Người K’Ho ở Bảo Thuận, Di Linh bên cạnh việc xây dựng ngôi nhà mới khang trang, họ đã giữ gìn lại nhà sàn truyền thống của mình để đưa vào phát triển du lịch địa phương.
![]() |
Nhiều ngôi nhà sàn của đồng bào K’Ho tại xã Bảo Thuận vẫn được gìn giữ và sử dụng |
Dọc theo các tuyến đường liên thôn của xã Bảo Thuận, không khó để thấy những ngôi nhà sàn truyền thống. Già K’Brệp, thôn Kala Krọt (xã Bảo Thuận) cho biết, nhà sàn là một trong những nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc K’Ho. Từ thời ông bà xa xưa lắm rồi đã ở nhà sàn, đây không chỉ là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một gia đình mà còn là cái nôi nuôi dưỡng tinh thần của người K’Ho từ khi sinh ra đến trưởng thành. Nhà sàn của người K’Ho xưa kia được làm bằng phên, tre, cỏ tranh, sau này chuyển sang kiểu nhà sàn ván, cột chủ yếu được làm bằng gỗ xẻ; đặc biệt mái nhà đã được lợp tôn thay cho lá mây hoặc cỏ tranh. Sở dĩ người K’Ho ở trong nhà sàn bởi sống giữa núi rừng hoang sơ hùng vĩ, các loài thú dữ như cọp, beo, lợn rừng, rắn, rết… rất nhiều, họ sống bên trên nhà sàn để chống thú dữ và chống ẩm thấp; còn bên dưới nhà dùng cho việc chăn nuôi. Được cha mẹ để lại 1 căn nhà sàn, già K’Brệp dù có nhà hiện đại khá đẹp nhưng ông vẫn giữ lại và xem đó như là kỷ niệm vì bên trong còn lưu lại rất nhiều vật dụng của cha mẹ.
Ngôi nhà của bà Ka Nhiệp được chính tay vợ chồng bà lên rừng xẻ gỗ xây dựng từ những năm 1980, trải qua hơn 40 năm, vùng đất Bảo Thuận đã đổi thay, tuy đã có ngôi nhà mới khang trang nhưng bà không phá bỏ nhà sàn, bà và đứa cháu gái vẫn ở đây. Bà chia sẻ: “Ở ngôi nhà sàn cũ này, tôi cảm thấy ấm cúng hơn. Nơi đây chứa đựng nhiều kỷ niệm giữa vợ chồng những ngày còn gian khó. Hiện ngôi nhà được làm từ loại gỗ tốt nên vẫn nguyên vẹn, trong nhà vẫn còn những vật dụng như cồng chiêng , sừng trâu, chum choé… Nơi đây là nơi lưu giữ, để các thế hệ con cháu hiểu các thế hệ cha ông, tổ tiên đã sống, sinh hoạt và bảo tồn những giá trị văn hóa tinh hoa như thế nào”.
Còn chị Ka Hiên (thôn KaLa Tô Krềng) được bố mẹ để lại cho ngôi nhà được làm cách đây 30 năm. Chị Hiên cho biết, chị được sự truyền dạy từ ông bà rằng phải biết trân quý ngôi nhà sàn như người thân trong gia đình. Hiện nay, khi hình thức du lịch homestay phát triển, chị thấy đây là cơ hội để gìn giữ ngôi nhà sàn của gia đình nên đã xây dựng thêm nhà vệ sinh, tu sửa lại nhà. Ở vùng đất Bảo Thuận, bên cạnh phong cảnh hồ Kala và núi Brad Yàng là những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, còn có văn hoá của đồng bào mình nên thu hút khá đông du khách đến đây tham quan, hiện ngôi nhà sàn của gia đình chị bắt đầu đón du khách tới lưu trú qua đêm để trải nghiệm.
Anh K’Hữu - cán bộ văn hóa xã Bảo Thuận cho biết,hiện nay trong các buôn làng của đồng bào dân tộc bản địa ở Bảo Thuận, những ngôi nhà sàn truyền thống không còn nhiều, toàn xã chỉ còn khoảng 18 nhà. Đặc biệt, cách bài trí bên trong cũng đã thay đổi cùng với những vật dụng mới do sự giao lưu văn hóa. Vì vậy, chính quyền địa phương đã có những giải pháp hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào, đồng thời, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, tư vấn thiết kế, trưng bày hình ảnh hiện vật, từng bước đưa nhà truyền thống đi vào hoạt động. Đây là nơi để triển lãm, quảng bá, giới thiệu thành tựu kinh tế xã hội; hình ảnh, con người, lịch sử, quá trình hình thành phát triển của huyện Di Linh và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc tại chỗ tại xã Bảo Thuận. Tới đây, khi hoạt động du lịch cộng đồng dần được hoàn thiện, du khách đến với Bảo Thuận có thể lưu trú, tham gia vào các hoạt động trải nghiệm sinh hoạt hằng ngày cùng đồng bào: ăn món ăn truyền thống, ở nhà sàn, đi gặt lúa chín, hái cà phê và trekking lên đỉnh núi Brad Yàng, thưởng thức văn hoá cồng chiêng…; người dân sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập từ chính văn hoá bản địa của mình.
Ông Vũ Đức Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, huyện Di Linh là nơi có lợi thế về phong cảnh tự nhiên, hệ sinh thái rừng, hồ, đặc biệt là với hơn 41% dân số là người dân tộc thiểu số, là “cái nôi” của người K’Ho ở Tây Nguyên nên văn hóa Di Linh mang đậm sắc thái Tây Nguyên. Đây là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trước thực trạng nhà sàn truyền thống của đồng bào trong huyện đang được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiến trúc mới, huyện đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, định hướng cho người dân giữ gìn thật tốt các nếp nhà sàn truyền thống.
Hiện nay, toàn huyện còn khoảng 104 nhà sàn truyền thống của người bản địa K’Ho, riêng xã Bảo Thuận có khoảng 18 căn nhà, là nơi hội tụ các yếu tố để phát triển du lịch, huyện tiếp tục quan tâm tuyên truyền đến Nhân dân coi trọng và giữ gìn nhà sàn truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
HOÀNG YÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin