
Thời gian qua, nạn "xe dù, bến cóc" trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng đang có chiều hướng hoạt động phức tạp hơn. Ðể chấn chỉnh tình trạng trên, cơ quan chức năng đang nỗ lực tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nhằm lập lại trật tự vận tải những tháng cuối năm.
Thời gian qua, nạn “xe dù, bến cóc” trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng đang có chiều hướng hoạt động phức tạp hơn. Ðể chấn chỉnh tình trạng trên, cơ quan chức năng đang nỗ lực tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nhằm lập lại trật tự vận tải những tháng cuối năm.
 |
Nhà xe Phúc Hải - một trong 7 nhà xe tại TP Đà Lạt Ban An toàn giao thông tỉnh xác định đưa rước khách tập kết tại “bến cóc” sai quy định. Ảnh: C.Phong |
Ðón trả khách tại “bến cóc” trong đô thị
Qua theo dõi tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, các xe hoạt động trên tuyến cố định không ký lệnh vận chuyển trước khi vận chuyển khách và xe hợp đồng chạy trá hình có xu hướng tăng trở lại. Đặc biệt là tuyến Đà Lạt đi Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Phước, Đồng Nai, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là tuyến có lượng khách lớn nên các phương tiện thường “chạy dù” xuất phát bắt đầu từ sáng sớm và ban đêm tập trung tại các điểm đậu đỗ đón trả khách như: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, chợ Bùi Thị Xuân, Ngã ba đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, cuối đường Nguyên Tử Lực,...
Công an TP Đà Lạt cho biết, một số công ty sử dụng phương tiện có trọng tải từ 45 - 50 chỗ ngồi, hoạt động theo hình thức tuyến cố định nhưng “núp” dưới hình thức xe chạy hợp đồng thường xuyên trong thời gian qua. Như sáng 7/11, chúng tôi gọi điện cho nhiều nhà xe chạy các tuyến, chủ yếu là các tuyến đi Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, TP Nha Trang, Đà Nẵng thì được biết thay vì đón khách tại bến xe lớn có phép, hầu hết các đại diện nhà xe đều nhận đón khách về các điểm tập kết còn gọi là “bến cóc” không đúng quy định. Cụ thể, nhà xe Thanh Thủy trên đường Nguyên Tử Lực (Phường 8) chạy tuyến Đà Lạt - Đà Nẵng vào khoảng 14h chiều hằng ngày, theo ghi nhận có rất nhiều hành khách được đưa tới điểm tập kết sai phép tại đây.
Theo phản ánh của một số đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh, hiện nay, xe giường nằm có phù hiệu xe hợp đồng dài hạn của một số đơn vị vận tải đã lách luật, khai thác khách trên tuyến cố định và cố tình tắt giám sát hành trình để hoạt động; sử dụng phù hiệu hợp đồng dài hạn để trá hình chạy tuyến cố định. Thực tế qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện vẫn còn rất nhiều phương tiện núp bóng “xe chạy hợp đồng”, đón trả khách tùy tiện, không chịu vào bến bãi làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà xe chấp hành tốt các quy định.
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lâm Đồng, về xe hợp đồng trá hình có 2 dạng. Đó là xe của đơn vị chuyên chạy hợp đồng và xe của nhà xe chạy tuyến cố định nhưng lấy ra một số xe chạy với hình thức hợp đồng đón khách chạy tuyến cố định. Xe chạy dưới dạng hợp đồng không phải vào bến nên giảm chi phí 2 đầu bến, chạy được mọi lúc, mọi nơi không phải đăng ký theo tài. Trong khi đó, theo quy định, trường hợp đủ hồ sơ thì Sở GTVT phải cấp phù hiệu hoạt động, không được phép từ chối. Vấn đề hiện nay là phải tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phương tiện, nhất là phối hợp với lực lượng CSGT.
Qua kiểm tra tới cuối tháng 10/2018, Ban An toàn giao thông tỉnh Lâm Ðồng cho biết, riêng tại TP Ðà Lạt, cơ quan chức năng thống kê có 7 bến cóc của các nhà xe gồm: Phúc Hải, Thanh Thúy, Vũ Hương, Tài Thắng, Hiền Ân, Bảo Vân, Thanh Bình Xanh và 14 xe dù của nhà xe Bảo Vân, Hiền Ân hoạt động ngay trung tâm thành phố.
Tại thành phố Bảo Lộc, có 25 xe dù hoạt động khi chưa được cấp phù hiệu, đón trả khách không theo tuyến đăng ký, xe chạy tuyến cố định như xe hợp đồng. Tương tự, tại huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lâm và Cát Tiên, Thanh tra Sở GTVT xác định hơn 40 xe dù, 5 điểm bến cóc đón trả khách và cố tình chạy không đúng với các tuyến đã đăng ký.
“Xử lý chưa triệt để”
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 9 tháng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại mới đây cho hay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 164 vụ, 107 người chết, 105 người bị thương. So với thời gian cùng kỳ năm 2017: số vụ tăng 20 vụ (164/144), tăng 13,89%; số người chết giảm 3 người (107/110), giảm 2,73%; số người bị thương tăng 28 người (105/77), tăng 36,36%.
Về tình hình trật tự an toàn giao thông, theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị đánh giá: Bên cạnh những tồn tại, hạn chế khác thì công tác bảo đảm trật tự vận tải chưa chặt chẽ, quản lý chưa nghiêm, chế tài chưa đủ mạnh nên tình trạng “xe dù, bến cóc” còn diễn biến phức tạp, chưa được xử lý triệt để trong thời gian qua.
Trước thực tế trên, Sở GTVT cho biết, đơn vị đã và đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan có kế hoạch kiểm tra, xử phạt nghiêm các phương tiện vận tải hành khách trá hình bằng tuyến cố định, xe hợp đồng, các tụ điểm “xe dù, bến cóc”. Các nhà xe bắt buộc phải có hợp đồng vận tải hành khách với các nội dung cụ thể như: thời gian thực hiện hợp đồng, địa chỉ nơi đi, địa chỉ nơi đến, hành trình chạy xe, số lượng hành khách,... Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra Sở GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kế hoạch cao điểm kiểm tra. Đặc biệt, tại địa bàn TP Đà Lạt và Bảo Lộc, các tuyến quốc lộ, trạm thu phí và các bến, bãi, trạm điểm giao dịch, đón trả khách nhà xe đang hoạt động nhưng chưa được sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước.
C.PHONG