Lấn cấn việc hiến đất làm đường ở Madagui

08:11, 07/11/2018

Gia đình ông Ngô Văn Tới ở Tổ dân phố 11, thị trấn Madagui, huyện Ðạ Huoai hiến đất làm đường tổng cộng 1.200 m2 từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất được việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần đất còn lại, vì "chưa có quyết định thu hồi phần đất đã hiến".

Gia đình ông Ngô Văn Tới ở Tổ dân phố 11, thị trấn Madagui, huyện Ðạ Huoai hiến đất làm đường tổng cộng 1.200 m2 từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất được việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần đất còn lại, vì “chưa có quyết định thu hồi phần đất đã hiến”.
 
Đoạn đường đã làm xong nhưng bị chặn vì chưa nghiệm thu. Ảnh: L.H
Đoạn đường đã làm xong nhưng bị chặn vì chưa nghiệm thu. Ảnh: L.H

Năm 2004, gia đình ông Tới mua một mảnh đất (5 mx30 m) với giá 72 triệu để tự mở đường vào khu đất nhà ông - rộng khoảng 9.000 m 2. Đến năm 2013, khi chính quyền có nhu cầu mở đường đô thị qua đất nhà ông để nối với con đường hiện hữu, gia đình ông đã tự nguyện hiến tổng cộng hơn 1.000 m 2 (rộng 11 m, dài hơn 110 m). Cũng từ đó, ông đi làm lại giấy tờ đất thì mấy lần đều bị trả hồ sơ về.
 
Bà Đỗ Thị Tý - vợ ông Ngô Văn Tới, bức xúc nói chuyện với chúng tôi: Nhà khác làm sổ xong, mua bán đất ầm ầm. Nhà tôi chỉ mong làm sổ để chia đất cho các con mỗi đứa một ít. Thế mà cứ chờ mãi! Đến nỗi, con bé út định cho nó đất ở riêng từ lúc chưa lấy chồng, bây giờ có bầu sắp sinh con, vẫn phải ở nhà bố mẹ…
 
Lúc ông mua mảnh đất ở đầu đường có đề đạt với tổ dân phố cho ông tự mở đường vào đất nhà mình. Đến năm 2013, ông cùng hơn 30 hộ khác hiến đất để làm đường Trần Bình Trọng nối từ quốc lộ vào đã có biên bản xác nhận và ông đã ký giấy hiến đất cho Nhà nước rồi. Ông cũng nhờ dịch vụ địa chính vào đo đạc, chừa phần đất đã hiến, nhưng chưa được chấp nhận vì “còn mắc mớ vào con đường”.
 
Đất này trước đó gia đình ông làm ruộng một mùa, sau đó trồng tràm với trồng điều để túc tắc nuôi con cái ăn học. Đến năm 2007, đoạn thoát nước bên dưới bị lấp, mảnh đất nhà ông bị ứ nước, không còn trồng trọt được… Ông cũng kiến nghị với chính quyền, nhưng không có kết quả gì. “Tôi ký giấy hiến đất rồi mà làm sổ lại lằng nhằng từ đầu năm đến giờ chẳng được. Đất thì hơn 10 năm nay không trồng cây được” - ông Tới bức xúc và cho biết, ông cũng đã đi khắp nơi, gặp từ lãnh đạo thị trấn đến lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường của huyện nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
 
Con đường làm mới Trần Bình Trọng thẳng tắp và bằng phẳng, gần như đã hoàn thiện. Trớ trêu là, ở đầu đường này, ông Tới mua một mảnh đất để mở đường, còn đầu đường kia (đoạn nối từ quốc lộ) trước đây là Hội trường của Khu phố 5, được đem bán đấu giá và cho xây dựng nhà ở, nên giờ còn khoảng mấy chục mét chiều dài ở đầu con đường chưa thể làm tới. Do đường chưa làm xong sợ hư hỏng, đơn vị thi công cho đổ đá 5-7 chắn ngang lối ra gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. “Vì chưa nghiệm thu, họ sợ đường bị hỏng nên chặn đá không cho xe qua lại. Bà con tự cào đá để lấy lối cho xe máy qua đó”. Các hộ dân có đất hai bên đường mới mở cũng không thể cho xe lớn vào để đổ đất xây nhà hay trồng trọt được, đành cứ để đất trống.
 
Ông Nguyễn Tường Vũ - Tổ trưởng Tổ dân phố 8, thị trấn Madagui cho biết: Vấn đề của gia đình ông Tới là phần đất hiến tổng cộng chưa xác nhận được để trừ ra khỏi diện tích đất tổng thể của gia đình, nên chưa hoàn thiện thủ tục. Còn đá đổ trên đường là do công trình chưa nghiệm thu, nên đổ đá để tránh đường bị hư hỏng, thành ra, bà con hiến đất làm đường mà chưa có đường đi. 
 
Cách làm thiếu linh hoạt và chậm trễ của huyện Đạ Huoai đã phần nào làm cho niềm vui trở nên kém vui, lòng dân nặng nề.
 
PHẠM LÊ