
Những năm qua, huyện Di Linh được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho các xã trong huyện. Tuy nhiên, đến nay đã có nhiều công trình xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có công trình đã ngưng hoạt động.
Những năm qua, huyện Di Linh được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho các xã trong huyện. Tuy nhiên, đến nay đã có nhiều công trình xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có công trình đã ngưng hoạt động.
 |
Đập đầu mối công trình nước sinh hoạt tự chảy xã Sơn Điền bị đất đá vùi lấp, ngưng hoạt động. Ảnh: Lam Phương |
Theo thống kê, từ nguồn vốn của Chương trình 134, 327, nguồn tài trợ của Hiệp hội Lapel Cộng hòa Pháp và nguồn vốn từ ngân sách địa phương, đến nay, huyện Di Linh đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 40 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (trong đó có 33 công trình giếng khoan, 7 công trình nước tự chảy) cho 15 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về nước sinh hoạt như: Gia Hiệp, Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Tân Lâm, Tân Thượng, Tân Châu, Đinh Trang Thượng, Gung Ré, Bảo Thuận, Sơn Điền, Gia Bắc…
Để đánh giá đúng thực trạng về tình hình hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Di Linh, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra tình hình quản lý, khai thác và sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tại huyện Di Linh.
Qua kiểm tra, khảo sát thực tế cho thấy, ngoài 22 công trình giếng khoan và 5 công trình nước tự chảy đang hoạt động, thì đến nay đã có 13 công trình (11 công trình giếng khoan và 2 công trình nước tự chảy) xuống cấp, hư hỏng và ngưng hoạt động.
Nguyên nhân khiến các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Di Linh kém hiệu quả, ngoài yếu tố khách quan, còn do các công trình đã nhiều năm hoạt động, chưa thường xuyên chú trọng đến công tác bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa dẫn đến bị xuống cấp. Công tác quản lý, vận hành còn nhiều bất cập, chưa được chính quyền địa phương và người dân quan tâm đúng mức; một số người dân còn kém ý thức trong công tác bảo vệ sử dụng nguồn nước…, là một trong những nguyên nhân các công trình hoạt động kém hiệu quả, nhiều công trình đã xuống cấp trầm trọng và ngưng hoạt động.
Gia Bắc là xã vùng cao, địa hình phức tạp rất khó khăn trong việc đào giếng lấy nước sinh hoạt, mọi sinh hoạt từ tắm giặt, nấu ăn… của bà con đều phụ thuộc vào công trình nước sinh hoạt tự chảy. Ông K’Vững - Chủ tịch UBND xã Gia Bắc cho biết: “Từ khi nâng cấp đường giao thông đã làm tắc nghẽn đường ống dẫn nước. Mặc dù, thời gian qua, đơn vị quản lý đã nâng cấp sửa chữa, khắc phục, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, nhất là mùa khô hạn”.
Tương tự, năm 2017, xã Sơn Điền được đầu tư khoảng 800 triệu đồng để nâng cấp công trình nước sinh hoạt tự chảy từ nguồn suối Dà R’ngàl. Để đảm bảo nguồn nước, đơn vị thi công đã xây dựng đập đầu mối tại lòng suối và đặt ống dẫn nước, nhưng do dòng chảy bị đắp, mỗi khi có trận mưa lớn hàng khối đất đá từ đầu nguồn bị cuốn trôi đã vùi lấp đập đầu mối, nên công trình này cũng tạm ngưng hoạt động…
Về công trình giếng khoan, ngoài công tác quản lý, vận hành, bảo trì bảo dưỡng, thì chất lượng nước, hệ thống điện yếu cũng là nguyên nhân dẫn đến công trình bị bỏ hoang, gây lãng phí. Đơn cử như công trình giếng khoan ở Thôn 2, xã Tân Thượng, sau khi đưa vào sử dụng, người dân sử dụng nguồn nước từ giếng khoan này chỉ được vài tháng rồi bỏ hoang cho đến nay, mặc cho cây cối mọc um tùm.
Mặc dù, hàng năm, UBND huyện Di Linh đã xây dựng kế hoạch sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình nước sinh hoạt, nhưng nhiều công trình vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực cũng như đảm bảo phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trước thực trạng trên, UBND huyện đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế và có những đánh giá cụ thể về tình hình hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt tại địa phương để có biện pháp khắc phục, góp phần tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các công trình. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng tham mưu UBND tỉnh, hàng năm bố trí nguồn kinh phí cho địa phương để tiến hành khắc phục, sửa chữa và duy tu, bảo dưỡng; xem xét và bố trí hỗ trợ kinh phí cho người quản lý, duy tu, sửa chữa công trình cho các địa phương…
LAM PHƯƠNG