Nâng cao nhận thức của người dân về hôn nhân cận huyết thống

08:09, 28/09/2018

Là địa phương có trên 85% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, xã Ða Nhim (huyện Lạc Dương) vẫn nằm trong 15 xã thuộc 12 huyện, thành của tỉnh còn tình trạng tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương có số trường hợp thấp nhất trong số 15 xã. Chính quyền nơi đây đang đẩy mạnh việc tuyên truyền và vận động người dân, với mong muốn từng bước xóa bỏ hẳn hủ tục này.

Là địa phương có trên 85% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, xã Ða Nhim (huyện Lạc Dương) vẫn nằm trong 15 xã thuộc 12 huyện, thành của tỉnh còn tình trạng tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương có số trường hợp thấp nhất trong số 15 xã. Chính quyền nơi đây đang đẩy mạnh việc tuyên truyền và vận động người dân, với mong muốn từng bước xóa bỏ hẳn hủ tục này.
 
Việc xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống góp phần xây dựng một thế hệ tương lai được phát triển khỏe mạnh. Ảnh: V.Q
Việc xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống góp phần xây dựng một thế hệ tương lai được phát triển khỏe mạnh. Ảnh: V.Q

Đến bây giờ, sau 3 năm, bà Kon Sơ Thi Na (thôn Liêng Bông) vẫn còn nhớ cái ngày bà phải đấu tranh tâm lý giữa việc giữ lại tục lệ bao đời của gia đình là cho con gái mình lấy con trai của anh trai, với việc nghe lời các chị trong hội phụ nữ xã và thôn, hủy bỏ cuộc hôn nhân ấy. Suốt nhiều đêm ròng rã, đêm nào các chị trong Hội cũng đến tìm gặp, giải thích cho bà biết hôn nhân cận huyết sẽ gây ra hậu quả như thế nào, cháu bà sinh ra sẽ khổ ra sao. Cuối cùng, bà cũng quyết định hủy cái đám cưới đã chuẩn bị sẵn. Và bây giờ, sau 3 năm, khi con gái bà đã lập gia đình với một người ngoài dòng họ, bà bảo rằng mình không hề hối hận. 
 
Câu chuyện của gia đình bà Thi Na chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp hôn nhân cận huyết thống xảy ra ở xã Đa Nhim - nhưng là của cách đây rất nhiều năm về trước. Khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm đáng kể. Nhất là từ năm 2015, khi Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ không có hôn nhân cận huyết” được thành lập tại thôn Liêng Bông với 35 thành viên.
 
Sau 3 năm, hiện CLB đã có 45 thành viên, sinh hoạt đều đặn 3 tháng một lần. Ngoài ra, thông qua các buổi sinh hoạt thôn, xóm, các nội dung về Luật Hôn nhân & Gia đình, sức khỏe sinh sản cũng được lồng ghép khéo léo để bà con tiếp thu dễ dàng. Các thành viên tham gia sinh hoạt CLB được tuyên truyền, giải thích về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống.
 
Theo chị Đa Rối K’Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đa Nhim: Người đồng bào dân tộc thiểu số vốn chỉ tin vào những điều mắt thấy tai nghe. Chính vì vậy, khi tuyên truyền, CLB thường đưa ra những hình ảnh và dẫn chứng cụ thể. Người dân phải được thấy tận mắt hậu quả của hôn nhân cận huyết thì những lời nói của Hội mới có sức thuyết phục.
 
Những ngày đầu mới thành lập, không ít các thành viên trong CLB vẫn còn mặc định suy nghĩ hôn nhân cận huyết thống là nếp sinh hoạt bao đời nay phải được giữ lại. Nhưng sau một thời gian được tìm hiểu, rất nhiều chị đã rút lại ý định. Bởi họ sợ khi con cháu của mình sinh ra lại phải khổ như vợ chồng chị Cil Yũ K’Đao mà các chị em trong hội phụ nữ vẫn hay nhắc đến - vì là con cô lấy con cậu mà giờ con trai của họ đã 5 tuổi vẫn không biết nói, và ngờ nghệch so với những đứa trẻ đồng trang lứa.
 
Sau 3 năm hoạt động, tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở thôn Liêng Bông nói riêng và xã Đa Nhim hầu như không còn. Mà theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đa Nhim Kơ Să K’Kim là nhờ 2 lý do. Thứ nhất, nhận thức của người dân dần được thay đổi sau một thời gian dài chính quyền kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích. Thứ hai, lớp trẻ hôm nay được học hành đầy đủ, có tri thức nên hiểu biết rõ hơn về hậu quả của hôn nhân cận huyết. Thế nên, có nhiều trường hợp, mặc dù bố mẹ vẫn có ý định cho con cô con cậu lấy nhau nhưng tự thân người trẻ biết dùng kiến thức và lý lẽ để thuyết phục ngược lại bố mẹ.
 
Trước đây, đã từng có 10 năm công tác hội phụ nữ, chị K’Kim đã quen với những buổi tối tranh thủ ghé từng nhà để tuyên truyền và thuyết phục mỗi khi biết được thông tin gia đình nào có ý định cho con cái tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống. “Bằng những lời thật dễ hiểu, dễ nhớ, rằng cho con cô lấy con cậu thì sẽ không được chính quyền làm giấy đăng ký kết hôn, các cháu sinh ra cũng sẽ không được làm giấy khai sinh, không được đi học, dễ mắc bệnh, chậm phát triển,... Vậy mà bà con biết sợ rồi cũng nghe theo, làm theo, mặc dù để họ chấp nhận thì cần nhiều thời gian và cũng không dễ dàng gì” - chị K’Kim chia sẻ.
 
Đồng chí Tạ Đức Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Đa Nhim cho biết:  Từ năm 2008, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống. Từ đó đến nay, điều quan trọng và dễ thấy nhất là sự thay đổi trong nhận thức của người dân. Bản thân người dân đã thấy rõ hậu quả và nhận thức được cần phải thay đổi, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Bên cạnh đó, việc tập huấn nâng cao kỹ năng, tuyên truyền, vận động, tư vấn, truyền thông cho cán bộ từ xã đến thôn về những vấn đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS cũng được chú trọng. Nhờ đó mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.
 
Theo chị K’Xuân, hội phụ nữ đặc biệt chú trọng việc thường xuyên tổ chức sinh hoạt chi, tổ hội, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút hội viên tham gia vào hội. Tiếp tục phối hợp với Ban Tư pháp xã và các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống. Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã triển khai trong toàn xã, với mục tiêu chấm dứt hẳn hủ tục này. 
 
VIỆT QUỲNH