Ổn định cuộc sống cho phụ nữ nhập cư

10:10, 01/10/2018

Bằng việc thành lập các câu lạc bộ phụ nữ tạm cư, phụ nữ lập nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Ðà Lạt đang hướng đến mục tiêu "ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội"; đồng thời quan tâm, động viên tới đời sống tinh thần của những lao động nữ nhập cư trên địa bàn thành phố.

Bằng việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) phụ nữ tạm cư, phụ nữ lập nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Ðà Lạt đang hướng đến mục tiêu “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”; đồng thời quan tâm, động viên tới đời sống tinh thần của những lao động nữ nhập cư trên địa bàn thành phố.
 
Số lượng phụ nữ từ các tỉnh đến TP Đà Lạt làm việc ngày càng đông. Ảnh: H.T
Số lượng phụ nữ từ các tỉnh đến TP Đà Lạt làm việc ngày càng đông. Ảnh: H.T

Căn phòng trọ rộng khoảng hơn 10 m 2 ở Phường 11 (TP Đà Lạt) là nơi 3 mẹ con chị Hoàng Thị Yến Phượng sinh sống gần 5 năm nay. Từ ngày chồng mất, một mình chị Phượng cùng các con “nay đây mai đó” trên khắp nơi từ Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Lâm Đồng… Căn bệnh viêm xoang thường xuyên tái phát cũng buộc chị phải nghỉ công việc làm thuê tại các vựa rau, chuyển về phòng trọ làm nghề may vá, sửa quần áo. Thu nhập cũng bấp bênh, khi có, khi không. Từ tháng 6/2016, bên cạnh những nhọc nhằn của cuộc sống, chị Phượng có thêm niềm vui mới, đó là tham gia Câu lạc bộ “Phụ nữ lập nghiệp” - nơi sinh hoạt của các chị em là những người làm ăn xa quê trên địa bàn Phường 11. Chị Phượng chia sẻ: Ngoài mình ra còn có 5 người ở khu trọ này tham gia câu lạc bộ. Mỗi lần sinh hoạt được gặp mọi người, được nói chuyện, sẻ chia những nỗi niềm trong cuộc sống là mình phấn khởi lắm. Bao nhiêu năm đi tha phương cầu thực, có bao giờ được như thế này đâu.
 
Chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN Phường 11 cho hay, trong số 30 thành viên đang sinh hoạt tại CLB, hầu hết đã lập gia đình và đi làm thuê tại một số nhà vườn, công ty trong lĩnh vực nông nghiệp. CLB sẽ là nơi tập hợp chị em đi làm ăn xa, tạm trú tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ tại địa phương, tạo môi trường gần gũi, hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời, thu hút chị em tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, góp phần gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu dân cư văn hóa. 
 
Để chuẩn bị thành lập CLB, chị Hoa cùng một số cán bộ ở các chi hội phải tích cực đi khảo sát, nắm bắt tình hình tạm trú tại các khu trọ. Hầu hết chị em đang trong độ tuổi lao động nên nhiều người dù rất muốn tham gia nhưng lại phải đi làm cả ngày, không có nhiều thời gian dành cho phong trào hội. Nhiều người còn rụt rè, mang tâm lý tự ti nên chưa mạnh dạn tự nguyện tham gia cũng như góp ý xây dựng trong các buổi sinh hoạt. 
 
Còn tại Phường 3, theo thống kê của Hội LHPN, mô hình “Phụ nữ tạm cư sinh hoạt hội” được triển khai từ đầu năm 2018 hiện đã có 56 chị em tham gia. Tuy số lượng này khá nhỏ, chỉ bằng khoảng 25% phụ nữ đến nhập cư trên địa bàn nhưng bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của phụ nữ nhập cư đến các phong trào. Từ đó, nhiều hoạt động phù hợp đã được triển khai như: phụ nữ tạm cư giúp  nhau nuôi dạy con tốt, phụ nữ tạm cư giúp nhau phát triển kinh tế, phụ nữ tạm cư không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội… Nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao cũng nhận được sự tham gia tích cực của chị em phụ nữ nhập cư.
 
“Đây là mô hình thiết thực, tạo điều kiện để chị em phụ nữ được tham gia các hoạt động tại địa phương, làm phong phú hơn đời sống của mỗi cá nhân. Nhiều chia sẻ xúc động tại các buổi sinh hoạt vì lần đầu tiên các chị nhận được sự quan tâm của các tổ chức địa phương làm chúng tôi cũng phấn khởi và ấm lòng. Những điều này có thể mang giá trị vật chất nhưng nó là yếu tố tinh thần rất lớn”, chị Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN Phường 3 chia sẻ.
 
Chị Hoàng Nhật Lệ, Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Lạt cho biết, thời gian gần đây, số lượng phụ nữ nhập cư đến làm việc trên địa bàn thành phố ngày càng đông. Tuy nhiên, việc nắm bắt số lượng cụ thể gặp nhiều khó khăn, bởi với mục tiêu tìm kiếm một công việc có mức thu nhập cao thì nhiều người chỉ tạm trú ở địa phương một thời gian rất ngắn rồi nhanh chóng chuyển đi chỗ khác. Quá trình đi vận động cũng không thể tiếp cận hết do nhiều chị em đi làm liên tục. Việc vận động chị em tham gia các CLB, mô hình sinh hoạt phụ nữ tạm cư sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Nhà nước và quy định của địa phương. Và cần hơn hết là đội ngũ cán bộ tâm huyết với phong trào để từ đó xây dựng các chương trình hoạt động thiết thực, hỗ trợ quyền lợi của chị em một cách tốt nhất, góp phần thu hút đông đảo hội viên và đưa phong trào hội ngày càng phát triển.
 
HỒNG THẮM