
Ðể chống nước chảy tràn làm xói mòn vườn cà phê, ông Quý đã đào một con mương thoát nước sâu từ 0,6 - 0,8 m và kéo dài hơn 100 m ngay trên đất đường đi. Việc làm này đã khiến lòng đường bị thu hẹp và gây sạt lở ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa của hàng chục hộ dân.
Ðể chống nước chảy tràn làm xói mòn vườn cà phê, ông Quý đã đào một con mương thoát nước sâu từ 0,6 - 0,8 m và kéo dài hơn 100 m ngay trên đất đường đi. Việc làm này đã khiến lòng đường bị thu hẹp và gây sạt lở ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa của hàng chục hộ dân.
 |
Đoạn đường bị sạt lở do ông Nguyễn Thanh Quý đào mương thoát nước. Ảnh: H.Đ |
Theo phản ánh của người dân, hẻm 75 đường Tản Đà là tuyến đường liên thôn 6 và 7, xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc). Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 1,5 km, chiều rộng của đường từ 5,5 - 6 m. Vào đầu năm 2017, để chống nước mưa chảy tràn làm xói mòn vườn cà phê của gia đình mình phía dưới, ông Nguyễn Thanh Quý (ngụ Thôn 6, xã Đam B’ri) đã thuê máy múc đào một con mương dài hơn 100 m ngay trên phần đất đường đi. Theo thời gian, mương nước bị xói mòn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng tới việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Theo ghi nhận tại hiện trường, hiện mương thoát nước do ông Quý đào trước đây đã bị xói mòn sâu từ 0,6 - 0,8 m, có những đoạn sâu đến 1 m.
Bà Trịnh Thị Quỳnh Lưu (ngụ Thôn 6, xã Đam B’ri) phản ánh: “Trước đây, suốt cả con đường này đều rộng từ 5,5 - 6 m, tất cả đều được người dân trồng cây phân định đất vườn và đường đi rõ ràng. Vậy mà vì lợi ích cá nhân, ông Quý đã thuê máy múc về đào 1 con mương kéo dài hơn cả 100 m. Ngày ông Quý mới đào mương, người dân chúng tôi không tán thành nên đã góp ý nhưng ông ấy không nghe mà vẫn cứ đào. Hơn 40 hộ dân đi trên tuyến đường này, ai cũng bức xúc nhưng nghĩ hàng xóm với nhau nên chúng tôi cho qua”.
Ông Đoàn Anh Thông (ngụ tại Thôn 7, xã Đam B’ri) cho biết: “Việc ông Quý đào mương thoát nước không chỉ làm thu hẹp đường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Hiện nay, suốt cả tuyến đường dài gần 1,5 km đều rộng rãi, thoáng đãng. Riêng đoạn qua phần đất ông Quý là bị bó hẹp và đã xuất hiện 3 điểm sạt lở; trong đó, có 1 điểm sạt lở kéo dài cả 8 - 10 m ăn sâu vào tim đường rất nguy hiểm. Cách đây hơn 1 tuần, xe máy cày chở phân vào vườn cà phê đã bị lật ngay tại điểm sạt lở này. Do đường bị sạt lở nên giờ đây chỉ có xe máy mới qua lại được, còn ô tô, máy cày là chịu thua. Vì quá bức xúc, chúng tôi đã gặp ông Quý để nói chuyện thì ông ấy trả lời thiếu trách nhiệm: “Mương tôi đào lâu rồi, giờ sạt lở là do thiên tai. Nếu bà con muốn kiện cáo gì thì cứ lên gặp xã mà giải quyết”. Chúng tôi mong rằng, cơ quan chức năng vào xem xét, tìm hiểu sự tình để trả lại công bằng cho bà con”.
Theo người dân nơi đây, còn khoảng 1 tháng nữa là vào mùa thu hoạch cà phê nên chính quyền địa phương cần nhanh chóng kiểm tra đo vẽ, xác định lại ranh giới đường đi; đồng thời, có biện pháp yêu cầu ông Quý san lấp lại mương thoát nước. Khi mặt đường được trả lại hiện trạng, bà con sẽ đóng góp kinh phí xây dựng bờ kè nhằm đảm bảo an toàn cho xe cộ qua lại trong mùa thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch UBND xã Đam B’ri cho biết: “Sáng nay, chúng tôi mới nhận được phản ánh của người dân về vụ việc này. Hiện, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ thôn xuống tận hiện trường để xác minh vụ việc. Đầu tuần này, chúng tôi sẽ cử cán bộ địa chính xuống để đo vẽ lại ranh giới con đường. Nếu ông Nguyễn Thanh Quý đào mương lấn vào đường đi làm sạt lở gây ảnh hưởng tới bà con thì xã sẽ yêu cầu ông Quý khắc phục trả lại hiện trạng và có biện pháp xử lý theo quy định”.
HẢI ÐƯỜNG