
(LĐ online) - Lâu nay, câu chuyện về "nhân quyền" luôn tốn khá nhiều giấy mực, trí tuệ và những cuộc tranh luận không ngớt trong đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu. Ở Việt Nam, chuyện nhân quyền luôn là tiêu điểm mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng xuyên tạc, chống phá, nhằm kích động bài Đảng, lật đổ chính quyền.
(LĐ online) - Lâu nay, câu chuyện về “nhân quyền” luôn tốn khá nhiều giấy mực, trí tuệ và những cuộc tranh luận không ngớt trong đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu. Ở Việt Nam, chuyện nhân quyền luôn là tiêu điểm mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng xuyên tạc, chống phá, nhằm kích động bài Đảng, lật đổ chính quyền.
Trong bài viết của Nguyễn Tường Thụy, nhan đề “ Nhìn lại nhân quyền Việt Nam” đăng tải trên Đài “Châu Á tự do”, Thụy đã cố tình vẽ lên màu ảm đạm của bức tranh nhân quyền Việt Nam. Thụy Viết: “Phong trào dân chủ Việt Nam bước sang năm 2018 trong không khí nặng nề bởi bức tranh nhân quyền của năm 2017 đậm thêm màu hắc ám”. Theo đó, Thụy thống kê trong năm 2017 đã có ít nhất 23 người hoạt động dân chủ nhân quyền bị bắt, bị trục xuất hoặc bị truy nã. Thụy nói: “Ngày 21 tháng 12 năm 2017 Tòa án An Giang tuyên phạt 5 người tổng cộng 19 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Hành vi cụ thể của nhóm này là treo cờ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 27/12, Bình Định tuyên phạt 9 người tổng cộng 83 năm tù với cáo buộc hoạt động lật đổ hoặc tuyên truyền chống chính quyền. Hành vi cụ thể của nhóm này là rải truyền đơn. Cùng ngày, Tp HCM xử 16 người tổng cộng 129 năm tù với cáo buộc khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Theo cáo buộc, hành vi của nhóm này là đốt kho để xe vi phạm của công an Tp Biên Hòa và đặt bom xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất”.
Đến đây, có thể thấy rõ Nguyễn Tường Thụy chẳng hiểu nhân quyền hoặc đã lợi dụng nhân quyền.
Nhân quyền là gì?
Nhân quyền, hay “quyền con người” là các quyền cơ bản nhất, tự nhiên nhất của con người; là những quyền mà con người sinh ra đã có, đã được công nhận, không được trao cho hay ban tặng bởi bất kỳ lý tưởng chính trị, tôn giáo hay thể chế nhà nước nào; và cũng không thể bị tước đi bởi chúng.
Trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng: “Hỡi đồng bào cả nước, tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”
Như vậy có thể hiểu nhân quyền là quyền mà tạo hóa ban cho con người. Nó sinh ra từ lúc con người sinh ra, nó nghiễm nhiên tồn tại cùng với cuộc sống con người và tự mất đi khi con người không còn.
Nhưng không là tuyệt đối
Tạo hóa ban cho “quyền làm người” thì tạo hóa cũng sẽ tước đi cái quyền thiêng liêng đó; người ta gọi là “định số” hay “số kiếp, phận người”…Ví dụ “sự sống” luôn bị giới hạn bởi “cái chết”; “hạnh phúc” luôn bị giới hạn bởi sự bất hạnh; “may mắn” bị giới hạn bởi rủi ro, tai họa…
Nhân quyền do tạo hóa ban cho, mang tính “phổ quát chung” mà loài người ai cũng được quyền thừa hưởng và bất khả xâm phạm. Nhưng, nếu hiểu không thấu đáo và hành xử với “mác” nhân quyền một cách tự do, vô thức thì nhân quyền sẽ trở thành tội đồ, xã hội điên loạn, tai họa và khủng khiếp. Người này có thể tước đoạt sự sống người khác chỉ vì sự sống của chính mình; người nọ có thể cướp đoạt tài sản của người kia vì mưu cầu sung sướng …Vì vậy, rất công bằng khi tạo hóa ban cho con người “quyền làm người” cũng đồng thời ban cho con người “bộ não”, tức là “lý trí” để thực hiện “quyền con người”. Lý trí đó, giúp con người hiểu rằng không bao giờ có “Nhân quyền vô thức”, nhân quyền luôn có những giới hạn tự thân bởi truyền thống văn hóa, đạo đức, lương tri và luật pháp. Ví như “Tự do tôn giáo” bị ràng buộc bởi những quy định tự thân của tôn giáo đó; “tự do tư tưởng” bị giới hạn bởi những tác động tự nhiên cũng như các mối quan hệ xã hội “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”; “Tự do ngôn luận” tự thân nó cũng bị giới hạn bởi sự hiểu biết, truyền thống văn hóa, giáo dục: “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”; Quyền được làm việc, được chọn lựa việc làm nhưng sẽ bị giới hạn bởi năng lực của mình…Ngoài giới hạn tự thân, thực hiện nhân quyền trước hết phải thực thi dân quyền, đó là quyền công dân mà một người được hưởng trên cơ sở là công dân của một quốc gia nhất định. Quyền công dân đó, được Nhà nước bảo hộ bằng Pháp luật, gọi là “pháp quyền”…Điều này cũng được quy định rõ tại Điều 29 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền:
- Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ”.
- Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
Như vậy, nhân quyền, cho dù là thứ quyền tối thượng của con người, nhưng không bao giờ là vô hạn…Cố Thủ tướng Singapore, ngài Lý Quang Diệu từng nói: “Không ở đâu trên thế giới mà các quyền này được phép thực hiện mà không có những giới hạn, vì nếu áp dụng một cách mù quáng những ý tưởng này có thể đi theo hướng hủy hoại xã hội.”
Khi nhân quyền bị lợi dụng
Từ phân tích trên cho thấy Nguyễn Tường Thụy hoặc không hiểu đúng nhân quyền hoặc lợi dụng nhân quyền, hoang tưởng về một chính phủ bù nhìn đã bị Nhân dân vùi sâu trong tử huyệt hơn 43 năm trước. Thụy méo mó cho rằng việc bắt giam 23 con người là vi phạm dân chủ, nhân quyền dù Thụy hiểu rằng làm gì có thứ nhân quyền rải truyền đơn xuyên tạc sự thật, xúi giục chống Đảng, lật đổ chính quyền, treo cờ 3 sọc; làm gì có thứ nhân quyền đặt bom xăng, khủng bố; phá hoại tài sản quốc gia và công dân. Đó là hành vi phản nhân quyền, xâm phạm quyền tự do tư tưởng của Nhân dân, gây mất trật tự an toàn xã hội, nguy hại an ninh quốc gia, phá hoại cuộc sống bình yên và hạnh phúc của mọi người. 23 con người bị bắt, truy nã mà Thụy thống kê rồi gắn mác “những nhà dân chủ nhân quyền”, thực chất đó chỉ là những thân xác lạc loài, mơ hồ như những kẻ vô thức (người điên) khi hành xử cái mà chúng gọi là “dân chủ nhân quyền”, những con người đó không có tư cách để đại diện cho hơn 90 triệu dân Việt Nam đã và đang thừa hưởng quyền con người như bao con người tự do khác trên thế giới.
Nói với Thụy rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCNVN luôn tôn trọng nhân quyền, xác định “con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững”. Những thành tựu của Việt Nam về thực hiện quyền con người không những được cộng đồng quốc tế thừa nhận mà còn được coi là tấm gương mẫu mực về thực thi Nhân quyền. Những thành tựu đó đã tạo uy tín trong cộng đồng quốc tế và Việt Nam được trúng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất là những minh chứng không thể phủ nhận mà Nguyễn Tường Thụy không khó tìm trong thực tiễn cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.
Ở Việt Nam không hề cấm “tự do ngôn luận” và luôn phát huy dân chủ để bảo vệ nhân quyền. Nhưng sẽ không bao giờ tha thứ cho bất kỳ ai lợi dụng nhân quyền để phá hoại đất nước, xâm hại nhân quyền của những người khác.
Nhật Minh