Ðể đạt tỷ lệ 82,6% dân số tham gia bảo biểm y tế

09:08, 23/08/2018

Lâm Ðồng cần có những giải pháp cụ thể để tiếp tục vận động thêm trên 57 nghìn người dân tham gia bảo hiểm y tế trong những tháng cuối năm 2018 này.

Lâm Ðồng cần có những giải pháp cụ thể để tiếp tục vận động thêm trên 57 nghìn người dân tham gia bảo hiểm y tế trong những tháng cuối năm 2018 này.
 
Tiêm phòng vắc xin cho trẻ tại một cơ sở y tế. Ảnh: G.K
Tiêm phòng vắc xin cho trẻ tại một cơ sở y tế. Ảnh: G.K

Chỉ đạt 78,39% trong 6 tháng
 
Theo Bảo hiểm xã hội Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 1.029.166 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 78,39% dân số trong tổng số dân Lâm Đồng hơn 1,3 triệu người.
 
Trong con số trên, có 83.958 người cùng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội, tăng 1.353 người so với năm ngoái; trong nhóm hộ nông lâm nghiệp có mức sống trung bình có 27.540 người tham gia, tăng 740 người so với năm ngoái; trong nhóm hộ gia đình có 227.069 người, tăng 860 người so với cuối năm 2017. Với nhóm học sinh sinh viên, tổng số tham gia là 249.347 người, đạt 96,1% số học sinh sinh viên toàn tỉnh, tuy nhiên tỉnh hiện vẫn còn trên 10 nghìn học sinh sinh viên chưa tham gia BHYT.
 
Trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đã có 992.376 lượt người đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh với tổng chi phí trên 315,3 tỷ đồng, trong đó có 65.285 lượt điều trị nội trú, còn lại là ngoại trú. Cùng đó có 46.197 lượt người đi khám chữa bệnh ngoài tỉnh với tổng chi phí 142 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2017, chi phí khám chữa bệnh BHYT tại tỉnh đã tăng lên gần 32%, với chi phí gần 75 tỷ đồng.
 
Như đánh giá của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, việc vận động rộng rãi mọi người dân trong cộng đồng cùng tham gia BHYT đã được các cấp chính quyền, đoàn thể chú trọng; mạng lưới y tế phát triển từ tuyến tỉnh, huyện đến xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến khám chữa bệnh, người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế dễ dàng hơn; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính cũng góp phần giảm thời gian thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh ở các tuyến, hồ sơ cấp thẻ BHYT cũng nhanh hơn.
 
Tuy nhiên, theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, kết quả đạt được như trên vẫn còn hạn chế so với yêu cầu 82,6% dân số bao phủ BHYT do Chính phủ giao. Con số thiếu 4,1% này của Lâm Đồng tính ra tương đương 57.021 người, nghĩa là Lâm Đồng từ nay đến cuối năm phải vận động thêm trên 57 nghìn người dân trong tỉnh tham gia BHYT.
 
Còn đó khó khăn
 
Một trong những nguyên do được Bảo hiểm Xã hội chỉ ra trong công tác vận động mua BHYT hiện nay chính là chưa xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên sâu rộng ở các cộng đồng dân cư để thu hút người dân tham gia. Cùng đó, chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của người dân, thời gian chờ để khám, chữa bệnh chưa được rút ngắn, một số nơi còn chậm cải thiện về thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm trong khám chữa bệnh.  
 
Đồng tình với Bảo hiểm Xã hội, nhiều lãnh đạo UBND các huyện, thành trong tỉnh trong một hội nghị gần đây cũng chỉ ra những bất cập. 
 
Như ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, một huyện có đông cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dù đã được hỗ trợ nhiều nhưng vẫn còn rất khó “Vì bà con cứ trông chờ ỷ lại vào Nhà nước”. Tại Lạc Dương - nơi cũng có các cộng đồng dân tộc thiểu số lớn, theo lãnh đạo huyện nơi đây, dù người dân chỉ còn phải đóng mức 30% số tiền tham gia BHYT thôi nhưng nhiều người vẫn nại cớ “chưa thu được cà phê”. (Trong 6 tháng cuối năm nay Lạc Dương cần vận động thêm trên 1.800 người nữa mới đạt chỉ tiêu được giao trong năm). 
 
Con số thống kê không khớp cũng được nhiều huyện phản ảnh. Theo ông Nguyễn Linh Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, trên địa bàn hiện có nhiều gia đình đưa cả nhà đi làm ăn xa, đưa con đi học ở xa nên cần rà soát lại số người thực tại địa phương trong vận động mua BHYT, vì có trường hợp có tên nhưng vắng mặt. (Đạ Huoai theo chỉ tiêu từ nay đến cuối năm cần phải vận động thêm gần 2.200 người mua BHYT).
 
Tại Đà Lạt, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, “tuyên truyền nhiều nhưng thông tin vẫn chưa đến được nhiều đối tượng cần tuyên truyền, nhất là những người trực tiếp mua BHYT” (Đà Lạt từ nay đến cuối năm phải vận động được trên 15 nghìn người dân tham gia BHYT theo chỉ tiêu). Tại Bảo Lộc, cái khó của thành phố này theo lãnh đạo thành phố chính là việc nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp cố tình giấu số liệu công nhân để không mua BHYT theo qui định. 
 
Trong khám chữa bệnh BHYT, nhiều huyện, thành đã có những đề nghị cụ thể. Như lãnh đạo huyện Đạ Huoai đề nghị Sở Y tế tỉnh cần thống nhất với người dân về dịch vụ y tế nào có đóng phí dịch vụ, dịch vụ nào được miễn để người dân lựa chọn, tránh thắc mắc và nếu được nên tổ chức khám bệnh vào ngày thứ bảy hằng tuần. Lãnh đạo Bảo Lộc đề nghị Sở Y tế cho phép người dân không chỉ khám chữa bệnh BHYT tại Trung tâm Y tế thành phố mà còn được khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa 2 tỉnh đóng chân tại đây. 
 
Riêng 2 huyện có các xã vùng sâu là Đam Rông và Đức Trọng đã đề nghị cho phép người dân khám và điều trị nội trú tại 2 Phòng khám đa khoa khu vực Đầm Ròn (Đam Rông) và Tà Năng (Đức Trọng), vì từ hai nơi này ra trung tâm huyện đường rất xa. “Toàn vùng Đà Loan khá đông dân với 26 nghìn người, ra trung tâm huyện xa, tốn kém nên người dân đề nghị được điều trị nội trú tại phòng khám khu vực là được”- đại diện của Trung tâm Y tế Đức Trọng cho biết.
 
Những giải pháp
 
Trước nhất, theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT trong tỉnh, thường xuyên, có chất lượng, đạt hiệu quả, phù hợp từng đối tượng, chú ý đến đối thoại trực tiếp. 
 
Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nhóm đối tượng hộ gia đình, trong đó có nhóm hộ nông - lâm nghiệp có mức sống trung bình, sinh viên học sinh, đồng thời đề nghị ngành y tế tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh BHYT cho người dân.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa, để đạt được con số trên 57 nghìn người dân mua BHYT như trên, các huyện, thành phố nên giao chỉ tiêu vận động cụ thể cho từng xã, phường trên địa bàn của mình, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành và là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm của địa phương. 
 
GIA KHÁNH