
Sau khoảng 2 tháng mưa lớn kéo dài liên tục, hàng ngàn mét vuông đất sản xuất nông nghiệp của người dân xóm Bình Dương (Thôn 3, xã Ðạ Oai, huyện Ðạ Huoai) đã bị nước sông Ðạ Quay đánh sập, cuốn trôi và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy, nếu không có biện pháp để khắc phục thì hàng chục héc - ta đất sản xuất của người dân nơi đây sẽ bị nước sông "nuốt" gọn chỉ là trong nay mai.
Sau khoảng 2 tháng mưa lớn kéo dài liên tục, hàng ngàn mét vuông đất sản xuất nông nghiệp của người dân xóm Bình Dương (Thôn 3, xã Ðạ Oai, huyện Ðạ Huoai) đã bị nước sông Ðạ Quay đánh sập, cuốn trôi và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy, nếu không có biện pháp để khắc phục thì hàng chục héc - ta đất sản xuất của người dân nơi đây sẽ bị nước sông “nuốt” gọn chỉ là trong nay mai.
 |
Sạt lở đã và đang xảy ra nghiêm trọng tại sông Đạ Quay (đoạn qua xóm Bình Dương, Thôn 3, xã Đạ Oai). Ảnh: K.P |
Sạt lở ngày càng lan rộng
Theo người dân địa phương, bờ sông Đạ Quay (đoạn chảy qua Thôn 3, xã Đạ Oai) đã xảy ra tình trạng sạt lở trong nhiều năm qua. Trước đó, từ năm 2013 - 2014, tình trạng sạt lở bờ sông đã xảy ra nghiêm trọng tại xóm Bình Thạnh (Thôn 3, xã Đạ Oai) khiến hơn 5 ha đất sản xuất nông nghiệp của gần 30 hộ dân bị nước sông cuốn trôi. Vào thời điểm đó, tình trạng sạt lở đã đẩy nhiều hộ dân ở xóm Bình Thạnh mất trắng đất sản xuất khiến cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn.
Để bảo vệ đất đai, cây trồng của người dân, UBND huyện Đạ Huoai đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng lập Dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông Đạ Quay. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, đầu năm 2016, dự án được triển khai xây dựng với tổng kinh phí 6,4 tỷ đồng. Đến hiện tại, dự án đã hoàn thành với khoảng 400 m bờ kè được xây dựng bằng đá giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.
Khi niềm vui đến với người dân xóm Bình Thạnh, thì nỗi lo lại xuất hiện với người dân xóm Bình Dương. Theo đó, từ mùa mưa năm 2017, tình trạng sạt lở bờ sông Đạ Quay lại bắt đầu manh nha, tiếp diễn, uy hiếp đất sản xuất của người dân xóm Bình Dương.
Bước sang mùa mưa năm 2018, tình trạng sạt lở tại đây đã và đang diễn ra hết sức “báo động” khiến người dân địa phương hoang mang, lo lắng. Ghi nhận tại hiện trường, đoạn sạt lở có chiều dài hơn 300 m, rộng từ 15 - 40 m và sâu hơn 4 m, ăn sâu vào vườn sản xuất của 9 hộ dân xóm Bình Dương và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ước tính, tình trạng sạt lở đã khiến hơn 4.000 m
2 đất sản xuất của người dân địa phương bị nước sông đánh sập. Cùng với đó là hàng chục cây sầu riêng (từ 5 - 7 năm tuổi), hàng trăm cây cà phê, dâu tằm của bà con bị nước sông cuốn trôi gây thiệt hại nghiêm trọng. Ông Võ Tấn Thành (ngụ xóm Bình Dương, Thôn 3, xã Đạ Oai) than thở: “Gia đình tôi có gần 7 sào đất trồng sầu riêng và tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập hơn 600 triệu đồng. Từ năm 2017 đến nay, nước sông Đạ Quay đã cuốn trôi của gia đình tôi hơn 2 sào đất với khoảng 20 cây sầu riêng và gần 10 trụ tiêu, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Nhìn từng cây sầu riêng, trụ tiêu ngày một bị nước sông nuốt dần mà tôi xót xa như đứt từng khúc ruột…”.
Ngoài gia đình ông Thành thì sạt lở còn cuốn trôi, uy hiếp đất sản xuất của nhiều hộ dân khác, với mức thiệt hại từ 0,2 - 1,5 sào/hộ, gây thiệt hại nghiêm trọng về cây trồng khiến bà con lo lắng, bất an. Cùng với đó, sạt lở còn đánh sập 2 trụ điện trung thế 220KV bắc qua sông Đạ Quay (thuộc đường dây 471 Bảo Lộc - Đạ Tẻh), gây thiệt hại khoảng 90 triệu đồng. Hiện, tình trạng sạt lở cũng ngày càng ăn sâu, uy hiếp chân cầu Đạ Quay nối huyện Đạ Huoai với 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên.
Theo báo cáo ghi nhận vụ việc của UBND xã Ðạ Oai, đến hết ngày 30/7/2018, có 5 hộ dân bị nước sông Ðạ Quay cuốn trôi đất sản xuất, cây trồng. Nhưng đến ngày 20/8, khi chúng tôi có mặt tại hiện trường thì sạt lở đã và đang lan rộng đến đất sản xuất của 9 hộ dân. Không những vậy, tình trạng đất sản xuất bị nước sông cuốn trôi còn đang diễn ra từng giờ, từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Đề (ngụ xóm Bình Dương, Thôn 3, xã Đạ Oai) lo lắng: “Gia đình tôi chỉ có 2,5 sào đất sản xuất bên bờ sông Đạ Quay để trồng sầu riêng và cà phê. Khi địa phương đi kiểm tra, thống kê thiệt hại vào ngày 27/7, đất của gia đình tôi mới bị sạt lở khoảng 350 m2. Nhưng đến nay, con số này đã lan rộng ước tính lên tới 700 - 750 m
2 và vẫn đang tiếp tục sạt lở”.
Cần sớm có biện pháp xử lý
Theo người dân địa phương, khu vực bờ sông Đạ Quay đã và đang sạt lở mạnh. Hiện, có hơn 10 ha đất sản xuất nông nghiệp của khoảng 20 hộ dân trong khu vực này đang nằm trong tình trạng “báo động”. Vì vậy, nếu không có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời thì toàn bộ diện tích đất sản xuất của bà con bị nước sông “nuốt gọn” chỉ là chuyện nay mai.
 |
Địa phương gắn biển “cảnh báo nguy hiểm” tại khu vực sạt lở. Ảnh: K.P |
Theo ông Võ Văn Đào, Chủ tịch UBND xã Đạ Oai thì sau khi sạt lở xảy ra, địa phương đã tiến hành thống kê thiệt hại và báo cáo bằng văn bản tới UBND huyện Đạ Huoai để có phương án khắc phục và hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Đồng thời, địa phương cũng đã cho gắn biển “cảnh báo nguy hiểm” để người dân đề phòng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Liên quan đến vụ việc, trước mắt UBND huyện Đạ Huoai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp cùng UBND xã Đạ Oai tiến hành khoanh vùng và theo dõi chặt chẽ khu vực sạt lở; đồng thời, thông báo tới người dân ngừng sản xuất để đảm bảo an toàn cho bà con. “Về lâu dài, để sớm ổn định sản xuất của người dân và đảm bảo cho các cơ sở hạ tầng tại địa phương, UBND huyện đã gửi báo cáo vụ việc tới các ngành chức năng của tỉnh; đồng thời, kiến nghị Sở NN - PTNT và UBND tỉnh cho phép địa phương lập dự án đầu tư xử lý và chỉnh trang bờ sông Đạ Quay tại điểm sạt lở Thôn 3, xã Đạ Oai nói riêng và các khu vực sạt lở khác trên địa bàn huyện nói chung” - ông Trịnh Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết.
KHÁNH PHÚC