
Có một câu chuyện tưởng đùa nhưng có thật ở huyện Lâm Hà - chuyện "xóm không điện" suốt 20 năm giữa vùng nông thôn trù phú…
Có một câu chuyện tưởng đùa nhưng có thật ở huyện Lâm Hà - chuyện “xóm không điện” suốt 20 năm giữa vùng nông thôn trù phú…
 |
Một góc xóm Bến Tre, thôn R’Lơm, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà. Ảnh: V.T |
Con đường cấp phối rộng hơn 4 mét được đầu tư hơn một năm nay đưa chúng tôi về “xóm Bến Tre”, nơi mà người dân ở đây quen gọi là “xóm không điện”, thuộc thôn R’Lơm, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà. Nằm giữa bốn bề đồi núi, xóm Bến Tre được coi là “thung lũng xanh” cạnh con sông Đạ Đờn. Xóm cách Quốc lộ 27 chừng 8 km, một thời gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì đường vào xóm chỉ vỏn vẹn vừa đủ chiếc xe máy đi qua; mùa mưa thì lầy lội gần như không thể đi lại. Năm 2017, con đường được đầu tư mở rộng và rải đá cấp phối, người dân trong xóm mừng không kể xiết, họ cảm thấy không còn đơn độc.
Ông Lê Văn Cững, một người dân trong xóm Bến Tre vội vàng bỏ công việc đang làm dở giữa trưa, tiếp chúng tôi với nụ cười rạng rỡ. Ông mừng vì được bày tỏ niềm vui của mình khi có được con đường, nhưng niềm vui của ông cũng như những người dân ở đây chưa trọn vẹn, khi nỗi khát khao về dòng điện sáng hơn 20 năm rồi vẫn chưa thành hiện thực. Ông kể: Toàn xóm hiện có 120 nóc nhà, khoảng 100 hộ. Hơn 80% trong số họ đều là những người dân tận xứ dừa Bến Tre lên lập nghiệp (vì vậy mới có tên gọi là xóm Bến Tre). Ông là người đầu tiên đến đây và quyết lòng bám trụ với vùng đất này, cho dù nhiều người gọi ông là “Cững khùng”. Hơn hai mươi năm trước, vùng đất lọt thỏm giữa đồi núi hoang vu này chỉ có rừng tạp và cây cỏ. Cuộc sống người dân trong xóm thời đó dường như bị biệt lập. Từ chỗ chỉ năm, ba hộ dân “khởi nghiệp” dần dà xóm trở thành nơi “đất lành chim đậu”, tiếp tục đón nhiều hộ dân ở tỉnh Bến Tre và một số người dân ở các tỉnh Nam Trung bộ đến an cư. Người đến, đất đai được khai hoang, rừng cây tạp, cỏ tranh được thay thế bằng những vườn cà phê mượt mà, trĩu quả. Và sau hơn 20 năm, thung lũng hoang này đã trở thành “thung lũng xanh”, đem lại cuộc sống đủ đầy cho những con người nghèo “rớt mồng tơi”. Anh Lê Vũ Phong, người con trai đã theo ông Cững lên cư ngụ ở đây lúc mới 14 tuổi, nay đã ở cái tuổi 40 và là trưởng “xóm không điện” tâm sự: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có được cuộc sống như ngày hôm nay. Nó thực sự giống như một giấc mơ. Bây giờ bà con trong xóm vui lắm, hạnh phúc lắm! Nhưng nói thật với anh, cuộc sống thì đủ đầy nhưng chưa trọn vẹn. Mãi đến bây giờ “xóm Bến Tre” vẫn là “xóm không điện…”.
Để có điện, một số hộ dân đã có sáng kiến làm “thủy điện nhỏ”, tận dụng nguồn nước con sông Đạ Đờn, đoạn chảy qua thác nước cao khoảng 25 mét, đặt tua - bin làm ra dòng điện. Mùa khô, dòng chảy không mạnh, điện yếu chỉ đủ để thắp vài ngọn đèn lờ mờ thay đèn dầu; mùa mưa dòng chảy mạnh, tua - bin bị cuốn trôi, không có điện. Đã có một số người dân bất chấp nguy hiểm bơi ra sông “giành” lại tua - bin cùng dòng nước lũ, có người suýt chết. Vì thế, đời sống vật chất ở “xóm không điện” tuy đã khá rất nhiều nhưng đời sống tinh thần thì vẫn còn rất nghèo, nhất là nghèo thông tin truyền hình và các hoạt động văn hóa khác…
Tôi hỏi trưởng xóm: “Vậy lâu nay, Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, chính quyền xã không thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con mình sao?”.
Trưởng xóm - Lê Vũ Phong liền nói: “Không phải vậy, lãnh đạo xã đến đây vài lần trong năm, cũng nắm được nguyện vọng của bà con nhưng hình như việc lo điện cho bà con vượt quá khả năng, thẩm quyền của xã…”.
Bí thư Đảng ủy xã Đạ Đờn Nguyễn Thị Thanh Nhung bày tỏ niềm trăn trở: “Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã rất trăn trở, cảm thông và chia sẻ với bà con, nhưng “lực bất tòng tâm”. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng ngành chức năng nói rằng số hộ dân ở đây còn ít, thì việc kéo đường điện vào tới xóm có chiều dài trên 8 km là rất tốn kém, không hiệu quả kinh tế…
Ông Lê Văn Cững cho biết thêm: “Dù ở cái tuổi gần “thất thập cổ lai hy” nhưng mỗi khi ra xã Đạ Đờn, được thông tin về những người dân đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, trong lòng tui lại dấy lên khát khao cháy bỏng. Nếu có điện, tui và bà con trong xóm sẽ còn làm được rất nhiều thứ. Sản xuất, chăn nuôi sẽ phát triển hơn; đời sống vật chất, tinh thần sẽ cao hơn; người dân “xóm Bến Tre” sẽ đóng góp nhiều hơn cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Điện về, không còn cảnh đèn dầu tù mù, heo hút nữa; an ninh trong xóm cũng được an toàn. Điện về, sẽ mang đến cho người dân xóm niềm tin yêu cuộc sống…”.
Không biết, những dòng chữ này liệu có đủ sức khiến khát vọng của những người dân ở “xóm không điện” thành hiện thực, nhưng tôi vững tin rằng một ngày không xa điện lưới quốc gia sẽ về với “xóm Bến Tre”. Niềm tin ấy xuất phát từ một điều duy nhất: “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân”. Có thể, 120 nóc nhà ở “xóm Bến Tre” không đem lại doanh thu cao cho ngành điện nhưng việc xóa sổ “xóm không điện” sau hơn 43 năm giải phóng lại là một việc làm vô cùng ý nghĩa về chính trị, xã hội không gì có thể so sánh. Điện về, chắc chắn sẽ làm diện mạo “xóm Bến Tre” và cho cả vùng lân cận tiến nhanh trên con đường xây dựng nông thôn thời hiện đại.
Hơn 20 năm không điện là khoảng thời gian quá đủ để chúng ta đem lại nguồn sáng quý giá cho những người dân “xóm Bến Tre” - những con người đã đi qua thời lam lũ, cơ hàn.
VĂN TÒA