
Từ những đêm nhạc tình thương kêu gọi lòng từ thiện, hảo tâm của mọi người và đã có không ít những trường hợp người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ chữa bệnh.
Từ những đêm nhạc tình thương kêu gọi lòng từ thiện, hảo tâm của mọi người và đã có không ít những trường hợp người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ chữa bệnh.
 |
Các VĐV thi đấu xe lắc tại Hội thao Người khuyết tật thành phố Đà Lạt năm 2018. Ảnh: G.Khánh |
Từ những đêm nhạc
Không có trống, có đàn, có dàn nhạc với người hát phụ họa, chỉ cần một máy hát và chiếc loa có công suất lớn một chút cùng các trang bị đơn sơ đi kèm; một chiếc băng rôn giăng trên cao, một chiếc thùng tiền quyên góp kêu gọi tình thương và lòng nhân đạo của người đời xung quanh, cần thêm một vài ca sỹ để làm nên một đêm diễn tình thương như vậy. Những ca sỹ - diễn viên này cũng là những người khuyết tật, giọng ca không cần hay, chỉ cần sự nhiệt tình là đủ.
Vậy nhưng tiền quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm trong những đêm diễn cuối tuần tại khu trung tâm Đà Lạt như thế đã giúp cho rất nhiều người khuyết tật tại Đà Lạt và cả trong tỉnh vượt qua được những nghịch cảnh bệnh tật để tiếp tục bước đi trong cuộc đời.
Bà Lê Thị Lân 60 tuổi, người ở Phường 8, Đà Lạt là một trong những trường hợp như vậy.
Người quê Nghệ An, bà Lân bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, 2 chân dính nhau. Gia đình bà đã tốn rất nhiều tiền bạc và công sức để đưa đi giải phẫu tách đôi chân ra. Lớn lên bà lập gia đình, có một con, chồng bà cũng là người khuyết tật. Năm 2000, gia đình bà chuyển vào Đà Lạt, thuê nhà để ở và sinh sống bằng nghề may vá. Hoàn cảnh khó khăn nên bà được Hội Người khuyết tật Đà Lạt vận động từ các nhà hảo tâm tặng một chiếc máy may tốt. Hằng tháng bên cạnh tiền may vá bà còn nhờ vào số tiền trợ cấp của nhà nước theo chế độ cho người khuyết tật, dù chỉ vài trăm nghìn nhưng cũng giúp cho bà có thêm tiền cơm gạo cho gia đình.
Nhưng rồi đột ngột bà bị bệnh, bị một khối u trong người hành hạ, tốn kém tiền bạc tích cóp bấy lâu để chữa trị mà không ăn thua gì. Biết hoàn cảnh khó khăn của bà, Hội Người khuyết tật Đà Lạt đã tổ chức một đêm diễn tình thương như thế, tổng cộng tiền thu được trên 12 triệu đồng trong đêm diễn này được trao cho bà giúp chữa bệnh. Đến nay sức khỏe của bà đã ổn, bà đã may vá lại, cùng tham gia hoạt động xã hội với người trong hội. Bà gần đây còn tham gia tranh tài xe lắc tại Hội thao Người khuyết tật do thành phố Đà Lạt tổ chức.
Một trường hợp khác cũng được Hội tổ chức một đêm diễn như thế để giúp chữa bệnh, đó là bà Lê Thị Xuân, người ở xã Tà Nung, Đà Lạt.
Bà Xuân năm nay 34 tuổi, người quê Thanh Hóa, vào đất Tà Nung lập nghiệp cùng gia đình từ năm 1998. Hồi nhỏ bà kể bà bị viêm não, liệt 2 chân, chữa chạy rất nhiều nhưng giờ di chứng bại liệt vẫn còn. Vào Tà Nung, gia đình bà gồm chồng và con, chồng cũng là người khuyết tật, làm thuê và mua được một mảnh vườn nhỏ làm nông sinh sống.
Cách đây gần năm, bà bỗng bị một khối u trong người. Biết hoàn cảnh khó khăn của bà, Hội Người khuyết tật Đà Lạt đã tổ chức một đêm diễn tình thương, đêm diễn này vận động được trên 25 triệu đồng, toàn bộ số tiền này được bà dùng chữa bệnh.
“Nếu không có thì thật cũng không biết ra sao nữa, chắc phải bán nhà bán vườn mà chữa chạy chứ sao. Chính nhờ số tiền giúp đỡ này mà gia đình tôi mới có khả năng trang trải chi phí đi lại bệnh viện giúp tôi thêm niềm tin vượt qua bệnh tật, xin cảm ơn những tấm lòng từ thiện và cầu trời đất phù hộ cho mọi người” - bà Xuân suy nghĩ.
Chia sẻ tình thương
Theo ông Trần Mạnh Thu, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Đà Lạt, nếu tính theo tỷ lệ dân cư thì Đà Lạt hiện có khoảng 2.000 người khuyết tật trên địa bàn, tuy nhiên, đến nay toàn thành phố mới chỉ vận động được trên 270 người tham gia sinh hoạt Hội.
Rất nhiều hoạt động, như ông Thu cho biết, được Hội Người khuyết tật tổ chức trong năm, trong đó có chương trình diễn văn nghệ giúp đỡ hội viên chữa bệnh rất hiệu quả. “Trước đây thì tổ chức mỗi tháng đến 2 - 3 lần, nhưng gần đây có qui định hạn chế nên chỉ diễn được mỗi tháng 1 lần thôi”.
Mỗi lần diễn tại khu Trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt như thế, theo ông Thu, tiền quyên góp giúp đỡ từ những người hảo tâm trong thành phố và từ du khách vãng lai cũng được khoảng 15 - 20 triệu đồng. “Còn tùy vào từng đêm, nhưng có những đêm được rất nhiều người đến giúp đỡ, phải đến trên dưới 30 triệu đồng” - ông Thu cho biết. Toàn bộ số tiền thu được được chuyển cho các trường hợp khó khăn đi chữa bệnh.
Tính từ năm 2015 đến nay, khi Hội Người khuyết tật Đà Lạt bắt đầu tổ chức các đêm diễn như thế này, số tiền vận động để giúp người khuyết tật chữa bệnh đã lên đến khoảng 1,3 tỷ đồng, trong đó có khoảng 800 triệu đồng dành cho người khuyết tật tại Đà Lạt, số còn lại hỗ trợ cho người khuyết tật các Hội bạn trong tỉnh.
Cùng đó, Hội Người khuyết tật Đà Lạt hằng năm cũng vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ hội viên xây nhà tình thương, cấp xe lăn, xe lắc, hỗ trợ quà trong dịp lễ tết, tặng quà trong những lúc ốm đau, bệnh tật. Như trong năm nay hội đã vận động giúp một hội viên tại Phường 3 xây nhà; cấp 70 xe lăn, xe lắc; tặng trên 2.000 phần quà, mỗi phần quà như thế có kèm thêm 250 nghìn đồng tiền mặt cho hội viên.
Đặc biệt, Hội Người khuyết tật Đà Lạt thời gian qua còn liên hệ với Đài Truyền hình Vĩnh Long để tổ chức chương trình từ thiện cho hội viên của mình. Đã có 4 hội viên người khuyết tật tại Đà Lạt như thế được hỗ trợ với số tiền từ 30 - 40 triệu đồng thu được từ chương trình, nhằm giúp học nghề (đan, thêu, móc), làm thủ công mỹ nghệ, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
GIA KHÁNH