
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Ðồng nhận định nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng từ 30 đến 50 năm trước, qua thời gian dài sử dụng một số công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Chính vì vậy, việc nâng cấp các thiết bị cảnh báo an toàn, sửa chữa các hồ đập là hết sức bức thiết. Tuy nhiên, khó khăn về kinh phí sửa chữa vẫn là bài toán nan giải.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lâm Ðồng nhận định nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng từ 30 đến 50 năm trước, qua thời gian dài sử dụng một số công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Chính vì vậy, việc nâng cấp các thiết bị cảnh báo an toàn, sửa chữa các hồ đập là hết sức bức thiết. Tuy nhiên, khó khăn về kinh phí sửa chữa vẫn là bài toán nan giải.
 |
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đi kiểm tra các công trình hồ, đập tại địa bàn huyện Đức Trọng trước mùa mưa lũ. Ảnh: C.P |
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, hiện trên địa bàn tỉnh có 430 công trình thủy lợi, gồm 47 công trình do cấp tỉnh quản lý và cấp huyện là 383 công trình. Trong đó, có 220 hồ chứa, 87 đập dâng, khoảng 1.200 km kênh mương, 92 đập tạm và 12 kênh tiêu… Các công trình thủy lợi chủ động cấp nước tưới cho khoảng 58.000 ha đất gieo trồng, mới đạt 23% diện tích cần tưới. Diện tích còn lại do người dân tự khai thác từ các nguồn sông, suối, nước ngầm để tưới.
Về dung tích hồ chứa thì có 7 hồ chứa trên 10 triệu m
3; 7 hồ chứa có dung tích từ 3 đến 10 triệu m
3; 45 hồ dung tích từ 0,5 tới 3 triệu m
3; 76 hồ chứa có dung tích 0,05 tới 0,5 triệu m
3 và số còn lại dưới 50.000 m
3. Điều đáng lưu tâm, theo các ngành chức năng, qua kiểm tra đầu năm 2018 mới có 25 hồ chứa có quy trình vận hành được phê duyệt, chủ yếu các hồ chứa hơn ba triệu m
3; 42 hồ chứa đã được phê duyệt kiểm định an toàn đập, trong đó có hai hồ chứa dung tích hơn 10 triệu m
3 (Đắk Lô, Tuyền Lâm) và một số hồ chứa khác có kết quả kiểm định bảo đảm an toàn. Một số hồ chứa có kết quả mất an toàn như: R Lơm, Lộc Thắng, Đa Quý, Đông Di Linh… Từ kết quả kiểm định trên, Sở NN&PT-NT đã kiến nghị UBND tỉnh đưa các hồ, đập này vào dự án WB8, JICA, ADB để sớm nâng cấp, sửa chữa.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng đánh giá, công tác an toàn đập, hồ chứa nước trong mùa mưa năm 2018 (từ tháng 5 tới tháng 11) cơ bản được đảm bảo, vận hành tốt do có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh ngay từ đầu năm tới các đơn vị, sở, ngành, địa phương. Các hồ chứa nước dung tích lớn (có van xả lũ) được thường xuyên quan trắc, tính toán lưu lượng nước đến hồ, vận hành chống lũ tối thiểu 1 lần/ngày khi không có mưa, lũ. 15 phút/lần đối với hồ chứa thuộc quy trình liên hồ và 3 lần/ngày đối với công trình thủy lợi lớn khác khi có mưa lũ lên trang điện tử của Tổng cục Thủy lợi để thống kê, điều hành.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, ở nhiều hồ chứa nước thủy lợi vừa và nhỏ (dung tích chứa dưới 3 triệu m
3) do đầu tư xây dựng đã lâu, qua thời gian dài sử dụng cơ bản đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Cụ thể là nhiều lòng hồ bị giảm dung tích chứa nước do bị bồi lắng, có những công trình tràn xả lũ còn làm tạm bằng ống cống, chưa có cống dưới đập, mái đập chưa được gia cố như: hồ Thôn 12, xã Đạm B’ Ri (TP Bảo Lộc), hồ Ba Tháng Hai huyện Di Linh… hay tỷ lệ kiên cố kênh, mương mới đạt 71,7%.
Và với hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn chủ yếu là hồ chứa dung tích nhỏ đã xuống cấp, lòng hồ thường bồi lắng nên trên thực tế hằng năm chưa đảm bảo năng lực tưới tiêu theo thiết kế. Trong khi nhu cầu phát triển sản xuất trong nhân dân là rất lớn thì nguồn nước tưới là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Trước thực trạng trên, mới đây, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc khảo sát, kiểm tra an toàn hồ đập mùa mưa lũ và có buổi làm việc với Sở NN&PTNT Lâm Đồng. Sau khi kiểm tra một số hồ đập trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cũng bày tỏ lo lắng nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng và 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung có mức độ an toàn kém.
“Trong quản lý hồ chứa lớn có dung tích lớn chúng tôi rất yên tâm vì được xây dựng thời gian gần đây, đơn vị vận hành có đủ năng lực quản lý… nên cơ bản những loại hồ chứa này bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, các loại hồ chứa vừa và nhỏ có nhiều vấn đề lưu tâm đặc biệt. Thứ nhất là nhiều hồ được xây dựng cách đây rất lâu, trong điều kiện xây dựng thiếu thiết bị, công nghệ kém hiện đại và nhiều năm thiếu kinh phí duy tu nên xuống cấp nhiều mặt. Thứ hai là công trình thủy lợi đại đa số đều giao cho địa phương cấp huyện, cấp xã quản lý. Trong khi những cấp này khi được phân quyền quản lý thì gần như không đáp ứng yêu cầu về bảo trì, duy tu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn…” - ông Tỉnh nhận định.
Trên cơ sở đó, ông Tỉnh đã đề nghị lãnh đạo Sở NN&PTNT Lâm Đồng cần nhanh chóng rà soát lại thực trạng an toàn hồ chứa, để có một kế hoạch tổng thể sửa chữa cũng như tham mưu, đề xuất lên các cấp, ngành kịp thời. Đối với những công trình hư hỏng xuống cấp thì cần bố trí kinh phí của địa phương để sửa chữa nâng cấp đảm bảo an toàn, đồng thời phải tăng cường công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng kiến thức về an toàn hồ đập cho đội ngũ cán bộ vận hành hồ, đập cấp xã, huyện. “Sở NN&PTNT Lâm Đồng cần quan tâm đặc biệt thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và các bộ, ngành là việc lắp đặt thiết bị thông tin cảnh báo an toàn vùng hạ du và hoàn thành quy trình vận hành hồ, đập đúng thời gian quy định”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh nhấn mạnh.
C.PHONG