chiêng có Yàng trú ngụ với những bộ chiêng thông thường. Chiêng có Yàng trú ngụ, sử dụng trong các dịp lễ trọng và chỉ được đánh khi có vật hiến sinh từ trâu trở lên. Chiêng thường, dùng trong sinh hoạt ngày thường. Chiêng càng cổ thì Yàng chinh (thần chiêng) càng mạnh, giá trị càng cao.
Cồng chiêng ngàn đời linh thiêng là thế! Vậy mà, sau sự kiện UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại” chưa lâu, một bộ phận không nhỏ người dân bản địa Tây Nguyên đã bắt đầu thờ ơ; thậm chí, tỏ rõ tự ti với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Cồng chiêng ở Đạ M’ri thì phải đợi đến năm 2013 mới được thắp bừng lại. Sự hồi sinh này là tín hiệu đáng mừng, nhưng ở đâu đó, người có chuyên môn đều nhận thấy, do cấu trúc xã hội cổ truyền của Tây Nguyên bị biến đổi, hay nói đúng hơn bị xâm phạm, cồng chiêng vì thế cũng bị biến đổi theo. Ngày xưa, việc diễn tấu cồng chiêng là một nhu cầu tự thân, gắn liền với lễ nghi nông nghiệp. Còn bây giờ, dù nỗ lực dày công cách mấy, kêu gọi đến mấy, thì nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng vẫn cứ tách rời nhu cầu sống của con người, chưa thể nào gắn kết được. Nguy hại hơn, những gì là nguyên vẹn như xưa cũ thì rất khó để giữ gìn và khơi lại. Còn những gì hiện đang phát triển, thì không tránh khỏi sự pha tạp, lai căn. Âm nhạc cồng chiêng, cũng như cuộc sống, đang biến chuyển không ngừng, không thể nào đóng khung được. Chưa kể, một số nơi, cồng chiêng ngày càng nghiêng hẳn về xu thế sân khấu hóa, trình diễn hóa. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian đã cảnh báo: “Tính thiêng trong âm nhạc cồng chiêng đang bị thế tục hóa”.
Thực tế này cho thấy, việc phục dựng và bảo tồn văn hóa cồng chiêng mà lâu nay chúng ta hô hào mới chỉ dừng lại ở giải pháp bảo tồn hiện vật, mà chưa chú trọng đến bảo tồn không gian văn hóa. Vì thế, cấp thiết cần phục dựng môi sinh, nghĩa là phục dựng môi trường sinh sống của cộng đồng, trước khi phục dựng văn hóa. Các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian chỉ ra rằng, khi bảo tồn, cần tiến hành song song hai phương án: Phương án bảo tồn tĩnh và phương án bảo tồn động. Bảo tồn tĩnh là đầu tư, tái tạo, khôi phục những yếu tố văn hóa vật chất theo những mẫu chuẩn cổ xưa. Bảo tồn động đòi hỏi phải trả văn hóa về với núi rừng, về đúng với nơi chúng sinh ra, để văn hóa sống trong cộng đồng. Cùng với đó, cần hết sức thận trọng khi can dự vào văn hóa, nhất là ở những nền văn hóa sơ khai, nếu không muốn gặp phải sự khô cứng. Văn hóa là điều tự nhiên, tự thân của mỗi dân tộc. Do vậy, việc tách âm nhạc cồng chiêng ra khỏi môi trường sinh hoạt của nó, cần phải hết sức tế nhị. Bởi, “cái quý nhất nơi âm nhạc cồng chiêng chính là ở sự cộng cảm của sân khấu dân gian”.
Trước khi chia tay Đạ M’ri, tôi hỏi K’Nhân (14 tuổi, người trẻ nhất trong Đội cồng chiêng Đạ M’ri) về Yàng, về không gian thiêng và thật bất ngờ khi nghe K’Nhân bảo: “Không biết!”. Tôi tự hỏi, nếu diễn tấu cồng chiêng, mà Yàng và không gian thiêng không tồn tại hoặc tồn tại một cách mờ nhạt trong tâm thức người trẻ Châu Mạ, liệu âm nhạc cồng chiêng có còn là khuôn mặt văn hóa đặc trưng riêng biệt nữa hay không?
TRỊNH CHU