Ðầu tư nhiều nhưng… phát triển chưa hiệu quả

09:09, 03/09/2018

Tính từ năm 2010 đến nay, đã có hàng trăm tỷ đồng được đầu tư vào khu vực ba xã Ðầm Ròn (Ðạ Tông, Ðạ Long, Ðạ M' Rông), nơi được xem là "rốn nghèo" của huyện nghèo Ðam Rông. Và, tuy cơ sở hạ tầng, bộ mặt Ðầm Ròn đã có sự đổi thay nhưng chưa thực sự tỉ lệ thuận với sự phát triển đời sống người dân. 

Tính từ năm 2010 đến nay, đã có hàng trăm tỷ đồng được đầu tư vào khu vực ba xã Ðầm Ròn (Ðạ Tông, Ðạ Long, Ðạ M’ Rông), nơi được xem là “rốn nghèo” của huyện nghèo Ðam Rông. Và, tuy cơ sở hạ tầng, bộ mặt Ðầm Ròn đã có sự đổi thay nhưng chưa thực sự tỉ lệ thuận với sự phát triển đời sống người dân. 
 
Hệ thống điện, đường, trường, trạm ở Đầm Ròn đã cơ bản hoàn thiện
Hệ thống điện, đường, trường, trạm ở Đầm Ròn đã cơ bản hoàn thiện

Ðầu tư rất lớn
 
Theo số liệu từ Phòng Tài chính huyện Đam Rông về thực hiện đầu tư công từ các nguồn vốn ngân sách,  từ năm 2010 đến thời điểm hiện tại cho 3 xã khu vực Đầm Ròn là trên 309 tỷ đồng. Trong đó, xã Đạ Long gần 78 tỷ đồng, xã Đạ Tông gần 126 tỷ đồng và xã Đạ M’Rông trên 105 tỷ đồng.
 
Theo ông Dơng Gur Ha Jak - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long, người sinh ra, lớn lên và công tác ở khu vực Đầm Ròn thì sự đổi thay về cơ sở vật chất trên địa bàn 3 xã Đầm Ròn là rất đáng ghi nhận. “Nếu năm 2005 tất cả những con đường ở đây đều là đường đất, mùa mưa bị nước suối chia cắt hoặc lầy lội, người dân chủ yếu đi bộ, sản xuất chủ yếu là bắp và lúa rẫy nên nạn đói giáp hạt thực sự kinh hoàng và đầy ám ảnh thì đến năm 2011 cơ bản các con đường ở khu vực này đã được bê tông hóa, điện, đường, trường, trạm dần được hình thành, sản xuất có sự chuyển biến” - Dơng Gur Ha Jak cho hay.
 
Nhận định về vấn đề đầu tư cho ba xã thuộc khu vực Đầm Ròn, ông Trần Đức Bắc - Trưởng phòng Tài chính huyện Đam Rông khẳng định: “Con số đầu tư vào khu vực Đầm Ròn là rất lớn. Hiện cơ sở hạ tầng của 3 xã này đã đủ chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chưa thực sự phát huy được hiệu quả”.
 
Cũng theo số liệu thống kê của Phòng Tài chính huyện, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho người dân từ Chương trình 30a, 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến năm 2017 đạt gần 18 tỷ đồng. Riêng năm 2018, đến thời điểm hiện tại mức đầu tư cho ba xã đạt trên 1,5 tỷ đồng.
 
Nhận xét về hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào khu vực này ông Bùi Văn Hởi - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, cho rằng: “Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng tại khu vực Đầm Ròn đã được hoàn thiện dần qua từng năm. Sự thay đổi rõ rệt nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm. Tuy nhiên, về đời sống của người dân thì chỉ mới dừng lại ở việc an ninh lương thực được đảm bảo, chấm dứt cảnh cứu đói, người dân bắt đầu biết tích lũy và một vài mô hình sản xuất đã thành công để bà con nhân rộng, phát triển. Nếu so sánh giữa mức đầu tư vào khu vực này thì sự phát triển trong đời sống người dân là chưa tương xứng. Điều này một phần do tư tưởng của người dân vẫn chưa hết trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Thậm chí còn tồn tại lối suy nghĩ những gì Nhà nước đầu tư vào là của Nhà nước, mình không có trách nhiệm chăm sóc. Bởi thế, riêng với khu vực ba xã Đầm Ròn rất khó để về đích nông thôn mới (NTM)”.
 
Cái nghèo vẫn còn dai dẳng
 
Không còn những mùa giáp hạt đói đến quay quắt, cũng qua rồi những tháng ngày độn khoai mì, song  ở 3 xã vùng Đầm Ròn  vẫn còn rất nhiều hộ nghèo và cận nghèo.
 
Ông Lơ Mu Ha Póh - Chủ tịch UBND xã Đạ Long cho biết: “80% dân số của Đạ Long là hộ nghèo và cận nghèo. Riêng hộ nghèo trong toàn xã chiếm 38,42%  dân số, tương đương khoảng trên 270 hộ. Tất cả hộ nghèo đều là người DTTS. Thu nhập bình quân đầu người chung trên toàn xã đạt khoảng 15 triệu đồng/người/năm. So với trước đây đời sống bà con đã có chuyển biến nhưng chưa đạt kỳ vọng với sự đầu tư của Nhà nước cho khu vực này”. 
 
Còn tại xã Đạ M’Rông, 37% dân số vẫn là hộ nghèo và thu nhập ước đạt trên 22 triệu đồng/người/năm.
 
Và Đạ Tông, một trong những xã điểm xây dựng NTM của toàn tỉnh, ngoài những nguồn vốn đầu tư chung ngang bằng với xã khác, Đạ Tông có phần được đầu tư nhiều hơn về vốn xây dựng NTM. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 37% dân số tương đương với 642 hộ của xã này vẫn là hộ nghèo. Thu nhập bình quân của xã Đạ Tông hiện nay  cao nhất ở Đầm Ròn, song mới chỉ dừng lại ở con số khoảng  23 triệu đồng/người/năm. Với tỷ lệ nghèo nêu trên,  ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến trong lần về thăm hồi đầu năm cho rằng,    số hộ nghèo của xã là quá cao, việc thay đổi cơ cấu sản xuất, tìm hướng đi mới cho bà con cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Với  con số nghèo này thì Đạ Tông sẽ rất khó đạt NTM, Đam Rông sẽ  khó thoát nghèo. Điều này đặt ra vấn đề cho cán bộ đảng viên xã nói riêng và lãnh đạo huyện nói chung cần phải tập trung giải quyết sớm và hiệu quả.
 
Ðến bao giờ Ðầm Ròn sẽ tự lực đi lên
 
Lý giải về việc người dân vẫn còn nghèo, ông Trương Văn Sáng - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long nhấn mạnh: “Người dân chưa thực sự biết tận dụng các nguồn hỗ trợ để tạo đà phát triển. Vẫn còn quá nặng cơ chế xin cho, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Bản thân người dân chưa thực sự nỗ lực để tự lực vươn lên. Đó thực sự là vấn đề đau đầu của chính quyền địa phương”.
 
Dựa trên tình hình thực tế tại xã Đạ Tông, ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho rằng: “Những hộ trong diện hỗ trợ, trung bình 1 hộ sẽ được nhận hỗ trợ từ 70 - 80 triệu đồng từ tất cả các dự án, chưa tính sự hỗ trợ bằng hiện vật. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn sản xuất nông nghiệp của bà con có chuyển biến nhưng còn phụ thuộc vào thiên nhiên là chính, phong tục lạc hậu còn tồn tại như không rào vườn, không chăn nuôi chuồng trại, một người làm cả họ cùng ăn… làm tắt ý thức đầu tư sản xuất và muốn tích lũy của một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, còn tồn tại việc một bộ phận cán bộ chưa thực sự đủ năng lực, chưa phát huy hết trách nhiệm, còn để xảy ra nhiều bất cập trong quản lý nên không phát huy được hết hiệu quả của các nguồn đầu tư, chưa thực sự đồng hành cùng nhân dân thoát nghèo”.
 
Vấn đề đặt ra cho bộ máy các xã nói riêng và huyện Đam Rông nói chung là cần khơi dậy sự phát triển từ nội lực ở ba xã Đầm Ròn. Để làm được điều này sẽ cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, phát huy hiệu quả các nguồn đầu tư bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, thay đổi tư duy bà con, tập trung tìm hướng đi đúng cho nông nghiệp phát triển với phương châm lấy ngắn nuôi dài… để giúp người dân trong vùng thoát nghèo.
 
NGỌC NGÀ