Phụ huynh, học sinh vi phạm an toàn giao thông - Bài toán khó giải

08:11, 30/11/2018

Tại địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, tình trạng học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Nhiều người cho rằng, nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục mà không kiên quyết trong xử lý, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ khó chuyển biến tích cực. Do đó, rất cần sự vào cuộc nghiêm túc của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

Tại địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, tình trạng học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Nhiều người cho rằng, nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục mà không kiên quyết trong xử lý, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ khó chuyển biến tích cực. Do đó, rất cần sự vào cuộc nghiêm túc của cả nhà trường, gia đình và xã hội.
 
Tại TP Đà Lạt, rất nhiều học sinh đi xe điện nhưng chưa ý thức chấp hành luật giao thông. Ảnh: C.Thành
Tại TP Đà Lạt, rất nhiều học sinh đi xe điện nhưng chưa ý thức chấp hành luật giao thông. Ảnh: C.Thành

Tại TP Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Lâm Hà,… không chỉ học sinh không đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, đi hàng ngang... mà nhiều phụ huynh học sinh cũng trực tiếp vi phạm, ý thức chấp hành an toàn giao thông chưa tốt.
 
Cả phụ huynh và học sinh đều vi phạm
 
Theo thống kê sơ bộ từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT các huyện, thành phố đã nhắc nhở và xử phạt gần 200 trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông, với tổng số tiền phạt trên gần 50 triệu đồng. Đáng chú ý, đã có 8 vụ tai nạn giao thông do học sinh điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Khi bị bắt lỗi, lực lượng CSGT chủ yếu vẫn là xử phạt phụ huynh. 
 
Sáng 29/11, có mặt tại cổng Trường THCS và THPT Tây Sơn (Phường 3, TP Đà Lạt), dòng xe gắn máy, xe đạp điện của học sinh nối đuôi nhau, đổ ra từ phía cổng trường về hướng ngã ba đường Nhà Chung - Trần Phú. Trong đó có hàng chục chiếc xe máy dung tích xi lanh trên 50 cm 3, như Wave Alpha, Dream, Sirius, Exciter, Air Blade, Vision… Chỉ khoảng 10 phút đứng tại ngã ba trên, chúng tôi ghi nhận có gần 40 trường hợp học sinh trong bộ đồng phục của trường, vô tư ngồi trên những chiếc xe máy phân khối lớn hoặc không đội mũ bảo hiểm, trong đó số học sinh đi xe điện gần như rất ít em đội mũ bảo hiểm đúng quy định.
 
Điều đặc biệt là tại đây, nhiều trường hợp phụ huynh học sinh cũng vi phạm luật giao thông khi thường xuyên chở con em mình đi học về vượt số người quy định và người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm. 
 
Tương tự, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Phường 2), Trường THCS và THPT Chi Lăng (Phường 9)… chỉ cần đứng ít phút vào giờ học sinh vào học hoặc tan tầm, người dân có thể dễ dàng chứng kiến phụ huynh học sinh chở 2-3 học sinh không đội mũ bảo hiểm ngồi sau, nhiều em học sinh đi xe phân khối lớn, đi xe điện không đội mũ bảo hiểm,...
 
Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực đường Trần Quang Diệu (Phường 10), Nhà Chung, Trần Phú (Phường 3), Bùi Thị Xuân (Phường 8),... theo quy định các trường học không cho học sinh đi xe trên 50 cm 3 vào khuôn viên giữ xe của nhà trường. Tuy nhiên, để lách quy định, rất nhiều học sinh gửi xe ở các bãi giữ xe tự phát dọc đường Trần Quang Diệu với giá 3.000 đồng/lượt giữ xe. Sáng 29/11, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm chiếc xe học sinh gửi ngoài nhà trường nhưng nhiều xe dung tích xi lanh trên 50 cm 3
 
Trước đó, trong ngày 26/11, chỉ khoảng 10 phút đứng tại chốt chặn bắn tốc độ của Đội CSGT Công an huyện Đức Trọng tại Quốc lộ 20, thị trấn Liên Nghĩa, chúng tôi ghi nhận 3 trường hợp học sinh bậc THCS và THPT chạy mô tô vượt quá tốc độ 64/50 km/h. Ngoài ra, nhiều em không đội mũ bảo hiểm theo quy định, đặc biệt đối với học sinh đi xe điện.
 
Cần tăng cường tuyên truyền kết hợp xử phạt 
 
Đội CSGT Công an TP Đà Lạt cho hay, thời gian gần đây, đơn vị thường xuyên tiến hành kiểm tra việc học sinh đi xe máy phân khối lớn trên địa bàn chở 3, không đội mũ bảo hiểm. Theo đó, với những trường hợp học sinh vi phạm, lực lượng CSGT chủ yếu nhắc nhở tuyên truyền là chính. Trường hợp phải xử phạt hành chính, mức phạt đối với học sinh từ 16 tới 18 tuổi vi phạm phải đóng sẽ bằng 1/2 mức phạt đối với người lớn (đủ 18 tuổi trở lên). Học sinh 14 tới 16 tuổi vi phạm, lực lượng CSGT sẽ phạt chủ phương tiện giao xe, có quyết định cảnh cáo do người điều khiển phương tiện chưa có năng lực hành chính.
 
Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Đà Lạt cho biết, trong tháng 11, đơn vị đã phối hợp với Thành Đoàn Đà Lạt, Phòng GD&ĐT, UBND các phường, xã tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho 3.400 học sinh các cấp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền và ra quân chấn chỉnh những trường hợp vi phạm. Theo đó, từ tháng 9/2018 tới nay, Đội CSGT TP Đà Lạt đã xử phạt hành chính 37 trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. 
 
“Số lượng học sinh vi phạm luật giao thông nhìn chung đã giảm nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt. Công tác tuyên truyền ý thức chấp hành văn hóa giao thông cho học sinh gặp khó khăn do một phần phụ huynh chưa chấp hành tốt. Việc bố mẹ chở con nhưng không nhắc nhở đội mũ bảo hiểm, vẫn chở quá số người quy định, cho phép con đi xe phân khối lớn,… làm ảnh hưởng không nhỏ tới ý thức chấp hành của các em” - Trung tá Hùng chia sẻ.
 
Nhằm thúc đẩy việc chấp hành luật ATGT của học sinh, bước vào đầu năm học, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đều yêu cầu 100% các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh kết hợp với lực lượng CSGT, các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ; ngoài ra, một số trường còn cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện, đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện.
 
Tuy nhiên, chấp hành tuân thủ với nhà trường, ký cam kết là một chuyện, trong khi bước ra đường nhiều em tiếp tục không đội mũ bảo hiểm, đi xe phân khối lớn, phóng nhanh vượt ẩu nên việc kiểm soát từ nhà trường gặp nhiều khó khăn.
 
Phòng CSGT Công an Lâm Đồng cho biết: Tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành quy định giao thông hiện nay chủ yếu là đối tượng học sinh, trên 50% học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, nhiều em chưa đủ tuổi vẫn đi xe máy trên 50 phân khối. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm của các em chủ yếu là nhắc nhở, giáo dục, chỉ xử phạt những trường hợp cố ý vi phạm nhiều lần, hoặc chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
 
“Vào giờ cao điểm lực lượng CSGT chủ yếu làm công tác phân luồng giao thông, tránh tình trạng ùn ứ, kẹt xe trong khi các em chủ yếu vi phạm Luật Giao thông vào giờ tan học và nhập học. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà trường và chính quyền địa phương để điều tiết giao thông ở những khu vực ngoài cổng trường trong các khung giờ cao điểm. Đồng thời, xử lý quyết liệt hơn các lỗi vi phạm như học sinh chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm, phụ huynh học sinh chở ba, đi hàng ngang, lạng lách, đánh võng... Cùng đó, tích cực tuyên truyền, vận động mọi người tham gia bảo đảm trật tự ATGT thông qua các phương tiện đại chúng” - một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết.
 
C.THÀNH