Dấu ấn của biên kịch Đặng Thanh Bình với Vầng trăng thơ ấu

KHÔI NGUYÊN THẢO 06:26, 16/05/2024

Vầng trăng thơ ấu - phim điện ảnh đầu tiên viết về lịch sử của biên kịch Đặng Thanh Bình (Đạo diễn Hồ Ngọc Xum) kể về thời niên thiếu của Bác Hồ ra rạp từ ngày 17/5/2024. Phim cho thấy những góc nhìn bình dị về tuổi thơ của lãnh tụ. Vầng trăng - biểu tượng tình mẹ gắn với tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã là cảm hứng xuyên suốt trong bộ phim này.

Poster phim Vầng trăng thơ ấu
Poster phim "Vầng trăng thơ ấu"

PHIM VỀ TUỔI THƠ BÌNH DỊ CỦA BÁC HỒ 

Bộ phim là câu chuyện diễn ra khoảng 5 năm thời Bác Hồ còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha, mẹ và anh trai lần đầu vào Huế sinh sống (từ năm 1895 - 1901). Tác phẩm được Nhà nước đặt hàng Công ty Cổ phần phim Giải Phóng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 134 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2024) và 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024). Biên kịch Đặng Thanh Bình chia sẻ, khi nhận lời đề nghị từ hãng phim Giải Phóng làm phim về thời niên thiếu của Bác Hồ, chị chưa hình dung ra tuổi thiếu niên của Bác Hồ như thế nào, giai đoạn nào gây xúc động sâu sắc với người xem. Chị đã xem một loạt phim về lãnh tụ, xem nhiều về giai đoạn gia đình Bác Hồ ở Huế, là giai đoạn nhiều biến động. Từ làng Sen vào kinh đô Huế là khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung có nhiều háo hức của một đứa trẻ, có sự tò mò khám phá, tìm hiểu và bắt đầu biết trắc ẩn trong tâm hồn. Và cũng là giai đoạn chưa có nhiều phim ảnh, tài liệu nên có sự mới mẻ đối với người viết lẫn người xem. Không có nhiều tư liệu trong quá trình chị tìm hiểu, nếu nói về tư liệu tìm kiếm được, có lẽ chỉ vỏn vẹn 1 trang giấy A4. 

Trong giai đoạn hơn 5 năm sống ở kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ. Thời gian này, cậu bé có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người, từ tầng lớp quan lại cho đến những đứa trẻ cùng tuổi có xuất thân khác nhau. Để kể câu chuyện 5 năm tưởng như đơn giản nhưng thực tế buộc tác giả kịch bản phải nghiên cứu, tìm tòi vất vả khi đây không chỉ là chuyện riêng về gia đình Bác Hồ mà cả về lịch sử Việt Nam, kinh thành Huế đầu thế kỷ XX với vô cùng nhiều biến động. 

So với quê hương xứ Nghệ, Huế có nhiều nhà cửa to đẹp, nhiều cung điện uy nghiêm. Nhưng Huế cũng bộc lộ rõ rệt những mâu thuẫn giai cấp về quyền lực, an sinh. Những người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch và tàn ác, những vị quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn, nhưng khúm núm rụt rè trước vua và trước cả người Pháp... Bên cạnh đó, phần đông người lao động chịu chung số phận đau khổ và tủi nhục. Đó là những nông dân rách rưới mà người Pháp gọi là bọn nhà quê, những phu khuân vác, cu ly kéo xe tay, trẻ em nghèo khổ, lang thang trên đường phố... Những hình ảnh đó đã in sâu vào ký ức của Nguyễn Sinh Cung.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết, ông nhận lời làm phim sau khi đọc kịch bản thấy có nhiều chi tiết thú vị khắc họa tuổi thơ của Bác Hồ là một thiếu nhi hồn nhiên, bình thường với không ít trò nghịch tinh quái như bao đứa trẻ khác.

Biên kịch Đặng Thanh Bình
Biên kịch Đặng Thanh Bình

Biên kịch Đặng Thanh Bình sinh năm 1969 tại Hà Nội, chị tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Từng có thời gian là nhà báo, thư ký trường quay trước khi trở thành biên kịch chuyên nghiệp hoạt động tự do, chị có nhiều kịch bản phim điện ảnh, truyền hình, phim tài liệu được yêu thích: Nữ bác sĩ (55 tập, phim đoạt Huy chương Vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 27), Hoa táo nở (phim điện ảnh chiếu ở châu Âu về tình bạn, tình yêu của những du học sinh Việt), Tinh hoa Nam Bộ (phim tài liệu do chị tham gia viết chính, hiện đang chiếu trên THVL, dự kiến 100 tập)... Kịch bản Vầng trăng thơ ấu của chị từng đoạt giải Ba Cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh tổ chức.

• TRÁNH “THẦN THÁNH HÓA”CUỘC ĐỜI LÃNH TỤ

Theo biên kịch Đặng Thanh Bình, quá trình viết kịch bản, chị không đi theo hướng "thần thánh hóa" cuộc đời của Bác Hồ. Nhưng từ chính những tình huống đời thường dựa trên óc quan sát, sự thông minh, lòng hiếu thảo... đã góp phần nuôi dưỡng những hạt mầm để tạo nên tính cách, nhân cách của một vị lãnh tụ sau này. Có thể nói, giai đoạn sống ở Huế với rất nhiều biến cố gia đình, biến thiên của lịch sử, xã hội đã giúp cậu bé Nguyễn Sinh Cung trưởng thành cả về tư duy, nhận thức và là tiền đề cho những quyết định đúng đắn về sau.

Điểm mới mẻ trong Vầng trăng thơ ấu giúp bộ phim được đánh giá cao là những câu chuyện tuổi thơ được đan xen giữa thực và ảo mà biên kịch Đặng Thanh Bình đã mạnh dạn sáng tạo nên. Chị đã xây dựng nhóm bạn Anh Thư, Hào, Kiệt của Cung và Đồng - cậu bạn thân bị kì thị vì nguồn gốc da màu. Từ những câu chuyện tình bạn thấy được người bạn Nguyễn Sinh Cung lém lỉnh, tinh nghịch, thậm chí có khi trả treo và đặc biệt có tấm lòng trắc ẩn cùng đầu óc quan sát. Việc xây dựng tình bạn ấu thơ của Bác cũng là điều tâm đắc nhất với chính biên kịch. “Thông qua câu chuyện của tụi nhỏ, có thể thấy bức tranh xã hội thu nhỏ thời bấy giờ, có thể thấy những tính cách ưu tú của nhân vật chính được phát triển thuyết phục, tự nhiên chứ không phải thần thánh hóa”, biên kịch Đặng Thanh Bình chia sẻ. 

Nhiều chi tiết trong phim đan xen giữa những sự kiện lịch sử và sáng tạo của tác giả có tính dẫn dắt, thuyết phục người xem về sự phát triển tính cách của nhân vật: khi cậu bé Cung nghe được câu chuyện ở miếu âm hồn về trận tử chiến ở Huế khiến nhiều người dân vô tội bị chết oan, trong đầu óc ngây thơ của đứa trẻ hình thành một loạt câu hỏi: Người Tây sao ác vậy? Sao dân mình khổ?... Hay những chi tiết mang tính then chốt như để cậu bé Cung đối diện với cái chết oan của Đồng - cậu bạn thân chịu nhiều thiệt thòi, đỉnh điểm là cái chết của mẹ, sau đó là đứa em sơ sinh cũng ra đi trong những ngày nghèo túng, thiếu ăn, khát sữa... Khi ấy, năm 1901, cậu bé 11 tuổi Nguyễn Sinh Cung đã phải đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đang đến gần vì cha và anh trai đang ở Thanh Hóa...

• ĐỌNG LẠI NHỮNG BIỂU TƯỢNG ĐẸP

Có thể thấy tay nghề và tư duy nghệ thuật điện ảnh của biên kịch Đặng Thanh Bình đã được đạo diễn Hồ Ngọc Xum thể hiện thành công qua nhiều cảnh phim: Là cánh diều của cậu bé Nguyễn Sinh Cung thả hình cánh hoa sen - biểu tượng làng Sen quê hương Bác khi bay cao trên bầu trời lại có dáng hình con thuyền vượt trùng khơi ra biển lớn. Từ hình ảnh người thả diều có thể liên tưởng tới người chèo lái con thuyền dân tộc tương lai. Là cảnh gia đình nhà nho yêu nước Nguyễn Sinh Sắc ngày đầu vào Huế bốn người vượt đường trường nhiều chông gai, về sau chỉ còn ba người - mỗi người một cá tính, một nỗi lòng trĩu nặng việc chung, riêng, việc nhà, việc nước... Những hình ảnh có tính ẩn dụ cao giúp bộ phim có sức lay động và chiều sâu.

Không có nhiều tài liệu cụ thể về những câu chuyện thời thơ ấu Bác Hồ ở Huế giai đoạn 1895 - 1901. Sáu năm ấu thơ, sáu năm hình thành tính cách, tư duy để một cậu bé lém lỉnh, thông minh, sâu sắc, sẻ chia, trải qua những nỗi đau lớn trở thành một thanh niên có chí lớn trong tương lai gần và là lãnh tụ dân tộc hàng chục năm sau đó. Có thể thấy, sự mạnh dạn đan xen giữa sáng tạo và tìm tòi, nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã giúp biên kịch Đặng Thanh Bình có thêm một bộ phim mang dấu ấn của chị, với một đề tài lớn - đề tài lãnh tụ - dù rằng, như chị nói, một bộ phim điện ảnh luôn là sản phẩm tập thể và biên kịch thường chịu thiệt thòi bởi đôi khi bị lãng quên.