Ðể ngăn chặn dịch tả heo châu Phi từ xa

09:09, 14/09/2018

Không có văcxin phòng bệnh, dịch tả heo châu Phi (ASF) hiện đang bùng phát tại Trung Quốc làm tiềm ẩn nguy cơ lây lan sang đàn heo tại Việt Nam. Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã có công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các biện pháp ngăn ngừa dịch, trong đó có tỉnh Lâm Ðồng.

Không có văcxin phòng bệnh, dịch tả heo châu Phi (ASF) hiện đang bùng phát tại Trung Quốc làm tiềm ẩn nguy cơ lây lan sang đàn heo tại Việt Nam. Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các biện pháp ngăn ngừa dịch, trong đó có tỉnh Lâm Ðồng.
 
Người chăn nuôi heo tại Lâm Đồng luôn nâng cao cảnh giác trước dịch tả heo châu Phi bùng phát tại Trung Quốc. Ảnh: C.Thành
Người chăn nuôi heo tại Lâm Đồng luôn nâng cao cảnh giác trước dịch tả heo châu Phi bùng phát
tại Trung Quốc. Ảnh: C.Thành

Chủ động phòng ngừa
 
Dù dịch tả ASF đang xảy ra tại Trung Quốc, cách xa Lâm Đồng hàng ngàn km nhưng ông Trần Văn Tâm (50 tuổi, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng) không khỏi lo lắng cho đàn heo gia đình. Hiện hộ ông Tâm có tổng đàn gần 500 con heo, trong đó có 120 con heo thịt chuẩn bị tới thời điểm xuất chuồng. “Giá heo mới lên được không lâu giờ dịch tả ASF tại Trung Quốc hoành hành, báo đài cảnh báo liên tục mình cũng thấy lo lắng. Chỉ cần Việt Nam có một vài ổ dịch, không phải ở tỉnh mình thì là giá heo sẽ giảm ngay” - ông Tâm bất an.
 
Để phòng ngừa từ xa, hiện ông Tâm đang tăng cường mua thêm máy bơm cao áp để phun khử trùng đàn heo, tiêm văcxin phòng các loại bệnh thông thường theo đúng thời gian và theo dõi đàn heo kỹ lưỡng hơn bình thường.
 
Còn ông Hoàng Văn Trường (xã Bình Thạnh), hộ có tổng đàn 200 con heo thịt, nhà gần gia đình ông Tâm cho hay, do dịch tả ASF rất dễ lây lan, nên mặc dù ở rất xa nơi dịch bùng phát thì phòng ngừa, cẩn thận tiêu độc khử trùng chuồng trại cũng không thừa. Hằng ngày, ông Trường vẫn tranh thủ cập nhật thông tin dịch tả liên tục hay nghe khuyến cáo từ cơ quan chức năng để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
 
Tương tự, các hộ chăn nuôi heo hộ gia đình, các trang trại chăn nuôi heo có tổng đàn lớn cũng không khỏi bất an về dịch tả trên heo nhiều tuần nay. Bà Nguyễn Thị Như (55 tuổi, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), hộ gia đình có thâm niên 8 năm nay nuôi heo theo hình thức ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P) theo mô hình trang trại hở cho biết: Công ty C.P đã gửi các tờ rơi hướng dẫn các bước phòng dịch bệnh. Còn tại trang trại, gia đình cũng làm theo khuyến cáo từ C.P phun độc khử trùng 2 ngày/lần, cách ly tốt các nguồn lây bệnh khỏi khu vực chăn nuôi. 
 
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (CNTY&TS) - Sở NN&PTNT Lâm Đồng, tính đến hết tháng 5/2018, tổng đàn heo trên địa bàn có 477.955 con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017. Ông Nguyễn Đức Hưng - Chi cục trưởng Chi cục CNTY&TS nhận định, mặc dù không phải địa phương giáp biên giới Trung Quốc hay có tổng đàn heo lớn như Bình Dương, Đồng Nai… nhưng Sở NN&PTNT Lâm Đồng đang chủ động phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền tới người nuôi heo cũng như tăng cường công tác ngăn chặn từ xa trước nguy cơ dịch tả nguy hiểm có thể lây lan bất cứ khi nào. 
 
Không ảnh hưởng đến người
 
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả ASF vào Việt Nam. Trong công điện, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh dịch tả ASF hiện trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch, nên biện pháp chính yếu vẫn là phòng bệnh, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ chưa lây lan. Các biện pháp khác như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển heo và chăn nuôi an toàn sinh học cần phải được áp dụng triệt để. Ngoài ra, dịch tả ASF không ảnh hưởng tới sức khỏe con người nên người dân có thể an tâm trong trường hợp lỡ ăn phải nguồn heo nhiễm bệnh cũng “không ảnh hưởng tới sức khỏe”.
 
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1/8/2018, bệnh dịch tả ASF lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Theo thống kê, từ ngày 3/8 tới 7/9, Trung Quốc đã phát hiện 11 ca bệnh tại 6 tỉnh, tiêu hủy hơn 40.000 con heo. Và từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia trên thế giới được ghi nhận xuất hiện ổ dịch tả ASF. Bộ NN&PTNT khuyến cáo vi rút ASF có sức đề kháng cao trong môi trường tự nhiên nhưng trong môi trường axit (pH­=5,3) chúng chỉ tồn tại không quá 1 phút. Các chất khử trùng truyền thống như formol 1,5-2%, NaOH 3-4%, nước vôi 20% đều có khả năng tiêu diệt vi rút cường độc; các hoạt chất iodine, benzalkonium, B.K.Vet, Virkon.S đều có thể sử dụng để khử trùng tiêu độc. 
 
Ông Nguyễn Đức Hưng cho rằng, hiện đàn heo xấp xỉ nửa triệu con tại Lâm Đồng có mức độ nguy cơ lây nhiễm dịch tả ASF thấp hơn nhiều lần so với các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, trước sự nguy hiểm của vi rút ASF, đặc biệt là việc thế giới chưa có thuốc đặc trị nên công tác phòng ngừa, khử trùng mầm mống vi rút đang được ngành triển khai nghiêm túc. Cán bộ thú y trong tỉnh đã được phổ biến các biện pháp phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, xử lý kịp thời các ổ dịch (nếu có xảy ra). Về công tác phòng chống dịch bệnh, Sở NN&PTNT đã hoàn thành các thủ tục mua văcxin, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật đợt 1 và 2 năm 2018 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Riêng với đàn heo, đơn vị đã phân bổ 172.410 liều văcxin tới các hộ nuôi heo trên địa bàn.
 
C.PHONG