
Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh ở huyện Di Linh đã có sức lan tỏa rộng khắp đến tầng lớp nhân dân; người dân học tập Bác theo cách riêng, phù hợp với những phần việc của mình, gia đình và cộng đồng xã hội. Với nông dân Trần Biện ở thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, ông học Bác từ những việc làm nhỏ, thiết thực để vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh ở huyện Di Linh đã có sức lan tỏa rộng khắp đến tầng lớp nhân dân; người dân học tập Bác theo cách riêng, phù hợp với những phần việc của mình, gia đình và cộng đồng xã hội. Với nông dân Trần Biện ở thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, ông học Bác từ những việc làm nhỏ, thiết thực để vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
 |
Bò sữa giúp gia đình ông Trần Biện nâng cao thu nhập và cung cấp lượng phân chuồng cho cây trồng. Ảnh: L.P |
Tiếp chúng tôi, ông Trần Biện chia sẻ, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Di Linh thích hợp phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để kinh tế gia đình phát triển bền vững, ông Trần Biện đã chọn cho mình một hướng đi theo mô hình kinh tế: trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, vừa giảm chi phí sản xuất nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá ổn định.
Năm 2003, xã Tân Nghĩa thành lập Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, tuy nhiên sau một thời gian thăng trầm, các hộ chăn nuôi bò sữa của xã không mặn mà với nghề và Hợp tác xã bị giải thể. Sau đó, ông Trần Biện đã mua lại 2 con bò sữa của xã viên về nuôi thử nghiệm, nhưng cái chính là muốn tận dụng nguồn phân bò để chăm bón cho cây trồng. “Từ việc nuôi bò đã giúp gia đình tôi có nguồn phân chuồng khá lớn để đầu tư cho cà phê và hồ tiêu. Tận dụng nguồn phân, gia đình tôi đã xây hầm biogas để làm chất đốt; xử lý chất thải bằng chế phẩm vi sinh Trichoderma để tưới và bón cho cây trồng, nên giảm đáng kể chi phí đầu tư phân hóa học nhưng năng suất cây trồng vẫn đạt mức khá cao” - ông Trần Biện chia sẻ và cho biết thêm nghề nào cũng vậy, khi mới bắt tay vào làm bao giờ cũng gặp vô vàn khó khăn bởi nó đòi hỏi đến nguồn vốn đầu tư, kiến thức khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm…, nhưng mình phải chịu khó, kiên trì và đam mê với nghề thì mới thành công.
Trong mọi công việc, ông Trần Biện đều xác định làm thế nào để tăng năng suất nhưng phải gắn liền với nâng cao chất lượng sản phẩm, nghề chăn nuôi bò sữa cũng vậy. Để thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, ông Trần Biện thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do ngành nông nghiệp huyện và xã tổ chức; tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và đặc biệt phải nắm vững các qui chuẩn kỹ thuật của công ty chăn nuôi bò sữa thì chất lượng sữa mới đảm bảo và có giá bán cao.
Mặc dù có những năm nhiều hộ dân ở Di Linh bỏ nghề chăn nuôi bò sữa để chuyển hướng sản xuất các ngành nghề kinh doanh khác, nhưng ông Trần Biện vẫn miệt mài, kiên trì và gắn bó với nghề. Đến năm 2010, khi phong trào nuôi bò sữa ở huyện Di Linh được khôi phục và huyện Di Linh xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, đặc biệt khi biết Công ty sữa Vinamilk đầu tư xây dựng trạm thu mua sữa tại xã Đinh Lạc, ông Trần Biện rất hứng khởi và đầu tư mở rộng chuồng trại, đồng thời phát triển đàn bò sữa lên 14 con.
Với kinh nghiệm nhiều năm, muốn có giống bò phát triển khỏe mạnh và chất lượng sữa tốt, ông Trần Biện luôn chú trọng từ khâu chọn giống cho đến khẩu phần thức ăn cho bò cũng như hệ thống chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và tiêm phòng định kỳ. Bên cạnh đó, để đảm bảo thức ăn cho bò, gia đình ông đã mạnh dạn phá bỏ gần 1 ha cà phê để trồng cỏ VA06, cỏ lá tre và cỏ voi. Trong số 14 con bò sữa của gia đình ông Trần Biện, hiện có 6 con đang cho khai thác sữa và đạt trung bình trên 100 kg sữa/ngày. Với giá thị trường thu mua sữa 14.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bình quân gia đình ông Trần Biện có thu nhập 18 triệu đồng/tháng và khoảng 15 tấn cà phê nhân/năm. Giờ đây, đời sống kinh tế của gia đình ông Trần Biện đã trở nên khá giả với tổng thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
“Là một người nông dân, tôi học ở Bác từ những điều giản dị, việc làm cụ thể, phải chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục con cái nên người có ích cho xã hội; biết tiết kiệm trong chi tiêu, giảm chi phí trong sản xuất và cần cù, chịu khó trong lao động; tích cực tham gia các phong trào xã hội tại địa phương” - ông Trần Biện nói.
Ông Trần Xuân Oánh - Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa nhận xét: “Trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông Trần Biện là một tấm gương sáng để bà con noi theo. Ông học ở Bác từ những việc rất thiết thực, gắn với đời sống hàng ngày như: tiết kiệm; nói ít nhưng làm nhiều; năng động trong lao động sản xuất… Ông Trần Biện không chỉ là một tấm gương sáng tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình, nhất là trong việc chăn nuôi bò sữa, mà còn là một trong những nhân tố tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Với những nỗ lực phấn đấu, ông Trần Biện đã trở thành một trong những gương sáng trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Hơn thế nữa, ông còn vinh dự được Huyện ủy Di Linh biểu dương là một trong 5 cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
LAM PHƯƠNG