Thực trạng mưa lớn ở tỉnh Lâm Ðồng

09:08, 23/08/2018

Mưa lớn hay mưa to diện rộng là quá trình mưa xảy ra mang tính hệ thống trên một hay nhiều khu vực. Mưa lớn diện rộng có thể xảy ra một hay nhiều ngày, liên tục hoặc ngắt quãng, một hay nhiều trận mưa và không phân biệt dạng mưa.

Mưa lớn hay mưa to diện rộng là quá trình mưa xảy ra mang tính hệ thống trên một hay nhiều khu vực. Mưa lớn diện rộng có thể xảy ra một hay nhiều ngày, liên tục hoặc ngắt quãng, một hay nhiều trận mưa và không phân biệt dạng mưa. Căn cứ vào lượng mưa thực tế đo được tích lũy trong 12 hoặc 24 giờ tại các trạm quan trắc khí tượng bề mặt, trạm đo mưa trong mạng lưới khí tượng thủy văn (KTTV) mà phân định các cấp mưa khác nhau. Theo quy định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, mưa to (lớn) cũng được chia làm 3 cấp:
 
+ Mưa vừa: Lượng mưa đo được từ 16 - 50 mm/24h;
 
+ Mưa to: Lượng mưa đo được từ 51 - 100 mm/24h;
 
+ Mưa rất to: Lượng mưa đo được > 100 mm/24h.
 
Hiện trạng về mưa lớn ở Lâm Ðồng
 
Mùa mưa ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung thường bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 hàng năm. Vào mùa mưa, trên địa bàn tỉnh thường xuất hiện khoảng từ 10 đến 15 đợt mưa vừa, mưa to kéo dài trên diện rộng với lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi tổng lượng mưa trên 500 mm.
 
Do đặc điểm địa hình và vị trí địa lý nên mưa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thường dịch chuyển theo hướng Bắc-Đông Bắc xuống Nam-Tây Nam. Đầu mùa thường có mưa lớn ở địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đà Lạt. Giữa và cuối mùa mưa lớn lại tập trung ở các huyện phía Nam và Tây Nam của tỉnh, kết hợp với sự tập trung dòng chảy từ thượng nguồn (kể cả dòng chảy có điều tiết) nên các huyện phía Tây Nam tỉnh như Đạ Tẻh, Cát Tiên thường hay bị ngập lụt, nhất là các vùng hai bên sông Đồng Nai, Đạ Tẻh, Đạ Mi Đạ Sị… Hậu quả của mỗi đợt mưa lớn, thường gây ngập úng ở các vùng trũng thấp.
 
Phân cấp cấp độ rủi ro do mưa lớn 
 
Từ thống kê và phân tích thực tế về tình trạng mưa lớn ở tỉnh Lâm Đồng, căn cứ nguyên tắc phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai  có thể phân 2 cấp độ rủi ro: rủi ro thiên tai cấp độ 1 và rủi ro thiên tai cấp độ 2:
 
a) Rủi ro thiên tai cấp độ 1: Khi lượng mưa trong 24 giờ từ 100 đến 200 mm, và thời gian đợt mưa kéo dài từ 1 đến 2 ngày. 
 
b) Rủi ro thiên tai cấp độ 2: Khi lượng mưa trong 24 giờ từ 100 đến 200 mm, và thời gian đợt mưa kéo dài từ 2 đến 4 ngày, hoặc khi lượng mưa trong 24 giờ từ 200 đến 300 mm, và thời gian đợt mưa kéo dài từ 1 đến 2 ngày. 
 
Như vậy, hàng năm trên địa bàn tỉnh, mức độ rủi ro thiên tai do mưa lớn có thể xảy ra mức độ cấp 1 ở hầu hết các địa phương bao gồm thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng và Di Linh; rủi ro thiên tai cấp 2 ở địa phương phía Nam, bao gồm các thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Cát Tiên và Đạ Tẻh. 
 
Một số kiến nghị 
 
Có thể kết luận rằng: Trong mùa mưa, năm nào cũng có các đợt mưa vừa, mưa to diện rộng xảy ra ở khắp các huyện trong tỉnh. Trung bình mỗi năm có khoảng từ 10 đến 15 đợt mưa vừa, mưa to xảy ra.Hầu hết các đợt mưa lớn xảy ra với cường độ tương đối lớn, nhưng ít có nơi vượt quá 200mm/24giờ và lượng mưa 100mm/24giờ kéo dài 2-3 ngày liên tiếp.
 
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1 xảy ra hầu hết ở các địa phương trong tỉnh; rủi ro thiên tại cấp độ 2 có thể xảy ra ở thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Đa Huoai, Cát Tiên và Đạ Tẻh.
 
Do đó có thể đề xuất một số kiến nghị  để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở địa phương bao gồm các nội dung sau: 
 
1. Bảo vệ và tăng cường trồng rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn để tăng thêm độ che phủ mặt đệm, tăng sự điều tiết nước;
 
2. Rà soát lại và có quy hoạch hợp lý một số công trình thủy lợi đã được xây dựng từ lâu cho phù hợp với nguồn nước, đặc biệt chú ý đến các khu vực địa hình có độ dốc lớn và có nguồn nuớc ít;
 
3. Thực hiện đúng theo quy hoạch cân bằng nước của các sông suối trong tỉnh, từng bước đầu tư xây dựng thêm các công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa để bổ sung nguồn nước về mùa kiệt và tham gia điều tiết lũ vào mùa mưa, yêu cầu khi lập dự án xây dựng các hồ chứa phải tính toán điều tiết nhiều năm nhằm tăng khả năng tích nước;
 
4. Cần quy hoạch phát triển nông nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về phát triển bền vững, an toàn môi trường, chống rửa trôi, xói mòn, thoái hóa, hoang mạc hóa đất, hạn chế sự tàn phá của thiên tai;
 
5. Tuyên truyền những kinh nghiệm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để động viên cổ vũ, khích lệ quần chúng nhân dân thực hiện tốt công tác phóng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
 
6. Thường xuyên tổ chức tập huấn cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn để họ nắm bắt được nội dung các văn bản pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và khai thác một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên góp phần bảo vệ môi trường chung của xã hội.
 
TRẦN XUÂN HIỀN