
Kinh doanh, tái chế phế liệu là ngành nghề khá phổ biến đối với không ít người lao động, nhưng trên thực tế trên địa bàn TP Đà Lạt, nhiều chủ cơ sở chưa quan tâm đúng mức về các điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định.
Kinh doanh, tái chế phế liệu là ngành nghề khá phổ biến đối với không ít người lao động, nhưng trên thực tế trên địa bàn TP Đà Lạt, nhiều chủ cơ sở chưa quan tâm đúng mức về các điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định.
Những nguy cơ hiện hữu của các cơ sở buôn bán “ve chai” là mức độ cháy nổ cao, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, tiếng ồn… Trong khi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được cơ quan chức năng quy định chặt chẽ.
 |
Một cơ sở kinh doanh phế liệu nằm sát bờ hồ Mê Linh, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: C.T |
Người dân bị ảnh hưởng
Sáng ngày 30/7, chúng tôi tới con hẻm nhỏ trên đường Phan Bội Châu (Phường 1, TP Đà Lạt). Tại đây, ngay khu vực trung tâm thành phố nhưng có tới 2 cơ sở thu mua phế liệu giữa khu dân cư đông đúc. Theo quan sát của chúng tôi, tại hai cơ sở trên, mặc dù có diện tích khá khiêm tốn nhưng cách bố trí hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng chống cháy nổ (PCCN), chưa có trang bị bình chữa cháy theo quy định.
Người dân sinh sống tại đây cho biết, đã nhiều lần kiến nghị chính quyền di dời hai cơ sở thu mua phế liệu đi nơi khác vì cơ sở nằm trong khu dân cư gây lên tiếng ồn, các vấn đề vệ sinh môi trường không đảm bảo. Theo báo cáo mới nhất của UBND Phường 1, hai cơ sở trên do bà Nguyễn Thị Thủy và Bùi Thị Tân làm chủ, không có giấy phép kinh doanh theo quy định, qua kiểm tra không có tiêu lệnh, nội quy, bình phòng cháy chữa cháy (PCCC), không có đề án bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc di dời 2 cơ sở đi nơi khác chưa thể được giải quyết triệt để trong thời gian ngắn.
Còn tại đường Mê Linh (Phường 9), chỉ một đoạn hơn 400 m nhưng có 3 cơ sở thu mua phế liệu tồn tại nhiều năm nay. Điểm chung là những nơi này có diện tích nhỏ nhưng lượng hàng hóa nhiều, chứa nhiều vật liệu dễ cháy như: giấy, nhựa, bìa carton, vỏ xốp, cao su…đặc biệt là vấn đề vệ sinh, bảo vệ môi trường chưa được các chủ cơ sở quan tâm. Có cơ sở, cả chục loại phế liệu được tập kết sát bên hồ Mê Linh, khi trời mưa nước từ bãi “ve chai” chảy xuống lòng hồ gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
UBND Phường 9 cho biết, địa bàn Phường có 9 cơ sở kinh doanh phế liệu thì có 2 cơ sở không có giấy phép. Hầu hết các cơ sở đều không có đề án bảo vệ môi trường, việc giữ gìn vệ sinh cảnh quan, đảm bảo PCCC còn rất sơ sài, có cơ sở thường xuyên gây tiếng ồn ảnh hưởng người dân trong khu dân cư. Trước thực trạng trên, Phường 9 đã đề nghị UBND TP Đà Lạt ngừng cấp phép kinh doanh cho 2 cơ sở, vận động một số cơ sở khác di dời ra khỏi khu dân cư trong thời gian sớm nhất. Trong đó, một cơ sở trên đường Mê Linh đã có cam kết di dời vào tháng 8/2018.
Tương tự, địa bàn Phường 5 có 4 cơ sở kinh doanh phế liệu trên đường Ma Trang Sơn, Hàn Thuyên, Y Dinh và Lê Qúy Đôn thì có tới 2 cơ sở chưa có giấy phép kinh doanh, cả 4 cơ sở đều không có kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định và nhiều sai phạm khác. UBND Phường 5 hiện đang vận động 2 cơ sở di dời khỏi nơi cư trú nhưng việc di dời nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn.
 |
Một trong nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu nằm trong khu dân cư chính quyền vận động di dời. Ảnh: C.T |
Phát hiện nhiều sai phạm
Theo nhận định từ Công an TP Đà Lạt, thời gian qua, các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn thành phố thực hiện các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện; một số cơ sở đã chủ động hơn trong việc thu dọn rác thải, phế liệu sau khi thu mua. Tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở thu mua phế liệu trong thời gian qua chưa xảy ra vấn đề phức tạp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị, mất an toàn về phòng chống cháy nổ từ nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu. Điển hình là việc còn nhiều cơ sở chưa có giấy phép hoạt động kinh doanh theo quy định; đa số các cơ sở không có giấy xác nhận về bảo vệ môi trường và hệ thống xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, giấy xác nhận đảm bảo an toàn PCCC. Ngoài ra, các cơ sở thu mua phế liệu chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của các hộ xung quanh.
Cụ thể, qua rà soát, thống kê sơ bộ trên địa bàn TP Đà Lạt hiện có 57 cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu nhưng mới có 39 cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh. Các cơ sở buôn bán phế liệu tập trung nhiều nhất ở các phường 6, 7, 8, 9. Điều đáng lưu ý là nhiều cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu hoạt động không có giấy phép; một số cơ sở có giấy phép nhưng hoạt động không đúng ngành nghề, có biểu hiện tiêu thụ tài sản do người phạm tội bán lại. Một số cơ sở có lượng phế liệu thu mua hàng ngày lớn, quá tải so với khu chứa hàng nên nhiều thời điểm xếp hàng hóa lấn chiếm lề đường, có nguy cơ mất an toàn về PCCN. Như các cơ sở Nguyễn Sương, Huỳnh Tấn Ý (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 7); cơ sở Nguyễn Duy Quân (đường Nguyên Tử Lực, Phường 8); cơ sở Nguyễn Hồng Sáng (đường Trần Khánh Dư, Phường 8); cơ sở Nguyễn Thị Mai (đường Hùng Vương, Phường 9), cơ sở Nguyễn Thị Tú (đường Nguyễn Đình Chiểu Phường 9);...
Nhằm tăng cường công tác quản lý các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố, UBND TP Đà Lạt cho biết, sắp tới thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với từng hộ gia đình kinh doanh phế liệu, đặc biệt là việc phổ biến những quy định PCCN, vệ sinh môi trường, quy định về quản lý thu mua vũ khí, vật liệu nổ…
Trong đó, thành phố sẽ tập trung kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, thắt chặt việc cấp phép cho cơ sở hoạt động thu mua phế liệu. Đưa yếu tố an toàn cháy nổ làm điều kiện cấp phép, kiên quyết không cấp phép khi cơ sở không thực hiện đúng các quy định về thẩm duyệt, nghiệm thu PCCN, có biểu hiện tái phạm nhiều lần, không chấp hành các quy định của cơ quan chức năng.
C.THÀNH