
Nhằm tăng cường hợp tác hữu nghị giữa các nước với tỉnh Lâm Ðồng, kêu gọi đầu tư của kiều bào đến Lâm Ðồng, tỉnh cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, để thực sự phát huy nguồn lực từ 45 ngàn kiều bào Lâm Ðồng tại các nước trên thế giới, góp phần phát triển cùng địa phương, phóng viên đã có buổi phỏng vấn nhanh các kiều bào về những ưu thế và những tồn tại, hạn chế trong thu hút đầu tư.
Nhằm tăng cường hợp tác hữu nghị giữa các nước với tỉnh Lâm Ðồng, kêu gọi đầu tư của kiều bào đến Lâm Ðồng, tỉnh cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, để thực sự phát huy nguồn lực từ 45 ngàn kiều bào Lâm Ðồng tại các nước trên thế giới, góp phần phát triển cùng địa phương, phóng viên đã có buổi phỏng vấn nhanh các kiều bào về những ưu thế và những tồn tại, hạn chế trong thu hút đầu tư. Ðặc biệt là thu hút đầu tư trong du lịch, dịch vụ giải trí và được các kiều bào chia sẻ những suy tư, tâm huyết. Xin lược thuật một số ý kiến tiêu biểu.
ÔNG NGUYỄN NGỌC MỸ - Kiều bào Úc, Chủ tịch Tập đoàn VABIS, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài
Tôi thấy ở Đà Lạt không thiếu một yếu tố gì hết để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tôi nghĩ, Lâm Đồng nói chung, thành phố Đà Lạt nói riêng không nên đi theo cách mà thành phố Hồ Chí Minh đã làm và đang làm. Đà Lạt hãy đi sâu vào những thế mạnh sẵn có như ưu đãi từ thiên nhiên về độ cao, khí hậu, không khí mát lành. Đứng ở Đà Lạt tôi được hít thở làn không khí trong lành để thấy người rất nhẹ nhõm, đó là cái mà nơi khác không có được. Bởi chỉ khi con người có tiền, có đầy đủ vật chất rồi mới biết quý sức khỏe. Khi đó, Đà Lạt chính là điểm đến để hút khách nghỉ dưỡng nâng cao sức khỏe, tuổi thọ. Nhưng thực tế hiện nay đặt ra câu hỏi đó là dịch vụ du lịch của Đà Lạt đã làm hài lòng du khách hay chưa? Có một bộ phận lớn du khách họ phải sắp xếp thời gian để được lên Đà Lạt vào dịp lễ, tết. Thế nhưng, cách làm hiện nay của Đà Lạt lại gây quá tải với khách. Các lễ hội, sự kiện lớn lại được tổ chức vào dịp lễ. Theo tôi, nên điều chỉnh lại dịch vụ để 365 ngày trong năm đều là lễ hội cho du khách. Cần có cách làm lại về du lịch cho thật bài bản, thực sự có màu sắc riêng. Muốn vậy, Đà Lạt cần hội tụ được những nhà tư tưởng lớn về sự phát triển tổng thể cho Đà Lạt, không nên phó mặc cho những nhà chuyên gia kinh tế, chuyên gia văn hóa hay thả nổi cho các nhà đầu tư muốn làm gì thì làm, sẽ làm mất đi vẻ “hiếm có” của Đà Lạt.
ÔNG DANNY VÕ THÀNH ÐĂNG - Kiều bào Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài
Tôi từng có thời gian sống và làm việc tại Singapore, đã từng xây dựng tư vấn về chiến lược phát triển thương hiệu, đào tạo kỹ năng phát triển thương hiệu. Trong đó, vấn đề lớn nhất vẫn là con người. Tại Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt có rất nhiều thế mạnh, ưu đãi từ thiên nhiên. Nhìn sang Singapore, nước bạn không có được thế mạnh như Đà Lạt, không có được những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như Lâm Đồng nhưng tại sao họ lại thu hút rất đông khách đến tham quan, tại sao du khách rất hài lòng khi đến Singapore? Câu trả lời chính là ở yếu tố con người. Tôi đã đến Đà Lạt nhiều lần, đã có duyên với Đà Lạt thông qua nhiều dự án như dự án xây dựng thương hiệu của Dalatmilk. Tôi có tham gia tư vấn vào các Hội Nông dân về trồng cà phê tại Đà Lạt. Đến Đà Lạt lần này chúng tôi đang lắng nghe các chính sách về thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng như thế nào. Qua đó, chúng tôi đang muốn tập trung đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực cho thành phố Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Làm sao để cho những người nông dân, những người làm nghề nhận biết tốt hơn về thương hiệu; các chủ doanh nghiệp được tiếp cận, cởi mở hơn để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp của mình. Để các chuyên gia, nhà trí thức, nhà quản lý được tiếp cận với những tư duy mới về phát triển thương hiệu để có những thay đổi tích cực hơn. Tôi thấy, các nhà lãnh đạo đều rất muốn cho thành phố phát triển, tuy nhiên phát triển như thế nào và bắt đầu từ đâu đó chính là mấu chốt. Nên xây dựng về thương hiệu, trong đó có 3 vấn đề cần lưu ý, ví dụ như hiện nay tỉnh và thành phố Đà Lạt làm đó là cách xây dựng thương hiệu điểm đến “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tổ chức cũng cần có thương hiệu và phải được kết nối với thương hiệu điểm đến đã được lan tỏa. Tiếp theo là phát triển thương hiệu cá nhân. Ba yếu tố này phải cộng hưởng với nhau và cùng phát triển. Tôi rất thích Đà Lạt và qua nghiên cứu, tôi rất mong được đầu tư về mảng dịch vụ khách sạn tại Đà Lạt. Mong có nhiều mảng dịch vụ du lịch Đà Lạt sẽ được nâng cao về chất lượng. Trong đó, đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ nhân viên dịch vụ khách sạn hội đủ chuẩn quốc tế là điều tôi rất mong muốn. Làm thế nào để khách không thể đến Đà Lạt một lần mà phải là lần hai, lần ba và nhiều lần khác nữa, thậm chí khách còn giới thiệu cho người khác cùng đến Đà Lạt - đây là yếu tố rất quan trọng.
 |
Kiều bào về thăm mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt. Ảnh: Đ.K |
GIÁO SƯ - TIẾN SĨ TRẦN HẢI LINH - Kiều bào Hàn Quốc - Ủy viên UBTWMTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Hàn Quốc
Tôi đã đến Đà Lạt nhiều lần, và sau 10 năm trở lại tôi nhận thấy Đà Lạt - Lâm Đồng có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thế mạnh của Lâm Đồng hiện nay chính là về phát triển du lịch và phát triển các sản phẩm nông sản Đà Lạt. Việc kết nối sản phẩm phát triển du lịch giữa các nước hiện nay là rất quan trọng và đang còn yếu. Sân bay Liên Khương đang mới chỉ dừng lại là sân bay quốc nội, chưa phải là sân bay quốc tế - điều này sẽ là bất lợi cho du lịch Đà Lạt, khi du khách thế giới đặc biệt là du khách Hàn Quốc mong muốn đến Đà Lạt nghỉ dưỡng thì lại phải transit - quá cảnh qua nước khác mới đến được Đà Lạt. Là Giám đốc đại diện Vietjet air tại Hàn Quốc, nên trong năm 2017 chúng tôi cũng đã tham vấn xúc tiến đường bay từ đảo JeJu - Hàn Quốc đến Đà Lạt và ngược lại. Tôi nghĩ, phía tỉnh nên phối hợp hơn nữa với các nước sở tại để thu hút khách trực tiếp từ Hàn Quốc qua Sân bay Liên Khương - Đà Lạt. Muốn vậy, phải có các dịch vụ đi kèm thu hút khách như dịch vụ đánh Golf, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Nhưng để gói du lịch hoàn chỉnh thì nên phối hợp giữa các nước sở tại với ngành du lịch Lâm Đồng để ngày càng có nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác vào Lâm Đồng. Tôi thấy, du khách đang rất cần những dịch vụ giải trí về đêm ở Đà Lạt vì nó chưa phát triển mạnh, chưa lấy hết tiền và thời gian của khách sau khi kết thúc kỳ nghỉ, đây là điểm rất lãng phí. Cần có những trung tâm mua sắm chất lượng cao làm hài lòng khách. Rất nhiều sản phẩm thế mạnh như trà, cà phê Lâm Đồng sẵn có nhưng lại chưa xuất khẩu được sang Hàn Quốc. Trong khi đó, riêng năm 2017, Hàn Quốc đã tiêu thụ 10 tỷ USD cho cà phê, chủ yếu là cà phê thô. Muốn xuất khẩu được sang thị trường lớn đòi hỏi sản phẩm phải đạt chuẩn quốc tế. Việc định hướng tạo liên kết chuỗi tuần hoàn chặt chẽ để thúc đẩy du lịch, nông sản hàng hóa của Lâm Đồng là điều cần thiết mà Lâm Đồng đang xúc tiến mạnh.
ĐỨC KHIÊM (thực hiện)