Phi Tô ngày trở lại

08:11, 26/11/2018

Không hẹn trước nhưng chúng tôi về Phi Tô đúng vào dịp bà con đang tham dự Ngày hội Ðại đoàn kết dân tộc (18/11) trong không gian của núi đồi thôn Ri Ông Tô - thôn có 100% người đồng bào dân tộc sinh sống. Tình người ấm áp như không có khoảng cách giữa đồng bào K'Ho hay Kinh, Tày, Nùng… mọi thứ như gắn kết, xích lại gần nhau hơn bên chóe rượu cần và bữa cơm vui vầy đoàn kết.  
 

Không hẹn trước nhưng chúng tôi về Phi Tô đúng vào dịp bà con đang tham dự Ngày hội Ðại đoàn kết dân tộc (18/11) trong không gian của núi đồi thôn Ri Ông Tô - thôn có 100% người đồng bào dân tộc sinh sống. Tình người ấm áp như không có khoảng cách giữa đồng bào K’Ho hay Kinh, Tày, Nùng… mọi thứ như gắn kết, xích lại gần nhau hơn bên chóe rượu cần và bữa cơm vui vầy đoàn kết.  
 
Cô và trò Trường Mầm Non Phi Tô đang phải dạy và học trong căn phòng mượn của UBND xã. Ảnh: N.T
Cô và trò Trường Mầm Non Phi Tô đang phải dạy và học trong căn phòng mượn của UBND xã. Ảnh: N.T

Bí thư Đảng ủy xã Phi Tô Lò Minh Quốc cho chúng tôi một cái nhìn bao quát: Qua 40 năm được hình thành và phát triển, giờ đây Phi Tô đã có nhiều khởi sắc hơn trước, kinh tế từng bước phát triển, đồng bào các dân tộc nơi đây giờ đã được thống nhất đoàn kết, gắn bó hơn. Nhất là suốt hơn 10 năm qua đều có ngày hội đoàn kết trong làng. Giờ đây, người Kinh đã giúp đỡ đồng bào bản địa, bà con Tày, Nùng từ phía Bắc vô, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cho nhau vay vốn không tính lãi suất, hướng dẫn nhau cách trồng và chăm sóc hoa, rau công nghệ cao…  nhiều mô hình kinh tế giỏi được nhân rộng, thực hiện đa cây trồng, không độc canh cây cà phê như trước nữa. 
 
Được biết, riêng cây cà phê, hiện bà con trong xã đã và đang tiếp tục cải tạo vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng giống cà phê mới có năng suất cao từ biện pháp tái canh và cải tạo được 30 ha, tái canh được 37ha. Giữ phát triển ổn định trên 1.800 ha cà phê với sản lượng gần 7.300 tấn, năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha cà phê.
 
Về xây dựng cơ bản, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước xã Phi Tô được đầu tư trên 4,8 tỷ đồng trong năm 2018 để phục vụ xây dựng các công trình dân sinh như xây dựng trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, đường liên thôn…trong đó nguồn vốn huy động được từ nhân dân đóng góp là trên 2 tỷ đồng. Đến nay, Phi Tô đang từng bước hoàn thiện các công trình đường giao thông và rất cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước cho tuyến đường liên xã, liên huyện để thuận tiện cho nhân dân vùng sâu, vùng xa trong lưu thông vận chuyển hàng hóa. 
 
Về công tác giáo dục của xã, nhìn chung về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học, tình trạng học sinh bỏ học đã được hạn chế hơn nhiều.Đội ngũ giáo viên cơ bản đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, duy trì học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, bậc tiểu học và mầm non còn gặp khó khăn về trường lớp, cơ sở hạ tầng. Tình trạng thiếu phòng học, phải mượn hội trường thôn PhiSour  cho học sinh lớp hai học tạm, còn lại các phòng học cấp 4 cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa đạt chuẩn theo quy định. 
 
Về Phi Tô những ngày này, tuy có nhiều khởi sắc về kinh tế nhưng lòng chúng tôi vẫn còn nặng trĩu bởi gần 300 các cháu học sinh mầm non nơi đây, trong đó gần 200 cháu là dân tộc thiểu số vẫn còn phải học trong những phòng học tạm bợ, thiếu nhiều phương tiện dạy và học. Tại một số điểm trường như Thôn 5 đã xuống cấp nghiêm trọng, tường bao, mái tôn hầu như đã bị mục nát… do địa bàn xã Phi Tô rất rộng, nhiều thôn người dân ở rải rác khắp nơi, xa trung tâm, đi lại khó khăn nên ảnh hưởng nhiều đến việc huy động trẻ ra lớp. Vì vậy, rất cần sự quan tâm đầu tư kịp thời về cơ sở giáo dục mầm non cho Phi Tô để các cháu mầm non được đến trường, phụ huynh yên tâm lên rẫy làm ăn phát triển sản xuất.
 
Bên cạnh rất nhiều thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch đề ra, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Xã đã kịp thời quan tâm giải quyết những kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn tồn tại, hạn chế được Bí thư Lò Minh Quốc chia sẻ: Do việc chỉ đạo sản xuất ở một số nơi đôi lúc còn lúng túng, tuyên truyền, vận động nhân dân còn hạn chế, chưa thường xuyên; các ban, ngành, đoàn thể chưa coi trọng công tác xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt kết quả chưa cao, vẫn còn tình trạng khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm rừng xảy ra; tiến độ thi công các công trình dân sinh còn chậm, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới của xã. Trong thời gian đến, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động phát huy nội lực đóng góp trong nhân dân cùng với nguồn vốn Nhà nước để hoàn thiện hệ thống đường giao thông chính, đảm bảo thuận tiện trong đi lại cho nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo quản lý và sử dụng hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, phát huy tính hiệu quả trong kinh tế rừng. Đặc biệt, phấn đấu đạt thêm 6 tiêu chí còn lại về nông thôn mới là giao thông, trường học, tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường, an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để năm 2019 hoàn thiện 19 tiêu chí, tạo tiền đề cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm hộ nghèo của xã, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.
 
NGUYỆT THU