
(LĐ online) - Đã gần 60 mùa rẫy đi qua, già làng Ya Hiêng vẫn không ngừng cố gắng gìn giữ nét đẹp của người Chu ru, ông bảo: "Còn sức, tôi còn làm, còn cố là còn giữ được. Tôi tin con cháu vẫn yêu văn hóa của tổ tiên người Chu ru như chính tôi vậy. Chỉ cần biết cách nhen nhóm cho tình yêu ấy mạnh như ngọn lửa thì sẽ giữ được "tài sản" của ông cha".
(LĐ online) - Đã gần 60 mùa rẫy đi qua, già làng Ya Hiêng vẫn không ngừng cố gắng gìn giữ nét đẹp của người Chu ru, ông bảo: "Còn sức, tôi còn làm, còn cố là còn giữ được. Tôi tin con cháu vẫn yêu văn hóa của tổ tiên người Chu ru như chính tôi vậy. Chỉ cần biết cách nhen nhóm cho tình yêu ấy mạnh như ngọn lửa thì sẽ giữ được "tài sản" của ông cha".
Xã Phú Hội, huyện Đức Trọng nơi có hơn 1.300 hộ người dân tộc Chu ru sinh sống nhưng nếp sống của họ hiện nay đa phần đã “kinh hóa”. Sâu hơn vào thôn Pré, nơi chủ yếu là người Chu ru, những nét xưa cũng đã mờ dần. Có lẽ đó chính là lý do để già làng Ya Hiêng - người dân tộc Chu ru tại thôn Préh Riyong (gọi tắt là Pré), xã Phú Hội, huyện Đức Trọng luôn trăn trở tìm cách gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của người Chu ru trên mảnh đất này.
Gìn giữ từ nghề đan lát vật dụng truyền thống
Ngôi nhà của già làng đang có khách, một vài người phụ nữ đến mua gùi, họ trả giá: “Mình chỉ có 300.000 thôi, hay cứ bán cho mình đi, năm sau mua nữa mình trả thêm”. Một người phụ nữ khác lại nói: “Mình đi làm cỏ cà phê hai ngày để đổi lấy cái gùi này nhé”… Kết thúc cuộc mua bán thường là nụ cười hài lòng của cả người bán lẫn người mua.
Trò chuyện với chúng tôi, già làng Ya Hiêng (SN 1955), kể: “Để làm được một cái gùi phải đi tận trong rừng già tìm cây mây già về đan. Mỗi cái tôi làm trong vòng 1 tuần, bán với giá 500.000 đồng mới có lãi. Nhưng bà con nghèo quá, có khi chỉ bán với giá 300.000 hoặc đổi công làm cỏ cà phê thôi. Kiếm tiền đã đành, nhưng giúp bà con có cái gùi truyền thống mình vui hơn”.
 |
Đan lát là công việc thường ngày của vợ chồng già làng Ya Hiêng. Ảnh: Phan Nhân |
Mặc dù hiện nay, những vật dụng khác cũng được sử dụng nhiều, nhưng già làng Ya Hiêng vẫn dành tình yêu cho đồ đan lát. Ông tâm sự: “Đan lát là nghề truyền thống của người Chu ru. 8 tuổi tôi bắt đầu theo cha vào rừng chặt cây mây, cây lồ ô, 12 tuổi biết tự đan và theo nghề cho đến nay. Sản phẩm làm ra để gia đình sử dụng, một ít bán cho bà con quanh vùng và khách du lịch. Gùi du lịch làm mất gần hai tháng, sợi mây vót nhỏ bằng 1/5 với gùi bình thường, cần sự tỉ mỉ và kỳ công của người đan. Vì vậy, mỗi cái gùi du lịch bán gần hai triệu đồng. Đan đúng kỹ thuật của người Chu ru xưa sản phẩm rất đẹp, làm quanh năm vẫn không đủ bán”.
Nhìn những đầu ngón tay đầy những vết sẹo do lưỡi dao cứa phải, những móng tay đã gần như cụt hết và vết chai sạn nổi lên thành cục ở mép ngón tay đủ để biết rằng già làng Ya Hiêng đã gắn bó với việc đan lát thế nào.
Ông đã lần lượt hướng dẫn nghề cho 12 người con (trai, gái và cả rể) của mình. Ngoài công việc nương rẫy, thì đan lát hiện đang là nghề thường xuyên của họ. Với già làng Ya Hiêng, duy trì đan lát không chỉ tăng thêm thu nhập, mà còn để giữ gìn nghề truyền thống. Qua những hoạt động xã hội, ông cũng đã dạy nghề cho 37 người dân địa phương có trình độ đan lát sơ cấp và 20 người có khả năng đan lát chuyên nghiệp. Những sản phẩm của học trò ông không chỉ phục vụ nhu cầu hàng ngày trong cuộc sống mà còn theo chân khách du lịch đến nhiều miền của Tổ quốc.
… đến văn hóa cồng chiêng
Tham gia sinh hoạt cồng chiêng từ năm 30 tuổi, đến nay, hầu như không có bài biểu diễn cồng chiêng nào của người Chu ru mà ông không biết. Già làng Ya Hiêng chính là “linh hồn” của đội cồng chiêng thôn Pré. Bộ cồng chiêng được ông đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà và không hề vương chút bụi. Đãi chúng tôi bằng một bài đánh chiêng tâm đắc nhất, già Ya Hiêng bộc bạch: “Thấy bọn trẻ thích nhạc mới nhiều quá, tiếng chiêng, tiếng ru của người Chu ru càng ngày càng ít vang lên, tôi lo lắm”.
Tham gia biểu diễn cồng chiêng trong các lễ hội từ năm 1985, khi nhận thấy sự mai một của loại hình nghệ thuật này, già làng Ya Hiêng không khỏi lo lắng. Ông bắt đầu nảy ra ý định thành lập đội cồng chiêng thôn Pré. Đến năm 2000, ông đã thực hiện được mơ ước của mình.
 |
Tiếng cồng, tiếng chiêng là tình yêu lớn lao của già làng Ya Hiêng. Ảnh: Phan Nhân |
Đội chiêng trước đây chỉ với 10 thành viên, chủ yếu là con cháu trong gia đình, hiện nay đã có tới 24 thành viên, có người ngoài 70 tuổi nhưng cũng có những cháu chỉ mới 14, 15. Hiện nay, già làng Ya Hiêng vẫn đang không ngừng cố gắng truyền đạt cách đánh cồng chiêng cho nhiều bạn trẻ trong thôn với hy vọng "mai này sẽ có người tiếp nối, khi những người già phải về với núi".
“Vì cái bụng muốn giữ tiếng cồng chiêng nên tôi dạy miễn phí, cũng là cho con cháu mình nên tôi chịu điện, chịu lấy nhà làm nơi sinh hoạt, dùng “cơm nhà áo vợ” cũng chỉ mong tiếng cồng, tiếng chiêng của người Chu ru sẽ còn mãi” - già làng Ya Hiêng vui cười nói.
Và cứ thế, vào những ngày nông nhàn, bất kể mưa gió, hoặc gần tới lễ hội, ngôi nhà của già làng Ya Hiêng lại nhộn nhịp hẳn lên bởi người già, người trẻ quây quần bên nhau tập đánh cồng chiêng. Cũng chính trong những lúc ấy, họ lại tìm cách phối những bản phối mới cho những bài cồng chiêng cũ. Có lẽ chính vì vậy mà đội cồng chiêng thôn Pré nhiều lần đạt giải cao trong các cuộc thi văn hóa dân gian hay lễ hội cồng chiêng trong và ngoài tỉnh. Văn hóa cồng chiêng cũng từ đó được gìn giữ và phát huy.
Ông Nguyễn Mậu Thanh - Chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Đức Trọng nhận xét: "Già làng Ya Hiêng là người thường xuyên đi đầu trong việc vận động bà con duy trì văn hóa truyền thống. Ngoài việc đi đầu làm gương, ông còn không ngừng dạy dỗ con cháu phải có trách nhiệm giữ gìn văn hóa của ông cha với sự nhiệt tình, trách nhiệm. Ông đã truyền cho thế hệ trẻ tình yêu văn hóa của tổ tiên. Và, những nét đẹp của người Chu ru trong thôn còn lưu giữ đến hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của ông.
NGỌC NGÀ