
UBND tỉnh vừa làm việc với Sở Y tế về nội dung thực hiện "Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn" của Bộ Y tế và chỉ đạo triển khai hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh, tăng cường quản lý kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.
UBND tỉnh vừa làm việc với Sở Y tế về nội dung thực hiện “Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn” của Bộ Y tế và chỉ đạo triển khai hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh, tăng cường quản lý kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng sinh ở các cơ sở bán lẻ thuốc vùng nông thôn và thành thị cho thấy: Nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn chiếm 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn. Kháng sinh đóng góp 13,4% ở thành thị và 18,7% ở nông thôn trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc; việc bán thuốc kê đơn mà không có đơn còn phổ biến. Hiện nay, vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, đáng báo động, nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.
Việc ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc sẽ thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như: nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng… Các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như: chức năng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc, đưa ra cảnh báo khi thuốc sắp hết hạn, tiếp nhận kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý (thông tin thuốc bị thu hồi, thuốc không đạt chất lượng…). Cơ quan quản lý Dược nắm bắt được toàn bộ đường đi của thuốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu cho đến tay người tiêu dùng, giảm hồ sơ giấy tờ báo cáo, đảm bảo thu hồi triệt để thuốc khi thuốc bị thu hồi bắt buộc, kiểm soát giá cả, nguồn gốc xuất xứ của thuốc, ngăn chặn tình trạng bán thuốc phải kê đơn không đúng quy định; phân tích được dữ liệu sử dụng thuốc ở các địa bàn, chỉ đạo luân chuyển thuốc kịp thời khi có dịch bệnh.
Theo BS Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, qua khảo sát thực trạng các cơ sở hành nghề dược trên địa bàn tỉnh, hiện có 770 cơ sở, gồm: 6 công ty, 5 chi nhánh, 169 nhà thuốc, 584 quầy thuốc; 6 cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Trong đó: 1 công ty đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” GMP; 1 công ty đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP, tiêu chuẩn Thực hành tốt bảo quản thuốc GSP, Thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc GLP, tiêu chuẩn Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc GDP; 4 công ty và 5 chi nhánh công ty đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc” GDP; có 728/759 nhà thuốc, quầy thuốc và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt Cơ sở bán lẻ thuốc GPP.
Số lượng cơ sở bán lẻ thuốc tương đối nhiều, phân bố cơ bản rộng khắp các huyện, thành phố trong tỉnh đã góp phần đảm bảo cung ứng đầy đủ và kịp thời thuốc cho người dân trên địa bàn. 100% các nhà thuốc đã được kết nối đầy đủ internet, tuy nhiên, tỷ lệ kết nối internet tại các cơ sở hành nghề là quầy thuốc còn thấp (15,7%). Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng phần mềm quản lý thuốc còn thấp (nhà thuốc: 25,67%, quầy thuốc: 7,86%). Qua khảo sát, có 17 phần mềm quản lý thuốc được các nhà thuốc, quầy thuốc sử dụng và các phần mềm được các cơ sở sử dụng chưa đồng nhất, chưa kết nối với nhau thành hệ thống (chủ yếu các cơ sở tự mua và sử dụng một cách độc lập).
Sở Y tế Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh. Rà soát cơ sở hạ tầng mạng, đánh giá hiện trạng, triển khai hệ thống mạng internet, trang bị máy tính 100% các đơn vị cung ứng thuốc (bao gồm: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc) trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn để đảm bảo 100% các cơ sở cung ứng thuốc sử dụng thành thạo phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc (do Viettel cung cấp). Mục tiêu đảm bảo hoàn thiện kết nối liên thông từ nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trong tỉnh đến Cục quản lý Dược theo Thông tư 02/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.
Việc triển khai ứng dụng CNTT kết nối mạng các nhà thuốc tại địa phương đến trung ương phải đảm bảo hoạt động kinh doanh bình thường của các cơ sở cung ứng thuốc. Đồng thời, các cơ sở cung ứng thuốc bắt buộc phải tuân thủ các quy định theo Thông tư 02/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định lộ trình các cơ sở bán lẻ thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra; Thông tư 03/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc, quy định các cơ sở bán buôn thuốc phải có phần mềm quản lý bán hàng và kết nối với cơ quan quản lý. Theo đó, cơ sở bán lẻ thuốc (đối với nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã từ ngày 1/1/2019, quầy thuốc từ ngày 1/1/2020) phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra; có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu. Cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải có máy tính kết nối internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính; có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Để thực hiện hiệu quả việc kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Y tế đã đề xuất với tỉnh về việc xây dựng chính sách hỗ trợ về trang thiết bị phục vụ việc kết nối cho các cơ sở có quy mô nhỏ, cơ sở thuộc diện vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ kinh phí trong công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức cho người dân trong việc sử dụng thuốc kê đơn. Lắp đặt thêm đường truyền đối với những vùng chưa có đường truyền intenet để đảm bảo tất cả cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh đều sử dụng được internet trong kết nối phần mềm CNTT. Tăng số lượng biên chế cho việc quản lý hành nghề Dược.
AN NHIÊN