Người Ðạ Long giữ rừng

09:09, 11/09/2018

Bao đời nay người dân Ðạ Long (Ðam Rông) vẫn thế, yêu rừng, sống nương tựa vào rừng. Và hôm nay họ còn là lực lượng chính bảo vệ rừng. Với họ "Rừng còn, buôn làng còn"…

Bao đời nay người dân Ðạ Long (Ðam Rông) vẫn thế, yêu rừng, sống nương tựa vào rừng. Và hôm nay họ còn là lực lượng chính bảo vệ rừng. Với họ “Rừng còn, buôn làng còn”…
 
Giữ rừng như mệnh lệnh không lời từ trái tim của người dân Đạ Long
Giữ rừng như mệnh lệnh không lời từ trái tim của người dân Đạ Long

Rừng là báu vật
 
Diện tích đất tự nhiên của Đạ Long là trên 6.400 ha. Trong đó, đất ở và đất sản xuất chỉ chiếm khoảng 1.000 ha, còn lại tất cả là rừng. 
 
Trước đây, khi chọn đất lập nghiệp, người dân luôn quan niệm ở đâu có rừng, có dòng sông, khe suối thì buôn làng mới tồn tại và phát triển vững bền được. Và nay cũng vậy, người Đạ Long vẫn chọn quần cư dọc suối. Bởi thế, dọc hai bên con suối Đak Tông nước chảy đêm ngày là nơi bao đời những mái nhà người Cil nơi này quần tụ. Và bao bọc quanh các buôn làng vẫn là rừng. Rừng như vòng tay mẹ chở che, ôm ấp buôn làng. 
 
Đời sống người dân lâu nay đã gắn với rừng. Trong những câu chuyện với chúng tôi, ông Dơng Gur Ha Jak - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long, người sinh ra, lớn lên và công tác trên chính mảnh đất này vẫn nhắc đi nhắc lại về những tháng ngày mà Đạ Long còn thuộc Lạc Dương, bà con sống dựa vào rừng. Rừng không chỉ ấp ôm những mái nhà mà còn là nơi cứu đói người dân trong những mùa giáp hạt với cái đói đầy ám ảnh khi mà lúa rẫy chẳng đủ kéo dài để đợi đến mùa sau. Bà con ngày ấy chủ yếu ăn “lộc rừng” bằng cách khai thác lâm sản phụ, bắt cá suối, thú rừng, tìm lan, sâm đất, mây… để đổi gạo. 
 
Với người dân nơi này, rừng là máu thịt, là thần hộ mệnh giúp bà con vượt qua đói khát, bệnh tật. Rừng cho bà con cái ăn, cho cây thuốc chữa bệnh mỗi khi thất bát, bệnh tật nên từ khi còn nhỏ, trẻ đã được dạy rằng “rừng là báu vật”.
 
Bởi thế, trong ý thức, bà con nơi đây không xem rừng là thứ tài nguyên để khai thác, mua bán. “Họ xem rừng như người thân yêu ruột thịt của mình. Với họ, rừng là của chung, bà con bảo vệ rừng vì cái chung cho cả cộng đồng. Họ luôn trân trọng rừng, tôn thờ thần rừng, nhất là rừng thiêng, rừng đầu nguồn, rừng có nghĩa địa và nhiều cây thuốc chữa bệnh cho dân làng…”, ông Ha Jack khẳng định.
 
Rừng còn, buôn làng còn
 
Hàng chục năm trước, cộng đồng người Cil ở đây sống nhờ khai thác sản vật của rừng. Giờ đây, khi nhận thức được tầm quan trọng của rừng, họ đã chủ động nhận quản lý, bảo vệ rừng và được nhận tiền từ dịch vụ chi trả môi trường rừng hằng năm. Theo thống kê, Đạ Long hiện có trên 600 hộ dân (95% dân số là người DTTS), nhưng hiện có 80% số hộ dân trong xã nhận giao khoán và bảo vệ rừng. 
 
Bí thư Đảng ủy xã Trương Văn Sáng khẳng định chắc nịch: “Một trong những nguồn quan trọng giúp người dân thoát đói chính là nhận khoán và bảo vệ rừng. Bình quân 1 hộ có thêm nguồn thu từ 15 - 24 triệu đồng/năm tùy vào diện tích nhận khoán bảo vệ. Riêng với nguồn thu này đã đảm bảo đủ lương thực cho cả năm. Bởi thế, đói là chuyện đã chấm dứt hoàn toàn, chỉ còn vấn đề nghèo thôi”.
 
Hiện nay, người dân ở đây nhận khoán bảo vệ rừng thuộc quản lý của 3 đơn vị gồm: Vườn Quốc gia Yangsin, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sêrêpôk.
 
Trên địa bàn xã Đạ Long hiện có 3 trạm quản lý, bảo vệ rừng của 3 đơn vị. Trong đó, Trạm Quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpôk nằm cách UBND xã Đạ Long chừng 30 m. Đơn vị này hiện giao khoán cho 147 hộ dân của Đạ Long nhận khoán và bảo vệ diện tích 2.693 ha, trong số đó có hộ nhận khoán và bảo vệ lên đến 30 ha.
 
Nhiều người già ở Đạ Long vẫn dạy con cháu rằng “Tổ tiên đã gìn giữ rừng từ bao đời nay. Nay Nhà nước lại cho chúng ta tiền, cho chúng ta gạo để tiếp tục giữ rừng. Vậy nên ai cũng phải ra sức giữ rừng”. Bởi vậy, giữ rừng như mệnh lệnh không lời từ trái tim đối với người dân Đạ Long. Theo đánh giá của cán bộ Trạm QLBVR Đạ Long: “Được hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân ở đây tự nhắc nhở nhau bảo vệ diện tích rừng đã nhận khoán. Dưới sự hướng dẫn đồng hành của cán bộ các ban quản lý rừng, các hộ dân được chia thành nhiều tổ, thay phiên nhau đi tuần tra kiểm soát rừng và triển khai nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép…”. 
 
Có rất nhiều cách thức và nhiệm vụ trong thực hiện công tác QLBVR, nhưng ông Rơ Ông Ha Ris (Thôn 2, xã Đạ Long), Tổ trưởng Tổ nhận khoán QLBVR 108 ha tại Tiểu khu 64 chỉ điểm sơ qua: Cách duy nhất để đi kiểm tra rừng là đi bộ, len lỏi dưới tán rừng để nắm rõ từng tiểu khu, từng khoảnh rừng mà gia đình mình nhận khoán. Mỗi chuyến đi của bà con thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày, do vậy phải chuẩn bị sẵn đủ thứ, nào là muối, mì tôm, cá khô… để qua đêm trong rừng. Vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao, bà con thường bắt đầu chuyến tuần tra rừng khi trời chưa tỏ mặt người, đến khi thấy ánh mặt trời đứng bóng mới dừng chân nghỉ ngơi, bắt đầu bữa trưa vội vã được gói ghém sẵn trong gùi. Mùa khô, ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát rừng, bà con còn dọn dẹp thực bì và phòng, chống cháy rừng. 
 
Và nhờ tai mắt nhân dân mà cơ quan chức năng đã ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ phá rừng. Tại Hội nghị cán bộ chủ chốt trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH (khóa XIV) đơn vị tỉnh Lâm Đồng tỏ rõ quan điểm: Tỷ lệ phá rừng do bà con DTTS hoàn toàn không cao. Có chăng chỉ là một vài diện tích nhỏ lẻ để canh tác. Phá rừng diện tích, quy mô lớn là do tác nhân khác. Đối với bà con DTTS, văn hóa và tiềm năng kinh tế của họ không cho phép họ tác động lớn làm ảnh hưởng đến quy mô rừng.
 
Bao năm qua, mỗi lần về với Đạ Long, câu chuyện về làm ăn kinh tế của người dân địa phương mỗi lần có thay đổi một chút nhưng vẫn không rời được bóng rừng. Với người dân nơi này “rừng là báu vật”. Có lẽ đó là lý do mà người dân nơi này không bao giờ phá rừng. 
 
H.YÊN - N.NGÀ