
Tôi gặp Nhà thơ, Đại tá Lê Anh Dũng trong những lần anh đi tổ chức các sự kiện văn hóa, giới thiệu tác giả tác phẩm khắp nơi, và tại Đà Lạt. Tôi cho đó là một thứ duyên văn nghệ ấm áp hơn là tri kỷ. Sở dĩ tôi gọi "ấm áp", bởi Lê Anh Dũng là nhà thơ Quảng Nam có trái tim như ngọn lửa...
(Đọc Bóng núi bóng sông - thơ Lê Anh Dũng - NXB Văn học 2013)
![]() |
Bìa 1 tập thơ "Bóng núi Bóng sông" |
Tôi gặp Nhà thơ, Đại tá Lê Anh Dũng trong những lần anh đi tổ chức các sự kiện văn hóa, giới thiệu tác giả tác phẩm khắp nơi, và tại Đà Lạt. Tôi cho đó là một thứ duyên văn nghệ ấm áp hơn là tri kỷ. Sở dĩ tôi gọi "ấm áp", bởi Lê Anh Dũng là nhà thơ Quảng Nam có trái tim như ngọn lửa. Ngọn lửa của anh có thể cháy lây qua ai đó trong bầu khí văn nghệ, rồi âm thầm òa vỡ thành tình nghĩa. Hiểu biết và quý trọng nhau là bản chất của một nhà thơ Quân đội như anh. Bản tính anh dễ gần và hào phóng, đến mức có lúc "vác tù và hàng tổng" như chơi. Tuy nhiên, thơ anh lại đau đáu một nỗi niềm quê hương khó tả. Đọc qua 4 trường ca về mẹ và xứ sở, hình bóng quê hương trong tim anh quả là linh thiêng và bi tráng. Vì thế, một ngày vượt tuổi "tri thiên mệnh", anh giục hồn mình làm một cuộc hành hương, tìm về "bóng núi, bóng sông" in trên dải đất thân yêu hình chữ S. Phải chăng những khoảnh khắc cô đơn trước núi sông hùng vĩ, nhà thơ mới chợt nhận ra:
Mình ta bên bóng núi
Mình ta bên bóng sông
Lộc mai trên đầu súng
Sắc đào nguyên tang bồng...
(Bóng núi bóng sông)
Câu thơ đẹp như bức tranh đào nguyên. Và người thi sĩ, chiến sĩ đã cảm khái núi sông trong niềm vui vô bờ bến. Cái chất "tang bồng" rất Việt ấy, đã dắt anh đi nhiều nơi, được cảm thấu nhiều thứ di sản. Tôi bỗng nhận thấy có một thứ di sản bằng âm thanh. Ấy là tiếng trống đồng vang vọng:
Bốn nghìn năm đất Việt nhà
Trống đồng đồng vọng sơn hà vững yên
Đánh cho hồn nước linh thiêng
Đánh cho hồn giặc đảo điên tơi bời...
(Trống đồng)
Anh đã gióng lên tiếng trống đồng vang xa bốn cõi, và công năng của nó là xua đuổi những bóng ma tà mị của giặc xâm lăng. Thật vậy, trống đồng đối với người Việt là chứng tích cội nguồn, là hồn thiêng dân tộc :
Trống đồng rền vang non khơi
Giữ gìn bờ cõi vọng lời tổ tiên...
Chúng ta thấy câu lục có 5 thanh bằng, diễn tả cái âm vang bất tận giữa non sông. Hình như trong tâm thức Lê Anh Dũng, âm vang trống đồng cũng là một hình bóng có độ che phủ ẩn mật trong từng tấc đất, ngọn cỏ quê hương. Khi nhà thơ đến thăm Ải Chi Lăng, hình bóng ấy đã được quán tưởng thành lời thề :
Điệp trùng một dải sơn khê
Thiên hà đã vạch lời thề Lạng Sơn
(Ải Chi Lăng)
Vâng, thiên hà chính là "sách trời" trong Tuyên ngôn bất hủ của Lý Thường Kiệt thuở xưa. Giờ đây, đứng trước Trường An, "phên dậu phía Nam" của Tổ quốc, Lê Anh Dũng chợt ngẫm nghĩ:
Cha ông mình lo trước nghĩ sau
Khát vọng an lành bền sâu ân nghĩa
Thờ chữ đức cháu con hưởng phúc
Thờ chữ tâm giữ đạo làm người !
(Tạ ở đền Trường An)
Quả có vậy, chữ tâm, chữ đức đã ăn sâu vào tâm hồn chúng ta. Và đó là đạo lý của cha ông để giữ yên bờ cõi. Ngày nay, con cháu vua Hùng lại nhắc nhau bởi hai tiếng "đồng bào" ruột thịt:
Nhắc nhau con cháu vua Hùng
Đồng bào chung bọc cội nguồn Rồng Tiên
(Bà Nà - Núi Chúa chơi vơi)
Đồng bào có nghĩa là anh em cùng một bọc sinh ra, mỗi người có quyền tự hào về núi sông đất Việt, chung tay gìn giữ đất Việt mãi mãi trường tồn. Trong đó, có hình bóng một lớp chiến sĩ "vừa đánh giặc vừa làm thơ":
Gác lại nỗi niềm riêng
Lính trẻ già gánh vác
Gập ghềnh câu lục bát
Rong ruổi đường tuần biên
(Rong ruổi đường tuần biên)
Đoạn thơ trên thật hào hùng và lãng mạn. Thế mới biết, những nhà thơ chiến sĩ từ xưa đến nay, đều là những "tay súng tay bút" bảo vệ biên cương rất tài trí. Có thể nói, đây là thi ảnh đẹp trong thơ Lê Anh Dũng, bởi thơ anh được viết bằng niềm rung động có thật, nhờ thế mà có sức lan tỏa khôn nguôi. Ví như một cánh rừng đã đi qua cuộc chiến, còn để lại trong anh một trang thơ:
Cánh rừng nào quẫy thức trang thơ
Bóng đồng đội chập chờn day dứt cơn mơ...
(Miền ký ức)
Ôi ! Đồng đội xưa cũng là những hình bóng. Họ là những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự tồn vong của Tổ quốc. Vậy nên trong thơ Lê Anh Dũng hình bóng chiến sĩ vô danh cũng là hình bóng của núi sông oanh liệt:
Âm vang của thời chiến
Còn đồng vọng đến giờ
Nghe như tiếng reo hò
Xáp lá cà, xung trận
Nơi tiền đồn biên trấn
Măng Đen hề Măng Đen...
(Đồng vọng Măng Đen)
Bằng ngòi bút tả thực tài hoa, Lê Anh Dũng đã khắc họa một lát cắt Măng Đen, một lát cắt trong tổng thể cuộc chiến để người đời sau có cái mà hình dung sự bạo liệt của chiến tranh. Tất cả những hình ảnh đó sẽ được khắc họa thành tâm khảm:
Tạc vào cây dáng người thế núi
Tạc vào đá thế mác, thế cung
Tạc vào lòng chung thủy sắt son...
(Nhớ về nước Oa)
Tôi đồng ý với anh "tạc vào lòng chung thủy sắt son" là tứ thơ đắt ở chỗ cô đọng. Tự nhiên gợi lên hình ảnh một người mẹ Việt Nam "thủy chung mà son sắt"...Phải rồi, Lê Anh Dũng đã tạc thơ vào một chiều cuối năm. Ấy là hình ảnh Mẹ Thứ, người mẹ anh hùng của đất Quảng Nam, cũng là hình ảnh người mẹ Việt Nam:
Mẹ ngồi bên chín bát hương
Chín bát cơm cúng niềm thương dâng đầy
Chiều cuối năm khói hương bay
Tràn sang mắt mẹ cay cay phận người...
(Chiều cuối năm nhớ mẹ Thứ)
Nghẹn ngào là xúc cảm của tôi trước hình ảnh Mẹ Thứ. Chỉ với 4 câu lục bát bình thường mà chứa đựng cái phi thường. Có sự hy sinh nào cao cả hơn sự hy sinh của mẹ ? Có sự mất mát, đau thương nào hơn mất mát đau thương của mẹ ? Mẹ là núi, là sông, là biển rộng trời cao ôm ấp tất cả vào lòng thành hồn thiêng dân tộc. Hóa ra thơ thâm sâu không ở đâu khác, mà ở trong chính đời sống này... Điều ấy đã cho tôi ngộ ra rằng, tất cả những hình bóng thực thể và phi thể đã góp phần làm nên hình bóng thiêng liêng của non sông gấm vóc, mà có lẽ chúng ta đang cùng nhà thơ Lê Anh Dũng thao thức tìm về...
NGUYỄN THÁNH NGÃ
Miền ký ức
Dẫu hình dung chưa thể nghĩ ra
Tháng năm chiến tranh nghiệt ngã
Tiểu đoàn thồ hàng toàn là con gái
Vượt lên đói, đau, đạn, địch
Vai nâng đại ngàn, chân lội suối băng sông
Chiến tranh qua
Đường mòn Trường Sơn, mở ra đường
Hồ Chí Minh mới lạ
Chiến sĩ gái năm xưa giờ thành cụ già, bà góa
Bến không chồng hóa đá vọng phu
Chiến tranh qua
Rừng thưa, non đã hóa rừng già
Ký ức Trường Sơn còn xanh tươi trẻ
Nụ hôn vội ở chiến trường ngỡ còn mới mẻ
Cô thanh niên xung phong gùi hàng
và chiến sĩ lái xe
Ai đi trước, ai về sau
Ký ức chiến trường ai quên ai nhớ
Một thuở gùi hàng vang vọng về hơi thở
Cánh rừng nào quẫy thức trang thơ
Bóng đồng đội chập chờn day dứt cơn mơ.
LÊ ANH DŨNG