Đừng lấy bạc nhược yếu hèn mà phủ nhận khí phách can trường

04:11, 15/11/2018

(LĐ online) - Thời gian gần đây, dư luận vô cùng bức xúc khi xuất hiện trên mạng Youtube đoạn clip, ghi hình một nhóm người với những lời lẽ xúc phạm đến anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu. 

(LĐ online) - Thời gian gần đây, dư luận vô cùng bức xúc khi xuất hiện trên mạng Youtube đoạn clip, ghi hình một nhóm người với những lời lẽ xúc phạm đến anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu. 
 
Di ảnh chị Võ Thị Sáu
Di ảnh chị Võ Thị Sáu
Đoạn clip dài hơn 5 phút được cho là đã quay tại quán café Sỏi Đá, phố Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của một nhóm người.
 
Mở đầu clip, một người kể về tên Bé Bê, tay sai cho Pháp bị chị Võ Thị Sáu giết hụt, tên này nói là chị Sáu bị “tâm thần”; Trong clip, một cô gái được giới thiệu là người đã làm phim về chị Võ Thị Sáu cũng hùa theo: “Chị gái của chị Sáu nói rằng chị Sáu bị “chập”. Một người khác, tự xưng là người cùng làng với chị Sáu thêm vào: Bà Sáu bị chập, chập mới cài hoa trên tóc... Nhóm người này cười cợt: “Võ Thị Sáu bị tâm thần, bị chập… chỉ có những kẻ tâm thần mới không hoảng loạn, sợ hãi khi bị tử hình… chỉ có người điên mới ngắt hoa cài lên tóc”. Từ những lời kể không kiểm chứng rõ ràng, chúng vội vàng cho rằng câu chuyện về chị Võ Thị Sáu là một sự thêu dệt, hoang đường; bao lâu nay dân tộc tôn thờ một kẻ điên khùng...
 
Không phải hoang đường
 
Chị Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu,  sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cha là Võ Văn Hợi, làm nghề đánh xe ngựa chở thuê và mẹ là Nguyễn Thị Đậu, bán bún bì chả tại chợ Đất Đỏ. Năm 1946, chị theo anh trai vào khu kháng chiến, làm liên lạc. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, chị chính thức trở thành đội viên Công an xung phong Đất Đỏ. Chị tham gia nhiều trận tập kích, diệt ác, diệt gian và lập được nhiều chiến công tại quê hương Đất Đỏ. 
 
Sau khi giết chết 2 tên Việt gian là Cả Suốt và Cả Đay tại phiên chợ Tết Canh Dần Đất Đỏ, chị Sáu bị địch bắt vào tháng 2 năm 1950, chị liên tục bị đưa đi thẩm vấn, tra tấn tại nhiều nhà tù ở Đất Đỏ và khám Chí Hòa. Tháng 4 năm 1950, Tòa án binh quân đội Pháp xét xử chị với tội danh làm chết một sĩ quan Pháp và 23 tên Việt gian. Tại phiên tòa đại hình, chị Võ Thị Sáu đã dũng cảm tuyên bố “Yêu nước chống bọn xâm lược không phải là tội”; “Đả đảo thực dân Pháp! Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.
 
Tại thời điểm xử án, chị Sáu mới 16 tuổi. Các luật sư đã tranh biện phản đối án tử hình, nhưng Tòa án binh Pháp vẫn tuyên án tử. Bản án này đã gây chấn động dư luận, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước, quốc tế và ngay cả dư luận trong nước Pháp. Chính vì vậy, Pháp không thể công khai thi hành bản án, chúng tiếp tục giam cầm chị tại khám Chí Hòa, rồi bí mật đày chị ra Côn Đảo vào chiều ngày 21 tháng 1 năm 1952. Chỉ 2 ngày sau đó, 23 tháng 1 năm 1952, chúng xử bắn chị lúc 7 giờ sáng.
 
Theo lời kể của các cựu tù Côn Đảo, trước hôm bị hành hình, chị Sáu liên tục hát cho bạn tù nghe những bài ca cách mạng... Khi biết chị chuẩn bị đưa ra pháp trường, các bạn tù đồng thanh hô vang: “Phản đối xử bắn Võ Thị Sáu. Phản đối! Phản đối! Đả đảo thực dân Pháp”. Lúc chị bị giải đi, các bạn tù đứng dậy cùng hát bài “Chiến sĩ ca” bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương! 
 
Những người phía bên kia chiến tuyến kể rằng: Khi linh mục làm lễ rửa tội trước khi hành hình, chị đanh thép trả lời: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới có tội”…
 
Cựu tù Côn Đảo, ông Tám Vàng, quê Trà Vinh, người đã chứng kiến buổi hành hình và tự tay chôn cất Võ Thị Sáu ngậm ngùi kể lại: Khi lính Pháp trói chị vào gốc bàng hướng về Nghĩa trang Hàng Dương, chúng lấy khăn bịt mắt, chị Sáu kịch liệt phản đối, nhìn thẳng vào bọn lính và hát bài “Chiến sĩ Việt Nam”, “Lên Đàng”. Sau khi quân Pháp bắn chị Võ Thị Sáu, ông Tám Vàng là người cởi dây trói và vuốt mắt cho chị. Cảm phục khí tiết anh hùng của chị, ông đã bí mật tìm 4 tấm ván làm chiếc hòm đơn sơ để chôn cất. Hiện nay, trong “Sổ giám sát tử vong 1947-1954” còn lưu tại Côn Đảo, có ghi: “Le 23 Janvier 1952: 195 G.267 Võ Thị Sáu dite CAM mort 23/1/1952 7h P.Condor Par balles...”, tạm dịch là: Tù nhân số G 267 Võ Thị Sáu bị xử bắn vào ngày 23/1/1952.
 
Nếu chị Sáu bị tâm thần sao bọn Pháp giam cầm chị suốt cả 2 năm. Nếu chị Sáu bị tâm thần, sao các nhà tù, cai ngục liên tục thẩm vấn để kiếm tìm thông tin cộng sản. Nếu bị tâm thần, sao Tòa án binh Pháp phải mở phiên đại hình xét xử và tệ hơn nữa, nếu Võ Thị Sáu bị tâm thần (vô hại chính trị) sao người Pháp phải lén lút hành hình. 
 
Từ những chứng cứ lịch sử trên, khẳng định huyền thoại về chị Võ Thị Sáu, hoàn toàn không phải chuyện hoang đường.
 
Các đoàn công tác và du khách thường xuyên viếng mộ chị Võ Thị Sáu ở Nghĩa trang Hàng Dương
Các đoàn công tác và du khách thường xuyên viếng mộ chị Võ Thị Sáu ở Nghĩa trang Hàng Dương

Luận điệu của những kẻ yếu hèn
 
Hai chi tiết mà nhóm người trong clip đưa ra để diễu cợt, xúc phạm Anh linh liệt nữ Võ Thị Sáu là chập, chập, tâm thần (điên) mới không sợ chết; có điên, có chập mới cười và cài hoa lên tóc trước khi bị tử hình…
 
Đó là lý lẽ của những kẻ bạc nhược, yếu hèn, bởi “cười, hát” trước cái chết không phải là điều phi thực. Từ cổ tới kim, trong dòng chảy lịch sử nhân loại, không hiếm những anh hùng hào kiệt coi cái chết nhẹ như làn gió thoảng. Trần Bình Trọng, một danh tướng nhà Trần không may sa vào tay giặc Nguyên Mông, đã khẳng khái không chấp nhận quyền cao chức trọng khi bị dụ dỗ quy hàng. Ông đã nói một câu đầy khí phách: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” rồi đón nhận cái chết; Trưng Trắc vì nghĩa lớn gác tình nhà, làm lễ để tang chồng, rồi quyết định cùng ba quân tiến công hạ đồn giặc, dù biết rằng tiến công là đồng nghĩa thiêu sống chồng; Triệu Thị Trinh mới 19 tuổi đã tỏ rõ can trường “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta”. Khi thất trận, bà đã rút gươm tự sát để giữ tròn khí tiết của người con đất Việt; nữ tướng Bùi Thị Xuân, trước khi bị hành hình “voi giày” đã hiên ngang không hề run sợ… Nguyễn Thái Học trước khi ra pháp trường, vẫn bình thản, ung dung đọc 4 câu thơ: Chết vì tổ quốc/ Chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng/ Trí ta nhẹ nhàng. Trong trận đánh sinh tử Điện Biên, Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội tiến lên… và nhiều, rất nhiều những tấm gương trung liệt can trường “thà chết vinh hơn sống nhục” không sao kể xiết…
 
Nói với nhóm người trong clip rằng: Sự sống của con người, đâu chỉ có vật chất mà còn có cả sức mạnh tinh thần. Sức mạnh ấy giúp con người vượt qua sợ hãi, sẵn sàng chết vì lý tưởng, vì đất nước, người đời gọi đó là “khí phách”. Người có khí phách kiên cường là những người cương trực, khẳng khái, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa, non sông. Người không khí phách là những kẻ bạc nhược, yếu hèn, sẵn sàng đầu hàng và phản bội. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: Đời Cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cận cổ súng kề tai/ Là mạng sống chỉ xem còn một nửa. Đường tranh đấu không một giờ thoái bộ/ Sống đã vì cách mạng, anh em ta/ Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!/ Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng…
 
Hãy đến nhà tù Côn Đảo hay bất cứ một nhà tù nào khác mà Pháp và Mỹ Ngụy dựng lên trên đất nước này thì sẽ rõ khí phách can trường của người làm cách mạng. Khí phách ấy đã giúp họ vượt qua mọi nỗi đau tột cùng về thể xác trước những hình thức tra tấn dã man như: Dùng chày đập nát vụn mắt cá chân; đục từng miếng xương bánh chè; dùng ván gỗ và đinh vít ép vỡ lồng ngực; tẩm dầu đốt cháy vùng kín; đốt cháy 5 đầu ngón tay; luộc người trong chảo nước sôi; nướng người trên lửa than; dùng kềm bẻ từng chiếc răng, rút từng móng tay, móng chân; đóng đinh vào đầu ngón tay... Sự man rợ này, có lẽ, còn đau đớn hơn gấp bội lần cái chết. Vì vậy, việc chị Sáu, một thiếu nữ vừa chạm tuổi 18, hồn nhiên, cười hát, hái hoa cài lên tóc coi thường cái chết, sao là không thể!? 
 
Xin hỏi nhóm người trong clip này sẽ làm gì khi ra pháp trường? Kêu khóc thảm thương? Quỳ lạy van xin, hay cúi đầu chờ chết ??? Hãy đừng lấy cái kém cỏi, đớn hèn mà phủ nhận cái khí phách can trường. Đừng lấy tinh thần kẻ tục tử phàm phu mà bỡn cợt với tinh thần trung trinh nữ kiệt.
 
Một nicname Tung Lam Nguyen đã bình luận: “…Người ta có “điên” thì người ta cũng làm được việc “phi thường” để cho đất nước được tự do độc lập! Cho lũ “ngợm” còn được sống cho đúng kiếp người ngày hôm nay. Vậy mà lũ “người khỉ” này lại sống vong ân!”. Tôi không nặng lời như Tung Lam Nguyen, chỉ xin bày tỏ lòng mình: Điên mà biết diệt ác, giết thù; điên mà biết xả thân vì nghĩa lớn; điên mà biết gan dạ, thủy chung cùng non nước thì còn hơn rất nhiều những kẻ tỉnh mà lại điên.
 
Người đời tiếc thương chị Sáu đâu chỉ ở cái chí khí anh hùng cách mạng mà tiếc thương còn vì tấm lòng sắt son của chị đối với nước non. Người đời tôn thờ chị Sáu đâu chỉ vì sự hồn nhiên, bình thản đến lạ lùng trước họng súng quân thù mà còn tôn thờ chị ở cái tinh thần đại nghĩa, quên mình vì dân tộc. Người đời kính cẩn nghiêng mình trước chị Sáu đâu chỉ vì hồn thiêng liệt nữ chạm tuổi trăng tròn, mà kính cẩn nghiêng mình trước chị còn vì hồn thiêng của chị đã hòa vào hồn thiêng sông núi…
 
Hãy nhớ rằng: Xúc phạm một người đã chết vì chính nghĩa, được Nhân dân ngưỡng mộ tôn thờ và bôi nhọ lịch sử là hành vi vô đạo đức đáng bị nguyền rủa.
 
Hoài Thanh