
Về thăm xã Lát trong chuyến làm việc tiếp xúc với cử tri mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận: Xã Lát đã chuyển mình thực sự, đường sá đẹp hơn, rộng hơn, nhà cửa khang trang hơn, đời sống của nhân dân ngày một phát triển hơn nhiều.
Về thăm xã Lát trong chuyến làm việc tiếp xúc với cử tri mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận: Xã Lát đã chuyển mình thực sự, đường sá đẹp hơn, rộng hơn, nhà cửa khang trang hơn, đời sống của nhân dân ngày một phát triển hơn nhiều. Mong bà con người Kinh phát triển rồi hãy đoàn kết giúp đỡ bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cùng tiến bộ. Tin rằng, bức tranh toàn cảnh của xã Lát sẽ ngày càng đẹp hơn nhiều.
 |
Làng Cù Lần - một điểm du lịch của xã Lát thu hút du khách đến tham quan. Ảnh: N.Thu |
Quả đúng như vậy, nếu như vài năm trước đây xã Lát (Lạc Dương) còn gặp nhiều khó khăn thì đến nay đã thực sự khởi sắc. Và, bức tranh tuyệt đẹp về một xã Lát nằm ở trên cao nhìn xuống thung lũng, những con đường trải nhựa quanh co uốn lượn như những dải lụa mềm vắt ngang qua vạt rừng thông, bao bọc xung quanh là màu xanh của rừng, của cà phê, của những trang trại rau, hoa công nghệ cao... đã làm say đắm lòng người.
Xã Lát có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tình trạng sản xuất tự phát là chủ yếu nên chất lượng, hiệu quả sản xuất còn hạn chế, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí có nâng lên nhưng chưa đồng đều. Đến nay, xã Lát đã có nhiều đổi thay và khoác lên mình một “chiếc áo” mới. Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển; nhân dân đã tích cực, chủ động áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều hộ gia đình đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, dâu tây… đều tăng.
Tính đến 6 tháng đầu năm 2018, tổng diện tích gieo trồng thực hiện trên 1.242/1.537 ha, đạt 80,8% kế hoạch. Trong đó, chủ yếu là lúa, bắp, khoai, sắn, đậu... Ngoài ra các cây rau, hoa, atiso, dâu tây đã được bà con ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho năng suất, chất lượng cao. Không những thế, người dân nơi đây còn biết tận dụng tán rừng trồng các loại cây ngắn ngày như gừng, cà ri. Trồng xen canh các loại cây ăn trái, tre lấy măng, trồng macca xen canh cà phê được gần 44 ha cho thu nhập tăng thêm.
Riêng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nay đã tích cực chuyển đổi một phần diện tích cà phê sang trồng rau, hoa. Hiện, số hộ DTTS thực hiện chuyển đổi cây trồng là 57 hộ với diện tích 25,8 ha. Trong đó, có 6 hộ ở thôn Păng Tiêng I chuyển đổi 1,5 ha sang trồng khoai lang. Các hộ còn lại chủ yếu chuyển sang trồng rau, dâu tây, măng tây...
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của xã Lát đạt 145,2 ha; trong đó, rau 87,7 ha, hoa 57,5 ha. Bức tranh nông nghiệp ứng dụng công nghệ ngày càng khởi sắc, bởi đất đai phù hợp, khí hậu ôn đới mát mẻ thuận tiện cho cây trồng phát triển.
Trao đổi về việc kêu gọi đầu tư vào xã Lát, Chủ tịch UBND xã R’Ông K’Síu cho biết: Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự quan tâm chỉ đạo của các ngành cấp trên, xã Lát đã kêu gọi được một số nhà đầu tư vào địa bàn. Toàn xã hiện có 14 công ty, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, trong đó nổi bật là các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Điển hình như: Công ty Đường Trường Toản, Rừng Hoa Bạch Cúc, Đà Lạt GAP,… Hiện tại, các doanh nghiệp đang tổ chức liên kết thành lập tour du lịch canh nông theo hướng phát triển bền vững, bước đầu đã thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu du lịch canh nông, về bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây.
Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ và sâu hơn thì chúng tôi nhận thấy vẫn còn một bộ phận người dân chưa có tinh thần vươn lên, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cộng đồng và Nhà nước. Vẫn còn một vài tập tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành thói quen nên có chuyển biến chậm. Tình hình vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản còn xảy ra; quản lý đất đai còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong san ủi trái phép, khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra. Cơ sở hạ tầng tại các thôn, buôn được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí quy định. Tình trạng bà con còn thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn còn diễn ra. Nhiều hộ dân thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, không có kinh nghiệm, còn nặng về tập quán canh tác thô sơ, lạc hậu, còn chậm trong việc đầu tư chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao. Tình hình di dân tự do tại TK 111A đã thực hiện các biện pháp giải tỏa nhưng đến nay các hộ dân vẫn chưa ra khỏi địa phương. Tình trạng cho vay nặng lãi diễn ra phức tạp, hiện nay trên địa bàn xã có 34 hộ vay nặng lãi...
Về chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, xã Lát đạt 16/19 tiêu chí. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa nhận thức được họ là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới nên thiếu tích cực tham gia cùng với Nhà nước, còn có tư tưởng ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc vận động người dân đóng góp tiền và ngày công gặp nhiều khó khăn.
Nhìn nhận những thực tế còn khó khăn tại xã Lát, qua những kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chỉ đạo: Một số dự án kéo dài quá lâu trên địa bàn, chưa đầu tư đường sá để tạo thuận lợi trong đi lại cho bà con thì huyện và tỉnh phải sớm xử lý, giải quyết. Chính quyền phải quan tâm giải quyết cho bà con, hỗ trợ những khó khăn chính đáng cho bà con. Về việc cấp quyền sử dụng đất, tỉnh cần sớm đề nghị Trung ương và đề xuất giải pháp trên cơ sở những vướng mắc, khó khăn đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường có hướng xử lý. Lãnh đạo huyện, tỉnh cần triển khai chính sách kịp thời cho bà con khi có chủ trương, chính sách mới, phải thật sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ vì người dân không biết dựa vào ai. Quan tâm một cách đầy đủ, thực chất để giải quyết thỏa đáng những mong đợi của cử tri và nhân dân. Qua đó, lòng tin của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục được củng cố, tình đoàn kết giữa các dân tộc ngày một gắn bó hơn.
NGUYỆT THU