
Ðầu tháng 8/2018 này, Ðơn Dương đưa hàng loạt ngôi trường, phòng học xây mới vào sử dụng cho năm học mới 2018 - 2019 đang đến.
Ðầu tháng 8/2018 này, Ðơn Dương đưa hàng loạt ngôi trường, phòng học xây mới vào sử dụng cho năm học mới 2018 - 2019 đang đến.
 |
Dãy phòng học xây mới của Trường Tiểu học Quảng Lập đang được hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong năm học mới 2018 - 2019. Ảnh: G.K |
Tăng trên 600 học sinh mỗi năm
Với 54 trường học trên địa bàn gồm mầm non 15 trường, tiểu học 21 trường, trung học cơ sở (THCS) 14 trường, trung học phổ thông 4 trường, thêm 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong số này số trường trực thuộc Phòng Giáo dục huyện quản lý là 50 trường với tổng số trên 22.500 học sinh theo học hằng năm cho 3 cấp học từ mầm non đến THCS (riêng cấp học trung học phổ thông do Sở Giáo dục Lâm Đồng quản lý).
Theo Phòng Giáo dục Đơn Dương, phân bổ trường học trên địa bàn huyện khá hợp lý, hầu như mỗi xã trên địa bàn huyện (Đơn Dương có 10 xã, thị trấn trên địa bàn) đều có 1 đến 2 trường mầm non, 1 đến vài trường tiểu học và ít nhất là 1 trường THCS, mạng lưới trường lớp đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho học sinh trong độ tuổi đến trường.
Trong năm học 2017 - 2018 vừa qua, Phòng Giáo dục Đơn Dương có tăng thêm 2 trường học, gồm Trường THCS Dran và Trường Dân tộc nội trú vốn trước đây thuộc Sở Giáo dục tỉnh quản lý nay giao về cho huyện.
Trung bình những năm học gần đây, Đơn Dương mỗi năm tăng khoảng 600 học sinh ở các lớp đầu cấp, nhất là học sinh vào lớp 1. Như năm học 2017 - 2018 vừa qua, toàn huyện tăng 698 học sinh; dự kiến trong năm học 2018 - 2019 này, huyện cũng sẽ tăng trên 600 học sinh, số học sinh tăng đã tạo áp lực không nhỏ cho việc mở rộng, tăng thêm qui mô trường lớp cho ngành Giáo dục huyện mỗi đầu năm học.
Tuy nhiên, điểm mạnh của huyện nông thôn mới Đơn Dương những năm gần đây chính là việc đầu tư rất mạnh vào xây dựng, mở rộng, nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống trường lớp của mình trên địa bàn. Hầu hết các trường học nơi đây đều được đầu tư rất bài bản, nhiều trường được xây mới lại hầu như toàn bộ, có trường được đầu tư từng phần theo từng giai đoạn; nhiều trường xây rất đẹp, phòng ốc rộng rãi, sân trường cảnh quan khang trang.
“Về cơ bản chúng tôi từ lâu đã không còn phòng tạm lớp tạm, chỉ có một số trường khi xây dựng có bị động chút ít về lớp học phải sắp xếp nhưng khi xây xong lại có ngay lớp học mới” - ông Nguyễn Văn Kháng, Trưởng phòng Giáo dục Đơn Dương cho biết.
Trên 88 tỷ đồng đầu tư trường lớp trong 2 năm
Chỉ tính trong 2 năm gần đây, năm 2017 và 2018, ngành Giáo dục huyện đã được đầu tư trên 88 tỷ đồng để xây mới hàng loạt các trường học cùng xây thêm các dãy phòng học mới cho rất nhiều trường trên địa bàn, trong đó có những trường vừa nghiệm thu công trình ngay trong hè này để đưa vào sử dụng cho năm học mới.
Cụ thể, ngay trong đầu tháng 8 này, Đơn Dương sẽ đưa vào sử dụng khu hiệu bộ và các phòng chức năng được xây mới tại Tiểu học Trần Quốc Toản, công trình này được đầu tư tổng cộng 8 tỷ đồng.
Tại Tiểu học Lâm Tuyền cũng đưa vào sử dụng cho năm học mới một khu hiệu bộ, phòng chức năng, thêm một dãy phòng học cho phân hiệu của trường với tổng kinh phí đầu tư 8 tỷ đồng; Tiểu học Châu Sơn cũng có 4 phòng học xây mới 1,3 tỷ đồng; Tiểu học Nghĩa Lập có 4 phòng học và phòng chức năng xây mới trị giá 3,5 tỷ đồng.
Với Tiểu học Quảng Lập, công trình xây mới 2 dãy nhà gồm phòng học, khu hiệu bộ, phòng chức năng, khu vệ sinh, sân trường, tổng trị giá 14 tỷ đồng khởi công trong năm ngoái đến thời điểm này cũng đi vào hoàn tất để đưa vào sử dụng cho năm học mới.
Trong năm Đơn Dương cũng khởi công xây khu hiệu bộ và phòng chức năng cho Trường Tiểu học Ka Đô (vốn đầu tư 5 tỷ đồng) và Trường Tiểu học Lạc Lâm (7 tỷ đồng), cả hai công trình sẽ được hoàn tất trong năm đến.
Trong bậc mầm non, bên cạnh công trình 4 phòng học và bếp ăn của Mầm non Họa Mi (vốn đầu tư 3,5 tỷ đồng) vừa nhận bàn giao xong, huyện cũng khởi công xây mới Mẫu giáo Suối Thông với 5 phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ, tổng vốn đầu tư 8 tỷ đồng, dự kiến tháng 8/2019 hoàn tất. Còn Trường Mầm non Châu Sơn (kinh phí đầu tư 2,4 tỷ để xây khu hiệu bộ phòng chức năng) và Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (đầu tư 1,9 tỷ đồng xây thêm 2 phòng học, bếp ăn, sân cổng hàng rào) được khởi công trong đầu năm nay, dự kiến cuối năm 2018 này sẽ hoàn tất đưa vào sử dụng.
Trong bậc THCS có 3 trường được đầu tư, trong đó THCS Thạnh Mỹ xây thêm mới 6 phòng học và phòng chức năng trị giá 6 tỷ đồng, khởi công trong năm 2017 vừa hoàn tất trong hè này. 2 trường còn lại gồm THCS Tu Tra được đầu tư 8 tỷ xây khu hiệu bộ và phòng chức năng; THCS Đinh Tiên Hoàng xây thêm 8 phòng học, khu hiệu bộ và phòng chức năng trị giá 12 tỷ đồng, cả 2 trường sẽ được hoàn tất trong năm 2019.
Song song với xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống trường học các cấp thuộc Phòng Giáo dục huyện quản lý trong năm học mới này sẽ được đầu tư tổng cộng 21 tỷ đồng cho gói trang thiết bị dạy và học.
Đến thời điểm này, Đơn Dương đã có 37/50 trường học trực thuộc Phòng quản lý đạt chuẩn quốc gia, trong đó bậc mầm non có 9/15 trường; tiểu học 20/21 trường và THCS 8/14 trường, chiếm tỷ lệ 74%, dẫn đầu trong tỉnh Lâm Đồng về tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia hiện nay.
Theo ông Kháng, dù tiến độ xây dựng trường lớp nhanh nhưng trên địa bàn hiện nay vẫn còn một số trường học cần được đầu tư trong thời gian đến. Cụ thể đó là các trường: Mầm non Dran, Mầm non Ka Đô, Tiểu học Ka Đơn 2, Tiểu học Lạc Viên, Tiểu học Lạc Xuân, THCS Ka Đơn… “Hầu hết các trường này đều đáp ứng được nhu cầu học tập cho học sinh nhưng do xây dựng đã lâu, diện tích phòng học không đảm bảo cho chương trình dạy học mới nên cần được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp” - ông Kháng nói.
Năm học mới này, Đơn Dương theo ông Kháng sẽ xây dựng chuẩn quốc gia mức độ 2 cho 7 trường trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, gồm Mầm non Tu Tra, Tiểu học Trần Quốc Toản, Tiểu học Lạc Lâm, Tiểu học Nghĩa Lập, Tiểu học Ka Đô, Tiểu học Quảng Lập; đồng thời nâng hạng chuẩn quốc gia cho THCS Lạc Lâm.
GIA KHÁNH