Không thể để Ðông Mang nghèo mãi

08:11, 28/11/2018

Cả xã hội quan tâm hỗ trợ, địa phương dồn sức đầu tư nhưng với xuất phát điểm quá thấp, cùng với nhiều khó khăn khách quan nên người dân thôn Ðông Mang - vùng rốn cách mạng của xã anh hùng Ðạ Chais vẫn còn nghèo.

Cả xã hội quan tâm hỗ trợ, địa phương dồn sức đầu tư nhưng với xuất phát điểm quá thấp, cùng với nhiều khó khăn khách quan nên người dân thôn Ðông Mang - vùng rốn cách mạng của xã anh hùng Ðạ Chais vẫn còn nghèo.
 
Đa phần những ngôi nhà ở Đông Mang đều là nhà được hỗ trợ
Đa phần những ngôi nhà ở Đông Mang đều là nhà được hỗ trợ

Trở lại thôn anh hùng
 
Trong những cuốn sách ghi về lịch sử anh hùng của mảnh đất này có những dòng ghi rõ: Dân Đạ Chais hồi đó chỉ khoảng ba trăm năm chục người dân ở ba buôn là Đông Mang, Đạ Tro và Đưng Tpó. Hồi năm 1962, ba mươi cái nóc nhà của dân Đạ Chais đã phá ấp chiến lược, bỏ làng vào rừng sâu lập căn cứ kháng chiến. Từ đó đến khoảng năm 1975, có thêm 5 lần dời làng theo yêu cầu kháng chiến: để nuôi quân, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Cả vùng Đạ Chais già trẻ lớn bé đều theo cách mạng. Lớn thì vô du kích đánh giặc. Nhỏ thì theo mẹ lên nương lên rẫy làm ngô, làm lúa rẫy tiếp tế lương thực cho bộ đội… Tỉnh ủy Tuyên Đức và Huyện ủy Lạc Dương ngày trước cũng có một thời đứng chân trên địa bàn rừng núi Đạ Chais và luôn được lực lượng du kích ở đây bảo vệ an toàn. Chông và cạm bẫy của con trai, con gái Đạ Chais đã từng làm nên một tuyến bố phòng dài cả chục cây số khiến cho kẻ địch bao phen khiếp vía khi càn vào đây. Rồi, cũng những ngày ấy, dân Đạ Chais còn huy động cả làng đi dân công tải đạn, tải lương thực thực phẩm, hàng hóa và cả phục vụ thương binh…
 
Nhắc lại trang sử hào hùng của bà con Đạ Chais, Chủ tịch UBND xã Thân Văn Nghiên khẳng định thêm: “Ở xã anh hùng này, thôn Đông Mang gần như là vùng lõi, là cái nôi cách mạng. Song, hiện nay, Đông Mang lại là địa bàn xếp gần cuối trong 4 thôn của xã về tốc độ phát triển. Mặc dù xã đã tạo điều kiện hết sức, ưu tiên nhiều chương trình đầu tư so với các thôn, tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tuy vậy do xuất phát điểm thấp nên bà con vẫn còn nghèo lắm”.
 
Những ngôi nhà gắn biển
 
Đông Mang là thôn ít người nhất trong toàn xã với 48 hộ, trong đó có 35 hộ người DTTS. Toàn thôn hiện có 14 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Nói về cái nghèo ở Đông Mang, vị Chủ tịch xã này mở đầu bằng câu nói: “Đa số những căn nhà trong thôn đều là nhà có gắn biển”. Bởi đó là những căn nhà được xây nên từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 33 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, nhà từ Chương trình Đại đoàn kết, nhà do các đơn vị tổ chức hỗ trợ... 
 
Chị Dơng Gu Ka Li - Trưởng thôn Đông Mang nói rằng, tuổi thơ của cậu con trai chị hôm nay sung sướng, đủ đầy hơn nhiều so với tuổi thơ của mấy anh em chị - những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất Đông Mang này. Điểm trường được xây dựng ngay trung tâm thôn. Đường tới trường của các cháu được làm bê tông kiên cố, mưa cũng chẳng sợ sình lầy, không lo bẩn quần áo. Đông Mang được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều nên bộ mặt thôn cũng đổi thay rõ rệt. Nhưng người nữ trưởng thôn này cũng nhấn mạnh rằng: “Những lần đi tập huấn hay đi thăm bạn bè, người thân ở các xã lân cận mới thấy rằng đời sống bà con thôn Đông Mang mình còn nghèo lắm, thua xa ở Đa Nhim và không thể so sánh được với Đa Sar”.
 
Theo số liệu thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Đạ Chais đạt mức khoảng 30 triệu đồng/người/năm. “Con số này ở Đông Mang chắc chắn thấp hơn nhiều”, Chủ tịch UBND xã khẳng định. Và cũng như những thôn khác trong toàn xã, người dân Đông Mang chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Nếu như các thôn khác còn có sự xen canh các loại rau, hoa khác thì Đông Mang chỉ duy nhất một màu cà phê. Bởi thế từ 2015 tới nay, cây chủ lực này trải qua nhiều lần “sinh tử” như sương muối, dịch bọ xít muỗi, giá cà phê tụt giảm liên tục qua nhiều năm… khiến bà con càng thêm lao đao.
 
Theo lý giải của vị Chủ tịch UBND xã, việc Đông Mang còn nghèo một phần do xuất phát điểm của xã nói chung và Đông Mang nói riêng còn quá thấp. Cùng với đó, đặc thù của thôn, đất sản xuất không nhiều, địa hình có diện tích khá lớn đất là vùng trũng hoặc đất dốc không thể san ủi hay lấp đầy để sản xuất rau màu. Và hơn hết là hạn chế về vốn nên bà con Đông Mang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng khẳng định rằng nguyên nhân chủ quan vẫn là yếu tố quyết định việc cái nghèo còn tồn tại dai dẳng ở Đông Mang. Tư tưởng trông chờ ỷ lại, ngại đổi mới, sản xuất theo nếp cũ… khiến những nóc nhà ở Đông Mang vẫn “liêu xiêu vì nghèo”. 
 
“Không thể để Đông Mang nghèo mãi” là quyết tâm chung của Đảng bộ và chính quyền xã Đạ Chais. Bởi vậy địa phương này đã vào cuộc với quyết tâm cao nhất, nhằm từng bước sớm đưa thôn này nói riêng và toàn xã nói chung sớm thoát khỏi cái nghèo bền vững. Đạ Chais là địa phương thuộc diện xã 135, trong nhiều năm qua, những nguồn vốn hỗ trợ được phân bổ về Đạ Chais dành nhiều ưu tiên cho sự phát triển của Đông Mang. Cụ thể, năm 2017 đã có hơn 1 tỷ đồng được hỗ trợ đầu tư vào Đông Mang. Năm 2018, Đông Mang cũng là địa bàn được ưu tiên đầu tư phát triển. Đến nay cơ sở hạ tầng của thôn như điện, đường, công trình nước sạch… cơ bản được đảm bảo. 
 
Mặt khác, chính quyền địa phương đã nhận diện rõ nguyên nhân khiến cái nghèo còn tồn tại ở thôn nhỏ này. Đó là cơ sở để công tác tuyên truyền, vận động khuyến khích ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con được thực hiện đúng hướng. Cùng với đó, việc tập trung thực hiện đồng bộ hiệu quả các chính sách hỗ trợ dành cho địa phương nghèo; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tại địa phương thông qua việc xây dựng mô hình điểm, hỗ trợ nguồn cây, con giống; cán bộ địa phương cần đồng hành với người dân trong sản xuất, hỗ trợ tối đa về biện pháp kỹ thuật canh tác để dần hình thành thói quen sản xuất mới… sẽ là những bước đi đầu tiên cần thực hiện trong hành trình đưa Đông Mang thoát nghèo. 
 
Vẫn còn đó những khó khăn không dễ để thay đổi ở thôn nghèo Đông Mang, nhưng với niềm tin, sự trung kiên của người dân ở vùng căn cứ kháng chiến, của cái nôi cách mạng trong những năm tháng kháng chiến đấu tranh gian khổ nhất, hy vọng về một sự đổi thay sẽ đến sớm hơn trên mảnh đất này. 
 
N.NGÀ - H.YÊN