
Hơn 85% số hộ trong Thôn 12 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) là bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tày, Nùng từ cái nôi quê hương cách mạng tỉnh Cao Bằng vào lập nghiệp, sinh sống. Trên vùng đất mới, bà con Tày, Nùng luôn nêu cao truyền thống cách mạng, cần cù, chịu thương chịu khó làm ăn vươn lên trong cuộc sống.
Hơn 85% số hộ trong Thôn 12 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) là bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tày, Nùng từ cái nôi quê hương cách mạng tỉnh Cao Bằng vào lập nghiệp, sinh sống. Trên vùng đất mới, bà con Tày, Nùng luôn nêu cao truyền thống cách mạng, cần cù, chịu thương chịu khó làm ăn vươn lên trong cuộc sống.
 |
Hình ảnh của Bác luôn được bà con Tày, Nùng Thôn 12 (xã Lộc Ngãi) trân quý, nâng niu. Ảnh: K.P |
Trải qua 30 năm không ngừng nỗ lực, phấn đấu, hiện toàn Thôn 12 không còn hộ nghèo, hộ giàu, khá chiếm hơn 70%.
Thôn không còn hộ nghèo
Thôn 12 hiện có 187 hộ, với hơn 800 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, với hai loại cây trồng chính là cà phê và chè. Trong đó, hơn 85% hộ dân trong thôn là bà con đồng bào DTTS Tày, Nùng. Sau 30 năm “bén rễ” trên vùng đất mới, cũng là chừng ấy thời gian để họ cùng nhau đoàn kết trong lao động, sản xuất phát triển kinh tế vươn lên làm giàu từ chính bàn tay và khối óc của mình.
Theo chia sẻ của bà con Tày, Nùng nơi đây thì trước kia ở Cao Bằng cuộc sống của họ gắn với cây lúa, hạt bắp, củ sắn, với hình thức sản xuất đặc trưng - ruộng bậc thang của miền núi phía Bắc. Vì thế những ngày đầu khi vào Lâm Đồng lập nghiệp, tất cả họ không khỏi lạ lẫm, bỡ ngỡ với cây cà phê - sản vật của vùng đất Tây Nguyên. Bà Bế Thị Cảnh, Trưởng Thôn 12 (xã Lộc Ngãi) nhớ lại: “Những ngày đầu ở Lộc Ngãi là những ngày mà bà con khai hoang mở đất, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào núi rừng, cơm ăn bữa đói bữa no. Nhưng nhờ chịu thương chịu khó, cần cù, chăm chỉ lao động sản xuất, cuộc sống của bà con cả về vật chất lẫn tinh thần được cải thiện đáng kể. Và, để được như ngày hôm nay, chính là thành quả của mồ hôi, công sức mà bà con chúng tôi đã không ngừng cố gắng học hỏi, kiên trì, chắt chiu mới làm được”.
Để giảm nghèo nhanh và bền vững, người dân Thôn 12 xem đây là một “chiến dịch” lâu dài cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Từ đó, Mô hình “giúp nhau phát triển kinh tế” được thành lập. Từ Mô hình này, người dân đã thành lập các nhóm hộ theo dòng họ (5 - 6 hộ/nhóm) để cùng đổi công giúp nhau trong lao động sản xuất; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở theo hình thức luân phiên. Đặc biệt, trong giai đoạn cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn thì ông Bế Văn Lưu (một hộ dân kinh doanh trong thôn) đã cho bà con mua phân bón, vật liệu xây dựng trả chậm không tính lãi. Ông Bế Văn Lưu cho biết: “Khi tôi mở cửa hàng bán phân bón và vật liệu xây dựng, bà con đến mua rất đông nhưng hầu hết đều mua thiếu. Vì thế, tôi đã hợp đồng với các đại lý cung cấp phân bón, vật tư bán thiếu theo giá thị trường (không tính lãi) cho bà con. Sau khi thu hoạch cà phê, bà con ai nấy đều đem tiền tới trả không thiếu một xu”.
Bà Lục Thị Kim, Bí thư Chi bộ Thôn 12 khẳng định: “Khi mới thành lập (năm 2001), toàn thôn có 35 hộ nghèo. Đến năm 2012, số hộ nghèo toàn thôn vẫn còn hơn 15 hộ và hơn 30 hộ cận nghèo. Nhưng thông qua mô hình “giúp nhau phát triển kinh tế” và bằng chính sự nỗ lực vươn lên của người dân, đến cuối năm 2017, thôn đã chính thức xóa hộ nghèo, chỉ còn lại 6 hộ cận nghèo. Hiện toàn thôn có 181 căn nhà xây, 6 căn nhà gỗ. Trong đó, số nhà xây trị giá từ 300 triệu đồng trở lên chiếm khoảng 80%. Đặc biệt, toàn thôn hiện có 9 căn nhà cao tầng trị giá từ 1 tỷ đồng/căn trở lên. Đây là kết quả tất yếu chứng minh cho tinh thần đoàn kết, chịu thương, chịu khó của người dân”.
Hiện tại, ngoài những tuyến đường ngõ xóm, nội đồng đã được bê tông hóa thì tuyến đường trục chính của Thôn 12 có chiều dài hơn 3 km đang được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng. Để mở rộng đường, gần 100 hộ dân ở hai bên tuyến đường đều đồng tình hiến đất, cây trồng và vật kiến trúc. Cùng với đó, khi đời sống vật chất được nâng lên thì các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được người dân chú trọng đầu tư. Từ đó, các đội bóng chuyền, bóng đá và văn nghệ được thành lập và hoạt động hiệu quả. Trong đó, phải kể đến là Đội hát then đàn tính thu hút 34 thành viên tham gia sinh hoạt.
Nhà nhà treo ảnh Bác
Giờ đây khi đặt chân đến Thôn 12 (xã Lộc Ngãi) điều khiến mỗi chúng ta đều phải trân quý đó chính là mô hình “Nhà nhà treo ảnh Bác” mà bà con nơi đây đã và đang thực hiện. Việc treo ảnh Bác đối với bà con nơi đây có nhiều ý nghĩa quan trọng, vì Cao Bằng cũng chính là quê hương thứ 2 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, trong lòng bà con Tày, Nùng không gì có thể thay thế được hình ảnh vĩ đại của Bác Hồ. Ông Bế Văn Đức, 48 tuổi, một người dân Thôn 12 tự hào: “Từ năm 1990 khi mới vào lập nghiệp, gia đình đã chọn vị trí trang nghiêm nhất trong nhà để treo ảnh Bác Hồ. Từ đó, hàng ngày những người trong gia đình tôi ai cũng được nhìn thấy Bác, nhớ đến Bác và học theo tấm gương của Bác. Chính hình ảnh của Bác đã trao cho chúng tôi nghị lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong lao động sản xuất; đồng thời, hành vi cư xử của những thành viên trong gia đình cũng khuôn phép, thân mật hơn”.
Đối với ông Bế Đình Lân (65 tuổi, Trưởng Ban công tác Mặt trận Thôn 12, xã Lộc Ngãi) thì trong căn nhà khang trang của mình, ngoài bức ảnh chân dung Bác Hồ được treo ở vị trí trang nghiêm, ông còn sưu tầm nhiều bức ảnh tư liệu và cả tượng của Bác. Ông Lân bày tỏ: “Là một cựu chiến binh, việc tôi treo ảnh Bác và sưu tầm ảnh tư liệu về Bác là để tỏ lòng thành kính và biết ơn Bác. Tất cả những hình ảnh của Bác đều là tư liệu vô giá để giáo dục cho con cháu, thế hệ trẻ học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống… của Người; đồng thời, thể hiện lòng tri ân, tôn kính của mình đối với Bác”.
Theo ông Lân, đến nay đã có 98% hộ dân trong Thôn 12 treo ảnh Bác; trong đó, đối với bà con Tày, Nùng, 100% đã treo ảnh Bác và những nhà có điều kiện thì họ lập bàn thờ Bác riêng. Cùng với đó, những việc làm, hành động của bà con đều hướng theo tấm gương đạo đức mà suốt cả cuộc đời Người đã dành trọn cho đất nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi cho biết: “Thôn 12 là nơi quy tụ đông đảo bà con Tày, Nùng từ cái nôi cách mạng tỉnh Cao Bằng vào lập nghiệp, nên địa phương đã chọn làm điểm thực hiện mô hình “Nhà nhà treo ảnh Bác”. Thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng Mô hình “Nhà nhà treo ảnh Bác” tới tất cả các thôn trong toàn xã để mọi người cùng noi gương Bác trong học tập, lao động sản xuất nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.
KHÁNH PHÚC